Chúng tôi dừng xe ngay bên cổng chợ Togi sầm uất để bước vào khu 4, P.Hải Hòa, TP.Móng Cái, Quảng Ninh. Nơi này cách cửa khẩu Bắc Luân chưa đầy nửa cây số, nên có thể nhìn rõ các tòa nhà cao tầng trên đất Trung Quốc.
Theo những con đường đất nhỏ, chúng tôi tiến vào dãy nhà lá với cỏ mọc rậm rì bên bờ mương, đường dây điện loằng ngoằng, tạm bợ. Khách du lịch hay những người buôn bán đến Móng Cái khó có thể hình dung ngay giữa trung tâm thành phố biên mậu sầm uất này lại có xóm nhà nghèo khổ, tạm bợ đến cùng cực.
Chị Nguyễn Thị Thục, 54 tuổi, rời quê An Lão, Hải Phòng ra đây từ năm 1996 than thở: “Tôi có hộ khẩu ở đây, nhưng giờ không có nhà. Trước tôi mua được 100 m2 đất khai hoang, nhưng xây nhà lên rồi lại bị đập đi vì chính quyền nói rằng đất nằm trong quy hoạch. Giờ tôi phải đi thuê nhà, 4 người ở trong căn nhà tạm rộng hơn 10 m2, giá 600.000 đồng/tháng”.
|
Chúng tôi đến nhà ông Nhữ Văn Viên, ở khu máng nước, khu 4, P.Hải Hòa và chứng kiến cảnh sống cùng cực của gia đình “cửu vạn” vùng biên. Ông Viên có hơn 40 năm tuổi đảng, là thương binh hạng 2/4, bị thương trong kháng chiến chống Mỹ, quê ở Yên Thọ, Ý Yên, Nam Định. Nhà ông chuyển ra Móng Cái từ năm 2000, nay có tới 12 người gồm vợ chồng ông, vợ chồng 3 đứa con và 4 đứa cháu. Tất cả sống trong căn nhà rộng 15 m2.
Theo chân ông Viên vào nhà, tôi suýt cộc đầu vì cửa quá thấp, bên trái là hai chiếc giường kê sát nhau, bàn thờ đặt trên một cây cột giữa nhà. Phía trái là nhà vệ sinh và một bể nước. Hai đứa trẻ đang ngồi chơi trên giường, liên tục dụi mắt vì khói từ cái bếp ở phía sau nhà. Ông Viên sức khỏe yếu nên ở nhà trông cháu, vợ ông ngoài 50 tuổi vẫn phải đi vác hàng qua biên giới để kiếm vài chục ngàn mỗi ngày.
Cảnh nhà ông Viên cũng giống như gần 20 hộ gia đình sống trong khu máng nước này, tất cả đều là nhà ở tạm, không sổ đỏ, không quyền sở hữu và có thể phải di dời bất kỳ lúc nào nếu chính quyền có quyết định giải tỏa.
“Chúng tôi đọc báo thấy nhà nước đang có chủ trương xây nhà xã hội nên rất mong tỉnh Quảng Ninh có chủ trương xây nhà giá rẻ để bán cho các gia đình thu nhập thấp như chúng tôi”, ông Viên bày tỏ mơ ước ấp ủ trong lòng.
Ông Viên còn có một lo lắng khác, đó là những đứa cháu ông khi lớn lên sẽ nhìn sang bên kia biên giới và hỏi nơi đó sao giàu có vậy, còn cuộc sống của chúng ở xóm nhà lá này lại quá nghèo túng, thiếu thốn. Ở nơi biên giới này, những so sánh, chênh lệch giàu nghèo không còn là giữa xóm này với xóm khác, mà sẽ là giữa quốc gia với quốc gia.
Nhìn dãy nhà tạm bằng tranh tre nứa lá, khói bếp đun bằng củi đóm bay lên nghi ngút, chúng tôi nghĩ đến mùa hanh khô và những làn gió xào xạc trên mái nhà. Một tàn lửa có thể sẽ trở thành trận hỏa hoạn kinh hoàng, tính mạng những đứa trẻ đang nô đùa trên giường kia sẽ bị đe dọa, những gia đình nghèo khó sẽ phải sống cảnh màn trời chiếu đất nếu những căn nhà này bị bà hỏa thiêu rụi.
Nói về hoàn cảnh ở xóm nhà lá, Ngô Văn Đường, Chủ tịch UBND P.Hải Hòa phân trần: “Chúng tôi biết người dân khu 4 đang thiếu nước sạch, đường đi chưa có, sống rất khổ sở. Tuy nhiên, đây là khu vực nằm trong quy hoạch dự án khu đô thị phía Bắc đại lộ Hòa Bình từ năm 2009. Dự dự án này chưa giải phóng mặt bằng nên hạ tầng mới chưa được đầu tư, nếu bỏ tiền cải tạo thì lại lãng phí bởi khi dự án triển khai sẽ phải làm lại. Mà có muốn đầu tư cũng không được vì năm nay quá khó khăn, ngân sách của phường, của thành phố cũng rất khó”.
Káp Long - Khánh Chung
>> Khoảng cách giàu - nghèo tiếp tục tăng
>> Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam
>> Khi chênh lệch giàu nghèo gia tăng
>> Sự chênh lệch giàu nghèo trong tình yêu có nên không?
>> Dân nghèo đói, vua vẫn sắm máy bay 50 triệu USD
>> Đến với dân nghèo phố thị sau lũ
>> Dự án "treo", dân nghèo lãnh đủ
>> Lo thuế môi trường làm tăng gánh nặng cho dân nghèo
>> Dân nghèo mướn chuyên gia... làm rẫy
Bình luận (0)