Bỏ việc vì con
Trong con hẻm 236 đường Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, có ít nhất 10 gia đình từ những miền quê lên ở trọ quanh Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí - nơi có trên 100 học sinh là trẻ TK. Chúng tôi theo chân một số bà mẹ trẻ đón con đi học về khu trọ cách trường chừng 50m. Tại đây, có 4 “gia đình TK” đang sống trong 3 phòng trọ. Chị Thắm, mẹ của bé Gia Hào (3 tuổi, quê Cà Mau), cho biết gần 1 năm nay chị phải gác công việc kế toán trưởng trong một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng để đưa con lên đây điều trị. Chồng chị công tác xa, còn đứa con gái lớn đang học lớp 7 cũng phải chuyển trường, sống với họ hàng. “Ở địa phương tôi, ngay cả trường tư chuyên dạy trẻ TK cũng chưa có. Chúng tôi buộc lòng phải bỏ nhà, bỏ việc làm, đưa con còn nhỏ dại lên thành phố ở trọ như vậy”, chị Thắm bộc bạch.
|
Ở cùng phòng chị Thắm còn có cô Ngọc, giáo viên một trường tiểu học ở tỉnh Gia Lai, và đứa con đầu lòng Bảo Ly (4 tuổi). Trước đó, mẹ con cô Ngọc tá túc tại nhà người quen nhưng chỗ ở khá xa trường, đi lại bất tiện. Thông cảm hoàn cảnh của cô Ngọc, chị Thắm đã kêu mẹ con cô về ở chung hơn 2 tháng nay. Giá phòng trọ mỗi tháng 3,5 triệu đồng, chị Thắm tự nguyện gánh hết.
|
Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, một thanh niên tên Huy (kỹ sư khu chế xuất Tân Thuận, Q.7) vội vã đi vào, hỏi chị Thắm: “Bé Khôi về đây chưa chị?”. Khi hay đứa cháu vẫn còn đợi ở trường, Huy tất tả đi ra. Khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi lên thăm phòng trọ, thấy Huy vừa nấu ăn xong, bắt đầu đút từng muỗng cơm cho cháu. Anh Huy kể Khôi là con của chị ruột ở ngoài Bình Định, được gửi vào học 3 tháng nay ở trường TK.
Cầm cự từng ngày
11 giờ 30, em Nguyễn Minh Tuấn (10 tuổi) chạy ào từ lớp học ra chỗ bà nội đang ngồi đợi ở góc sân trường. Câu đầu tiên chúng tôi nghe được từ cậu bé này là: “Nội ơi! Nội có bỏ con không?”. Như thường lệ, bà Châu Thị Tặng (62 tuổi) trấn an cháu: “Không đâu! Nội thương con, không bao giờ bỏ con”. Bà Tặng giải thích cha mẹ Tuấn ly hôn khi bé 6 tuổi. Người cha (nhận nuôi Tuấn) là tài xế, thường xuyên vắng nhà. Hai bà cháu hiện tá túc ở nhà cô ruột Tuấn ở xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Hằng ngày, từ 5 giờ 30 sáng, bà cháu đi bộ gần 1 cây số để đón xe buýt lên TP.HCM. Bà Tặng cho biết, do không còn tiền đóng bán trú nên 8 tháng nay, bà đã xin cho Tuấn chỉ học 1 buổi/ngày (với mức phí 3 triệu đồng/tháng). “Không biết cháu nó còn được đi học đến ngày nào, bởi trợ cấp của cha nó và bên ngoại rất bấp bênh. Tui mong cháu biết viết biết đọc rồi học nghề gì đó để tự mần nuôi thân khi không còn tui bên cạnh”, bà Tặng ngậm ngùi.
Ông P.N.H (51 tuổi, tài xế một công ty tư nhân ở Q.7, TP.HCM) tâm sự thường ám ảnh bởi câu hỏi mà ông luôn muốn tránh né: Đến lúc nào đó, ông không còn sức đi làm nữa thì số phận hai đứa con khuyết tật của ông sẽ ra sao? Bao năm nay, vợ ông phải ở nhà lo cho đứa con gái lớn bại liệt. Còn đứa con trai nhỏ bị TK được gửi vào Trường chuyên biệt Anh Vương gần 4 năm qua. Nhà trường đặc biệt ưu ái, giảm học phí cho cháu bé này gần 4 triệu đồng/tháng (chỉ còn đóng 1 triệu đồng/tháng - bán trú). Tuy vậy, cả gia đình ông H. vẫn luôn chật vật xoay xở trong khoản thu nhập chưa đến 5 triệu đồng/tháng của ông.
TS-BS Huỳnh Tấn Mẫm, sáng lập Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, nhận xét: “Trẻ TK ngày càng được phát hiện nhiều nhưng xã hội chưa quan tâm đúng mức. Luật người khuyết tật nước ta hiện vẫn chưa đề cập đối tượng TK. Đặc biệt, trên cả nước chưa có trường công chuyên về TK mà thường tập trung đa dạng tật, trong đó có trẻ TK”.
“Tuổi vàng” can thiệp Mới đây, cuốn Sổ tay tự kỷ của bác sĩ (do Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí dịch từ quyển Autism physician handbook của Tổ chức Hans - Hãy giúp trẻ tự kỷ ngay bây giờ) đã ra mắt. Theo đánh giá của giới chuyên môn, quyển sách này là cẩm nang cần thiết cho bác sĩ, chuyên viên trị liệu, giáo viên cũng như phụ huynh nhận biết rõ hơn những dấu hiệu của chứng TK, từ đó có những chẩn đoán và can thiệp sớm. Thông qua Báo Thanh Niên, TS-BS Mẫm nhắn gửi những người có nhu cầu nhận quyển sổ tay trên, liên hệ: 08.35180184 hoặc email: khaitrichuyenbiet@gmail.com để được cung cấp. |
Như Lịch
>> Gần 5.000 người đi bộ vì trẻ tự kỷ
>> Nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ
>> Trẻ sinh non dễ bị tự kỷ
Bình luận (0)