Xôn xao thu hồi điện thoại, máy tính bảng hết hạn - Kỳ 2: 'Giật mình' vì... không có hạn sử dụng

17/10/2014 12:40 GMT+7

(TNO) Với mục đích làm sạch môi trường, từ ngày 1.1.2015, việc triển khai Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ sẽ được triển khai mạnh mẽ. Tất cả điện thoại di động , máy tính bảng... hết thời hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, trong thực tế, các thiết bị này đa số không ghi rõ hạn sử dụng.

>> Xôn xao thu hồi điện thoại, máy tính bảng hết hạn - Kỳ 1: Hiểu thế nào cho đúng?

 ‘Giật mình’ vì ĐTDĐ và máy tính bảng không ghi hạn sử dụng
Trên vỏ hộp một sản phẩm smartphone chỉ ghi thông tin về thời gian sản xuất máy - Ảnh Thành Luân

Hạn sử dụng không có

Theo ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động Mai Nguyên, từ trước đến nay, các thiết bị viễn thông như điện thoại di động, tablet, loa, thiết bị máy tính... đều chưa thấy ghi hạn sử dụng cụ thể trên sản phẩm.

 

 

Chúng tôi vào một cửa hàng Thế giới Di động ở TP.HCM hỏi mua một mẫu điện thoại di động mới, đồng thời hỏi luôn về hạn sử dụng của sản phẩm, thì nhân viên tại đây tỏ vẻ ngạc nhiên.

Nhân viên cửa hàng này cũng cho biết từ trước đến nay chưa hề nghe đến việc sản phẩm di động có hạn sử dụng, mà chỉ có thời gian bảo hành máy.

Họ cũng nhấn mạnh rằng sản phẩm khi đã bán ra thì quyền sở hữu sản phẩm thuộc về khách hàng, nên việc bán lại hay bỏ đi, hoặc để cơ quan chức năng thu hồi khi quá hạn sử dụng, hoàn toàn là do khách hàng tự giác.

Hiện nay, quy trình của các nhà sản xuất thiết bị điện tử là chỉ ghi tháng và năm sản xuất lên vỏ hộp. Thậm chí, trong sách hướng dẫn sử dụng sản phẩm (đi kèm theo khi mua máy mới) cũng không hề đề cập đến thời gian sử dụng tối đa của sản phẩm, có chăng chỉ là thông tin về chính sách và thời gian bảo hành.

Ngoài ra, thói quen của người dùng các thiết bị di động hiện nay là sử dụng sản phẩm cho đến khi thiết bị gặp lỗi, hoặc hư hoàn toàn, hoặc đã quá lạc hậu, mới bỏ thiết bị.

Vì thế, nếu quyết định này được triển khai, nhà sản xuất cần phải thông tin rõ về hạn sử dụng sản phẩm cho khách hàng, ông Triều Nguyên cho biết.

Theo ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh của chuỗi bán lẻ FPT Shop, hiện nay vì chưa có quy định hay hướng dẫn về thời hạn sử dụng các sản phẩm công nghệ từ các nhà sản xuất, nên việc xác định "điện thoại nào đã quá hạn sử dụng" là không dễ. FPT Shop chỉ có thể đưa ra biện pháp hỗ trợ khi nhận được quy định về cách thức kiểm tra/thu hồi chính thức các sản phẩm này.
 
Nếu áp dụng quy định, FPT Shop sẽ sử dụng 150 điểm bán hàng trên phạm vi cả nước của mình để làm nơi tiếp nhận sản phẩm thuộc diện thu hồi. 

Chờ thông tư hướng dẫn

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina, cho biết việc góp phần bảo vệ và giảm thiểu tác động đến môi trường là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển của Samsung. Vì vậy, sau khi nhận được thông báo về quyết định 50/2013/QĐ-TTg, Samsung đã chủ động liên hệ với các bộ, ban ngành và hiện vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài nguyên - Môi trường về quy trình thu hồi và xử lý rác thải điện tử.

Ông Đạo cũng cho biết đối với các sản phẩm điện tử nói chung, thì các thiết bị này chỉ có hạn bảo hành chứ không có hạn sử dụng.

 ‘Giật mình’ vì ĐTDĐ và máy tính bảng không ghi hạn sử dụng 2
Sách hướng dẫn máy cũng chỉ ghi về thông tin bảo hành của máy - Ảnh Thành Luân

Ngoài ra, ông Đạo còn cho biết phạm vi ảnh hưởng của quyết định nói trên không chỉ là điện thoại di động hay máy tính bảng mà còn liên quan đến nhiều thiết bị điện tử khác như: máy tính để bàn, màn hình, máy in, đầu đĩa, tủ lạnh, máy giặt...

Như vậy, vai trò của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị liên quan là cần phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, thỏa thuận với người dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi… Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện tử cần chuẩn bị việc này để góp phần tích cực bảo vệ môi trường.

Một điện thoại cũ bằng một cây xanh

Trao đổi với Thanh Niên Online, bà Lê Ngọc Vy, Trưởng bộ phận truyền thông của Nokia tại Việt Nam, cho biết công ty Microsoft (sở hữu Nokia) vẫn đang triển khai chương trình thu hồi điện thoại hoặc linh kiện cũ của Nokia không còn sử dụng. Nokia tổ chức thu hồi tại các điểm bảo hành trên phạm vi cả nước, sau đó xử lý theo quy định của nhà nước.


Một số hãng điện thoại đã triển khai chương trình thu hồi điện thoại cũ
ở Việt Nam - Ảnh minh họa: Thành Luân

Microsoft cũng đã triển khai thêm chương trình “Một điện thoại, một cây xanh” tại Huế. Cụ thể, cứ mỗi một sản phẩm không còn sử dụng mà khách hàng đem đến các điểm bảo hành của Nokia, Microsoft sẽ trồng thêm một cây xanh cho rừng ngập mặn Việt Nam. Chương trình này còn đưa ra ý tưởng mỗi một cây xanh trồng trong rừng ngập mặn như vậy sẽ mang tên của chính khách hàng. Microsoft dự định nhân mô hình này ra rộng khắp các thành phố tại Việt Nam.

Tương tự, đại diện của Sony tại Việt Nam cũng cho biết bắt đầu từ năm 2009, Sony đã triển khai chương trình thu hồi tất cả các thiết bị linh kiện, sản phẩm cũ không còn được sử dụng của Sony. Điểm thu hồi đặt tại các cửa hàng bảo hành ủy quyền của Sony. Khi thu hồi, Sony sẽ tiêu hủy hoặc tái chế các thiết bị điện tử cũ theo đúng quy định của nhà nước.

Chưa chuẩn bị kịp quy trình thu hồi

Ông Lê Văn Khoa, nguyên Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, hiện công tác tại Đại học Bách khoa TP.HCM, cho hay với tình hình hiện tại thì quyết định này khó khả thi.

Lý do, theo ông Khoa, là nhìn vào thực tế hiện nay, chưa có doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện tử chuẩn bị cho việc thu hồi hay tái chế sản phẩm. Doanh nghiệp cũng chưa xây dựng các hệ thống đại lý thu gom các sản phẩm hết hạn sử dụng, thu hồi để làm gì…


Nhiều người tiêu dùng cảm thấy băn khoăn trước quy định thu hồi điện thoại quá hạn sử dụng - Ảnh: Thành Luân

“Việc kiểm tra, xử phạt, cưỡng chế trong trường hợp doanh nghiệp không chịu thu hồi cũng chưa thấy quyết định nhắc tới. Việc tuyên truyền liên quan đến thu hồi các sản phẩm điện tử chưa sâu rộng khiến người tiêu dùng, thậm chí doanh nghiệp chưa hiểu”, ông Khoa nói.

Về kinh nghiệm ở các nước tiên tiến, ông Khoa cho biết ngoài việc chuẩn bị tốt công tác thu hồi, tái chế sản phẩm, hệ thống thu gom, xử phạt, các nước còn có chính sách, biện pháp khuyến khích trong việc thu hồi các sản phẩm điện tử hết hạn sử dụng.

Ông Khoa nói: “Biện pháp đó là buộc người mua phải ký quỹ hoàn chi. Ví dụ sản phẩm có giá 5 đồng nhưng khi mua, người mua phải trả 6 đồng. Khi sản phẩm hết hạn sử dụng, nếu đem trả lại, người mua sẽ được trả lại 1 đồng. Cách làm này rất hiệu quả khuyến khích người mua phải nộp lại sản phẩm hết hạn đúng nơi đúng chỗ”.

Trung Hiếu (ghi)

Thành Luân

>> Từ năm 2015 thu hồi điện thoại di động hết hạn
>> Đã thu hồi được chiếc điện thoại của phạm nhân lướt Facebook trong trại giam
>> Hà Nội đình chỉ lưu hành ô tô hết niên hạn sử dụng
>> Phát hiện hàng trăm xe ô tô đang lưu thông dù đã hết niên hạn sử dụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.