Xót xa chàng trai 2 lần 'lỗi hẹn' thi tốt nghiệp THPT vì bệnh ung thư

11/08/2020 16:38 GMT+7

Dù 12 năm là học sinh giỏi nhưng Nhật chưa thể có bằng THPT vì căn bệnh ung thư máu quái ác hành hạ, 2 lần không được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bạn bè đi thi, mình vào bệnh viện

Ngày 11.8, khi hàng ngàn thí sinh trên cả nước đã kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi tìm đến Khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên, nơi Lê Hoàng Nhật (19 tuổi, trú TT.Phước An, H.Krông Pắk, Đắk Lắk), thí sinh đã 2 lần “lỡ hẹn” với khoa cử đang điều trị căn bệnh ung thư máu.

Ông Quân chăm sóc con trai tại bệnh viện

Ảnh; Hoàng Bình

Nhật cho biết năm nay em đăng ký thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Krông Pắk) với SBD 40010915. Thế nhưng, căn bệnh ung thư máu đã khiến em lần nữa phải bỏ dở kỳ thi tốt nghiệp THPT, gác lại những ước mơ, hoài bão của tuổi thanh xuân.
Vào tháng 5.2019, khi đã hoàn thành thi học kỳ 2, lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Nhật đổ bệnh, phải nhập viện. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, em bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy trên nền ung thư máu.

Hơn 1 năm chống chọi căn bệnh nan y khiến thân thể Nhật trở nên tiều tụy

Ảnh: Hoàng Bình

Khi bạn bè cùng trang lứa bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019, cũng là khi Nhật phải điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học (TP.HCM). Gia đình, nhà trường đã có đơn xin xét đặc cách tốt nghiệp cho em nhưng Sở GD-ĐT Đắk Lắk không chấp nhận vì không đủ điều kiện.
Năm nay, thấy sức khỏe ổn hơn, Nhật cũng đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, mong lấy được tấm bằng THPT. Thế nhưng, gần đến ngày thi em lại đổ bệnh, lại phải vào BVĐK vùng Tây Nguyên để điều trị cho đến nay.

Giấy khen của Nhật đat giải nhất cuộc thi cấp trường Đường lên đỉnh Olympia

Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ từ gia đình, năm 2018, Nhật đoạt giải nhất (của khối 11) trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức. Ngoài ra, Nhật cũng tham dự nhiều cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đạt thành tích cao.
Bác sĩ Nguyễn Viết Luân, người trực tiếp điều trị cho Nhật, chia sẻ: “Bệnh của Nhật cần điều trị lâu dài, bổ sung máu liên tục. Tuy nhiên, việc truyền máu chỉ điều trị được phần ngọn, muốn trị phần gốc phải đến các bệnh viện hiện đại hơn để thăm khám và đưa ra các phác đồ điều trị như hóa trị, ghép tủy… với chi phí khá cao”.

Ước mơ tự vào phòng thi

Vừa sửa lại vạt áo cho con, ông Lê Hồng Quân (52 tuổi, bố Nhật) vừa kể: “Mỗi lần khỏe, Nhật lại lấy sách ra học. Cháu nó chỉ mong đủ sức để được bước vào phòng thi, được làm bài thi để sống cho trọn vẹn không khí của tuổi học trò; thế nhưng…”, giọng người cha nghẹn lại, ông vội quay đi lau dòng nước mắt rồi nắm chặt lấy tay cậu con trai.
Lặng đi một lúc, ông Quân nói tiếp, hơn một năm nay, gia đình ông đã bán hết 4 sào rẫy, đưa con trai ngược xuôi hàng chục chuyến ở các bệnh viện để chạy chữa. Biết bệnh tình con rất nặng, chi phí tốn kém nhưng ông chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. “Tôi còn cái nhà, nếu kẹt quá thì bán nốt. Con là tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi, tôi phải làm tất cả vì con. Dù bệnh tình nặng nhưng suốt thời gian qua, Nhật luôn tỏ thái độ lạc quan, không một lời rên rỉ. Tôi cũng luôn động viên con cố gắng và hy vọng một ngày nào đó con sẽ khỏe lại”, ông Quân nói.

Giấy khen danh hiệu học sinh giỏi của Nhật năm học 2018-2019

Ảnh: NVCC

Nhật là con trai út trong gia đình có 2 chị em. Những ngày còn khỏe mạnh, em thường nói với bố mẹ về mơ ước trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin hoặc một lập trình viên máy tính. Em cũng dự tính nếu thi đậu tốt nghiệp, sẽ nộp hồ sơ vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM. Nào ngờ, mơ ước ấy còn dở dang. Đau lòng hơn, em là học sinh giỏi 12 năm liền nhưng chưa thể có tấm bằng THPT.

Nhật (ôm nón xanh) chụp ảnh kỷ yếu cùng bạn học

Ảnh: NVCC

Nằm trên giường bệnh, Nhật tâm sự rằng em rất muốn đủ sức khỏe, tự bước vào phòng thi, tự vượt qua thử thách bằng kiến thức đã học để có được tấm bằng tốt nghiệp. "Em thèm cảm giác hồi hộp, lo âu của tuổi học trò trong phòng thi, muốn tự vượt qua kỳ thi bằng kiến thức mình đã học. Thế nhưng bệnh tật đeo đẳng, cần thời gian chữa trị lâu dài, ước mơ của em phải gác lại…".

Ngành giáo dục nói gì ?

Ông Võ Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Krông Pắk), cho hay ông về nhận công tác tại trường chưa lâu nhưng cũng nắm sơ bộ về trường hợp của Nhật.
Ông Phong cho biết: "Nhật là một học sinh giỏi 3 năm liền của trường, tính tình ngoan hiền. Năm trước, nhà trường đã làm hồ sơ xin xét đặc cách cho Nhật nhưng trường hợp của em không đủ điều kiện. Năm nay, Nhật cũng đăng ký dự thi, ước mơ tốt nghiệp THPT nhưng lại đổ bệnh. Suốt 12 năm Nhật là học sinh giỏi nhưng giờ chưa lấy được tấm bằng THPT, tôi và các thầy cô trong trường rất thương, đã nhiệt tình giúp đỡ nhưng không được’’.
Còn theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, ông chưa nắm được trường hợp của em Nhật. Tuy nhiên, việc Sở đã trả lời em Nhật không đủ điều kiện xét đặc cách năm 2019 thì chắc chắn là trả lời đúng. “Có thể em Nhật không thuộc diện các thí sinh được xem xét đặc cách theo quy định. Nếu em Nhật đủ điều kiện, tất nhiên Sở sẽ chấp nhận”, ông Khoa trao đổi.
Liên quan đến trường hợp của Nhật, ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Khảo thí kiểm định chất lượng giáo dục và Công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho rằng chiếu quy định hiện hành, em Nhật không thuộc diện được xét đặc cách thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, năm nay tỉnh Đắk Lắk chia ra 2 đợt thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đợt 2 gồm các thí sinh thuộc diện F1, F2 và thí sinh tại TP.Buôn Ma Thuột. Em Nhật đã đăng ký thi đợt 1, hiển nhiên không thuộc 2 trường hợp trên và không đủ điều kiện thi đợt 2. "Hoàn cảnh em Nhật như vậy thì rất đáng thương. Tuy nhiên, quy chế của ngành giáo dục thì không dễ thay đổi. Các trường hợp xét đặc cách đều phải trình Bộ GD-ĐT xem xét và phải thực hiện đúng các quy định của ngành", ông Chương thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.