Sáng 29/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 15 nhằm đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2011 và chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng trong những tháng cuối năm 2011.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
|
Đạt những kết quả tích cực
Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã bám sát và phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị của đất nước, tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên cả 2 mặt là phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 25 cuộc thanh tra, tập trung vào việc chấp hành pháp luật tại một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, tại một số dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn lớn, việc hỗ trợ lãi suất ở một số ngân hàng thương mại…, đã kết thúc và ban hành 12 kết luận thanh tra.
Tổng hợp từ các cuộc thanh tra đã kết luận, phát hiện thiếu sót, sai phạm gần 1.915 tỷ đồng, trên 1.430 ha đất; kiến nghị thu hồi 1.055,5 tỷ đồng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 692 tỷ đồng.
Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai 4.032 cuộc thanh tra, kết thúc 2.457 cuộc, phát hiện sai phạm kinh tế 1.194 tỷ đồng, 539,6 ha đất; kiến nghị thu hồi về cho nhà nước 314 tỷ đồng, 510 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 228 tập thể, 661 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 11 vụ việc, 23 người.
Tính đến ngày 15/6/2011, Kiểm toán Nhà nước triển khai 60 cuộc kiểm toán theo kế hoạch năm 2011.
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của năm 2009, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền 14.579,8 tỷ đồng, đã thực hiện 8.639,6 tỷ đồng.
Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 100/184 bị can về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2010 tăng 5% về số vụ và 3% về số bị can); truy tố 123 vụ/245 bị can về các tội danh tham nhũng; xét xử sơ thẩm 97 vụ/258 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
Đối với 13 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo, đến nay đã xét xử sơ thẩm 1 vụ; tòa án đang thụ lý 2 vụ; Viện kiểm sát đang thụ lý 2 vụ; cơ quan điều tra đang điều tra 7 vụ, tạm đình chỉ 1 vụ.
Về 12 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo giao Văn phòng Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, đến nay đã xét xử 3 vụ; đang xét xử sơ thẩm 1 vụ; tòa án đang thụ lý 5 vụ; cơ quan điều tra đang điều tra 2 vụ và tạm đình chỉ 1 vụ.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Ban Chỉ đạo xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2011 như sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng…; hoàn thành Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện và ban hành một số văn bản pháp luật về Công ước phòng, chống tham nhũng.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa được đặc biệt nhấn mạnh là sẽ tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.
Cụ thể, tập trung giải quyết dứt điểm 11 vụ án còn lại trong 13 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo đang chỉ đạo, đôn đốc; 9 vụ án còn lại trong 12 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo giao Văn phòng Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc; 5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà Ban Chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo.
|
Đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt, từ công tác phát hiện, phòng ngừa tới xử lý các hành vi, vụ án tham nhũng…
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, việc một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác này, một số vụ án tham nhũng còn chậm xử lý, để kéo dài…
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm những vụ án tham nhũng còn tồn đọng kéo dài, nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
“Việc xử lý những vụ án tham nhũng bị chậm, kéo dài phải xác định rõ nguyên nhân do đâu, vướng mắc ở đâu thì phải tháo gỡ ở đó”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các Bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhất là ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Xử lý sai phạm tại Vinashin: Nghiêm minh, đúng người, đúng tội
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã nghe đại diện Bộ Công an báo cáo kết quả sau 10 tháng điều tra về những sai phạm ở Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); thảo luận, cho ý kiến về hướng xử lý tiếp theo đối với vụ Vinashin thời gian tới.
Ghi nhận các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt trong việc xem xét, xử lý vụ việc Vinashin, Thủ tướng nhấn mạnh, vụ việc này phải được xem xét, xử lý với tinh thần chung là kiên quyết, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… Làm tốt công tác thông tin cho nhân dân biết, hiểu đúng về vụ việc, không để dư luận hiểu lầm là “đầu voi, đuôi chuột”. Trong quá trình điều tra vụ việc Vinashin, phát hiện cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ tiếp tục được đưa ra xem xét, xử lý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, là đất nước có đường biển dài, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là duy trì và phát triển ngành đóng tàu thủy, việc tái cấu trúc toàn diện Vinashin đang được chỉ đạo thực hiện quyết liệt và khẩn trương nhằm tiếp tục đưa ngành công nghiệp đóng tàu thủy của nước ta ổn định và phát triển.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)