Xử lý tài sản bất minh vẫn rối

26/10/2018 08:07 GMT+7

Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi thảo luận tại hội trường ngày 25.10, tiếp tục 'hút' được nhiều ý kiến thảo luận của các ĐB, đặc biệt là vấn đề xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tài sản này là tài sản mà người sở hữu cũng như cơ quan quản lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Trình bày báo cáo tiếp thu của ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), bà Nga cho biết, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án xử lý tại tòa án đối với loại tài sản này.
Tuy nhiên, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên UBTVQH đề nghị QH cho ý kiến về 2 phương án: xử lý tại tòa và thu thuế.
Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐB cho rằng, phương án xử lý tại tòa mà UBTVQH lựa chọn thiếu cơ sở pháp lý và không khả thi.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, để phương án xử lý tại tòa được thông qua và khả thi thì cần làm rõ 2 vấn đề: Thứ nhất, đưa ra tòa thì nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản sẽ thuộc về tòa án, tuy nhiên, việc chứng minh này không đơn giản. Hai là, nếu giao cho tòa án thì tòa sẽ có thêm nhiệm vụ như vậy có quá tải cho tòa hay không trong khi luật chưa quy định về việc tạo nguồn lực để giải quyết nhiệm vụ này? “Nếu hai vấn đề này chưa giải quyết được và cảm thấy không giải quyết được thì nên chuyển sang phương án thứ 2 (thu thuế thu nhập cá nhân - PV)”, ĐB tỉnh Kon Tum nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thẳng thắn cho biết, qua nghiên cứu đứng trên cả phương diện tình cảm và trách nhiệm ông thấy cả 2 phương án này đều không đảm bảo. Vì nếu chuyển qua tòa án, thì ngoài tổ chức bộ máy, tăng biên chế nó còn làm hình sự hóa trá hình việc thu hồi tài sản. Còn nếu đánh thuế sẽ có thể dẫn tới thuế chồng lên thuế.
Ông Nhưỡng nêu: “Hiện nay biện pháp đã và đang làm là tài sản mà có nghi vấn thì dứt khoát phải điều tra, chúng ta hoàn toàn có quyền làm. Nếu tham nhũng thì tịch thu, chứ không có chuyện dùng 2 biện pháp nửa chừng”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần phân chia tài sản này ra làm nhiều loại. Tài sản không khai báo là vi phạm kỷ luật cán bộ công chức, nhưng khi tìm hiểu tài sản đó có thể hoàn toàn hợp pháp thì không xử lý tài sản. Loại thứ 2, khi tìm hiểu thấy tài sản đó có vấn đề, có thể là không đóng thuế thì bây giờ thu thuế thu nhập cá nhân. Cũng có loại phải chuyển cơ quan điều tra.
Giải trình thêm tại cuối phiên thảo luận, bà Lê Thị Nga đề nghị, do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên UBTVQH sẽ xin ý kiến QH bằng phiếu.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước dễ có tác động ngoài ý muốn
Thảo luận về dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước chiều 25.10, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói, ông e ngại luật sẽ có những tác động ngoài ý muốn, thậm chí là tiêu cực với chính sách đẩy mạnh công nghiệp 4.0 hiện nay. Theo ĐB Nghĩa, quy định phạm vi bí mật nhà nước tại điều 7 dự luật quá rộng.
ĐB Trần Quốc Khánh thì cho rằng, quy định tại điều 7 về phạm vi bí mật nhà nước của dự luật so với luật Tiếp cận thông tin có nhiều điểm chồng chéo khi luật Tiếp cận thông tin thì mở, yêu cầu thông tin phải công khai thì luật này lại quy định đó là thông tin thuộc bí mật nhà nước. “Chẳng hạn như lĩnh vực TN-MT, đất đai, hiện nay 70% vụ khiếu nại tố cáo liên quan tới đất đai nhưng chúng ta lại đóng khung vào đây là bí mật. Quy định quá chung thế này thì những vụ như Thủ Thiêm hay các vụ mà người dân không tìm được bản đồ trước đây thì có lẽ không bao giờ giải quyết được về đất đai vì bị đưa vào bí mật hết”, ĐB Khánh dẫn chứng và đề nghị hoặc bỏ quy định hoặc phải quy định thật chi tiết, cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.