Xuân ca

01/01/2005 15:46 GMT+7

Bài hát trong phim State fair, It might as well be spring là lời một cô gái mới lớn, vồn vã đón nhận cuộc sống tươi đẹp, khao khát được biết những điều mới lạ. Ca khúc này trở nên rất kinh điển, được diễn tấu lại bởi Nina Simone, Andy Williams cho đến nhóm Jazz Ahead vừa diễn tại Liên hoan nhạc jazz châu u ở Việt Nam vừa qua.

Các bài hát về mùa xuân khác cũng thường tràn ngập tình yêu và sự phấn khởi, luôn có tiếng chim hót như Their hearts were full of spring của Beach Boys hay Spring fever của Loretta Lynn, nữ ca sĩ nhạc đồng quê năm rồi trở lại ấn tượng với Van Lear rose được 5 đề cử Grammy.

Mùa xuân mang đến những cảm giác mới, làm mới không chỉ thiên nhiên mà cả tâm hồn con người. John Denver kể về album Back home again năm 1974 với bản nhạc bất hủ Annie's song, bài hát mà ông đã viết về Ann Martel, người yêu từ thuở trung học và là vợ của ông. Bài hát nảy ra khi ông đang trượt tuyết, lúc đó, mối quan hệ giữa ông và vợ vừa trải qua

Dan Fogelberg

một giai đoạn khá gay go nhưng họ đã vượt qua được và trở nên gần gũi, thắm thiết hơn bao giờ hết. "Tôi vừa trượt xuống một đoạn dốc dài và bước lên thang máy để trở lại đỉnh, khi trong thang máy, tim tôi đập thật nhanh, chân mỏi nhừ và ngay lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng thật tuyệt vời khi được sống, không khí xung quanh thật trong lành, bầu trời thật trong xanh, điều đó tràn đầy các giác quan của tôi. Tôi lại nghĩ về những điều khác, những điều đã đong đầy các giác quan của mình và tôi nghĩ về tình cảm, mối quan hệ của mình, ngập tràn như bóng đêm trong rừng thẳm, như núi non trong mùa xuân". (You fill up my senses - Like a night in the forest - Like the mountains in springtime - Like a walk in the rain - Like a storm in the desert - Like a sleepy blue ocean). Cho đến khi thang máy đi gần đến đỉnh, bài hát gần như đã được viết xong trong đầu John Denver, ông chạy ngay đến xe của mình, lấy cây đàn guitar và bắt đầu hát lại bài hát vừa sáng tác. Ngày 27/7/1974, Annie's song đã đạt hạng nhất trong bảng xếp hạng Billboard. Trước đó, John từng viết một tổ khúc mang tên Season suite: summer, fall, winter, late winter/early spring, spring, mô tả mùa xuân chi tiết hơn và vẫn thể hiện tình yêu cuộc sống, tâm trạng sảng khoái mà không gian xung quanh mang đến.

Mùa xuân cũng khởi đầu câu chuyện mà Dan Fogelberg kể trong bài Sutter's mill. Fogelberg - người thuật chuyện với những bối cảnh xúc động và rất thực trong Same old lang syne, Sweet magnolia, Seeing you again - đã kể lại câu chuyện tìm được vàng tại xưởng cưa của John Sutter ở California năm 1847 dẫn đến cuộc đổ xô đi tìm vàng: "Mùa xuân năm 1847, già John Sutter đến xưởng cưa và tìm được mẩu vàng lấp lánh...". Trong dòng người ào ạt dưới sức hút của vàng, "có kẻ thất bại, có kẻ thành công, có người chết, có người giết kẻ khác, có người cám ơn Thượng đế, có kẻ nguyền rủa xưởng cưa của John Sutter", và rồi "đến mùa xuân năm 1860, họ đã mở rộng và chinh phục miền Viễn Tây". Câu cuối của bài hát cũng dùng lại động từ "fill" như ở Annie's song nhưng ở thể phủ định "Some men's thirsts are never filled", túi tham của lắm kẻ chẳng bao giờ đầy.

Đức Quỳnh dựa trên ý thơ của Nguyễn Bính để viết nên Thoi tơ chẳng màng luyến tiếc mùa xuân. Nhưng Hasta manana của ABBA, nhịp điệu khoan thai dìu dặt lại là một hoài niệm đầy nuối tiếc rằng tuổi thanh xuân đã qua, những mùa xuân, mùa hè trước đây từng được xem như "của chúng ta" nay không còn nữa, những giấc mơ tuổi trẻ cũng không còn, nhưng mãi mãi vẫn tồn tại một tình yêu bất diệt.

Nhưng vẫn có những cuộc gặp gỡ mùa xuân khiến lòng day dứt. "Gặp em trong giấc xuân, em đang quan tâm đến cuộc sống của em còn tôi cũng chỉ biết đến mình. Nhưng rồi khi em hướng nhìn về tôi, có cảm giác thật lạ lẫm...". Sad to belong của England Dan và John Ford Coley là cảm giác chẳng ai muốn có khởi nguồn từ một ngày xuân...

Trí Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.