Xung quanh sự việc tại ĐH Quy Nhơn: Trường phải giải trình với Bộ GD-ĐT

10/04/2008 00:05 GMT+7

Sau loạt bài về những việc làm của ông Trần Tín Kiệt, hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn, gây bức xúc cho cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT để làm rõ những vấn đề liên quan.

Thành lập đoàn thanh tra

Ông Phạm Ngọc Trúc - Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 30.3 đăng bài Coi thường tính mạng của sinh viên..., Thanh tra Bộ đã trao đổi với Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ ĐH, Sau ĐH thống nhất quan điểm là để trường giải trình, sau đó lãnh đạo Bộ sẽ có ý kiến chỉ đạo. Ngày 4.4, Thanh tra Bộ đã có văn bản yêu cầu trường ĐH Quy Nhơn phải xem xét, xác minh nội dung báo đăng và báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 15.4.

Bộ đang thẩm định thông tin và sẽ phối hợp với các vụ chức năng trong Bộ, các cơ quan liên quan để xem xét vấn đề báo nêu. Bộ cũng đã có chủ trương thành lập đoàn thanh tra, nhưng phải đợi sau khi nhận được giải trình đầy đủ của trường.

Quan điểm của Vụ Kế hoạch tài chính chưa ổn

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng trái phép của ĐH Quy Nhơn, ông này cho rằng: "Những công trình được xây dựng do nguồn tự có của trường mang tính chất là phục vụ yêu cầu đào tạo và sinh hoạt của cán bộ, giáo viên trong nhà trường thì thuộc thẩm quyền của nhà trường… Có thể trường có nhiều công trình, có công trình xây dựng mới, có công trình cải tạo nâng cấp, không phải công trình nào cũng phải xin phép"! Khác với quan điểm này, các cơ quan chức năng tại Quy Nhơn cho rằng các công trình của ĐH Quy Nhơn không nằm trong danh mục miễn cấp phép xây dựng tại khoản 3, điều 39 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8.7.1999 của Chính phủ. Thế nhưng, bất chấp 2 lần đình chỉ thi công của Thanh tra Sở Xây dựng Bình Định yêu cầu ông Kiệt (chủ đầu tư) lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng, nhưng ông này vẫn không chấp hành.

Về nguyên tắc, việc xây dựng công trình ở ĐH Quy Nhơn phải xin giấy phép tại cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ở địa phương. Nếu nói như lời ông Ngữ: "Những công trình được xây dựng do nguồn tự có của trường… thì thuộc thẩm quyền của nhà trường" làâ vi phạm pháp luật. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT có thể phê duyệt kinh phí, dự án... cho trường, chứ không thể nào cấp phép xây dựng!

Nói về "sáng kiến" không trông giữ xe bằng phiếu mà bắt giáo viên và SV phải tự trông giữ xe của mình bằng khóa, ông Ngữ cho rằng: "Anh Kiệt có nói là anh ấy đi các nước thấy nhà trường chỉ tạo ra chỗ gửi xe, còn học sinh với giáo viên, những người khác đến đều phải tự khóa xe của mình. Anh Kiệt đã mua một đống khóa để phát cho SV. Ai thiếu thì được phát!". Thực tế khác xa với những thông tin mà Bộ nắm được, những khóa được gọi là "phát" này chỉ để nhân viên bảo vệ khóa những xe không khóa và giữ lại để yêu cầu SV làm kiểm điểm rồi mới được nhận, còn nếu muốn lấy khóa thì phải nộp cho bảo vệ 25.000 đồng. Cần nói thêm, sau khi thực hiện “sáng kiến” này thì tại trường đã để mất thêm 3 chiếc xe.

Từ những sai phạm đã đề cập trong thời gian gần đây, thiết nghĩ các cơ quan thực thi pháp luật về thuế và xây dựng của tỉnh Bình Định cần nhanh chóng kiểm tra và xử lý nghiêm minh. Bộ GD-ĐT cũng cần phải nghiêm túc xem xét và có biện pháp giải quyết các bức xúc của cán bộ, giáo viên, sinh viên đã được nhiều lần nêu trước công luận, chứ không phải bằng kiểu trả lời một cách bao biện như của ông Vụ trưởng Ngữ.

Nhóm PVGD (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.