(iHay) Một Việt kiều người Đan Mạch đã thực hiện những chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp và cả xe… xích lô. Đơn giản với anh chỉ là ước muốn giới thiệu sự phong phú của ẩm thực Việt Nam tới bạn bè, du khách quốc tế.
Tùng "xích lô" và người bạn đồng hành người Đan Mạch trong chuyến đạp xích lô xuyên Việt năm 2011
|
Đạp xe mini xuyên Việt
Nguyễn Thanh Tùng (45 tuổi), sang Đan Mạch khi 13 tuổi. Học hết phổ thông, anh chọn học ngành hàng hải. Nhưng oái ăm thay ra trường đi làm được 2 tuần, Tùng quyết định bỏ nghề bởi thấy chán và với một lý do như anh thừa nhận là: “Mình mê đi chơi hơn đi làm”.
Nghỉ nghề hàng hải, Tùng chuyển sang học ẩm thực. Xong khóa học, anh làm đầu bếp ở một số nhà hàng khá nổi tiếng ở Luân Đôn (Anh). Nhưng công việc đầu bếp mới nhìn cứ ngỡ đơn giản nhưng đó lại là một công việc đầy áp lực, phải thức đêm thức hôm cộng với việc phải chiều những thực khách khó tính khiến Tùng bị strees. Đây chính là lý do anh nảy ý định làm tour xuyên Việt bằng xe đạp vào năm 2004.
Anh Tùng trong chuyến đạp xe mini xuyên Việt năm 2004
|
Sẵn có người thân ở Hà Nội, Tùng đặt vé máy bay từ Đan Mạch về Hà Nội. Một chiếc xe đạp mini được anh đưa từ Đan Mạch về. Anh kể những năm đầu thế kỷ 20, việc đi xe đạp xuyên Việt vẫn còn lạ lẫm với người Việt. Bản thân anh chưa có nhiều kinh nghiệm dù trước đó cũng làm vài chuyến lòng vòng khi sống ở châu Âu. Cho nên kinh nghiệm xuyên Việt của anh lúc đó chỉ là tấm bản đồ Việt Nam để xác định đường cũng như lộ trình dừng chân.
Hành trình xuyên Việt bằng xe đạp mini năm 2004
|
“Cái hay của Việt Nam là thành phố hay trung tâm tỉnh lị chỉ cách nhau chừng 100 km. Tôi căn theo chiều dài đó sáng 6 - 7 giờ xuất phát từ thành phố này đến 16 - 17 giờ là tới chỗ mới. Đến nơi tìm khách sạn, tắm rửa, ăn uống rồi nghỉ ngơi để ngày mai đi tiếp”, anh Tùng nói.
Chuyến phượt đầu tiên bằng xe đạp này không để lại nhiều ấn tượng trong anh ngoài một vài lần hành trình không như ý, Tùng phải nhờ xe ôm chở tới chỗ mới trước khi trời tối hay dắt bộ cùng xe vượt đèo Hải Vân trong 2 giờ đồng hồ.
“Chuyến đi này không có nhiều kỷ niệm vì mục đích chuyến đi chỉ là giải stress do công việc quá căng thẳng. Một phần tôi có cuộc hẹn quan trọng ở Sài Gòn nên phải về cho kịp”, Tùng lý giải.
Vượt hơn 2.300 km bằng xích lô
Chuyến đạp xe ấn tượng nhất của Tùng chính là chuyến đi xuyên Việt bằng xích lô vào năm 2011. Sau chuyến đi khá vô vị vào năm 2004, từ năm 2005-2006, anh dự tính đạp xích lô xuyên Việt nhưng mãi đến năm 2011 mới tìm được bạn đồng hành.
Người đồng hành với anh trong chuyến thứ hai là một chàng trai Đan Mạch cũng yêu thích phượt. Hai người cũng xuất phát từ Hà Nội. Cũng như chuyến đi đầu tiên, Tùng và bạn đồng hành tính lộ trình trên bản đồ. Sáng xuất phát tới chiều tối đến đích lại nghỉ.
Giữa hành trình xuyên Việt bằng xích lô, người bạn Đan Mạch chấn thương phải đi xe đạp
|
Mấy ngày đầu, hành trình tương đối suôn sẻ, hai người phối hợp với nhau tương đối ăn ý.
|
Tuy nhiên, bước qua ngày thứ 5, đến địa phận huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), anh bạn Đan Mạch bị chấn thương nhẹ không thể tiếp tục hành trình bằng xích lô mà thay vào đó đi bằng xe đạp. Giữa hai người có một số bất đồng quan điểm. Gần 1 tháng trời, hai người mới tới được Nha Trang. Người bạn đồng hành bỏ cuộc. Tùng có việc riêng phải bay về Đan Mạch sau khi gửi xích lô cho người quen ở Nha Trang.
Cuối năm 2011, Tùng trở lại Nha Trang. Việc đầu tiên là anh đến lấy và sửa lại chiếc xích lô, thay bánh xích lô cồng kềnh bằng bánh xe đạp để đạp nhẹ hơn rồi anh lại tiếp tục hành trình từ Nha Trang tới tận mũi Cà Mau.
“Chuyến đi này thực sự thú vị. Đi một mình, tôi chủ động được thời gian. Địa hình miền Nam, nhất là ở miền Tây bằng phẳng, ít đồi núi, nhiều quán xá ven đường nên chuyến đi thuận lợi. Chuyến đi này tôi ý thức hơn việc tìm hiểu văn hóa cũng như ẩm thực ở Việt Nam”, anh Tùng tâm sự.
Chuyến đi xuyên Việt bằng xích lô dài hơn 2.300 km, từ Hà Nội đến Cà Mau dù vất vả và kéo dài nhưng mang lại nhiều thứ hơn những gì anh Tùng mong đợi. Ngoài việc khám phát đất nước Việt Nam tươi đẹp, ẩm thực phong phú, Tùng còn kết giao với rất nhiều bạn bè từ Bắc chí Nam. Từ đây anh thực hiện ý định giới thiệu ẩm thực Việt Nam với du khách nước ngoài. Cái tên Tùng “xích lô” cũng dính chết với anh từ sau chuyến đi đó.
Giới thiệu ẩm thực đường phố Việt Nam
“Tôi đi nhiều, ăn nhiều, thấy ẩm thực Việt Nam phong phú và ngon nhất thế giới, thậm chí còn hơn những nước có ẩm thực phong phú như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không biết cách quảng bá nên thế giới ít biết đến. Đa phần món ăn Việt khi ra nước ngoài phải núp bóng món ăn Tàu. Đó là điều rất đáng tiếc”, anh Tùng tâm sự.
Tùng “xích lô" dẫn chứng về sự nổi trội của ẩm thực Việt Nam là chỉ cần mấy món ăn thuần Việt như: cơm sườn, cá hấp, thịt kho… cũng đủ giúp cô gái khiếm thị gốc Việt Christine Hà giành chức vô địch cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ (Master Chef) năm 2012 khiến thế giới khâm phục.
Tùng "xích lô" với những người bạn mới quen trên hành trình xuyên đạp xe xuyên Việt
|
Với ước muốn tìm hiểu và giới thiệu ẩm thực đường phố Việt Nam, tháng 8.2012, Tùng xích lô đã thực hiện chuyến đi bằng xe đạp và xe máy qua 62 tỉnh thành (trừ Bình Phước) trong mấy tháng trời. Anh đi từ miền Tây, vòng lên Tây Nguyên, xuống miền Trung rồi ra các tỉnh miền Bắc.
|
Đi đến đâu, ưu tiên đầu tiên của Tùng là tìm kiếm và thưởng thức món ăn đặc trưng nhất ở đó.
Ẩm thực đường phố ở miền Tây, theo Tùng “xích lô”, chính là: hủ tíu, bún cá, bún mắm, lẩu mắm, bánh xèo, cơm cà ri… Miền Trung là bánh canh chả cá, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh xèo… Miền Bắc là bánh cuốn, cháo, bún…
Cùng với thưởng thức các món đường phố đặc trưng, anh cũng không quên ghi lại xuất xứ và công thức chế biến để dành cho công việc tiếp thị sau này. Trong hai năm 2013-2014, nhiều lần Tùng xích lô quay lại các địa danh ở Việt Nam để bổ sung đầy đủ danh mục món ăn đường phố.
“Món ăn đường phố mỗi vùng đều có đặc trưng riêng. Rất nhiều du khách nhìn thì rất thích thú nhưng họ không dám ăn do không biết nguyên liệu chế biến từ đâu. Họ thích nhưng lại không dám ăn. Đó là điều rất đáng tiếc. Do đó tôi phải hệ thống lại, viết thật đơn giản cho người nước ngoài dễ hiểu. Hiện việc thu thập đã xong, tôi đang chỉnh sửa và tìm nhà xuất bản ra sách giới thiệu cho du khách”, Tùng xích lô nói.
Tháng 6.2014, Tùng xích lô đã chia sẻ những thông tin về cặp vợ chồng Kurt – Sang ở Bình Thuận trên trang mạng xã hội. Câu chuyện về đôi vợ chồng già người Đan Mạch, vợ người Việt đã đổ hết tâm sức xây được 24 cây cầu treo và 5 trường học tại những vùng nông thôn nghèo của Việt Nam. Thế nhưng trong cuộc sống, họ lại không gặp suôn sẻ ngay trên chính mảnh đất mà họ yêu quý. Chia sẻ của anh đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc. Từ đó đã có nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn đọc đối với vợ chồng người Đan Mạch. Cuối tháng 8.2014, Tùng có chuyến quay lại giúp ông bà Kurt – Sang xây dựng hàng rào cho khu đất. |
Trung Hiếu
>> Kịch bắc xuyên Việt
>> Người đạp xe xuyên Việt ủng hộ người nghèo đã đến Hà Nội
>> Đạp xe từ TP.HCM ra Hà Nội để ủng hộ người nghèo
>> Hồ Ngọc Hà thực hiện tour xuyên Việt miễn phí
>> Hồ Ngọc Hà làm tour diễn xuyên Việt cho sinh viên
Bình luận (0)