Ý kiến của sinh viên: Cần khơi nguồn cho sinh viên sáng tạo, khởi nghiệp

Vũ Thơ
Vũ Thơ
07/12/2018 08:22 GMT+7

Thanh Niên tiếp tục đăng ý kiến của sinh viên bày tỏ mong muốn và đưa ra những giải pháp để Hội Sinh viên thực hiện tốt vai trò của mình trước thềm Đại hội Hội Sinh viên VN khóa 10 sắp diễn ra.

Thúc đẩy phong trào thi đua học tập
Mặc dù có rất nhiều cách làm hay để thúc đẩy phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên (SV), nhưng công tác này vẫn còn một số hạn chế như: chưa lan tỏa sâu rộng, không phải SV nào cũng hào hứng với các hoạt động học tập hay sáng tạo; một bộ phận SV chưa có phương pháp, kỹ năng, động cơ học tập đúng đắn; khả năng tự học của SV còn hạn chế. Có một số SV học tập mang tính thụ động và khuôn mẫu, chỉ học bài và ôn bài khi sắp thi, chưa chủ động đào sâu nghiên cứu, tìm tòi cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn, định hướng cho bản thân.
Theo tôi, Hội SV VN cần đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh phong trào thi đua học tập - nghiên cứu khoa học của SV. Hội SV cần thường xuyên quan tâm tìm hiểu, lấy ý kiến của SV về nguyện vọng, sở thích, khó khăn... trong học tập để có được định hướng hỗ trợ phù hợp. Việc nghiên cứu lấy ý kiến cần được thực hiện theo khoa, khóa, ngành (tránh cào bằng) để đánh giá chính xác vấn đề mà SV cần hỗ trợ, tháo gỡ. Bên cạnh đó, tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động tạo môi trường giúp SV rèn luyện, hỗ trợ SV học tập.
Vũ Đình Hoàng 
 
Phó chủ tịch Hội SV khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội
Tổ chức cho sinh viên tham quan thực tế
Những kiến thức được học khác rất nhiều so với thực tế, vì vậy những cuộc đi tham quan thực tế rất bổ ích cho SV. Trong 4 năm là SV, tôi được ra ngoài doanh nghiệp tham quan 2 lần và ở mỗi nơi tôi đều học hỏi được những kiến thức khác nhau về công việc. Cùng là lĩnh vực dây chuyền sản xuất điện tử nhưng mỗi nơi mỗi khác. Trong khi đó, SV cần tìm hiểu rất nhiều kiến thức từ thực tế, để khi ra trường có thể lựa chọn việc làm phù hợp. Tôi cho rằng tổ chức Hội cần kết nối với các doanh nghiệp để tổ chức nhiều cuộc đi trải nghiệm thực tế dành cho SV.
Muốn tổ chức tốt công việc này, Hội SV cần khảo sát nhu cầu của SV trong từng lĩnh vực cụ thể để tìm hiểu, khoanh vùng những doanh nghiệp phù hợp với lĩnh vực SV được đào tạo. Từ đó kết nối với doanh nghiệp để đưa SV đến học hỏi, đó là cơ hội rất tốt cho SV.
Đỗ Thị Ngọc Ánh
Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Tổ chức mô hình “sinh viên dạy sinh viên”
Chúng tôi luôn mong muốn Hội SV là người bạn đồng hành. Vì vậy, Hội nên tổ chức các mô hình hỗ trợ SV trong học tập, đời sống, tiếp thu xử lý các kiến nghị của SV với nhà trường. Ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi xây dựng mô hình hỗ trợ học tập “SV dạy SV” và đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa sâu rộng. Chúng tôi tổ chức các lớp học để những SV khá giỏi có khả năng sư phạm sẽ nói chuyện hoặc hướng dẫn theo nhóm cho những SV có nhu cầu. Ban đầu chỉ có 1 lớp khoảng 300 SV, nhưng hiện nay mỗi buổi tối có 5 lớp, với khoảng hơn 1.000 SV tham gia. Tục ngữ đã đúc kết: “Học thầy không tày học bạn”, nên hiệu quả của các lớp học này rất tốt, thực sự đáp ứng được nhu cầu của SV. Hầu hết những SV năm thứ nhất vừa rời trường phổ thông nên chưa có phương pháp học tập phù hợp. Trong khi đó môi trường ở ĐH, nhất là trường tôi đòi hỏi rất cao. Vì vậy mà nhiều SV có kết quả học tập thấp, cho dù điểm đầu vào rất cao. Từ khi Hội SV mở lớp học này, kết quả học tập năm đầu của SV đã tăng cao rõ rệt.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức những nhóm SV hỗ trợ học tập trên mạng xã hội. Bất kỳ những câu hỏi nào của SV liên quan đến kiến thức gửi đến đều được trả lời ngay. Đó là mô hình SV tự giúp nhau học tập rất tốt. Tôi muốn Hội cần nhân rộng mô hình này để giúp đỡ các bạn SV, thiết thực đồng hành cùng chúng tôi.
Nguyễn Mai Anh 
Phó chủ tịch Hội SV Trường ĐH Bách khoa, Hà Nội
Quan tâm đến đời sống tâm lý của sinh viên
Hội SV đã tổ chức rất tốt các phong trào về khởi nghiệp, tình nguyện và hỗ trợ SV trong học tập...; nhưng theo tôi còn chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ đời sống tâm lý của SV. Hầu hết SV là những người học tập xa nhà, họ có nhu cầu được chia sẻ những vướng mắc trong tình cảm, tâm sinh lý, hay áp lực học hành.
Đối với đa số SV, áp lực học hành là rất lớn, không ít bạn rơi vào khủng hoảng tâm lý, stress dẫn đến những hành vi tiêu cực như nhảy lầu tự tử. Vì vậy, việc tư vấn tâm lý học đường cho SV là một yêu cầu chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, những hội thảo hay những buổi tư vấn tâm lý, sức khỏe cho SV còn chưa được quan tâm đúng mức và hầu như rất ít được tổ chức. Vì vậy, tôi mong muốn tổ chức Hội SV sẽ quan tâm hơn, có thể làm cầu nối với các bộ phận khác như y tế học đường, các chuyên gia tâm lý để tổ chức nhiều hơn các hoạt động về chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý cho SV.
Nguyễn Văn Huy
Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.