APEC 2006 - Nhìn vào chiều sâu

30/11/2006 23:14 GMT+7

APEC 2006 đã kết thúc hơn một tuần, từ đó đến nay các báo, đài, TV liên tục đưa tin về sự biểu dương và khen ngợi những thành công rực rỡ của công tác tổ chức và những kết quả đạt được. Không có bất kỳ sự đề cập nào đến những bất cập để rút kinh nghiệm. Những gì tốt đẹp đã làm được là không thể bác bỏ nhưng cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những gì yếu kém, chưa tốt để những sự kiện quốc tế ở Việt Nam sau này sẽ được tổ chức tốt hơn cả về hình thức lẫn nội dung chiều sâu.

"Việt Nam tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2006 thật hào nhoáng. Nhưng đó chỉ mới thể hiện cái đẹp bên ngoài của một cô gái". Câu nói trên của một doanh nhân Canada tham dự Hội nghị cấp cao các tổng giám đốc doanh nghiệp (CEO sum mit) thuộc khuôn khổ APEC 2006 tại Hà Nội. Anh ta điều hành một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu các cơ hội đầu tư ở nhiều nước khác nhau để tư vấn cho các tập đoàn lớn. Đó là một nhận xét chân tình và tế nhị nhưng khiến chúng ta phải chạnh lòng.

Dù sự xuất hiện và phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong phiên khai mạc đã tạo được ấn tượng tốt nhờ những phác thảo dẫn hướng tầm quốc gia, nhưng những phần thể hiện của các doanh nghiệp Việt Nam sau đó thì quá mờ nhạt.

CEO summit diễn ra 2 ngày 17 và 18/11/2006 với 14 phiên thảo luận 14 chủ đề khác nhau. Điều ngạc nhiên là 14 điều tiết viên (moderator) của 14 phiên này đều là lãnh đạo của các công ty nước ngoài tài trợ cho sự kiện này, trong khi Việt Nam là chủ nhà mà không có lấy được một điều tiết viên. Các diễn giả ngoài các nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia hay tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, còn lại cũng toàn là những lãnh đạo của các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Chỉ trừ 2 phiên cuối cùng có xuất hiện các diễn giả thuộc các doanh nghiệp không phải là nhà tài trợ, nhưng vào giờ đó thì chẳng còn bao nhiêu người ngồi nghe.

Có 4 phần trình bày của 4 diễn giả từ các doanh nghiệp Việt Nam so với 16 của các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng vấn đề không phải là số lượng. Đây là một diễn đàn toàn cầu, người ta đến đây để nghe những thông tin về quan điểm, tầm nhìn và tư duy của các doanh nghiệp thuộc 21 nền kinh tế trong một không gian toàn cầu hóa với nhiều chủ đề khác nhau về cơ hội, nguy cơ, thách thức và những giải pháp hiệu quả cần có của các doanh nghiệp. Các diễn giả thường tận dụng cơ hội được trình bày để thể hiện cái tầm của doanh nghiệp mình đại diện. Tiếc rằng các diễn giả đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ tranh thủ cơ hội để "giới thiệu ra mắt" về mình. Có những doanh nghiệp giới thiệu chi tiết quy mô, doanh số mà không nghĩ rằng những con số ấy quá nhỏ bé để có thể khẳng định được vị thế của mình.

Không có diễn giả Việt Nam nào thể hiện rằng "chúng tôi đang ở thời kỳ đầu của quá trình phát triển, dù còn nhỏ nhưng chúng tôi có tầm nhìn lớn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới nên sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng APEC lớn mạnh, từ đó sẽ làm chúng tôi vươn lên lớn hơn, mạnh hơn, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng và ổn định cho toàn thế giới". Đến phần trả lời các câu hỏi của thính giả, các diễn giả Việt Nam thật sự làm thất vọng ngay cả cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Trong phiên thảo luận chủ đề "Thu ngắn khoảng cách phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Làm sao APEC thúc đẩy tăng trưởng chung?" với sự tham dự của một phó tổng giám đốc Hàng không Việt Nam, có một thính giả là chủ một doanh nghiệp gia công phần mềm tại TP.HCM đặt câu hỏi "Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về thị thực cho nhân viên chúng tôi vào Mỹ, các quý vị có cách nào giúp đỡ chúng tôi không?". Điều tiết viên - phụ trách biên tập châu Á của Tạp chí Fortune mời vị phó tổng giám đốc này trả lời. Thay vì hóa giải và chuyển hướng câu chuyện về đúng chủ đề đang thảo luận thì vị này lại tán đồng với câu hỏi lạc đề đó: "Chính tôi cũng đã gặp nhiều rắc rối khi nhập cảnh vào Úc mặc dù Vietnam Airlines đã thiết lập đường bay đi Úc nhiều năm rồi". Điều tiết viên chen vào: "Tôi đã đi rất nhiều nước và nơi tôi gặp vấn đề thị thực nhập cảnh thường xuyên là Việt Nam, có khi tôi cần có tiền để giải quyết". Cả hội trường cười ồ nhưng những người Việt có suy nghĩ không thể không chua xót.

Trong phiên thứ 8 với chủ đề "Sáng tạo đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế: các chính sách nào có tác dụng?", một nữ phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã khiến mọi người "sửng sốt" khi nói rằng "chúng tôi chi 10% doanh thu để đầu tư cho nghiên cứu phát triển". Chắc hẳn các lãnh đạo của các ngân hàng toàn cầu, các tập đoàn tài chính đa quốc gia có mặt hôm ấy đều phải "kính nể" con số này vì không biết bao giờ mình mới chạy theo kịp.

Trước CEO summit một ngày, Diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tư Việt Nam (Doing business with Vietnam) được tổ chức cùng một nơi nhưng không thuộc khuôn khổ của APEC 2006. Đây được xem là một sáng kiến của Việt Nam tranh thủ sự có mặt của các lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 21 nền kinh tế để giới thiệu các cơ hội đầu tư và làm ăn ở Việt Nam. Dù là được chú trọng tổ chức cẩn thận, nhưng thật tình mà nói, hội nghị này cũng chưa chuyển đến cho các nhà đầu tư những thông tin mang tầm nhìn chiến lược để thu hút đầu tư theo định hướng chiến lược của quốc gia.

Trong phần của doanh nghiệp, chỉ có cà phê Trung Nguyên tạo được ấn tượng về một hoài bão biến Việt Nam thành một "thánh địa" cà phê thay vì chỉ là nơi trồng và xuất khẩu nguyên liệu thô. Cho dù có nhiều tranh cãi về cách dùng từ ngữ của anh Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng những ý tưởng lạ ấy vẫn để lại những dấu ấn rất khó quên khiến người nghe phải suy nghĩ.

Tôi tin rằng nếu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - nhà tổ chức APEC CEO summit 2006 và Doing Business with Vietnam) không lựa chọn tiêu chí diễn giả là những nhà tài trợ trong nước, và đặt mục tiêu trên hết là làm sao phải thể hiện được những tầm nhìn, và giá trị tư duy của doanh nghiệp Việt Nam trước một diễn đàn quốc tế thì họ không khó để tìm ra những người đủ tầm từ nhiều doanh nghiệp khác trong nước để thực hiện điều này.

Câu nói của anh bạn doanh nhân Canada làm tôi nhớ đến lời mẹ tôi răn dạy em gái: "Con là một cô gái đẹp, đó là một vốn quý trời cho. Nhưng nếu con chỉ đẹp mà không có trí tuệ thì người ta chỉ muốn con và sẽ bỏ tiền ra mua con. Còn nếu con có cả trí tuệ thì người ta sẽ cần con và phải nghĩ đến việc làm sao cầu hôn để được chung sống với con lâu dài".

Phan Thanh Dần (phantdan@gmail.com)

(Bài tham gia trang này xin gửi về: Hoàng Hải Vân, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: hoanghaivan@thanhnien. com.vn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.