Một quy trình góp phần làm sa sút chất lượng đào tạo hệ không chính quy

01/05/2007 16:56 GMT+7

Người viết không giải thích được ngay cả cái tên của đề tài khóa luận tốt nghiệp. Hội đồng hỏi 3 câu, sinh viên trả lời chưa được nửa câu rồi “xin được về nghiên cứu thêm”. Kết quả bảo vệ cao ngoài sự mong đợi của người bảo vệ. Và cuối cùng, thầy trò cùng nhau chúc mừng sự thành công tại… quán ăn. Đó là câu chuyện bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của SV hệ không chính quy.

So với điều kiện (ĐK) để được viết khóa luận tốt nhiệp (KLTN) hệ đại học chính quy (ĐHCQ) thì ĐK để được viết KLTN hệ không chính quy (KCQ) có thoáng hơn (những ĐK này do Hiệu trưởng các trường đại học quy định). Chẳng hạn một SV hệ ĐHCQ muốn viết KLTN phải đạt được 4 ĐK: 1/ Tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo, không còn học phần có điểm dưới 5; 2/ Điềm trung bình chung học tập các học phần kiến thức chuyên ngành đạt từ 7,0 trở lên (tính điểm học phần lần 1); 3/ Điểm học phần (lần 1) môn kiến thức ngành không có điểm không đạt yêu cầu; 4/ Các môn liên quan đến KLTN phải đạt điểm 7 trở lên trong lần thi 1. Trong khi đó, ĐK để được viết KLTN hệ KCQ chỉ bao gồm 3 ĐK (không áp dụng ĐK 3) và lại cho phép lấy điểm cao nhất trong các lần thi để tính điểm.

Với các quy định như vậy, một SV hệ KCQ có điểm trung bình chung học tập từ 6,5 trở lên nếu có nguyện vọng, sẽ được xét duyệt cho viết KLTN. Trong khi đó một SV hệ ĐHCQ nếu có điểm trung bình chung học tập 6,95 và có nguyện vọng được viết KLTN cũng chưa chắc được xét duyệt. Rõ ràng đây là một sự phân biệt đối xử không công bằng giữa hai hệ đào tạo, mà nguyên nhân chính có lẽ bởi học phí thu từ hệ KCQ được ví như là “nồi cơm” của không ít trường, trong khi nguồn học phí và trợ cấp thu từ ngân sách không đủ chi cho đào tạo hệ CQ. Và còn những lý do tế nhị khác không tiện nói hết.

Thực tế việc viết KLTN cũng còn lắm chuyện không nói ra nhưng “người trong cuộc” ai cũng biết: Sau khi được xét duyệt viết KLTN, người viết sẽ làm đề cương gửi cho khoa quản lý đào tạo của mình, nhưng người được giao trách nhiệm mời giảng viên hướng dẫn lại không tường tận chuyên môn của từng giảng viên nên mới sinh ra chuyện mời vì mối quan hệ, vì muốn lấy lòng cấp trên, vì muốn “phân phối thu nhập”… làm khổ cả người viết lẫn người chấm phản biện (do ngại va chạm đồng nghiệp hoặc cấp trên).

Sau khi đề cương được duyệt, người viết sẽ có thời gian khoảng 3 tháng để “nghiên cứu” và “xào nấu”. Trước ngày nộp KLTN khoảng vài ba ngày, người viết mang KLTN trình giảng viên hướng dẫn và không quên thủ tục đính kèm phong bì (thường là 1 triệu VND). Giáo viên hướng dẫn sau khi đọc và sửa sẽ trả lại KLTN để người viết chỉnh sửa theo đúng ý để được xác nhận “người viết đủ ĐK bảo vệ”… Có không ít trường hợp người hướng dẫn không đọc mà vẫn xác nhận, để mặc cho người viết tự “bơi”.

Trước ngày bảo bệ vài ngày, không hiểu vì lý do gì mà hầu như tất cả SV viết KLTN đền biết tường tận danh sách từng thành viên sẽ ngồi hội đồng của mình. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đến “thăm” và tặng quà thầy cô hội đồng. Trị giá quà tặng cao hay thấp tùy thuộc vào số lượng SV và mức đóng góp của mỗi người. Nếu thầy cô nào cho phép đến thăm coi như yên tâm, nếu thầy cô nào từ chối nhận quà hoặc cương quyết không nhận phong bì khi hướng dẫn thì chắc là những lần sau sẽ không được mời hướng dẫn KLTN hệ KCQ nữa. Nói nôm na là xin mời bạn vui lòng rời khỏi “cuộc chơi”.

Hệ quả của cách làm việc trên là buổi bảo vệ diễn ra như một vở bi hài kịch! Tên đề tài KLTN không rõ nghĩa mà người hướng dẫn cũng không để ý sửa, người viết không giải thích được là tại sao mình viết vậy, hội đồng hỏi 3 câu trả lời không được nửa câu, không nắm được kiến thức căn bản, rồi người viết xin được về nghiên cứu thêm, người phản biện khen thì nhiều mà chê thì ít… Kết quả là ai cũng được điểm cao (9 – 10) như lời Vụ trưởng Đại học và Sau Đại học Trần Thị Hà đã phát biểu, nhiều khi còn vượt ngoài sự mong đợi của người bảo vệ và cuối cùng là thầy và trò cùng nhau chúc mừng sự thành công của buổi bảo vệ tại các quán… ăn.

Với quy trình xét và bảo vệ KLTN hệ KCQ như vậy đã góp phần làm cho chất lượng đào tạo hệ KCQ ngày càng sa sút như chúng ta đã thấy. Trách nhiệm này trước hết thuộc về những người được giao nhiệm vụ quản lý và đào tạo. Và trong chuyện này, không thể không đặt ra một câu hỏi nghiêm túc: phải chăng những người được giao nhiệm vụ hướng dẫn KLTN đã bán đi “thương hiệu” của mình và hội đồng bảo vệ KLTN đã bị mua trước bởi những người thích học giả nhưng lại muốn nhận được bằng thật?

V.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.