Pháo hoa dưới mắt một số bí thư tỉnh ủy

18/01/2007 23:58 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn: Xem pháo hoa cũng là món ăn tinh thần của người dân, trong đó có người nghèo "Tết Nguyên đán năm nay, địa phương chúng tôi vẫn tổ chức đốt pháo hoa như mọi năm. Và để thực hiện chủ trương triệt để tiết kiệm của Chính phủ chúng tôi tuyệt đối không dùng tiền ngân sách để chi vào việc này.

Hiện nay, Kiên Giang đang vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ tài chánh, có được bao nhiêu sẽ gói ghém tổ chức đốt bấy nhiêu. Theo tôi, bà con mình đã lao động cực nhọc suốt một năm rồi thì cũng phải tạo điều kiện để họ vui chơi, phấn khởi bằng một hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa từ nhiều năm nay.

Việc đốt pháo hoa cũng là chăm lo món ăn tinh thần, thụ hưởng văn hóa của đại bộ phận người dân lao động và tất nhiên có rất nhiều người nghèo đã đầu tắt mặt tối kiếm ăn quanh năm. Làm ra làm mà chơi thì ra chơi.

Riêng công việc tìm kiếm nguồn tiền lo cho người nghèo theo tôi là việc làm không chỉ một ngày một bữa mà phải thực hiện dài lâu và bằng mọi cách. Ví dụ chỉ trong một năm 2006, tổng mức huy động của Kiên Giang cho việc chăm lo người nghèo là 36,4 tỉ đồng, trong đó ủng hộ trong hệ thống chính trị là 11,4 tỉ, huy động từ các tổ chức xã hội là 20 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này chúng tôi đều chi vào chương trình: cất nhà, khám bệnh, mổ mắt... cho người dân nghèo khó. Không chỉ lo cho người dân tại địa phương mà Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang còn tổ chức đi mổ mắt miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân tại nước bạn Campuchia".

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Phong Quang: Đêm giao thừa không thể thiếu pháo hoa

"Chương trình đốt pháo hoa đã là một lễ hội văn hóa không thể thiếu trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Và đối với địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa như tỉnh Hậu Giang thì đó còn là nỗi khao khát của những người dân lao động, của nông dân đã chí thú làm ăn suốt một năm qua. Rất nhiều cụ già vẫn thức đợi đến thời khắc này để con cháu dẫn đi ngắm pháo hoa cho mãn nguyện.

Trước nhu cầu hưởng thụ văn hóa có thực đó, địa phương chúng tôi quyết định phải xã hội hóa chương trình này mà không sử dụng vào nguồn ngân sách Nhà nước. Hiện tại chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp dù ít, dù nhiều tùy theo khả năng. Mà tôi tin mức độ ủng hộ sẽ rất cao vì đây cũng là chăm lo một quyền lợi chính đáng cho người dân lao động.

Trong năm 2006, chúng tôi cũng đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... ủng hộ cho các chương trình chăm lo thiết thực đời sống bà con nghèo với số tiền lên đến gần 15 tỉ đồng. Ngay như hồi mới thành lập tỉnh vào đầu năm 2004 chỉ với một đêm ca nhạc "Huy động vì người nghèo" chúng tôi được ủng hộ gần 13 tỉ đồng. Thành thử việc chăm lo cho người nghèo nếu chúng ta biết vận dụng thì sẽ có kết quả như người dân mong đợi".

Được biết, tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa năm nay. Cũng trong tối qua 18.1, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Việt, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết địa phương sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại thành phố Long Xuyên. Kinh phí để An Giang sử dụng cũng từ việc huy động từ các nguồn khác nhau. Số liệu từ Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang cho biết, chỉ trong năm 2006 địa phương này đã huy động được 44,7 tỉ đồng để chăm lo cho người nghèo. Riêng Kiên Giang, ngày 18.1, UBND tỉnh đã duyệt chi cho Bệnh viện Đa khoa KG 2 tỉ đồng dành cho việc chữa bệnh các đối tượng nghèo, cận nghèo, người vô gia cư, bệnh nhân cơ nhỡ... không có khả năng nộp viện phí.

Hồng Hạnh (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.