Y phục của người Trung kỳ thế kỷ 17

16/04/2016 07:30 GMT+7

Tơ lụa rất thông dụng ở Trung kỳ và tất cả mọi người đều mặc thứ hàng ấy.

Tơ lụa rất thông dụng ở Trung kỳ và tất cả mọi người đều mặc thứ hàng ấy.

Phụ nữ ngày xưa xe sợi - Ảnh: T.LPhụ nữ ngày xưa xe sợi - Ảnh: T.L
Bắt đầu từ đàn bà thì tôi phải thú rằng tôi vẫn cho áo họ là giản tiện nhất và họ không chịu để hở một phần thân thể nào cả, trong những dạo oi nực nhất cũng vậy. Họ mặc năm sáu thứ vải mỏng, màu khác nhau, cái nọ phủ lên cái kia. Cái thứ nhất dài sát đất và họ lê một cách trang trọng, đoan chính và uy nghiêm đến nỗi ta không thấy đầu bàn chân của họ. Rồi đến cái thứ hai, ngắn hơn cái thứ nhất bốn năm ngón tay; cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai, và cứ tiếp tục thế, cái sau phải cân xứng với cái trước. Thành ra các màu đều thấy rõ, tuy khác nhau. Ấy là thứ y phục mà đàn bà mặc từ thắt lưng xuống dưới, còn thân trên thì họ phủ bằng một loại vải giống như bàn cờ, màu sắc khác nhau; trên lại choàng một cái khăn quàng rất nhẹ mỏng trông qua còn rõ các màu sặc sỡ kia, hàm ý một xuân sắc đẹp vui, kiều diễm nhưng vẫn trang trọng và khiêm nhường.
Đàn bà để tóc xõa và tỏa lên vai, mọc dài có khi chạm đất; vì tóc càng dài càng được coi là đẹp. Đầu đội nón vành to che lấp cả mặt đi, làm người đàn bà không nhìn quá ba bốn bước ra đằng trước. Những nón ấy, tùy theo địa vị của người đội, còn thêu lụa hay vàng. Sự lễ phép bắt buộc người đàn bà, khi gặp ai mà muốn chào, chỉ phải đỡ cao nón lên để người ta thấy mặt.
Đàn ông không quần cụt và quấn cả một tấm vải, trên lại mặc thêm năm sáu cái áo (dây lưng?) dài và rộng, bằng lụa mỏng và nhiều màu, có tay to và rộng như tay áo của các cha dòng Saint Benoist; những áo này từ thắt lưng xuống đều rách và cắt vòng theo nhiều chấm lốm đốm. Thành ra khi đi chơi phố phường, họ đem khoe hết các màu sắc hỗn tạp ấy; giá có ngọn gió nhẹ thổi vào làm mớ áo ấy bốc lên và bay tỏa ra, thì người ta có thể nói họ là những con công đang xòe đuôi và phô trương hết các màu lông của chúng.
Đàn ông cũng nuôi tóc dài, chấm gót như đàn bà và cũng có nón. Ít người có râu, nhưng ai có thì không cắt đi bao giờ, y như người Trung Quốc cũng như họ nuôi móng tay dài; những nhà quyền quý không cắt móng tay bao giờ mà giữ móng tay để tỏ ra rằng họ cao quý cũng như để phân biệt với bọn cùng dân và các thợ thuyền không thể để móng tay dài vì vướng trong khi làm lụng...
Các văn nhân và các văn quan ăn mặc đứng đắn, ít lòe loẹt; trên các áo dài khác họ mặc một tấm áo dài bằng vải Damas đen. Họ lại còn có một thứ khăn tế đeo ở cổ, một thứ khăn tế bằng lụa xanh da giời khoác ở tay. Họ có chiếc mũ giống như mũ tế của các giám mục.
Cả đàn ông lẫn đàn bà tay cầm quạt, giống như quạt Âu châu, cầm để cho có vẻ hơn là vì lẽ gì khác. Trái với người Âu châu ta có tang thì bận đồ đen, họ lại bận đồ trắng. Chào ai, họ không để lộ đầu vì họ cho thế là vô phép và họ đồng ý với người Trung Quốc, coi sự để đầu trần không hợp với người có danh giá và rất bất kính nên muốn chiều tính họ. Các cố dòng ta đã xin được phép đức thánh Giáo hoàng Paul V của chúng ta khi làm lễ Misa ở các xứ này vẫn được đội mũ.
Sau hết, người Trung kỳ không có quần nịt, không có giày; muốn cho gan bàn chân khỏi bị thương tổn bất quá họ chỉ dùng một miếng đế giày bằng da, có mấy cái khuy hay mấy cái dải lụa giữ lại và buộc lên trên chân, thay cho dép, vì họ không nghĩ rằng đi chân không là trái lễ nữa (như để đầu trần). Dù mang giày hay đi chân đất, họ cũng không ngại khi chân vô ý hay cố ý vấy bùn, vì trong mỗi nhà ở bực cửa đã có sẵn một bể nước sạch để rửa chân; còn ai có dép thì khi vào nhà, bỏ ở cửa - khi ra mới lấy lại - vì trong nhà, nền đã trải chiếu rồi không còn lo bẩn chân nữa.
Đã biết rõ rằng người Trung kỳ không cố chấp về hành vi của mình nên các giáo sĩ của ta ở các xứ này không phải lo đổi kiểu áo. Áo này cũng giống kiểu áo chung cho toàn cõi Ấn Độ các vị ấy mặc một áo tu bằng những bông mỏng, kêu là Ehingon, thường có màu xanh da trời, và đi ra chỗ đông không mặc áo dài nào khác và không có áo quàng.
Tuy vậy họ không đi giày, kiểu Âu châu và kiểu bản xứ; vì thứ trên thì không thể có được, ở đây không ai biết làm; còn kiểu dưới thì họ không dùng được vì rất bất tiện cho những người không dùng quen, làm chân đau đớn tại các khuy làm dép hẹp lại nhưng lại làm choãi những ngón chân ra, ngón nọ cách ngón kia xa quá. Vì vậy họ thích đi chân không, lúc đầu bị đau bụng luôn luôn vừa tại đất ẩm thấp, vừa tại chưa quen. Thật ra ít lâu tự nhiên cũng quen đi và chân cứng làm cho người ta không thấy khó gì cả, dù có phải đi trên những đường đầy đá hay giẫm lên gai góc nữa. Riêng tôi, tôi quen đi nên khi trở về Ma Cao, tôi phải khó nhọc mới đi được giày lúc bây giờ sao mà nặng và bận chân tôi thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.