Ý tưởng thiết kế trang phục 'Bàn thờ” nhận nhiều ý kiến trái chiều

Nguyên Trang
Nguyên Trang
29/05/2019 20:44 GMT+7

Bản vẽ trang phục dân tộc lấy ý tưởng từ bàn thờ tổ tiên của Phạm Quang Minh đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ nhà thiết kế, chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo.

Ý tưởng sáng tạo nhưng …

Nhiều nhà thiết kế, chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo đánh giá cao về mặt ý tưởng của bản vẽ trang phục dân tộc với tên gọi Bàn thờ của thí sinh Phạm Quang Minh. Bản vẽ tham dự cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy tham dự Miss Universe 2019.
“Mẫu thiết kế lại đưa nguyên xi hình ảnh bàn thờ lên trang phục đã khiến người xem chưa nhìn thấy sự sáng tạo cá nhân...”, thạc sĩ Mai Quyết Thắng, giảng viên Khoa thiết kế và nghệ thuật trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ.
Thạc sĩ Thắng cũng chia sẻ thêm: “Bản thân tôi luôn ủng hộ việc sáng tạo. Sáng tạo là không giới hạn và có quyền lấy những điều nhỏ nhất đưa vào thiết kế, miễn sao đảm bảo thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa. Nếu góp ý cho sản phẩm này, tôi nghĩ người thiết kế có thể giữ ý tưởng nhưng nên có những chi tiết riêng, thổi tính cách cá nhân vào tác phẩm... Vì bạn đang sáng tạo sản phẩm thời trang cho cuộc thi hoa hậu nên càng phải tôn thêm vẻ đẹp và vóc dáng của người mặc. Mình cũng muốn gửi gắm đến cộng đồng, đây là ý tưởng của bạn trẻ nên chúng ta cố gắng đóng góp cho bạn làm hay hơn...".  
Quán quân của cuộc thi Nhà thiết kế tương lai Tô Phương Thủy cũng đánh giá cao ý tưởng thiết kế này. Theo Phương Thủy: “Tôi nghĩ chi tiết bàn thờ khá hay, nhưng nếu chỉ mang các họa tiết, các cách trang trí hoa văn vào thì trang phục sẽ đẹp hơn. Với thiết kế nói riêng và nghệ thuật nói chung thì việc khai thác ý tưởng từ trong đời sống là rất tốt, nhưng người thiết kế phải có chọn lọc và biến tấu sao cho phù hợp với nội dung và thông điệp muốn truyền tải...”.

Sáng tạo vô biên cũng có ranh giới của nó


Trong lĩnh vực sáng tạo, những người làm nghệ thuật có thể thể hiện suy nghĩ, ý tưởng tự do bay bổng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sáng tạo đi cùng với giá trị văn hóa hoặc dân tộc thì phải có khuôn khổ nhất định.
Theo nhà thiết kế Vincent Đoàn: “Trang phục dân tộc không nhất thiết phải là quốc phục như áo dài, tuy nhiên nó phải mang được một phần văn hóa địa phương hay quốc gia đó. Việc để trang phục dân tộc tham gia sân chơi lớn như Miss Universe gây ấn tượng sân khấu cũng là một điểm đáng chú ý. Tôi đánh giá cao ý tưởng 'bàn thờ', tuy nhiên các bạn đã đi quá giới hạn... Ai trong chúng ta cũng đều biết châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng thì tục thờ cúng là một việc thiêng liêng. Nó không chỉ là văn hóa, mà là tâm linh, là điểm tựa tinh thần. Việc mang những yếu tố đó lên sân khấu trình diễn là hết sức nhạy cảm. Thậm chí nếu bạn không đủ kỹ năng xử lý thực sự sẽ là thảm họa văn hóa.
Cũng đề cao yếu tố sáng tạo dựa trên yếu tố văn hóa, nhà thiết kế Lan Chi chia sẻ thêm: “Tất cả những nhà tạo mốt lớn khi sáng tạo hay cố tình làm lố thì cũng phải dựa trên lịch sử, văn hóa và mục đích sử dụng. Tôi cũng thấy bạn thiết kế trang phục này thiếu kiến thức cơ bản, có thể bạn chỉ vẽ để gây shock...”.
Nhà thiết kế Đinh Bách Đạt cũng góp thêm ý kiến: “Theo cá nhân tôi, việc sáng tạo trong một tác phẩm thời trang cũng có phần giới hạn. Có nhiều mẫu thiết kế của các nhà thiết kế tên tuổi trên thế giới xuất phát từ những ý tưởng khá kỳ quặc thậm chí điên rồ. Tuy nhiên, là một nhà thiết kế, ta phải chọn lọc kỹ khi đụng đến những yếu tố mang tính nhạy cảm như tâm linh, tôn giáo, sắc tộc... nghĩa là trong cái điên cũng có cái tỉnh, trong cái sáng tạo vô biên cũng có ranh giới của nó. Chi tiết bàn thờ theo tôi cũng khá hay, nhưng phải được triển khai theo một cách khác, chứ không thể để gương mặt người mẫu trong khung ảnh thờ thế được”.
Sau khi khởi động cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy chinh chiến tại Miss Universe 2019, ban tổ chức đã nhận được nhiều mẫu thiết kế ấn tượng. Nhiều ý tưởng độc đáo như xích lô, Thánh Gióng, mì Quảng… được các nhà thiết kế trẻ đưa vào bản vẽ của mình. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Bàn thờ của tác giả Phạm Quang Minh. Chỉ sau 3 giờ đăng tải, bộ trang phục nhận được hơn 10.000 bình luận từ cộng đồng mạng.
Theo tác giả, bộ trang phục lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt. Bên cạnh đó, thiết kế kết hợp những hình ảnh quen thuộc như ảnh thờ, bát hương, lọ hoa, mâm cổ tạo điểm nhấn, mang đến không gian thanh tịnh, thể hiện lòng thành tâm hiếu nghĩa đối với người đã khuất.
Phạm Quang Minh miêu tả về ý tưởng này: “Để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp ba cây nhang để vái và xá ba cái. Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn. Mặt sau trang phục có khung thờ thể hiện sự bất ngờ cho người xem nên trang phục có thiết kế động cơ vào mâm cỗ giúp nâng lên hạ xuống trong lúc trình diễn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.