Yahoo! Ngày ấy và bây giờ

14/12/2014 08:57 GMT+7

Cái chết của sản phẩm 'khai thiên lập địa' Yahoo! Directory là biểu tượng cho sự sa sút của hãng công nghệ đình đám một thời.

Cái chết của sản phẩm “khai thiên lập địa” Yahoo! Directory là biểu tượng cho sự sa sút của hãng công nghệ đình đám một thời.

Trụ sở Yahoo! tại Sunnyvale, California (Mỹ) - Ảnh: Reuters
Yahoo! Directory được hai đồng sáng lập David Filo và Jerry Yang khai sinh vào tháng 1.1994. Hai sinh viên cao học của ĐH Stanford này tạo ra một danh bạ website theo dạng cây thư mục có tên gọi ban đầu là Cẩm nang đến với World Wide Web của Jerry và David (Jerry and David's Guide to the World Wide Web). Hai tháng sau, danh bạ đó được đổi tên thành Yahoo!. Trong thời kỳ sơ khai của internet, những danh bạ web do con người sắp hết sức phổ biến. Mặc dù những công cụ tìm kiếm đã hiện hữu song chúng nhanh chóng bị chê bai vì mang lại những kết quả trái với mong đợi.
Yahoo! Directory vì thế đã trở thành “công cụ tìm kiếm” nổi tiếng nhất trên web thời bấy giờ. “Công cụ tìm kiếm” ở đây được hiểu theo nghĩa chung là dịch vụ cho phép người ta tìm ra các thông tin họ muốn, khác với một dịch vụ lợi hại hơn nhiều vốn sử dụng những từ khóa để tìm bất cứ trang web nào có chứa chúng.
Sự phân biệt này rất quan trọng bởi chính nó đã dẫn đến thời kỳ thoái trào của Yahoo! Directory, với kết cục là dịch vụ này sẽ không còn hiện hữu kể từ ngày 1.1.2015, theo thông báo của Yahoo!. Trong thế giới web nhỏ hẹp ngày đó, các danh bạ được đánh giá là cách thức tìm kiếm đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, khi mà web đã phát triển theo hàm số mũ với tốc độ vũ bão ấy, Yahoo! Directory mất đi lợi thế của mình trong khi Google đã thành công trong việc sáng tạo ra các công cụ tìm kiếm hữu ích theo thuật toán, theo Tech Times. “Với Yahoo, nó như thể bạn đang tìm kiếm những quyển sách trong thư viện bằng cách sử dụng hệ thống danh mục thẻ lỗi thời, nơi bạn chỉ có thể đọc đoạn mô tả khoảng 25 chữ về cuốn sách”, Tổng biên tập trang SearchEngineLand Danny Sullivan viết.
Ngủ quên trên chiến thắng
Chiếm chỗ Google trên Firefox
Theo tờ Tech Crunch ngày 13.12, Yahoo! đã bắt đầu hối thúc người sử dụng nâng cấp lên “phiên bản Firefox mới” ngay cả khi họ sử dụng các trình duyệt như Chrome hoặc IE. Thông điệp cùng với logo của Firefox đã bắt đầu xuất hiện trên các dịch vụ của Yahoo! tại Mỹ. Thay đổi này xảy ra không lâu sau khi Yahoo! ký thỏa thuận với Mozilla để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định của người sử dụng Firefox ở Mỹ, thay thế cho Google, hãng từng ký hợp đồng độc quyền với Mozilla trong 10 năm. Vào tháng 11, Mozilla thông báo sẽ không gia hạn hợp đồng độc quyền với Google vì muốn cung cấp cho người sử dụng nhiều sự lựa chọn, tùy thuộc việc họ ở khu vực nào trên thế giới. Tại Mỹ, công cụ tìm kiếm mặc định sẽ là Yahoo!, tại Nga là Yandez và tại Trung Quốc là Baidu. Thiết kế của Yahoo! Search trông khá giống với của Google, nên một số người sử dụng có thể sẽ không nhận ra sự khác biệt.
Cái chết của Yahoo! Directory có thể xem là biểu tượng cho sự suy tàn của Yahoo! trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi khi mà gã khổng lồ một thời này không còn nắm bắt được mối quan tâm và trí tưởng tượng của người sử dụng internet thời nay. Quả thực Yahoo! đã sẩy chân trong nhiều năm gần đây và người ta hiện không rõ mục đích trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng này là gì. Chẳng ai có thể nghĩ ra được trong vài năm qua Yahoo! đã mang lại điều đột phá nào cho internet, sau những thời kỳ hoàng kim của Yahoo! Mail, Yahoo! Messenger…
Một ví dụ nổi bật cho thái độ chủ quan của Yahoo! là câu chuyện xảy ra vào năm 1996, khi hai sinh viên cao học Đại học Stanford tiếp cận Giám đốc điều hành Jerry Yang để trình bày về việc họ phát triển công cụ tìm kiếm tốt hơn của Yahoo!, cho phép những kết quả có liên quan nhất xuất hiện ở trang đầu tiên. Theo tờ The Guardian, Yang đã kiên nhẫn giải thích rằng Yahoo! không thật sự cần một công cụ tìm kiếm tốt hơn bởi hãng này kiếm tiền từ quảng cáo hiển thị, nên người ta càng phải lướt qua nhiều trang thì họ càng có thể bán được nhiều quảng cáo. Hai sinh viên cao học đó là Larry Page và Sergey Brin, và công cụ tìm kiếm của họ sau này chính là Google. Và khi Google trỗi dậy từ năm 2000 - 2003, Yahoo! đã không thể phát triển một hệ thống tốt hơn và nhường chỗ cho đối thủ trong thế giới tìm kiếm. Kế đó là sự dịch chuyển nhanh chóng của dòng tiền đổ vào quảng cáo trên web, với ngày càng nhiều công ty chỉ đơn giản quảng cáo theo lượt hiển thị (impression) và không còn mặn mà với các thể loại pop-up, banner và những hình thức truyền thống khác.
Bất chấp những khó khăn, Yahoo! vẫn là một thương hiệu lớn, cung cấp dịch vụ cho hàng triệu tài khoản email song khả năng tạo ra doanh thu của họ bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng và chưa hề có bằng chứng cụ thể cho thấy những thương vụ thâu tóm lớn của hãng mang lại hiệu quả. Trong khi đó, Yahoo! Directory chỉ là một trong hơn 60 dịch vụ mà Yahoo! kết liễu trong 2 năm qua nhằm tái sắp xếp các sản phẩm.
Dịch chuyển khỏi châu Á
Trong quá trình chọn lọc những ưu tiên trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, Yahoo! dường như đang rút lui khỏi châu Á để tập trung vào thị trường chính ở Bắc Mỹ, theo tờ Tech Crunch. Mới đây nhất, hãng này tiến hành sa thải các nhân viên ở Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, việc “rà soát hoạt động” đang được thực hiện tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, dẫn đến việc đóng cửa hoạt động Yahoo! ởHungary và Jordan. Vào tháng 10, Yahoo! cũng cắt giảm 400 nhân viên ở Bangalore, Ấn Độ.
Việc sa thải nhân viên đã trở thành một hoạt động thường lệ của Yahoo! trong những năm gần đây khi các đời giám đốc điều hành cố gắng cải thiện bức tranh tài chính của hãng. Lần sa thải lớn nhất diễn ra vào tháng 4.2012, khi Giám đốc điều hành lúc đó là Scott Thompson cho nghỉ việc 2.000 nhân viên, chiếm khoảng 14% số lao động.
Theo Tech Crunch, châu Á hiện chỉ chiếm phần nhỏ so với Mỹ trong hoạt động kinh doanh của Yahoo!. Trong số doanh thu 1,04 tỉ USD ở quý 2 năm nay, chỉ có 177 triệu USD đến từ châu Á trong khi 775 triệu USD đến từ Bắc Mỹ. Thực tế, những lợi ích lớn nhất mà Yahoo! gặt hái được ở châu Á là các khoản đầu tư tại đó, đặc biệt là số cổ phần tại Công ty Alibaba.
Cuộc triệt thoái khỏi châu Á càng thêm cay đắng khi nó xảy ra vào thời điểm các công ty công nghệ khác như Facebook và Google đang đổ xô hướng đến các thị trường mới nổi tại khu vực. Từ vị trí của kẻ đi khai phá, Yahoo! hiện phải quay trở lại tập trung vào việc củng cố hoạt động ở Mỹ để bảo vệ vị thế lung lay của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.