Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn: Bài 3 - Nỗi ám ảnh “di động”

31/08/2010 21:57 GMT+7

Chỉ một tiếng đồng hồ chở tôi loanh quanh ở trung tâm Harare, chàng tài xế Oliver Mutasa đã ba lần mua thẻ cào để nạp điện thoại.

Tôi thức dậy khi nắng đã tràn ngoài khuôn viên khu nhà trọ Small World Backpackers (có nghĩa là: thế giới nhỏ bé của dân du lịch bụi). Harare rất ấm, không lạnh se sắt như Johannesburg ở Nam Phi, nơi tôi vừa có hơn một tháng quay cuồng cùng trái bóng tròn World Cup 2010.

Quán trọ Zimbabwe

Small World Backpackers, như tên gọi của nó, là nơi trú chân rẻ tiền dành cho dân du lịch bụi. Tôi từng ngụ trong những chốn tương tự ở Basel, Lausanne, Vienna, Johannesburg nên giờ đến đây như bắt gặp một chốn thân quen. Chốn thân quen ấy là giường tầng, nhà bếp tự phục vụ, khu xem ti vi tập thể ồn ào và quầy rượu cũng ồn ào không kém.

Tối hôm trước, tôi tới đây khuya quá, khi quầy tiếp tân đã đóng nên đành giao dịch ở quầy rượu. “Anh có cái ổ cắm điện nào không?”, tôi hỏi gã trai trẻ đứng sau quầy. “Không có đâu”, anh ta đáp. Rồi anh ta dẫn tôi tới căn phòng có tên Windhoek. Ở khu nhà trọ này, phòng không có số mà được đặt tên theo các địa danh. Windhoek là thủ đô của Namibia. Maputo (thủ đô Mozambique), Harare... là tên những căn phòng khác. Sau khi tôi nhận giường với giá 30 đô la/đêm, anh tài xế Sitwelo, người chở tôi từ sân bay Harare về khu nhà trọ, hỏi người phục vụ: “Bây giờ anh lo cho vị khách này được chứ?”. Anh kia gật đầu, lúc bấy giờ Sitwelo mới chia tay tôi. Sự tận tâm của anh chàng lái xe làm tôi rất có thiện cảm với con người Harare và Zimbabwe nói chung, dẫu khá nản với sự tồi tàn và thiếu thốn của nơi tôi vừa đặt chân đến.

Quăng ba lô lên giường, tôi bắt đầu la cà cùng mấy vị du khách da trắng ở phòng xem ti vi. Anh này là Duncan Smith, người Anh, đến từ Johannesburg trên chuyến bay của hãng British Airways. Anh đi du lịch một mình, với dự định sẽ “xới tung” Zimbabwe cùng các nước lân cận như Zambia, Botswana, Mozambique... Chị kia là Alice Hartson, đến từ thành phố Halifax ở Canada sau khi đắm chìm trong không khí World Cup tại Nam Phi. Còn gã đàn ông hộ pháp đằng kia, người hôm qua đã dẫn tôi xuống quầy rượu để làm thủ tục nhận phòng, là Bill Hannan, đến từ Illinois, Mỹ.

Sáng hôm sau, tôi nhờ tiếp viên khách sạn gọi tắc xi. Ở đây, việc gọi tắc-xi có vẻ không nhiêu khê như ở Johannesburg. Chỉ vài phút sau khi cô tiếp viên Alice Bhawoka bấm điện thoại, một chiếc tắc-xi mới cáu đã trờ tới cửa.

Dưới ánh nắng vàng rực, tôi hỏi gã tài xế trẻ Oliver Mutasa: “Anh cho tôi đi tận cùng mọi ngõ ngách Harare, nguyên ngày, giá bao nhiêu?”. Anh chàng người Shona, còn rất trẻ, đáp lại bằng một câu hỏi: “Anh muốn trả bao nhiêu?”. Dường như đây là một tính cách của người châu Phi vậy. Họ ít khi đưa ra đề nghị trước. Tôi đã gặp điều này suốt thời gian ở Nam Phi, trước những người Zulu, Xhosa, giờ gặp lại nó trước những người Shona ở Zimbabwe.

Ở đâu cũng thấy thẻ cào

Trên con đường Robert Mugabe ở trung tâm thành phố, Mutasa dẫn tôi đi loanh quanh. Đường phố này mang tên nhân vật đã lãnh đạo Zimbabwe hơn 20 năm qua. Song song với nó là đường Nelson Mandela, nhà đấu tranh giải phóng người da đen và đồng thời là nhân vật đặt nền móng cho thiết chế dân chủ ở Nam Phi. Hai nhân vật từng chung một lý tưởng giải phóng người da đen, nhưng giờ đây đang ở những thái cực khác nhau. Mandela, sau khi đấu tranh xóa bỏ chế độ Apartheid, lên làm tổng thống thông qua một cuộc bầu cử dân chủ và ông cũng chỉ lãnh đạo đất nước một nhiệm kỳ rồi chủ động rút lui, để cỗ máy dân chủ tự vận hành theo quy luật của nó. Mugabe, sau cuộc đấu tranh vĩ đại chống thực dân da trắng, giải phóng người da đen khỏi kiếp nô lệ, đã áp đặt chính thể chuyên chế của mình, rất lâu, và không biết đến bao giờ. Sau khi cởi thoát ách thực dân, người dân Zimbabwe vẫn chưa có một ngày tươi sáng như họ từng mong chờ, và được hứa hẹn.

Đang đi, Mutasa cúi xuống một cái mẹt hàng bên đường. Tôi hỏi anh ta làm gì thế, Mutasa đáp: “Mua thẻ cào!”. Thẻ cào (airtime) là loại thẻ chứa mã số để nạp tiền cho điện thoại di động, tương tự kiểu nạp tiền cho thuê bao trả trước ở Việt Nam. Nơi đây người ta bán loại thẻ 1 USD và bán khắp nơi, trên đường phố, giữa khu chợ bệt, trong tiệm thức ăn nhanh, ở cây xăng, trong khách sạn. Lại có những người bán thẻ cào dạo kiểu như người bán vé số ở ta; họ móc một chùm thẻ lên một cái que rồi giương lên dọc vệ đường để “nhử” khách. Buổi trưa ấy, chở tôi loanh quanh khắp các ngõ ngách ở Harare, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, Mutasa đã ba lần mua thẻ cào để nạp tiền vào điện thoại. Tôi thắc mắc: “Sao anh không mua một lần, mua gì lắt nhắt thế?”. Anh ta bảo, tôi chỉ có tiền lẻ, kiếm được đồng nào mua đồng đó. Ấy là Mutasa có cậu em làm nghề chạy chợ - tức là đụng gì làm nấy - ở trung tâm, cứ lái xe một vòng là anh ta quay lại ngoắc chú em một cái, kêu “đưa tao ít tiền lẻ” để mua thẻ cào. Đôi lúc anh lại đưa điện thoại cho thằng bạn nào đó dùng vài phút.

Hồi tham dự World Cup 2010 ở Nam Phi, tôi có đến một cái làng nghèo tên là Diepsloot. Ở đó tôi đã gặp một nàng Sarah ưa làm duyên với điện thoại. Thì ở đây, giữa thủ đô Harare với những tòa nhà lớn bị bủa vây bởi những khu ổ chuột này, một cơn sốt điện thoại di động cũng đang diễn ra ồn ào, náo nhiệt. Vật thể bé xíu này như là đại diện cho một thế giới văn minh, hiện đại mà người dân nơi đây muốn chạm tới.

Sự vồ vập mà người Zimbabwe dành cho chiếc điện thoại bé tí phản ánh khát khao tự do, khát khao vượt thoát khỏi những hạn chế về vật chất cũng như những trói buộc ở xã hội nơi đây. Khát vọng tự do, dưới hình thức này hay hình thức khác, luôn mãnh liệt và sẵn sàng bùng cháy ở bất kỳ đâu.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.