Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn: Bài 7 - Đêm trên đường thiên lý

04/09/2010 23:26 GMT+7

Giữa đêm tối, giữa quãng rừng thưa đầy thú hoang, hai chúng tôi ngủ rất say. Chợt có một nhóm người lạ mặt đập thùng thùng vào cửa xe. >> “Ní hảo” ở Harare

Tôi buông mình xuống ghế xe hơi, lười nhác nhìn ra cửa sổ trong ánh nắng nhợt nhạt cuối ngày. Những người đàn ông nhiều vợ, những người đàn bà ở nhà bồng con, những mẹt hàng bán thẻ cào và những khu chợ đầy bụi chạy lùi về phía sau. Harare đã trở thành dĩ vãng. Trước mặt tôi là một đêm dài, là chặng đường 1.000 cây số và một ngọn thác hùng vĩ đang chờ trong ánh bình minh châu Phi rực rỡ.

Dặm trường

Không tìm được vé máy bay đi từ Harare tới thị trấn Victoria Falls ở cực tây Zimbabwe, tôi quyết định đi bằng đường bộ. Vất vả và mất thời gian, nhưng đi xe mới có nhiều cơ hội khám phá.

Tôi hỏi Oliver Mutasa, anh tài xế nói rành rọt: “Khoảng 1.000 cây số. Nếu chiều nay khởi hành thì sáng mai tới nơi”. Tôi quyết: “Đi”. Thế là hai gã trai lên đường. Trước khi “đề pa”, Mutasa xách một thùng bia Lion chất lên hàng ghế phía sau, bảo để giải khát. Tôi nói uống vào buồn ngủ lắm, coi chừng lủi xe vào rừng. Anh ta nói có bia thì mới tỉnh táo, mới lái được, 1.000 cây số chứ bỡn à.

Chúng tôi lao khỏi Harare xô bồ vào chiều muộn. Mutasa bảo rằng trên đường sẽ tranh thủ chợp mắt tí chút, còn lại là chạy suốt, đói thì mua thức ăn nhanh. Tôi bắt đầu thấy háo hức trước cuộc phiêu lưu. Háo hức nhưng không khỏi lo âu. Vốn còn mang nặng ám ảnh về một châu Phi bất an, tôi nghĩ dại, lỡ gã tài xế này trở chứng quăng mình đâu đó dọc đường thì sao. Giữa đất nước miền nam châu Phi này, ai hơi đâu quan tâm một sinh linh bé nhỏ và lạc loài là tôi. Nhưng rồi những ngụm bia ngọt đắng đã giúp tôi tạm xua đi cơn hồi hộp.

Mutasa cài số, nhấn ga chạy với tốc độ trên 120 km/giờ. Đường quốc lộ Zimbabwe không tốt bằng Nam Phi, nhưng xe vẫn có thể chạy với tốc độ rất cao hàng giờ liền, ngoại trừ những lúc bị cảnh sát chặn hoặc phải dừng lại ở trạm thu phí. Trạm thu phí ở đây chỉ gồm một nhóm chừng hai nhân viên và một viên cảnh sát đứng kèm bên vệ đường, phía sau một biển báo. Xe tới đó cứ tự động dừng lại mua vé, hai đô la cho một lượt. Cảnh sát thì có mặt khắp nơi, Mutasa mới ra khỏi Harare chừng hơn một tiếng đồng hồ là bị gí tấp vào lề. Anh chàng này không hiểu sao chỉ mang theo bản sao giấy tờ xe nên phải nộp phạt tới bốn lần trước khi màn đêm buông xuống, với mỗi lần 10 đô la. Anh ta than: “Thế này thì chết mất! Cảnh sát ở đây là vậy, họ luôn tìm cách kiếm tiền”. Tôi hỏi họ lấy tiền bỏ túi à, anh ta nói họ chia nhau và nộp một ít vào ngân sách.


Xe của Mutasa vừa ra khỏi Harare đã bị cảnh sát chặn lại - Ảnh: Đỗ Hùng

Trời tối dần, chúng tôi lần lượt vượt qua các thị trấn Chegutu, Kadoma, Kwe Kwe, bên cửa xe thi thoảng xuất hiện những người bán cam dạo hoặc những lán trại bán cam, xen giữa là những cánh đồng hoang. Mutasa bảo: “Hồi trước nông nghiệp rất phát triển. Nhưng rồi kinh tế khó khăn, không ai đủ sức sản xuất nữa. Giờ mọi thứ đều nhập”. Một quốc gia có đất đai phì nhiêu mà không làm nông nghiệp thì phí quá.

Ngủ giữa rừng thưa

Mutasa thuyết phục tôi: “Bây giờ cậu cho phép tớ chở thêm vài người để kiếm ít tiền, bù vào khoản bị cảnh sát phạt”. Tôi đồng ý với điều kiện anh ta phải coi sóc kỹ đồ đạc của tôi. Xe lại vượt qua những khoảng rừng thưa với biển báo thú rừng cắm hai bên vệ đường, những thị tứ lập lòe ánh đèn và những cánh đồng hoang.

Qua Gweru, chúng tôi tới thị trấn Shangani nằm bên dòng sông cùng tên, nơi từng diễn ra cuộc tập kích của tộc người Ndebele nhằm vào một nhóm cảnh sát da trắng hồi cuối thế kỷ 19. Dưới ánh đèn hiu hắt, thị trấn giữa vùng rừng thưa trông càng cô liêu. Mutasa bảo: “Ta ghé vào mua ít bia”. Tôi gật đầu, nhưng không quên dặn rằng uống in ít thôi.

Quán rượu ở đây là một chốn tồi tàn, với gian phòng nhỏ lợp mái tôn, tường bê tông cũ. Bên trong kê vài chiếc bàn cho tửu khách, cùng với hai chiếc loa thùng đang cố gồng mình nhả ra những âm thanh inh ỏi. Khách mỗi người cầm một chiếc bình sắt lớn. Mutasa bảo đó là “bia hơi”.

Chúng tôi sà vào một chiếc bàn kê sát tường có vài dân nhậu đã ngồi sẵn. Ở đâu cũng thế, dân nhậu luôn cởi mở, đôi lúc suồng sã. Chỉ trong chốc lát, người trong cả quán đã xúm lại chiếc bàn của tôi. Họ trò chuyện, bắt tay, chụp hình và lôi tôi ra nhảy. Họ bảo “đây là Shangani, không phải Shanghai (tức Thượng Hải)”. Họ lại tưởng tôi là một gã Trung Quốc nữa rồi, tôi nghĩ bụng. Nhưng không sao, chủ yếu là không khí ở đây rất vui. Một anh chàng tự giới thiệu là Nwebe Mdula hỏi: “Anh đến Shangani chơi hay chỉ đi qua?”. Tôi đáp: “Chúng tôi đang trên đường tới thác Victoria”. Anh ta ồ lên: “Tuyệt, nơi đó đẹp lắm, nên đến một lần trong đời”. Mdula giới thiệu tôi với những bạn nhậu của anh ta. Phần đông họ đều giữ những cái tên châu Phi như Bhethitu, Dwanko, Mbelo…, chứ chưa ngả theo xu hướng u hóa giống mấy anh chàng Oliver, Dan, Antonio… trên miền phố thị Harare. Những góc khuất như chốn Shangani này đang thoi thóp trong nỗ lực cưỡng lại sự đồng hóa của cơn lốc toàn cầu hóa, của một thế giới đang phẳng hơn sau mỗi ngày.

Chia tay những người bạn Shangani, chúng tôi lại xuyên màn đêm để đến Buluwayo, thành phố lớn thứ nhì Zimbabwe. “Cơ bản đã được một nửa hành trình rồi”, Mutasa nói khi vừa trông thấy những ánh đèn điện đầu tiên của thành phố. Xuyên Zimbabwe xuyên đêm cho ta cảm giác thật thú vị. Xen giữa những cánh rừng thưa là đô thị. Con người sống rất gần muông thú.

Ở chỗ gần các đô thị, chúng tôi thường bắt gặp những người đi bộ đơn độc. Thi thoảng, Mutasa ghé xe lại bên vệ đường, hỏi khách bộ hành có đi không, trả được bao nhiêu tiền, khách bộ hành lắc đầu, thế là Mutasa rồ ga phóng tiếp, cũng có những người gật đầu, xìa ra tờ một đô la nhàu nhĩ.

Buluwayo về đêm yên bình. Hai chúng tôi chỉ kịp mua vội hộp thức ăn nhanh trong tiệm Chicken Inn, rồi lại phóng tiếp. Mutasa bảo phải đi nhanh để tìm chỗ ngủ. Nhưng không đợi đến lúc anh chàng Shona tìm ra chỗ ngủ, tôi đã thiếp đi.

Giữa cơn thiêm thiếp, tôi chợt giật mình bởi cú thắng kít của Mutasa. “Cậu làm trò gì thế?”, tôi cằn nhằn. “Ngủ một tí rồi chạy tiếp”, anh chàng Shona đáp. Tôi dụi mắt, nhìn quanh thấy toàn rừng là rừng. Phía trước lại có biển báo khu vực thú hoang hay băng qua. Tôi không sợ thú, chỉ sợ người. Lỡ có toán lục lâm thảo khấu nào xuất hiện thì khốn, tôi nghĩ dại, trong đầu mường tượng tới cảnh những băng cướp da đen bồng súng AK-47 chạy giữa ban ngày ban mặt mà tôi từng thấy trên ti vi. Tôi xúi Mutasa: “Chạy tiếp đi, tới thị trấn nào đó rồi ngủ. Ngủ giữa rừng nguy hiểm quá”. Anh chàng cười hềnh hệch: “Không sao. Đây là Zimbabwe. Rất an toàn”.

Thuyết phục không được, tôi lại cố ngủ để quên đi âu lo. Cũng may là có tí bia hồi nãy nên giấc ngủ đến nhanh. Anh chàng tài xế Mutasa thậm chí ngủ nhanh hơn tôi, chỉ sau chừng một phút là đã ngáy rầm trời.

Giữa giấc ngủ ngon lành, tôi bỗng choàng dậy bởi tiếng đập cửa xe thùng thùng. Tôi dụi mắt, thấy bên ngoài có ba gã phốp pháp đang la hét. Tôi chột dạ, thế là tiêu rồi. Giữa rừng mà gặp cướp thì coi như xong. Trong lúc tôi đang bấn lên thì anh chàng Mutasa vùng dậy, hạ cửa kính xuống. Đến lúc này mới nghe mấy người kia hỏi: “Xe hỏng à? Có cần giúp đỡ không?”. Tôi như trút được gánh nặng ngàn cân. Mutasa lắc đầu: “Không. Tụi tôi chỉ dừng xe ngủ một lát rồi đi tiếp”. Một người bên ngoài nói: “Thế thì tốt rồi”. Và cả bọn vẫy chào chúng tôi rồi lên xe phóng đi tiếp.

Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến tôi không kịp nói lời cảm ơn, trong khi Mutasa thì càu nhàu vì chuyện anh ta mất giấc ngủ.

Tôi thao thức một hồi, chua chát nghĩ về cái sự hồ đồ của mình. Tôi đã đến Nam Phi và Zimbabwe với một tâm thế lo âu thấp thỏm, khi nào cũng đề phòng, để rồi, giữa đêm, giữa khu rừng thưa này, một nhóm người lạ mặt đã cho tôi bài học quý giá về sự tử tế.

Tới đây, tôi thiếp đi một lần nữa, khi cảm giác yên bình dần lan tỏa khắp cơ thể. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.