ZTE muốn Mỹ bỏ lệnh cấm mua công nghệ Mỹ

Thu Thảo
Thu Thảo
07/05/2018 17:30 GMT+7

Một trong các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang đề nghị phía Mỹ đình chỉ lệnh cấm làm tê liệt hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo CNN, ZTE cho biết họ vừa gửi đề nghị lên Bộ Thương mại Mỹ về việc hoãn lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ bán bộ phận công nghệ và dịch vụ cho ZTE. Công ty Trung Quốc bán smartphone và các thiết bị viễn thông trên toàn cầu hiện đứng giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ áp lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 7 năm lên ZTE vì doanh nghiệp Trung Quốc nói dối giới chức Mỹ về việc phạt các nhân viên vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên và Iran của Mỹ. Song động thái này được xem là một phần trong nỗ lực lớn của Mỹ nhằm chặn tham vọng công nghệ của Đại lục.
Chuyên gia Evan Medeiros thuộc Eurasia Group cho hay ZTE không chính thức là một doanh nghiệp đứng giữa tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Mỹ và Đại lục, nhưng “đại diện cho cùng một vấn đề về an ninh quốc gia và công nghệ Mỹ”. Bắc Kinh đặc biệt đã nhắc đến vấn đề hạn chế ZTE trong cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung trong tuần trước.
Trong tuyên bố mới nhất được trình vào cuối tuần trước, ZTE cho hay hãng đã gửi thêm thông tin theo yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ. Bộ này hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Lo ngại của Mỹ về công nghệ Trung Quốc và an ninh quốc gia khiến ZTE và Huawei, một hãng smartphone và thiết bị viễn thông lớn khác của Đại lục, lao đao. Hồi tháng 2, nhiều cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo người Mỹ không nên mua điện thoại ZTE và Huawei, cho hay các hãng này đe dọa an ninh người tiêu dùng Mỹ.
Huawei bị đẩy khỏi thị trường Mỹ, song ZTE thì có đường đi khá rõ ở thị trường này. Công ty chiếm 10% thị trường smartphone Mỹ năm ngoái, trở thành nhà cung ứng lớn thứ tư, theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Technology. Cổ phiếu ZTE được giao dịch ở Hồng Kông và Thâm Quyến bị đình chỉ giao dịch từ khi Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm vào tháng trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.