Chiến sự Ukraine ngày 797: Nga bắn hạ nhiều tên lửa ATACMS ở Crimea

Khánh An
Khánh An
01/05/2024 05:30 GMT+7

Lực lượng phòng không Nga thông báo đã ngăn chặn cuộc tập kích của Ukraine bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp nhằm vào Crimea.

Nga cho biết lực lượng phòng không nước này đã ngăn chặn nhiều tên lửa ATACMS của Ukraine

Nga cho biết lực lượng phòng không nước này đã ngăn chặn nhiều tên lửa ATACMS của Ukraine

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Bộ Quốc phòng Nga ngày 30.4 cho biết các hệ thống phòng không của nước này đã bắn rơi 6 Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) của Mỹ sản xuất, do Ukraine phóng đến trong vòng 24 giờ trước đó.

Tuy nhiên, trong thông cáo, Bộ Quốc phòng Nga chưa cho biết khu vực nơi các tên lửa bị đánh chặn, theo Reuters.

"10 máy bay không người lái của Ukraine, 6 tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất và 2 quả bom dẫn đường Hammer do Pháp sản xuất đã bị lực lượng phòng không bắn hạ", theo thông cáo.

Ukraine sẽ đẩy mạnh tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bất chấp lo ngại của Mỹ?

Ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết tên lửa ATACMS đã bị bắn hạ trên bán đảo này, do Nga đơn phương sáp nhập vào năm 2014.

Trong khi đó, nghị sĩ Nga Leonid Ivlev, người từng phục vụ trong Không quân Liên Xô cũ, cho hay Ukraine tấn công các căn cứ không quân ở Crimea bằng 12 ATACMS, đồng thời dự báo việc tấn công có thể gia tăng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ mới vào tuần tới.

"Mục tiêu của họ là sân bay. Các tên lửa đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt", theo ông Ivlev.

Trước đó, cố vấn Oleg Kryuchkov của lãnh đạo Crimea kêu gọi người dân tại đây không chụp ảnh các hệ thống phòng không đang được kích hoạt, cũng như không đăng lên mạng xã hội. Giao thông qua cầu Crimea cũng tạm dừng trong đêm.

Tuần trước, một quan chức Mỹ tiết lộ rằng nước này đã gửi ATACMS có tầm bắn xa hơn đến Ukraine trong vài tuần qua, và Ukraine đã sử dụng 2 lần.

Giới tình báo Ukraine từ chối đưa ra bình luận, trong khi Cơ quan An ninh Ukraine cho biết không thể cung cấp thông tin nào, theo trang tin The Kyiv Independent.

Tại Nga, Thống đốc Vyacheslav Gladkov của vùng Belgorod cho hay lực lượng phòng không nước này ngày 30.4 bắn rơi một mục tiêu trên không, cách thành phố Belgorod không xa. Hãng TASS dẫn lời ông cho biết không có thiệt hại trong cuộc tấn công trên.

Tại Ukraine, The Kyiv Independent ngày 30.4 đưa tin các cuộc tấn công của Nga khiến 7 người thiệt mạng và ít nhất 36 người bị thương trong 24 giờ qua.

Theo đó, Nga nhằm vào tổng cộng 10 tỉnh, gồm Zaporizhzhia, Chernihiv, Mykolaiv, Luhansk, Dnipropetrovsk, Sumy, Odessa, Kherson, Kharkiv, và Donetsk. Các trường hợp thiệt mạng được ghi nhận tại Odessa, Kherson, Kharkiv, và Donetsk.

Nga không lập tức bình luận về thông tin trên.

Belarus tố Lithuania tung UAV tấn công, Ukraine hỗ trợ bạo loạn

Nghi vấn mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên

Mảnh vỡ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine vào đầu năm nay được xác định là một phần của tên lửa Hwasong-11 của CHDCND Triều Tiên, theo các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc.

Reuters ngày 29.4 trích dẫn báo cáo 32 trang của các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đối với lệnh cấm vận Triều Tiên, trong đó kết luận rằng "các mảnh vỡ thu được từ một tên lửa rơi tại Kharkiv, Ukraine ngày 2.1.2024 có nguồn gốc từ tên lửa dòng Hwasong-11 của Triều Tiên".

Tên lửa Hwasong-11 được Triều Tiên thử nghiệm công khai lần đầu vào năm 2019. Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc cấm vận từ năm 2006 vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Những biện pháp này được tăng cường thêm trong những năm sau đó.

Hãng TASS ngày 30.4 dẫn một nguồn tin Liên Hiệp Quốc cho biết tài liệu trên "không thể được xem là báo cáo chuyên môn vì được chuẩn bị bởi một số chuyên gia thuộc một lĩnh vực chuyên môn khác".

"Có 3 chuyên gia: về tài chính, các vấn đề chung và chương trình hạt nhân. Không có định dạng báo cáo nào từ các chuyên gia riêng biệt như thế", theo nguồn tin.

Lãnh đạo NATO nói 'chưa quá trễ' để giúp Ukraine chiến thắng

Đức gửi vũ khí cho Ukraine

Trang The Kyiv Independent ngày 30.4 dẫn thông cáo của chính phủ Đức cho hay nước này đã bàn giao cho Ukraine 10 xe chiến đấu bộ binh Marder, một hệ thống phòng không Skynex, đạn dược cho xe tăng Leopard 2, các tên lửa phòng không IRIS-T SLM.

Đợt viện trợ mới nhất này còn có 29.000 quả đạn cho hệ thống pháo phòng không Gepard, 7.500 quả đạn 155 mm, 18.000 quả đạn 40 mm và một số lượng chưa công bố về đạn súng cối 120 mm.

Berlin cũng cung cấp hệ thống radar TRML-4D, 6 xe tăng vận chuyển Oshkosh M1070, 3.000 súng phóng lựu cầm tay RGW 90 và 100.000 bộ dụng cụ sơ cứu.

Ukraine còn nhận được thêm một xe tăng đặt cầu Beaver, một xe công binh bọc thép Dachs, 9 hệ thống rà phá bom mìn, một hệ thống bảo vệ AMPS cho trực thăng, 60 động cơ gắn ngoài (cho tàu thuyền), 600 đèn LED, gần 2.000 lưới ngụy trang và 2.000 áo choàng.

Trang web của chính phủ Đức cũng xác nhận rằng việc chuyển giao hệ thống phòng không Patriot thứ 3 đang được tiến hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.