Công thức của 'gián điệp' Trung Quốc bị bắt tại châu Âu

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
01/05/2024 06:15 GMT+7

Vụ việc 2 người mới nhất bị công tố Anh buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc đã củng cố điểm tương đồng với các cá nhân tương tự bị bắt ở châu Âu gần đây.

Báo The Guardian đưa tin ông Christopher Cash (29 tuổi) và ông Christopher Berry (32 tuổi) đã xuất hiện tại tòa sơ thẩm Westminster (Anh) hôm 26.4. Cơ quan Công tố Hoàng gia Anh (CPS) đã buộc tội hai người vi phạm Đạo luật bí mật chính thức, qua việc cung cấp thông tin nhạy cảm cho Bắc Kinh. Ông Cash trước đó nói rằng mình "hoàn toàn vô tội".

Ông Christopher Cash (trái) và ông Christopher Berry xuất hiện tại tòa ngày 26.4

Ông Christopher Cash (trái) và ông Christopher Berry xuất hiện tại tòa ngày 26.4

Ảnh: Reuters

Xâm nhập từ bên trong

Chi tiết về cách ông Cash làm gián điệp cho Trung Quốc chưa được giới chức Anh tiết lộ. Song nghi vấn về việc ông có thể thu thập tin tình báo đến từ mối liên hệ với Bộ trưởng An ninh Anh Tom Tugendhat và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh Alicia Kearns, theo trang tin Firstpost. Ông Tugendhat là nhà sáng lập kiêm chủ tịch đầu tiên của Tổ chức Nghiên cứu Trung Quốc (CRG). Nhóm này được giới thiệu là "do các nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh thành lập để thúc đẩy tư duy mới về cách Anh nên ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc". Vị trí chủ tịch CRG sau đó được bà Kearns kế nhiệm.

Bà Kearns, trên cương vị tại Hạ viện, đã thuê ông Cash làm nhà nghiên cứu tại Nghị viện Anh. Thông qua vị trí này, ông đã có được quyền tiếp cận nhiều thành viên trong giới nghị viện. Ông Tugendhat nói mình có liên lạc với ông Cash trước khi trở thành người đứng đầu cơ quan An ninh vào tháng 9.2023.

Trợ lý chính khách Đức bị bắt, nghi làm gián điệp cho Trung Quốc

Mặc dù ông Cash và ông Berry không có giấy phép an ninh - một xác nhận của chính phủ để đảm bảo cá nhân được tiếp cận thông tin nhạy cảm sẽ không gây mối đe dọa an ninh quốc gia - nhưng cả hai đều sở hữu thẻ nghị viện, giúp hai ông có thể đi lại mọi tòa nhà thuộc cơ quan lập pháp.

Ông Cash bị cáo buộc "thu thập, ghi âm, xuất bản hoặc truyền đạt" tài liệu từ tháng 1.2022 - 2.2023, có thể mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, trong khi ông Berry phạm tội tương tự vào thời gian tháng 12.2021 - 2.2023.

Điểm tương đồng tại châu Âu

Vụ việc của hai ông Cash và Berry, hay thông tin những nước châu Âu cáo buộc cá nhân làm gián điệp cho Trung Quốc gần đây đều có điểm tương đồng, đó là tập trung vào những người có liên hệ với các nhân vật chính trị cánh hữu, nhằm tác động lên chính sách hoặc thu thập tin tình báo quan trọng.

Ngày 23.4, AFP dẫn lời phía công tố Đức cho hay đã bắt ông Jian Guo, cáo buộc người này chuyển thông tin về các cuộc thảo luận của Nghị viện châu Âu cho tình báo Trung Quốc. Ông Guo là trợ lý của ông Maximilian Krah, một ứng viên hàng đầu của đảng cực hữu Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6. Trước đó, vào tháng 12.2023, Thủ tướng Bỉ Alexandre de Croo coi Trung Quốc là "đôi khi rất thù địch". Tuyên bố này được đưa ra sau những cáo buộc ông Frank Creyelman, một thành viên của đảng cực hữu Vlaams Belang, đã được tình báo Trung Quốc tuyển dụng để gây ảnh hưởng đến diễn ngôn của châu Âu về các chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc.

Điều tra của báo Financial Times tiết lộ một quan chức Trung Quốc đã thuyết phục ông Creyelman vận động hai thành viên cánh hữu của Nghị viện châu Âu công khai lên án Mỹ và Anh phá hoại an ninh năng lượng của châu Âu.

Hiện chưa có giải thích rõ về việc các thành viên cánh hữu liên quan những vụ cáo buộc gián điệp Trung Quốc, song sự trùng hợp này buộc các chính phủ châu Âu lưu ý đến những mối lo ngại an ninh và mạng lưới gián điệp nước ngoài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết các báo cáo về hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở châu Âu là "vô căn cứ", "cường điệu" và cố ý hạ thấp uy tín của Bắc Kinh

Cựu quân nhân Đức thừa nhận làm gián điệp cho Nga

Bị cáo Thomas H. (phải) tại phiên tòa ngày 29.4

Bị cáo Thomas H. (phải) tại phiên tòa ngày 29.4

Ảnh: Chụp màn hình Newsweek

Trong một phiên tòa bắt đầu vào đầu tuần này, cựu quân nhân Đức Thomas H. thừa nhận đã tiếp cận cơ quan ngoại giao Nga để làm gián điệp.

Theo AFP, bị cáo 54 tuổi làm việc trong đơn vị phụ trách mua sắm trang thiết bị quân sự, thừa nhận lo ngại việc Đức chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine sẽ khiến nước này bị kéo vào xung đột. Các công tố viên cáo buộc bị cáo đã chụp ảnh các tài liệu huấn luyện sử dụng vũ khí và công nghệ máy bay, sau đó bỏ vào thùng thư của lãnh sự quán Nga tại TP.Bonn (Đức). Bị cáo thừa nhận sự thiếu quan tâm đến an toàn của công dân Đức đã khiến ông ngày càng không hài lòng với chính quyền Berlin. Do đó, ông đã đề nghị làm nội gián cho Nga từ tháng 5.2023 với hy vọng sẽ được Moscow báo trước về khả năng leo thang hạt nhân trong xung đột nhằm đưa gia đình đến nơi an toàn kịp thời. "Tôi đã sai", bị cáo thừa nhận tại phiên tòa ngày 29.4 tại TP.Dusseldorf (Đức).

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.