Intel, Google, Arm, Qualcomm, Samsung và những hãng công nghệ khác đã thành lập liên minh có tên UXL Foundation với nỗ lực phát triển bộ phần mềm nguồn mở để giải phóng các nhà phát triển AI khỏi tình trạng lâu nay vẫn bị phụ thuộc vào chip của NVIDIA. Nói cách khác, liên minh UXL muốn tìm ra chìa khóa cho phép chương trình của các nhà phát triển có thể vận hành trên bất kỳ cỗ máy nào và không "kén" chip sử dụng.
Gót chân Achilles của NVIDIA ?
Theo AFP, NVIDIA đã trở thành tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 2.200 tỉ USD nhờ vào việc cung cấp các dòng chip AI. Đây là những loại chip tạo nên kỷ nguyên của các nhà phát triển AI tạo sinh, dạng trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung, dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có.
Chip của tập đoàn Mỹ hiện được "săn đón" trên toàn thế giới, dù là các công ty khởi nghiệp hay những tên tuổi "đại gia" ngành công nghệ sừng sỏ lâu nay như Microsoft, Google, hoặc OpenAI là cha đẻ của ChatGPT. Bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, không ít công ty Trung Quốc vẫn tìm cách mua chip của NVIDIA.
Bên cạnh phần cứng, một phần sức mạnh đáng gờm của NVIDIA đến từ mã máy tính tên gọi CUDA được nghiên cứu và phát triển gần 20 năm qua. Điều này biến NVIDIA gần như ở thế bất bại. Hơn 4 triệu nhà phát triển trên toàn cầu đang dựa vào nền tảng phần mềm CUDA của NVIDIA để xây dựng AI và các ứng dụng khác.
NVIDIA củng cố thế thống trị với siêu chip AI
Giờ đây, một liên minh các hãng công nghệ như Qualcomm, Google và Intel, đang lên kế hoạch nới lỏng "gọng kìm" kiểm soát thị trường của NVIDIA. Họ là một phần của nhóm đang tiếp tục lớn mạnh và bao gồm các nhà tài chính và những công ty đang tìm cách thoát khỏi sự thống trị của NVIDIA trong lĩnh vực AI. Mục tiêu là tập trung giáng đòn tấn công vào vũ khí bí mật của "gã khổng lồ" ngành chip: phần mềm CUDA vốn buộc các nhà phát triển phải sử dụng chip NVIDIA.
"Chúng tôi đã chứng tỏ cho các nhà phát triển thấy được họ có thể tách khỏi nền tảng NVIDIA như thế nào", Reuters hôm qua dẫn lời ông Vinesh Sukumar, Giám đốc AI và máy học của Qualcomm.
Vũ khí mới
Khởi đầu với công nghệ do Intel phát triển gọi là OneAPI vào thời điểm thành lập tháng 9.2023, liên minh UXL lên kế hoạch xây dựng một bộ phần mềm và công cụ máy tính có thể tiến tới cung cấp năng lượng cho nhiều loại chip AI khác nhau. Theo Reuters, dự án nguồn mở này nhằm cho phép mã máy tính của các công ty có thể hoạt động trên mọi cỗ máy, dù chúng được vận hành bằng dòng chip hoặc phần cứng máy tính nào.
"Trong khuôn khổ máy học, chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái nguồn mở, và thúc đẩy năng suất cũng như cho phép được lựa chọn về phần cứng", Reuters dẫn lời ông Bill Magro, Giám đốc kiêm kỹ sư trưởng về hiệu suất máy tính. Google là một trong các thành viên sáng lập UXL và giúp xác định hướng đi về kỹ thuật của dự án.
Intel chi 100 tỉ USD vì ngôi vương ngành bán dẫn
Ủy ban chỉ đạo kỹ thuật của UXL đang chuẩn bị liệt kê những thông số kỹ thuật cụ thể trong nửa đầu năm nay. Và đội ngũ kỹ sư của liên minh có kế hoạch hoàn tất những chi tiết về kỹ thuật để đạt đến trạng thái hoàn thiện vào cuối năm 2024. Bên cạnh những công ty ban đầu, UXL sẽ tiếp tục kết nạp những tên tuổi trong ngành điện toán đám mây như Amazon, Azure, cũng như các nhà sản xuất chip khác.
Hiện OneAPI của Intel đã được sử dụng, và bước kế tiếp là tạo ra một mô hình lập trình điện toán tiêu chuẩn được thiết kế cho AI. Không dừng lại ở mục tiêu đối đầu NVIDIA, UXL về dài hạn còn muốn hỗ trợ tập đoàn này về vấn đề phần cứng lẫn mã máy tính.
NVIDIA đối đầu gần 100 công ty khởi nghiệp
Kế hoạch của UXL chỉ là một trong những nỗ lực nhằm tranh đoạt thị phần của NVIDIA trong lĩnh vực AI. Reuters dẫn dữ liệu do Công ty PitchBook (Mỹ) thu thập được cho biết nhiều nhà tài trợ quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty khác đã chi hơn 4 tỉ USD vào 93 công ty khởi nghiệp khác nhau. Mục đích của họ là "lật đổ" NVIDIA thông qua việc khai thác nhược điểm về phần mềm. Và họ đã giành được thành công bước đầu. PitchBook ghi nhận các công ty khởi nghiệp trên đã thu về lợi nhuận hơn 2 tỉ USD trong năm 2023 trong quá trình khai thác lỗ hổng của NVIDIA so với 580 triệu USD vào năm trước đó.
Bình luận (0)