HOÀNG THẮNG


Trên một tài liệu doanh nhân Hoàng Khải công bố thành tựu con đường làm giàu hơn 32 năm của mình, được tóm gọn vỏn vẹn không đầy 200 chữ trên Facebook cá nhân: “22 tuổi mở cửa hàng Khai Silk đầu tiên và tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, 28 tuổi mở 19 cửa hàng Khai Silk tại các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và 1 nhà hàng Khai Brother, 32 tuổi khai trương 1 resort 4 sao đầu tiên tại Hội An và biết 4 ngoại ngữ, 38 tuổi mở Khai Silk khắp VN trên những con đường nổi tiếng như Đồng Khởi, Hàng Gai và trong những khách sạn sang trọng bậc nhất như Intercontinental Peninsula Da Nang hay như JW Marriott Phú Quốc và khai trương những nhà hàng cao cấp nhất tại Sài Gòn (10 cái), 45 tuổi bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại SaiGon Paragon với hơn 25.000 m2, 50 tuổi xây dựng khách sạn lâu đài Tajmasago nổi tiếng, 54 tuổi sẽ xây dựng tòa cao ốc THE KHAI với 20.000 m2, 1 khách sạn KHAISAN 179 phòng tại Cam Ranh và đã mở thành công chuỗi phở "Ông Khải " vào khoảng 100 tiệm (trong 2 năm)”. Vì sao Hoàng Khải giàu đến thế?

 Buổi sáng ở lâu đài Tajmasago màu trắng sang trọng bậc nhất Sài Gòn, trong giai điệu du dương của nhạc giao hưởng cổ điển, anh Khải mặc áo màu hồng cánh sen, ngồi trước máy tính MAC màn hình lớn của Hãng Macintosh. Anh lướt Facebook, chào ngày mới với câu chào quen thuộc dành cho các fan ruột của mình: “Good morning!”. Newfeed của anh lúc là cái hình đẹp, khi thì viết dăm câu dí dỏm hay bật ra một ý tưởng truyền cảm hứng và lập tức cộng đồng fan của anh trên Facebook cuồng nhiệt like. 


Trên Facebook anh là tỉ phú “Good morning” với lượt fan theo dõi vượt mức 130.000, ngoài đời doanh nhân Hoàng Khải tuổi ngoài 50, tóc điểm bạc, trung thành với quần short dép kẹp.

Phong cách nói chuyện hấp dẫn , khi nói về những dự án đang làm thì đam mê, năng lượng bùng nổ toát ra từ ánh mắt, giọng nói đến dáng điệu.  Nếu lướt qua Facebook Hoàng Khải, không khó để bạn nhẩm tính gia tài triệu USD của anh ấy từ chuỗi nhà hàng, lâu đài, trung tâm thương mại, dàn siêu xe… 

Câu chuyện được bắt đầu từ cột mốc năm anh 22 tuổi. 

Ở tuổi 22, hầu hết với sinh viên chuẩn bị ra trường sẽ nghĩ ngay đến chuyện đi tìm một việc làm. Khi đó, anh sinh viên Hoàng Khải tốt nghiệp nhạc viện đã khởi sự kinh doanh. Anh không ngần ngại thẳng thắn nói anh chẳng có khái niệm gì đến khởi nghiệp hay làm giàu. Theo cách nói dí dỏm của anh thì đó là “do dòng đời đưa đẩy”. Thời đó anh khởi sự từ ý thức đỡ đần mẹ, phải giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Làm bao nhiêu đưa hết tiền cho mẹ, rồi mẹ cho bao nhiêu xài bấy nhiêu. 

Duyên khởi từ một câu hỏi của một người nước ngoài: “Tại sao ở VN nổi tiếng về lụa mà không có ai bán ở thị trường?”. Anh lập tức nhìn thấy cơ hội và đi tìm câu trả lời. Anh xuống Hà Đông, Nha Xá đánh thức làng nghề, khơi dậy văn hóa dệt lụa truyền thống. Thước lụa đầu tiên ra đời được hưởng ứng nhiệt liệt. Từ đó, anh đánh thức luôn văn hóa nghề dệt lụa và mở đường cho tơ lụa VN đến với thế giới bằng một cửa hàng bán tơ lụa. Khai Silk ra đời từ đó và nhanh chóng trở thành thương hiệu lừng danh. 6 năm sau Hoàng Khải đã sở hữu 19 cửa hàng Khai Silk tại các khách sạn 5 sao, những chiếc khăn choàng tơ lụa của anh đã theo chân người nước ngoài, những chính khách nổi tiếng tỏa đi muôn phương. Anh chính thức dấn thân vào con đường của một tỉ phú như không có con đường nào khác.

Anh thừa nhận, chính nhờ lợi thế từ âm nhạc cổ điển mà người bố vốn là nhạc sĩ đã định hướng cho con mình từ thưở bé đã cho anh một tư duy khác. Anh học thêm về ngành thiết kế và cùng với sự tinh tế của âm nhạc trong anh đã tạo ra những cảm xúc khác biệt về cái đẹp. 

Bao giờ Hoàng Khải làm cũng đẹp, cũng gây choáng ngợp, thích thú và không trùng lắp, từ tơ lụa Khai Silk, ẩm thực, bất động sản. Và hơn thế nữa, anh tạo ra một xu hướng thăng hoa.

Anh đúc kết: Cơ hội là mình phải tạo ra, từ điểm tựa này kết hợp với cái đẹp cho cơ hội thành công thăng hoa. Và thách thức lớn nhất chính là sự sáng tạo không được phép dừng. Bí mật của thành công không đơn giản là làm nên một sản phẩm đẹp. Từ nhìn thấy cơ hội và làm nên cái đẹp chưa đủ, với Hoàng Khải, kinh doanh còn là tạo ra cái đẹp và thiết kế ra xu hướng cuộc sống. Xu hướng cuộc sống luôn luôn thay đổi và dù là mảnh khăn lụa mềm mại hay tòa nhà sừng sững anh đều phải “xả thân” vì nó, phải thổi hồn mình lan tỏa trong sản phẩm để nó mang dấu của chính mình. Ai vào lâu đài Tajmasago, nhà hàng Cham Charm, trung tâm thương mại Paragon… đều thấy dấu ấn của Hoàng Khải. Đó chính là nét riêng, sáng tạo riêng, dấu ấn không lẫn lộn. Đó chính là niềm đam mê tạo ra cái đẹp, làm cho các sản phẩm của mình trở nên thành công.


Đang kinh doanh thời trang, nhà hàng sang trọng như thế, đột nhiên, anh lại đầu tư vào phở và chuỗi phở Ông Khải hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của anh. Nhưng sẽ không ngạc nhiên khi nghe anh nói về lý do, vẫn cách bắt đầu và vẫn chất Hoàng Khải trong từng tô phở Ông Khải.

Cơ duyên đưa đến với phở như câu chuyện lần đầu anh làm Khai Silk. VN mở cửa bao năm, McDonald, KFC, Burger King… đã vào VN, tại sao không có ẩm thực VN nổi trội lên sánh ngang với thế giới. Và thế là anh làm phở. 

Tương tự Khai Silk, anh còn muốn mang phở Ông Khải ra thế giới và thành công ở Tokyo, Shanghai, Paris, New York…. Vì vậy, phở phải có tầm quốc tế nhưng vẫn chứa đựng hồn VN và chất Khải. Phở ngon VN và tiêu chuẩn vệ sinh theo chuẩn mực thế giới. Tiệm phở không cần gồng gánh con trâu bãi cỏ, mà phải khang trang và rộng rãi, tiện nghi và tinh tế. Phở đã là VN và nhìn thấy logo phở Ông Khải là nhìn thấy một bảo chứng về chất lượng trong khách hàng quốc tế. Anh đo lường mức độ hài lòng của khách hàng theo cách rất tinh ý. Dù khách có khen ngon anh vẫn ghé mắt xem tô phở có hết nước lèo không? Và khách ăn xong anh “bí mật” sờ vào bát phở, thấy bát phở còn nóng là anh yên tâm khách hàng hài lòng.

Dù là một người lão luyện nhiều năm trong ngành ẩm thực cao cấp, nhưng có vẻ lần này sau những bát phở còn có một cảm xúc rất khác. Đó là bóng dáng của một người phụ nữ đôn hậu mà anh yêu nhất. Đó là mẹ. Trong công thức phở Khải có gợi ý của mẹ về hương vị phở bắc. Trong nhiều thứ anh say mê “khoe về logo phở Khải, về tô phở 45 giây, anh còn tự hào khoe “Phở ông Khải có nhiều phụ nữ lớn tuổi”. Với kế hoạch 100 quán phở thì anh nói mình cũng giúp cho nhiều phụ nữ lớn tuổi có thêm việc làm. Ưu tiên nhận phụ nữ lớn tuổi, chia sẻ được với họ phần nào cuộc sống. Anh trăn trở, trong mỗi dự án về kinh doanh tôi hay nghĩ nhiều về mình sẽ làm gì đóng góp được cho xã hội. 


Anh trả lời câu hỏi này bằng một câu chuyện. Anh kể, có lần đứa cháu hỏi: “Bác ơi sao bác giàu thế?”. Tôi trả lời: “Trong túi bác làm gì có tiền đâu?” rồi tôi hỏi các cháu: “Nếu bác giàu thế này thì bác làm gì được cho các cháu?”.

Câu trả lời của những đứa cháu vẫn là: “Nhưng con thích bác giàu!”. Và từ câu hỏi này, nảy sinh trong anh ý đỉnh giáo dục các cháu trong gia đình về giá trị của đồng tiền. Tiền chính là giá trị cuộc sống chứ không chỉ là ăn ngon mặc đẹp.

Để giàu phải có nhiều những thứ mà mình phải trả giá cho sự làm giàu, chứ không phải cứ làm giàu một cách dễ dàng. Anh ví von: “Không có cái thang máy nào đưa Khải đến thành công cả mà Khải toàn phải đi thang bộ thôi”. Làm giàu rất khó. Không thể ngày một ngày hai mà giàu.

Cái quan trọng nhất của cái giàu rất vô chừng. Có thể giàu về tiền bạc, giàu về nhân cách, giàu về tinh thần. Nhưng nếu giàu có về nhân cách sẽ dễ dàng dẫn bạn đến thành công trong cuộc sống nhiều hơn giàu về tiền bạc.

Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ là hãy trau dồi nhân cách, hướng đến hoàn thiện phong cách sống và cuộc đời sẽ cho bạn những thứ khác giàu hơn nữa, dẫn bạn đến với thành công. Bởi làm giàu không thể thiếu nhân cách. Điều gì ảnh hưởng đến làm giàu nhân cách? Làm giàu nhân cách có ảnh hưởng rất lớn từ khi bạn còn là một đứa trẻ. Từ ảnh hưởng rất lớn về giáo dục của gia đình.

GOOD MORNING chính là thương hiệu của Hoàng Khải và là món quà anh thường gói ghém mỗi sáng thức dậy để gửi cho bạn bè bắt đầu bài học thuở nhỏ bố anh dạy: “Mỗi sáng thức dậy con phải chào mọi người, đó là kính trọng mọi người”. Nếp nhà tưởng nhỏ đã tạo nên một nhân cách lịch lãm của Hoàng Khải sau này. Hơn thế nữa, đó còn là những suy nghĩ và hành xử tôn trọng cuộc sống. 


Liên quan đến cái đẹp, văn hóa và ứng xử trong cái đẹp, ứng xử trong kinh doanh tạo ra một dòng chảy khiến các sản phẩm anh đầu tư luôn có sự đặc biệt. 

Thử thách có tính sống còn của thương trường đôi khi ở chỗ phải biết từ chối bớt các cơ hội. Anh chia sẻ: “Nhiều ngân hàng hỏi tôi có làm bánh trung thu không, thị trường này cạnh tranh gắt gao tôi không muốn nhảy vào dành sức cho việc khác. Khó khăn nhất là vượt qua cám dỗ của đồng tiền, khi có quá nhiều cơ hội. Cám dỗ của đồng tiền là ma lực, nếu mình vượt qua được sẽ dẫn mình đến thành công lớn hơn”.

Cái khó nhất của làm giàu là sáng tạo và trung thực. Nếu sáng tạo mà không trung thực thì sáng tạo trở nên là vô nghĩa. Sáng tạo và trung thực là 2 điều tạo ra một sản phẩm giá trị mới cống hiến được cho cộng đồng. 

Bí mật của sự giàu có ở doanh nhân Hoàng Khải là ở chỗ làm giàu không chỉ vì tiền.

Nếu bạn có đủ đam mê, tiền sẽ như dòng chảy được đánh thức từ nền tảng của sự giàu có vốn phải được minh định từ bên trong của một doanh nhân có nền tảng giàu có của nhân cách, dám nghĩ khác, làm khác và dám ước mơ.

Khi được hỏi vì sao hầu hết các hoạt động từ thiện của anh đều hướng đến giáo dục và y tế, anh bộc bạch: “Tôi nghĩ riêng về miếng cơm, manh áo rồi cũng sẽ hết. Tôi có thể đầu tư hơn một chút, bỏ công sức thêm một chút, xây dựng trường học cho trẻ, phòng khám bệnh cho bệnh viện là những việc có tính bền lâu”.

Tỉ phú triệu USD như cách của anh là 3 giàu: Giàu tâm hồn, phú quý về gia sản và giàu có về các giá trị mà anh làm nên trong đế chế doanh gia triệu đô. Như lời doanh nhân Hoàng Khải khẳng khái chia sẻ: “Sự giàu có của tôi không chỉ thể hiện qua của cải và vật chất mà qua cả tâm hồn và những khát vọng của tôi.”


Một ngày của doanh nhân Hoàng Khải bắt đầu như thế nào?

Sáng dậy ăn phở, uống cà phê, rồi lướt Facebook, họp nhân viên, họp ngân hàng, trả lời báo chí. Có nhiều suy nghĩ cho tương lai làm sao chuỗi phở phát triển bền vững, chất lượng. Làm sao đầu tư tòa cao ốc TheKhai, chủ nhật lại thăm trẻ em mồ côi, các chương trình từ thiện.

Những dự án nào đang là mối quan tâm hàng đầu của anh?

Hiện tại phở Ông Khải, tòa nhà TheKhai và khách sạn ở Cam Ranh.

Anh nghĩ thế nào khi anh đã là một người giàu có, thành công với các lĩnh vực lớn với rất nhiều dự án đình đám và nay phở anh cũng “nhảy vào”, lớn anh cũng làm nhỏ anh cũng làm, liệu điều này có thể gây đố kỵ?

Thực tế trong cuộc sống có nhiều lĩnh vực mà mình cần phải chia sẻ. Sở dĩ tôi làm ra tô phở ngon, các nhà hàng thật đẹp, thật thoải mái là vì tôi có một niềm mơ ước không chỉ ở VN. Được mở những quán phở ở Tokyo, Changmai là niềm mơ ước của tôi. Nếu một mai có ai đố kỵ thì tôi nghĩ lòng đố kỵ đó sẽ mai một. Vì tôi mang lòng trung thực ra đánh đổi sự đố kỵ thì chắc chắn lòng đố kỵ đó chẳng thể nào tồn tại được (Cười)

Xe, áo, nón, mắt kính anh đều thấy anh luôn thay đổi. Thế nhưng có một chiếc nhẫn anh đeo trên tay thì dường như không thấy thay đổi?

Chiếc nhẫn đó là kỷ vật. Kỷ vật hay đi theo con người ta suốt đời, chứng kiến nhiều thay đổi trong cuộc sống, chứng kiến những nỗi buồn niềm vui. Đó là chiếc nhẫn thời trẻ tôi tự mua bằng số tiền mình kiếm được

Bắt đầu con đường làm giàu từ ý thức “muốn phụ giúp mẹ”, mẹ anh có tầm ảnh hưởng thế nào trong thành công hôm nay của anh?

Mẹ tôi luôn là một tấm gương lớn là động lực cho tôi. Tôi học ở mẹ thái độ làm việc. Năm nay bà đã ngoài 80 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn còn làm việc, không phụ thuộc vào con cái, vẫn hỏi han, góp ý công việc của gia đình. Nên bạn thấy đó, 53 tuổi tôi vẫn khởi nghiệp với phở Ông Khải chuỗi 100 quán và tôi là người đàn ông của tự do chỉ muốn làm hết thảy mọi thứ để cho mẹ của tôi có thể tự hào về con trai của bà. Bởi vì người Mẹ nào trên thế gian này mà lại chẳng hạnh phúc vô bờ bến với điều đó chứ ?

Điều gì anh muốn truyền lại cho các cháu bài học về chuyện làm giàu?

Tôi dạy các cháu về giá trị đồng tiền. Tôi cho các cháu một thẻ tín dụng với một định mức để các cháu tự chi tiêu. Trước khi giao thẻ tín dụng, tôi nói: “Nếu làm mất thẻ này thì các cháu sẽ không bao giờ có cái thẻ khác nữa. Nếu các cháu làm lộ mã số code để người khác có thể rút hết tiền đi thì các cháu sẽ không bao giờ có tiền nữa. Nếu các cháu tiêu quá khả năng định chế hạn mức vượt khung thì ngân hàng sẽ khóa thẻ không cho tiêu nữa”. 

Mỗi một lần các cháu tiêu tiền, thông báo sẽ về điện thoại của tôi. Tôi đều biết các cháu tiêu tiền cho việc gì. Nếu các cháu tiêu quá 200.000 đồng tôi đều lập tức gọi điện thoại hỏi các cháu đã tiêu tiền đó vào việc gì. 

Cách quản lý tiền tạo nên sự ngăn nắp của cuộc sống. Những người biết cách tiêu tiền, giá trị nó mới bền vững.



Báo Thanh Niên
12.10.2017
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top