Một mình sống trên đỉnh núi cao gần 2.000 m trong căn nhà lụp xụp, không điện, không sóng điện thoại, mỗi tuần phải đi bộ 4 giờ xuống trung tâm xã mua thức ăn, đồ dùng... Đó là chuyện của cô giáo Trần Thị Hiền, giáo viên mầm non điểm trường Xà Phìn (Bát Đại Sơn, Quản Bạ, Hà Giang).

>> MAI THANH HẢI

Cô giáo Hiền (33 tuổi) quê ở Hà Quảng (Cao Bằng). Học xong trung cấp mầm non Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây (nay là TP.Hà Nội), Hiền về quê dạy hợp đồng, mãi đến tháng 6.2012 mới dạy chính thức tại H.Quản Bạ (Hà Giang). Nay, Hiền định cư ở TT.Tam Sơn (H.Quản Bạ) với chồng là anh Viên Văn Chưởng chuyên lái xe tải vận chuyển hàng hóa các huyện vùng cao và con gái Viên Thảo Chi 4 tuổi.

Trưa chủ nhật giữa tháng 11, Hiền khoác áo mưa phóng xe máy từ TT.Tam Sơn lên trung tâm xã Bát Đại Sơn cách hơn 20km, rối rít giục chúng tôi đang đợi sẵn: “Đợi em gửi xe máy chỗ quen rồi đi ngay lên thôn. Nhanh kẻo đi 4 tiếng trời nhanh tối, dễ lạc trong rừng, bị rắn độc cắn là thường”.

Ngược con đường đá lên đỉnh Xà Phìn của dãy Bát Đại Sơn trấn ải phía bắc Tổ quốc, Hiền kể: “Nếu trời không mưa lũ thì chiều thứ sáu em đi bộ xuống núi mất gần 4 tiếng, lấy xe máy chạy về nhà vừa kịp trời tối. Chiều chủ nhật chạy xe máy lên rồi lại đi bộ hơn 4 tiếng, đến điểm trường cũng vừa kịp tối. 2 tuần nay về nhà nhưng không gặp chồng vì đúng dịp anh ấy chở hàng đi Mèo Vạc”.

Mất gần 5 giờ đạp lên lổn nhổn đá tai mèo, trượt trên những triền đất lở trơn nhẫy bởi trời mưa, luồn qua khu rừng nguyên sinh Bát Đại Sơn âm u hoang vắng đến rợn người..., chúng tôi cũng lên tới đỉnh núi chục mái nhà mái gỗ đen xỉn rêu bám xanh lè dưới những gốc cây samu của xứ lạnh quấn quýt sương mây. Hiền chỉ ngôi nhà mái tôn nằm trên điểm cao nhất của bản: “Điểm trường chính”.

Vừa đón chúng tôi, Hầu Mí Lử, Trưởng bản Xà Phìn, đã khoe: “Buổi sáng phải dậy sớm lên xem cô giáo có làm sao. Chỗ này giáp biên, sợ cô giáo bị bắt cóc lắm”. Vừ Mí Dình, phụ huynh học sinh (HS) 5 tuổi Vừ Mí Lùng, kể: “Từ đây sang Lũng Đại (Vân Nam, Trung Quốc) chỉ 2 tiếng đi bộ. Dân bản này có mấy trẻ con, phụ nữ bị đưa sang bên kia. Cô giáo Hiền dũng cảm ở một mình. Cô trước tên Hằng cứ tối là xuống nhà dân ngủ nhờ”.

Bản Xà Phìn có 32 hộ dân với gần 200 nhân khẩu, cả người Dao và người Mông sinh sống cùng nhau trên diện tích gần 100 ha. Những năm trước, trên bản có điểm trường liên cấp cả mầm non và tiểu học nên ít nhất cũng có 2 giáo viên ở cùng nhau. 

Thực hiện “Đề án chuyển HS tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” của UBND tỉnh Hà Giang, từ năm học 2017 - 2018, toàn bộ HS tiểu học điểm trường Xà Phìn được đưa xuống học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bát Đại Sơn ở trung tâm xã. Số HS mầm non từ 3 - 5 tuổi, bé quá phải ở lại.

“Cả bản có 16 HS mầm non. Theo quy định chỉ 1 giáo viên. Năm học trước (2017 - 2018) chúng tôi động viên cô Lưu Thị Hằng lên dạy. Năm nay là cô Trần Thị Hiền”, cô Lưu Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Bát Đại Sơn, chia sẻ: “Cứ mỗi chiều cuối tuần, gọi điện thoại và nghe tiếng giáo viên mình, mới tạm hết lo”...


6 giờ sáng, trời mới tang tảng, cô giáo Hiền đã tung chăn vùng dậy. Khí hậu Xà Phìn luôn lạnh nhất Quản Bạ, mùa hè se lạnh, mùa đông băng giá là thường, nên Hiền phải ngồi một lúc cho quen rồi mới mở then cánh cửa gỗ, ra bể múc một chậu nước nhỏ dành cho sinh hoạt buổi sáng rồi mới vào bếp nhóm củi, nấu nửa gói mì ăn liền. Trên miền đá, nước ngọt hiếm, rau xanh hiếm, nên mì gói chỉ... nấu suông.

Lớp mầm non học nhận mặt chữ

7 giờ 30, những đứa trẻ lục tục đến lớp. Điểm trường nằm trên cao, bọn trẻ có đứa phải đi qua 3 - 4 lũng núi từ 6 giờ, nên đầu ướt sương lướt thướt, chân tay lem luốc bùn đất và vết gai cào xước. Hiền lại ào xuống chân dốc, lưng cõng, tay dắt từng đứa lên trường, đưa vào rửa chân tay sạch sẽ, xong các em mới vào lớp.

Rửa chân cho HS đi bộ tới lớp

8 giờ vào học, cô, trò rúc vào phòng tối, tường đất ướt, ngai ngái. Những đứa trẻ người Mông, Dao léo nhéo tiếng dân tộc mình, ngọng nghịu nhận từng mặt chữ và giật nảy, khi cô giáo gọi đến tên mình. “Đánh vật” với nhau đến tầm 10 giờ, Hiền vừa dạy vừa sang gian bếp ngay cạnh để cùng chị phụ huynh nấu cơm.

Đổ bô cho trẻ sau khi vệ sinh

HS mầm non vùng cao biên giới được nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa 139.000 đồng/HS/tháng. Số tiền này được cấp vài tháng/lần đến tận tay phụ huynh, nhưng hầu như lĩnh xong họ mang đi uống rượu, mua thực phẩm, còn con cái thì kệ... cô giáo. Thế nên mấy năm gần đây, phụ huynh ký nhận tiền xong phải nộp ngay cho cô giáo (với sự đốc thúc của cán bộ xã) mang đi trả nợ tiền gạo muối, thức ăn đã mua nợ đảm bảo bữa ăn cho HS từ mấy tháng trước. Mỗi tuần, HS ăn 4 bữa trưa tại điểm trường (từ thứ hai đến thứ năm), cũng là 4 buổi Hiền phục vụ bọn trẻ từ sáng đến chiều. 

Mỗi HS ăn trưa, phải co kéo sao cho đủ với mức giá chỉ 8.500 đồng, nên mỗi ngày nghỉ cuối tuần, Hiền lại phải đi chợ huyện tìm mua đồ ăn “ngon bổ rẻ” cho HS. Chiều chủ nhật lên bản, nhìn từ xa thấy Hiền như người đàn bà Mông: lưng đeo gùi đựng quần áo, sách vở, 2 tay xách thực phẩm cho HS.

Có lần trượt chân suýt lao xuống vực, làm rơi túi thịt, rau, Hiền vừa khóc vừa quay lại trung tâm xã xin mua chịu đồ ăn ở hàng tạp hóa mang lên. Trưởng bản thấy cô giáo mặt mũi trầy xước, chân tay sưng vù, nên họp phụ huynh yêu cầu mỗi đầu tuần phải góp rau, nộp củi cho bữa ăn HS. Thế nên bây giờ, cứ thứ hai là bọn trẻ đi học cầm khư khư nắm rau, quả su su đưa cô giáo. Hiền cũng đỡ phải chiều chiều vào rừng nhặt củi như những ngày đầu...

“2 bữa đầu cho HS ăn thịt, 2 bữa cuối ăn trứng hoặc lạc rang. Không dám cho ăn cá khô vì sợ bọn trẻ hóc xương cá”, Hiền nói: “Em thì ăn cơm với cá khô cho rẻ. Lương hơn 7 triệu, tính cả tiền biên giới. Lấy đâu ra mà ăn thịt?”.

Bếp nấu đồng thời là chỗ ăn của giáo viên và cán bộ xã lên công tác

Những ngày đầu lên nhận công tác, cứ buổi chiều khi HS về hết là Hiền leo lên tảng đá cạnh trường, tay khư khư điện thoại chờ sóng... lạc vào 1 - 2 vạch để gọi về nói chuyện với chồng con. Dân bản nhìn bóng Hiền in trên nền trời nhập nhoạng, hớt hải gọi: “Về thôi cô giáo ơi” và vận động nhà Phàn Ly Thao gần điểm trường, kéo dây điện san sẻ cho cái bóng điện nhỏ xíu, chạy ắc quy, để Hiền đỡ sợ. Cơm tối xong, Hiền cài chặt cửa, chèn ghế gỗ và leo lên cái giường gỗ lâu ngày mối mọt, cứ cựa mình là kêu cọt kẹt. Hiền nằm đếm tiếng chim “bắt cô trói cột” từ trong rừng sâu; rồi nói chuyện một mình với con và khóc...

Để điện thoại ngoài hiên ... hứng sóng

Người dân Hà Giang bảo: Bát Đại Sơn gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh dùng sức mạnh dựng lên 8 quả núi ngăn Thủy Tinh, giữ cuộc sống cho dân. Xa xôi, hiểm trở nên chỉ có người Mông, người Dao có tài leo núi, mới đi dọc theo sông Miện nước xanh rợn người, leo lên Bát Đại Sơn dựng nhà trồng ngô. Giờ, không chỉ có người Mông, người Dao mà còn có những thầy cô giáo người Kinh bấm chân vào đá leo lên Bát Đại Sơn dạy chữ cho con trẻ và giữ vùng phên giậu địa đầu Tổ quốc. Thế nên, muốn thấy hoa trên đá, cứ phải qua cổng trời, tìm những người đang cống hiến, trên đỉnh Bát Đại Sơn...

Đường lên điểm trường Xà Phìn phải đi bộ khoảng 4 giờ

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Mai Thanh Hải

Báo Thanh Niên
18.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.