Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Đầu cơ bất động sản gây lãng phí nguồn lực xã hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/05/2024 17:20 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói đầu cơ bất động sản gây nhiều hệ lụy, là lãng phí khi nguồn lực của xã hội, đất nước không đưa vào sản xuất kinh doanh mà bị chôn vào đất.

Chiều 15.5, góp ý vào báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu nhiều công trình quan trọng quốc gia chậm tiến độ, đội vốn, sau khi hoàn thành phải sửa đổi nhiều là "lãng phí".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Đầu cơ bất động sản gây lãng phí nguồn lực xã hội- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Ông Thanh dẫn ví dụ dự án sân bay Long Thành, theo nghị quyết của Quốc hội là đang chậm. Một số dự án hạ tầng khác như cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng chậm do thiếu vật liệu. Theo ông Thanh, nếu không khắc phục thì sẽ dẫn đến đội vốn.

Cạnh đó, dự án đường Vành đai 4 thủ đô Hà Nội công tác chuẩn bị dự án chưa tốt nên chi phí thu hồi đất, bồi thường tái định cư tại Hưng Yên, Bắc Ninh tăng nhiều nghìn tỉ đồng. "Cần phải khắc phục vì sau này đội vốn thì chúng ta lại phải bỏ tiền ra xử lý", ông Thanh nêu.

Một "lãng phí" khác theo ông Thanh là đầu cơ bất động sản. "Người có tiền mà cứ mua bất động sản để đấy, trong khi người có nhu cầu không tiếp cận, không mua được. Tiền cứ chảy vào bất động sản không đưa vào lao động, sản xuất. Chúng tôi đề nghị phải có giải pháp xử lý, không thì nguồn lực xã hội, của đất nước bị chôn vào bất động sản", ông Thanh nêu.

Trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, các tháng đầu năm 2024 được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đầu tuần này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đánh giá tình trạng đầu cơ bất động sản dẫn đến nhiều hệ lụy như người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ.

Cạnh đó, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Thanh nhìn nhận, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.

"Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng nêu trên", ông Thanh nêu.

Xử lý các dự án lãng phí chưa đạt yêu cầu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Đầu cơ bất động sản gây lãng phí nguồn lực xã hội- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023

GIA HÂN

Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhấn mạnh tồn tại, lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý triển khai dự án trong đó có quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất.

Cạnh đó, doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động dẫn đến nhiều dự án phải giãn tiến độ, dừng triển khai; khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm do đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường; các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa được giải quyết dứt điểm.

Tới nay, còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.

Cạnh đó, việc xử lý gần 1.000 dự án lãng phí đã được Quốc hội chỉ ra sau đợt giám sát năm 2022, theo ông Lê Quang Mạnh, vẫn chưa đạt yêu cầu.

Ông Mạnh dẫn báo cáo Chính phủ cho biết, tới nay mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Trong khi đó, theo Nghị quyết 74 năm 2022 của Quốc hội, Chính phủ cần phải có phương án xử lý với gần 1.000 dự án này trong năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.