Tiền số vẫn nhộn nhịp giao dịch 'ngầm'

14/05/2024 06:32 GMT+7

Nhiều báo cáo đều cho thấy số lượng người VN sở hữu, giao dịch tiền kỹ thuật số đứng thứ hai, thứ ba thế giới, bất chấp hoạt động này vẫn bị cấm ở nước ta.

Giao dịch nhiều, mất tiền nhiều

Một báo cáo từ cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A vừa công bố cho thấy trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền kỹ thuật số (tiền số, tiền mã hóa) lớn nhất thế giới thì VN đứng thứ hai, chỉ sau UAE. Cụ thể, trong năm qua VN có gần 21 triệu người sở hữu tiền số, chiếm tỷ lệ 21,2% dân số, cao hơn Mỹ ở vị trí thứ ba với tỷ lệ 15,6%. Tỷ lệ người dân sở hữu tiền số ở UAE dẫn đầu thế giới với 30,4% do chính sách thân thiện của chính phủ với công nghệ mới. Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính của nước này đã có những hướng dẫn và quy định liên quan đến việc mua và bán tiền số.

Tiền số vẫn nhộn nhịp giao dịch dù bị cấm

Thực tế, các hoạt động đầu tư, mua bán tiền số như Bitcoin, Ethereum và hàng loạt đồng tiền số khác vẫn diễn ra nhộn nhịp trên mạng, đặc biệt khi các đồng tiền số liên tục tăng giá. Trên nhiều trang cá nhân, diễn đàn mạng xã hội hay các nhóm đầu tư kín đã bàn tán rôm rả về phương pháp đầu tư, lựa chọn tiền số nào… Thế nhưng đằng sau đó là một loạt người thua lỗ, nợ nần, mất nhà mất việc vì lao vào tiền số. Gia đình anh N.V.Q (H.Ba Vì, Hà Nội) đến nay vẫn gánh khoản nợ gần 1 tỉ đồng, chưa kể một mảnh đất đã bán trước đó để trả nợ vì thua lỗ khi đầu tư vào Bitcoin. 

Anh Q. vốn làm trong một cơ quan Nhà nước, nghe bạn bè rủ rê nên gom hết tiền tiết kiệm của gia đình, vay thêm gần 500 triệu đầu tư tiền số. Thế nhưng thắng đâu không thấy, chỉ thấy thua lỗ. Đến khi bị "xã hội đen" đòi nợ, anh đành phải thú nhận với bố mẹ. Sợ chuyện lộ ra, con trai bị đuổi việc, bố mẹ anh phải cắt một mảnh đất bán đi, trả nợ cho anh. Nửa năm sau, anh lại mang về một khoản nợ còn nhiều gấp đôi trước đó. "Đến giờ thì gia đình bó tay, không còn đất đâu mà bán nữa", bố anh bất lực nói.

Câu chuyện của một nhà đầu tư (NĐT) tên N.T "lên bờ xuống ruộng" trong đầu tư tiền số vẫn được nhiều người chia sẻ. Năm 2021, N.T bỏ vào hơn 20 triệu đồng thử đầu tư tiền số nhưng không lâu sau, số tiền bốc hơi hơn 70% nên N.T không còn quan tâm. Tuy nhiên từ cuối năm 2023, các loại tiền số dần gia tăng khiến N.T quay trở lại với tâm lý "thua ở đâu gấp đôi ở đó". N.T dốc hết 250 triệu đồng tiết kiệm vào đầu tư tiền số. Số tiền không lớn nên N.T cũng chỉ chọn những đồng tiền số có giá trị thấp. Thời gian đầu, N.T thắng đậm khi sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao. Tuy nhiên, đồng Bitcoin lượn lên đỉnh nhanh chóng rồi cũng lao dốc nhiều đợt từ đầu tháng 3 khiến các đồng tiền nhỏ khác càng biến động mạnh hơn. Đáng kể hơn, có thời điểm N.T đặt lệnh "short" các đồng tiền số và liên tiếp bị "cháy" tài khoản...

Tiền số vẫn nhộn nhịp giao dịch 'ngầm'- Ảnh 1.

DAD

Tình trạng như của N.T không phải hiếm trong cộng đồng đầu tư tiền số của VN. Báo cáo thị trường crypto VN 2023 do trang Coin98 Insights công bố, dựa trên 1.200 mẫu khảo sát thực hiện vào tháng 12.2023, cho hay năm 2023 gần 65% NĐT VN tham gia thị trường tiền số không thu được lợi nhuận, trong đó có tới 43,6% NĐT đang chịu lỗ.

Nhộn nhịp sàn tiền số dù bị cấm

Tại VN chưa có quy định pháp lý liên quan đến hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tiền số, tài sản ảo… Thế nhưng các nhóm đầu tư, sàn giao dịch tiền số vẫn hoạt động nhộn nhịp. Mới đây, Phòng CSHS Công an Quảng Ninh thông tin một vụ lừa đảo chiếm đoạt 2,32 tỉ đồng liên quan tới tiền điện tử. Cụ thể, ngày 13.4, do cần đổi tiền đồng lấy USDT (đơn vị tiền điện tử, 1 USDT tương đương 1 USD) để giao dịch nên anh P. truy cập vào mạng xã hội và tìm được một tài khoản làm dịch vụ này để trao đổi tỷ giá quy đổi và phương thức chuyển tiền. 

Cụ thể, đối tượng sẽ chuyển USDT vào ví điện tử cho anh P., chụp lại bill chuyển tiền gửi cho anh, rồi anh sẽ chuyển tiền đồng vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng chỉ định. Sau khi thống nhất việc đổi tiền, anh P. và đối tượng đã thực hiện 7 lần giao dịch đổi tiền, đối tượng đã chỉnh sửa bill chuyển tiền để gửi cho anh P. và nhận tổng số tiền 2,32 tỉ đồng. Sau đó, anh P. kiểm tra tài khoản ví điện tử của mình mới phát hiện số tiền đã nhận được trong các lần đổi tiền nói trên không đúng với số tiền trong các bill. Lúc này, anh P. gọi điện để hỏi nhưng đã bị đối tượng chặn cuộc gọi.

Chị A.Đ (TP.Thủ Đức, TP.HCM) thì vừa "thở phào" vì lượng tiền BNB đã "về bờ" ở mức giá 595 USDT. Cách đây nhiều năm, chị A.Đ được bạn giới thiệu tiền số trên sàn giao dịch Binance và giới thiệu BNB là đồng tiền mã hóa của hệ sinh thái Binance Chain. Lúc đó giá Bitcoin khoảng 50.000 USDT/Bitcoin, quá cao nên chị A.Đ quyết định chọn BNB đầu tư. Đây cũng là lựa chọn của nhiều người chơi tiền số. Vì thế, sàn giao dịch Binance có hàng chục loại tiền mã hóa được giao dịch, sử dụng bằng tiếng Việt từ hướng dẫn cách mua… Một số sàn giao dịch khác như Huobi, MEXC Global, Bitmart… cũng nhộn nhịp các nhà đầu tư mua bán, giao dịch.

Nhiều người Việt tham gia đầu tư tiền số dù giao dịch bị cấm

Nhiều người Việt tham gia đầu tư tiền số dù giao dịch bị cấm

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trích dẫn báo cáo của Chainalysic, Hiệp hội Blockchain VN (VBA) cho biết VN đứng thứ ba về lợi nhuận tiền mã hóa, chỉ sau Mỹ và Anh. Ước tính tổng lợi nhuận tiền mã hóa trên toàn cầu trong năm 2023 là 37,6 tỉ USD, VN kiếm được 1,2 tỉ USD. Kết quả này không bất ngờ vì trong những năm gần đây VN luôn đứng đầu trong nhiều thống kê liên quan đến tiền mã hóa. Lãnh đạo VBA cho rằng Bitcoin tăng giá có tác động sâu rộng đến tâm lý của các NĐT. Khi giá Bitcoin tăng thường tạo ra làn sóng lạc quan trong cộng đồng đầu tư, khích lệ nhiều người tham gia thị trường với hy vọng về lợi nhuận cao. 

Sóng tăng trưởng không chỉ thu hút các NĐT cá nhân mà còn thu hút sự chú ý của các tổ chức tài chính lớn, làm tăng tính thanh khoản và ổn định của thị trường tiền mã hóa. Tuy nhiên, tăng giá cũng gây ra cảm giác FOMO (Fear of Missing Out - nỗi sợ bỏ lỡ) đối với những NĐT mới, dẫn đến quyết định đầu tư vội vã mà không cân nhắc kỹ lưỡng, tạo ra các biến động giá không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro tổn thất tài sản. Do đó, VBA lưu ý NĐT cần duy trì sự cân nhắc và phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, đảm bảo tính ổn định lâu dài trên thị trường.

Khung pháp lý còn trống

Việc ra đời của các đồng tiền số theo sau công nghệ blockchain đã có mặt trên thị trường hơn chục năm qua. Tại VN, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng khung pháp lý. Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chính thức giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) giai đoạn 2021 - 2023.

Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23.2.2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ VN về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5.2025. Thế nhưng đến nay chưa có bộ ngành nào đưa ra được dự thảo về khung pháp lý liên quan đến tiền số, tài sản số nói chung.

Tiền số vẫn nhộn nhịp giao dịch 'ngầm'- Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định: Tại VN vẫn còn có sự mập mờ giữa tiền số và các mô hình Fintech (công nghệ tài chính). Chính phủ, NHNN cần phải có thông tin rõ ràng rằng đồng tiền số quốc gia là một hình thức mới, tiền số cũng chỉ do nhà nước độc quyền phát hành và quản lý. Trong khi đó, mô hình Fintech cũng như các loại hình thanh toán không tiền mặt chỉ là sử dụng công nghệ trong giao dịch mà vẫn dựa trên nền tảng là đồng tiền quốc gia. Khi chưa có sự phân biệt rõ ràng sẽ khiến nhiều cá nhân lầm tưởng rằng tiền số sẽ trở thành tương lai của tiền. Đồng thời cùng với tâm lý đầu tư lướt sóng, tìm kiếm lợi nhuận cao trong ngắn hạn nên nhiều người đã lao vào xu hướng đầu tư này dù biết rõ chưa được phép ở VN. 

Nhiều nước cũng đang tiếp cận nghiên cứu theo hướng có thể phát hành đồng tiền số quốc gia trên công nghệ mới. VN cũng ủng hộ các công cụ thanh toán an toàn, tiện lợi nhưng đó vẫn là đồng tiền chung của quốc gia, không phải là đồng tiền do cá nhân hay tổ chức nào tạo ra. Vì vậy ông Hiển đề xuất NHNN có thể nghiên cứu, công bố rõ ràng về khái niệm đồng tiền số nói chung. Từ đó có thể xem xét cho phép ứng dụng đồng tiền số như một công cụ thanh toán trong các trường hợp đặc biệt, tương tự như một dạng token được sử dụng trong các sòng bài mà Chính phủ cấp phép và token chỉ được lưu hành trong sòng bài.

PGS-TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật, đặt vấn đề: Dù chưa được pháp luật thừa nhận nhưng tiền số đã và đang trở thành những tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn với nhiều người tại VN. Trong khi đó, do thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý đối với tiền số đã gây ra các khó khăn trong việc quản lý các hoạt động liên quan như thất thu thuế, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động lừa đảo. Để quản lý tiền số, trước hết VN cần đưa nội dung này vào trong dự thảo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng hoặc xây dựng cơ chế riêng cho tiền số.

"Nhìn chung, các quốc gia có các cách tiếp cận khác nhau trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tiền mã hóa (tiền số). Tại VN, việc quản lý tiền số đã có những bước thay đổi chuyển từ cách tiếp cận "quan sát và chờ đợi" sang nghiên cứu và chuẩn bị cho việc xây dựng các quy định quản lý trong tương lai. VN cần phân loại tiền số theo các chức năng kinh tế như kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, bao gồm phương tiện thanh toán và trao đổi; công cụ đầu tư/chứng khoán; công cụ tiện ích. Dựa trên phân loại theo chức năng kinh tế sẽ có các quy định cho phù hợp. Việc xây dựng khuôn khổ quản lý các loại tiền mã hóa hay tiền số cần đơn giản và linh hoạt, tránh việc phức tạp hóa các yêu cầu, quy định", ông Sơn nói.

Cần có đánh giá, nghiên cứu cụ thể

Để cấm hay không tiền số, tiền ảo cần có cơ sở cụ thể, NHNN cần có đánh giá, nghiên cứu, tác động, kinh nghiệm của các nước như thế nào trong việc ứng xử đối với tiền số, tiền ảo. Có 2 vấn đề khá mơ hồ về vấn đề tiền ảo, tiền số; đó là kỹ thuật cũng như tính pháp lý của nó. Hiện nay, các sàn giao dịch tiền số, tiền ảo chủ yếu là nước ngoài, nếu VN có mở sàn thì ở mức độ là môi giới hay như thế nào. Việc mở hay không mở sàn giao dịch tiền ảo, tiền số liên quan đến việc nhà nước kiểm soát được các giao dịch trên thị trường này không, có thu được thuế không? Ngay cả việc định nghĩa tiền số, tiền ảo cũng đã phức tạp, chưa rõ ràng nên việc xây dựng khung pháp lý cho nó không phải dễ, dù rằng mục tiêu kiểm soát để phòng chống rửa tiền.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ

Cơ hội thúc đẩy phát triển công nghệ mới

Nếu như chưa có đánh giá cụ thể về tác động, mặt tích cực lẫn tiêu cực của tiền số thì sẽ khó đưa ra được quyết định rõ ràng về việc có cho phép tiền số tồn tại, giao dịch tại VN hay không. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, một công nghệ tiên tiến mà thế giới đang hướng đến. Đó cũng là cơ hội nếu VN tiếp cận được nhanh để ứng dụng, phát triển. VN đang có độ tiếp cận nhanh trong các công nghệ mới như blockchain, tiền số, tiền mã hóa nói chung. Thậm chí vài năm trước đây, VN cũng đứng đầu về sản xuất thực hiện trò chơi trong blockchain. Tuy nhiên, do thiếu khung pháp lý liên quan nên nhiều người Việt đã ra nước ngoài đăng ký doanh nghiệp để hoạt động. Điều này lại khiến cho VN mất đi một nguồn thu và thúc đẩy công nghệ mới phát triển.

TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC

42 quốc gia đang nghiên cứu về tài sản số

Ứng xử của các quốc gia đối với tiền mã hóa, tiền số có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, El Salvador chấp nhận Bitcoin như tiền pháp định thì Trung Quốc lại cấm hoàn toàn tiền mã hóa tư nhân. Tại Mỹ, tiền mã hóa không được xem là tiền pháp định, còn sàn giao dịch tiền mã hóa được cấp phép hoạt động và mỗi bang có các quy định khác nhau. Anh mặc dù không có luật cụ thể về tiền số, nhưng tiền số không được coi là tiền pháp định và các sàn giao dịch là hợp pháp và phải đăng ký, tuân thủ các quy định phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố...

Báo cáo của PWC (2023) cho thấy có 42 quốc gia đang nghiên cứu, xác định, tư vấn, đàm phán và lập pháp để đưa tài sản số vào khuôn khổ quản lý các dịch vụ tài chính hiện có. Ngoài ra, nhiều chính quyền địa phương đã công bố kế hoạch trở thành trung tâm tài sản số, công nghệ và đổi mới toàn cầu.

PGS-TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.