>> MAI THANH HẢI

Ông Hà Ngọc Hải, phó công an xã Phước Thiện chạy xe đưa tôi đi dọc đường biên, ra khu trồng cao su của ấp Tân Trạch, dừng lại trước miếu thờ cạnh đường, bảo: “Hồi xưa, lính Polpot tràn sang giết người, quăng xác ở đây”.

Sinh năm 1963 tại Tân Bình (TP.HCM), tháng 8.1975 ông Hà Ngọc Hải cùng gia đình rồng rắn theo bố mình là ông Hà Ngọc Mai lên xây dựng kinh tế mới tại ấp Xa Trạch ngay cạnh đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Cùng tham gia đợt đi xây dựng kinh tế mới này, có gần 100 hộ dân khác với tổng nhân khẩu gần 400 người.

“Bù Đốp là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh, có vị trí chiến lược quan trọng nên đầu tháng 4.1972 đã được giải phóng, trở thành căn cứ địa của cách mạng. Những ngày đầu, đến đâu cũng gặp bom mìn, hố bom pháo, dân cư thưa thớt vì chạy loạn trong chiến tranh”, ông Hải nhớ lại và trầm ngâm: Từ tháng 12.1976, quan hệ giữa 2 bên ngày càng xấu đi. Lính Khmer Đỏ phát rừng, mở đường dọc tuyến biên giới và tiến hành nhiều vụ xâm nhập lãnh thổ, xâm canh sâu vào đất ta, nhiều lần nổ súng vào lực lượng tuần tra của biên phòng, bộ đội, dân quân du kích và cả người dân đi lại làm ăn…

Ngôi miếu thờ những người bị thảm sát, ngay tại nơi họ bị lính PolPot giết hại dã man, 40 năm về trước

 Từ năm 1977, Khmer Đỏ gia tăng các hoạt động xâm lấn biên giới và khiêu khích vũ trang. Đặc biệt, ở khu vực cửa khẩu Hoa Lư, cách xã Phước Thiện gần 30 km đường chim bay, chiến sự xảy ra hàng ngày: Đêm 28.1.1978, phân đội Khmer Đỏ tấn công vào đồn biên phòng; ngày 1.2.1978, lính Khmer Đỏ phục kích bắn chết 1 sĩ quan chỉ huy của trung đoàn 205, sư đoàn 302; đêm 27, rạng sáng ngày 28.2.1978, cả trung đoàn chủ lực Khmer Đỏ ào ạt tấn công đồn biên phòng Hoa Lư, làm 34 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 13 người bị thương.

Thời điểm này, H.Bù Đốp yêu cầu các địa phương tổ chức cho dân tập trung sơ tán về phía sau khi chiến sự xảy ra trên địa bàn. Điểm tập trung dân sơ tán của xã Phước Thiện và Hưng Phước được chọn là ấp Xa Trạch, vì từ đây có đường di chuyển nhanh xuống khu vực hồ Cần Đơn, thượng nguồn sông Bé (thuộc xã Đa Kia, H.Bù Gia Mập và xã Thanh Hòa, H.Bù Đốp).

Đường tuần tra biên giới đã làm, nhưng vẫn rất hoang vu. Ngay cả xe chuyên dụng của Bộ đội Biên phòng cũng phải xuống chặt cây đổ ngã ven đường mới đi được

Bà Nguyễn Thị Soái (81 tuổi, nguyên phó chủ tịch UBMTTQVN H.Bù Đốp, hiện đang nghỉ hưu tại ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện) kể: Đầu tháng 3.1978, dân các nơi tập trung về chờ lệnh sơ tán có khi đến hàng nghìn người. Đợi mãi không thấy cấp trên thông báo, ngày 13 - 14.3.1978 họ bảo nhau trở lại nhà hoặc tìm đường về quê. Nếu ở lại, không biết đêm 16.3.1978 sẽ kinh hoàng sao...

3 giờ ngày 16.3.1978, chị Nguyễn Thị Yến khi ấy mới 24 tuổi là hiệu phó trường cấp 1 Hưng Phước dậy sớm đi bộ ra chợ Thiện Hưng đón xe đò về Phòng giáo dục Phước Long họp chuyên môn. Do đường đi qua rừng nguy hiểm, nên du kích Nguyễn Văn Diện được giao nhiệm vụ đi theo bảo vệ, mang theo 1 khẩu súng AR15. Hơn 3 giờ, người dân trong ấp nghe tiếng súng nổ như xé vải và chỉ khoảng chục phút sau, họ ngỡ ngàng khi thấy những bóng áo đen mang súng, cuốc xẻng, xà gạc ào vào từng ngôi nhà. “Cô giáo Yến và du kích Diện gặp Polpot dọc đường đi. Chúng giết chết 2 người và thay nhau hãm hiếp cô Yến”, ông Hà Ngọc Hải kể lại.

Ông Hà Ngọc Hải thắp hương bên miếu thờ

Ông Nguyễn Thanh Tuyền là em trai cô giáo Yến, hiện đang công tác tại Nông trường 5, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh, nhớ: “Lúc ấy tôi 6 tuổi, chị Yến đi khoảng 30 phút thì có tiếng súng, tiếng la hét, khói lửa ngút trời, người dân chạy tán loạn. Gia đình tôi lúc ấy có 8 người, chị Yến vừa đi Phước Long, chị Oanh dạy học ở xa, chỉ còn cha mẹ và 4 anh chị em. Cả nhà tôi chui xuống hầm trú ẩn ngoài sân. May có đống khoai mì che cửa hầm mà thoát chết, nhưng nhìn qua đống cây, tôi thấy rõ lính Polpot giết người, đốt nhà”…

Sau khi lính PolPot rút đi, cả nhà ông Tuyền sơ tán qua xã Đa Kia (Bù Gia Mập). Đi qua con đường dẫn vào ấp, thấy 2 xác chết được bộ đội đắp quần áo nhưng không ai nghĩ đó là người thân. Mãi 2 ngày sau có người sang báo, mới biết đó là cô giáo Yến.

Khu vực lính PolPot tràn qua ngày xưa, giờ là đường tuần tra biên giới

Ông Hà Ngọc Hải hồi ấy 15 tuổi nhưng đã tham gia du kích, đêm trước tham gia canh chốt chiến đấu gần đường biên. Rạng sáng 16.3.1978, ông ngủ nhà bạn, thấy động bừng tỉnh và chứng kiến cảnh chém giết hết sức dã man của lính PolPot.

“Chúng đốt nhà cho người chạy ra rồi dùng cuốc xẻng, xà gạc đạp chém chết ngay tại chỗ. Ai chạy, chúng mới dùng súng bắn theo. Những gia đình toàn đàn bà trẻ con, không biết chạy trốn mà chui hết xuống hầm núp, chúng xỉa lưỡi lê hoặc bắn thẳng” ông Hải kể lại và lắc đầu: “Có 6 gia đình chết toàn bộ, nhiều nhất là 8 người. Chúng tôi hồi ấy còn quá trẻ, nhìn thấy sợ run người nên luồn rừng chạy trốn ra ngoài”…

Bà Sam Sì Muối (85 tuổi, hiện sống cùng người con gái thứ 7 ở ấp Tân Trạch) là 1 trong số ít các nạn nhân sống sót qua vụ thảm sát, vẫn nhớ ký ức kinh hoàng: “Gia đình tôi từ Sài Gòn lên khu kinh tế mới Bù Đốp ngay sau khi giải phóng. Đêm 16.3.1978 cả nhà đang ngủ thì bọn PolPot tràn vào bắn giết. Chồng tôi và 2 con chạy trốn nên thoát. Tôi ôm người con thứ 10 trên vai chạy trốn, bị chúng phát hiện, giương súng nhằm đầu con tôi bắn, viên đạn xuyên qua đầu con găm thẳng vào bả vai tôi làm mất nhiều máu, ngất xỉu. Tỉnh dậy, tôi nhoài người về phía vũng nước, chúng phát hiện ra, tiếp tục lôi lên đánh đập tới khi bất tỉnh. Tưởng tôi đã chết nên chúng bỏ đi. 6 người con còn lại của vợ chồng tôi bị chúng bắt mang sang đất Campuchia đến nay không biết ở đâu, còn hay mất. Do bị thương quá nặng, tôi được chuyển về bệnh viện tỉnh cấp cứu và điều trị sau hơn 1 tháng mới trở về nên không biết xác con mình chôn ở đâu”.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Mai Thanh Hải

Báo Thanh Niên
06.01.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top