>> MAI THANH HẢI

Từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch MTTQ H.Bù Đốp (Bình Phước), tham gia nhiều sự kiện quan trọng của huyện, nên bà Nguyễn Thị Soái (80 tuổi, đang nghỉ hưu tại ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện) vẫn nhớ thời điểm đầu năm 1979, khi bà đang giữ cương vị Phó ấp Xa Trạch (nay là địa bàn 2 ấp Tân Trạch và Tân Hưng).

Sinh ra ở Bình Long, chồng là liệt sĩ nên suốt những năm chiến tranh, gia đình bà Soái phải chuyển hết chỗ này đến chỗ khác. Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973), gia đình bà mới an cư tại ấp Xa Trạch. Thời điểm này, Xa Trạch là ấp đông dân cư, được chia làm 2 khu. Khu ngoài tập trung bà con đã sinh sống ổn định từ trước, còn khu trong là những hộ làm kinh tế mới, phần lớn họ còn rất trẻ, được vận động từ Sài Gòn lên khai hoang, lập nghiệp giữa năm 1975.

PV Thanh Niên nghe bà Nguyễn Thị Soái kể lại câu chuyện

Đêm 15.3.1978, bà Soái cùng tham gia tổ chức họp dân khu kinh tế mới để triển khai các phương án sản xuất, canh tác đến gần 12 giờ mới về nhà. Vừa chợp mắt, bà bừng tỉnh bởi có ai đó đập cửa gọi: “Chị ơi! Miên sang đốt nhà, giết rất nhiều người khu trong”. Ban đầu không tin, nhưng nghe tiếng súng và thấy ánh lửa đỏ rực trong rừng cao su, bà hô hoán cho bà con chạy nạn, rồi hốt hoảng ra báo với ông Ba Yến là đại diện tiền phương của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Ông Ba Yến không tin, mãi khi thấy nhiều người chạy ra, mới đi báo với cấp trên điểu lực lượng ứng cứu. Khi bà Soái cùng bộ đội, dân quân vào đến nơi cũng là lúc trời sáng, hiện trường la liệt xác chết ngổn ngang.

“Đàn ông bị cắt cổ, bị đập đầu; trẻ em bị xé làm hai hoặc đập đầu vào gốc cây, vách tường; phụ nữ bị lột quần áo, xẻo ngực, dùng cây tầm vông, cán búa thọc hoặc nhét đá, đất, lá cây vào bụng, cửa mình...”, bà Soái nhớ rành mạch và lắc đầu bảo: “Dân địa phương chạy trốn khắp nơi nên không có người chôn cất thi thể, phải chờ tỉnh điều động lực lượng về. Thời điểm đó, đường sá đi lại khó khăn và thiếu thốn phương tiện nên khi lực lượng hỗ trợ đến nơi nhiều thi thể đã phân hủy không thể cho vào áo quan, phải đào hố chôn. Xác ở chỗ nào thì chôn tại đó, nơi nhiều thì đào hố chôn tập thể. Hôm ấy, 4 du kích trực ngoài chốt bị bắn chết… không kịp báo động”.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh H.Bù Đốp, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện kể: “Hồi đó tôi là dân quân thường trực kiêm lái xe cho xã Thiện Hưng. Khoảng 4 giờ ngày 16.3.1978, nghe tin báo PolPot tấn công khu vực Xa Trạch, tôi cùng  6 chiến sĩ  công an vũ trang lập chốt, chặn không cho địch tấn công ra hướng thôn 6, xã Thiện Hưng. Sau khi Pol Pot rút quân, chúng tôi phối hợp với thanh niên xung phong về dọn dẹp hiện trường. Công việc kéo dài hơn 10 ngày mới xong”.

“Mấy ngày sau cuộc thảm sát, thanh niên xung phong chưa kịp lên, mọi việc khâm liệm chôn lấp người chết đều do bà con trong ấp thực hiện”, ông Hà Ngọc Hải, Phó công an xã Phước Thiện nhớ lại vậy và bấm đốt ngón tay: “Hộ bà Tám Tàu, Mười Tàu, ba Định, ông Sơn, bà Loan… cả nhà chết hết dưới hầm, tôi phụ cha xuống móc các xác chết dưới hầm lên bọc vải làm lễ tưởng niệm. Không đủ quan tài, đành phải đưa họ xuống hầm, mỗi nhà từ 6-10 người xếp san sát và lấp đất làm thành mộ chung”.

Dẫn tôi ra 2 ngôi mộ nằm gần đó, ông Hà Ngọc Hải giải thích: “Mộ nhà ông Trương Văn Thừa và Trương Sơn. 2 ông đi làm xây dựng ở Phước Long, vợ con ở nhà chui xuống hầm trốn và bị giết hết. Mấy ngày sau 2 ông mới về làm mộ cho gia đình…”.

Tôi cố gắng lắm mới đọc được mấy dòng chữ lờ mờ trên bia mộ nhà ông Trương Văn Thừa: “Trương Ngọc Lê, Trương Mộng Thu, Trương Hồng Thanh, Trương Tuấn, Trương Ngọc Minh”, người lớn nhất 29 tuổi, bé nhất mới 3 tuổi. Trên bia mộ nhà ông Trương Sơn, ngoài vợ Lê Thị Hồng Anh và 6 đứa con 1 trai 5 gái, còn có tên “em Lê Thị Nô”. Hỏi, ông Hải cho biết: “Em vợ ông Sơn làm y tá từ Sài Gòn lên thăm anh chị, bị lính PolPot hãm hiếp đến chết” và kể: “Hầm nhà bà Loan, khi xuống dọn dẹp, vẫn thấy xác bà cụ quỳ gối chắp tay. Mọi người cầu xin, nhưng lính PolPot vẫn lạnh lùng giết chết hết”.

Bia mộ nhà ông Trương Văn Thừa

“Hôm ấy, 2 nữ du kích là Võ Thị Trừ và Đặng Thị Thuận đã dũng cảm cứu 5 em bé là con của mấy gia đình kinh tế mới. Gia đình nhà ông Hưng gồm 11 người trốn ngoài rừng cứ tưởng thoát nhưng 1 đứa bé sợ quá khóc thét, lính PolPot phát hiện xả súng bắn chết hết”, bà Nguyễn Thị Soái kể lại vậy và rưng rưng: “Mấy tháng sau đó dân trong xã không dám ăn gà ăn vì chúng mổ xác chết... Những hàng cây cao su nằm rạp xuống chắn ngang đường quanh ấp, như tưởng niệm người chết”.

Đầu năm 1980, thấy nhiều người chết cả gia đình trong vụ thảm sát, không ai thân thích biết đến thờ cúng, bà Nguyễn Thị Soái vận động bà con trong ấp đến thắp hương an ủi các vong linh xấu số vào dịp lễ, tết hay ngày rằm, mồng một. Năm 2005, kinh tế gia đình tạm ổn, bà tự bỏ tiền mua xi măng, tôn mái xây miếu tạm thờ cúng nạn nhân bị PolPot giết hại.

Bà Sam Sì Muối ở ấp Tân Trạch thì khóc: “Hồi còn khỏe, tôi thường đến khu vực thảm sát để làm cỏ, thắp hương cho các ngôi mộ bớt phần lạnh lẽo. Giờ khu này thành rừng cao su, hầu hết các ngôi mộ chôn nạn nhân đều mất dấu”.

Bà Nguyễn Thị Soái kể: Trong suốt những năm công tác, khi nào họp tôi cũng đều đề nghị cấp trên đầu tư xây dựng bia tưởng niệm. “Người ta bỏ nhà dưới thành phố lên đây lập nghiệp. Mới làm được hạt lúa, chưa được ăn thì đã bị giết hại. Cần phải dựng bia để ghi nhớ và nhắc nhở con cháu sau này”, bà Soái nói.

Ông Phạm Văn Tình, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Đốp cho biết: Ngày 15.2.2017, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch về tổ chức khảo sát, gặp gỡ nhân chứng, thu thập tài liệu về các nạn nhân bị bọn diệt chủng PolPot - Ieng Sari sát hại tại Bù Đốp.

Công tác khảo sát đã được thực hiện thông qua việc gặp gỡ những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu, gia đình có người thân bị sát hại và tổ chức tìm kiếm, thu thập tư liệu, tài liệu, hình ảnh. Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc xây dựng khu tưởng niệm còn nhằm mục đích giáo dục truyền thống yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh phi nghĩa cho cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên, học sinh và nhân dân.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Mai Thanh Hải

Báo Thanh Niên
07.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.