Aaron Toronto không phải là một cái tên xa lạ trong ngành phim ảnh tại VN. Anh đã trải qua rất nhiều công việc có liên quan tới phim ảnh, từ phóng viên mảng điện ảnh của nhật báo tiếng Anh Thanh Niên Daily khoảng năm 2007 - 2010; đến dựng phim, biên kịch, sản xuất, phó đạo diễn của các phim được nhiều người biết tới, như: Để Mai tính, Tèo Em, Trúng số, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Em chưa 18…
Đêm tối rực rỡ! là “đứa con” chung của Aaron và vợ - Nhã Uyên - biên kịch, nhà sản xuất, kiêm diễn viên chính của phim. Mang khao khát kể câu chuyện cá nhân về bạo hành gia đình, tác phẩm đóng máy năm 2019, dự định ra rạp năm 2020 nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến ngày 8.4.2022 mới được trình làng, đạt doanh thu 25 tỉ đồng chỉ sau 4 tuần công chiếu, vượt qua nhiều phim Việt và phim nước ngoài chiếu cùng thời điểm, trở thành một hiện tượng cho phim độc lập.
Tại Liên hoan phim Santa Fe 2022 - một trong những liên hoan phim độc lập hàng đầu ở Mỹ, Đêm tối rực rỡ! giành được 2 giải thưởng quan trọng là “Câu chuyện hay nhất” và “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” cho Nhã Uyên.
Anh còn nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến VN không, Aaron?
Aaron: Đó là năm 2002, tôi đến Hà Nội để du học. Đêm đầu tiên, tôi đi bộ loanh quanh phố cổ, kiếm gì đó để ăn thì thấy có hàng phở xào. Tôi chưa bao giờ ăn món này trước đây dù khi ở Mỹ tôi cũng có nhiều dịp giao lưu với bạn bè người VN và cũng đã ăn phở. Tôi nghĩ, ủa sao phở lại xào, phở là món nước thì làm sao mà xào? Tôi ăn thử thì thấy quá ngon! Đêm đầu tiên ở VN của tôi đã diễn ra như vậy đó. Thế là 2003 tôi quay lại, 2004 tiếp tục quay lại và ở luôn cho tới bây giờ.
Gần 20 năm, bảo sao anh nói tiếng Việt siêu quá. Điều gì đã giữ chân chàng thanh niên người Mỹ 27 tuổi ở lại cho đến bây giờ, khi mà ở lứa tuổi đó, chúng ta đều chất chứa những mộng mơ và khát vọng chinh phục, khám phá thế giới này?
Aaron: Từ lúc đặt chân tới VN, tôi chỉ có một mục tiêu là trở thành đạo diễn điện ảnh. Năm 2004, tôi được giới thiệu vào chương trình Bài hát tôi yêu của VTV để làm đạo diễn 2 MV: Ước mơ cho ngày mai (của nhóm MTV) và Bài hát cho em và tôi\ (của ca sĩ Quang Hà). 2 MV này được nhận giải khán giả bình chọn. Sau đó tôi tưởng số mình tới rồi, ai ngờ 18 năm sau mới ra được bộ phim đầu tay của mình. Đó là một con đường quá dài nhưng mà vẫn phải đi thôi.
Hồi đó tôi làm đủ nghề, vừa chuyện cơm áo gạo tiền vừa là trải nghiệm, và cũng bởi lúc đó chưa có cơ hội làm đạo diễn, nên có thể làm gì mà được sử dụng chuyên môn của mình thì tôi cứ làm thôi.
Có lúc nào anh mất kiên nhẫn? Bởi vì chúng ta đã thấy các nhà làm phim độc lập chật vật đi tìm nhà đầu tư như thế nào, nhiều người đã bỏ nghề sau 1 - 2 tác phẩm hoặc thậm chí còn chưa kịp ra phim đầu tay…
Aaron: Điện ảnh VN hiện ở một vị trí khá tốt so với đa số thị trường điện ảnh trên thế giới, bởi vì ở thị trường này phim VN có khả năng cạnh tranh với phim Hollywood, đó là trạng thái mà thời tôi mới tới VN không có. Bắt đầu từ Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng năm 2003 mới có thị trường thương mại của điện ảnh. Điều này không phải ở đâu trên thế giới cũng có. Tại nhiều nước, phim nội địa không cạnh tranh nổi với phim Hollywood. Tôi nhìn thấy thị trường điện ảnh VN đến nay đã phát triển theo cấp số… cấp số nhân… phải không em? (Aaron quay sang hỏi vợ).
Số tiền cần chi ra để làm một bộ phim đàng hoàng so với số tiền có thể thu lại thì khá là tốt. Cũng số tiền đó mang ra nước ngoài chắc chắn mình không làm ra được cái gì cho đàng hoàng. Qua thời gian làm phim của người khác, như làm phó đạo diễn cho Charlie Nguyễn, Victor Vũ, hay làm biên kịch cho Ngô Thanh Vân, làm sản xuất cho Lê Thanh Sơn, tôi luôn giữ cho mình một ngọn lửa, rằng mình có thể làm đạo diễn.
Uyên và Aaron có phải là hai người cực đoan và cố chấp để có thể theo đuổi tới cùng một tác phẩm khó như Đêm tối rực rỡ!?
Uyên: Chúng tôi là hai kẻ ngu ngơ khờ khạo biến thái mộng mơ lì lợm.
Aaron: Không cực đoan nhưng cố chấp thì chắc là có. Chúng tôi có chính kiến, biết mình muốn cái gì và muốn phim của mình phải có cái gì, nên nỗ lực hết sức để có được điều mình muốn, và nhất quyết không thỏa hiệp.
Tôi nhớ cảm giác khi tự viết ra nỗi đau của mình, nó giống như việc mình gỡ băng vết thương, xem nó đang thế nào, rồi rửa và làm sạch nó, cảm nhận sự đau rát lan ra trong từng tế bào. Nhã Uyên có chia sẻ chị từng bị bạo hành lúc nhỏ. Quá trình “rửa vết thương” để viết ra kịch bản này đã diễn ra như thế nào?
Uyên: Tôi sinh em bé giữa năm 2017, đến đầu 2018, tôi luôn trong trạng thái suy sụp vì thấy mình quá mập, bụng mỡ, rạn da, nám da và rất nhiều vấn đề khác. Lúc đó tôi nghĩ mình không có cách nào quay lại làm nghề diễn. Khi nghiên cứu về nuôi dạy con thế nào cho tốt, tôi bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, cách ngày xưa ba mẹ nuôi dạy mình như vậy là đúng hay sai, tốt hay không, vì rõ ràng mình thấy mình bất ổn. Càng đi sâu tìm hiểu việc nuôi dạy con cái, tôi càng nhận ra vấn đề của mình. Đó là tôi bị bạo hành.
Năm 2018, cả tôi và Aaron đều ở dưới đáy sự nghiệp. Tôi suy sụp hoàn toàn về nghề nghiệp, về tương lai, và mắc kẹt trong trạng thái tiêu cực. Tôi không có cơ hội để diễn những phim mà tôi muốn đóng. Aaron thì không tìm được cơ hội để làm ra những phim mà anh thực sự muốn có. Chúng tôi đau đớn khi không làm ra được cái mà trong lòng mình muốn làm. Tôi nghĩ tới việc qua Mỹ làm bà nội trợ, kết thúc sự nghiệp của mình. Nhưng rồi hôm định chia tay mấy người bạn, họ nói sẽ giúp chúng tôi. Vậy là cái vốn rất nhỏ của Đêm tối rực rỡ! đã bắt đầu từ 3 người bạn thân. Mỗi người bỏ vào một ít tiền để chúng tôi mở công ty, kêu gọi vốn, và bắt đầu hành trình của Đêm tối rực rỡ! - với khao khát được kể câu chuyện cá nhân của mình.
Thật ra tôi không đau đớn khi viết kịch bản này, mà lại thấy mình được chữa lành ngay từ khi đặt bút viết. Tôi cứ nghĩ khi mình sống lại những ký ức đó hay để những khoảnh khắc đau đớn diễn ra lại trong tâm trí của mình, chắc mình sẽ đau khổ lắm; nhưng ngược lại, tôi thấy mình được trải lòng và được viết lại kịch bản của đời mình theo một kiểu khác.
Chị đã đối mặt với điều gì lớn nhất trong suốt quá trình làm Đêm tối rực rỡ!?
Uyên: Cái lớn nhất tôi phải đối diện là quan niệm bất hiếu khi dám nói ba mẹ bạo hành mình, dám nói ba mẹ đã làm điều gì sai đối với mình. Tôi cứ đấu tranh giữa việc nói ra hay không nói. Nhưng bên cạnh đó, tôi tin phim ảnh là thứ tốt nhất xuyên thấu vào tâm hồn để người xem có thể hiểu được bạo hành gia đình khủng khiếp thế nào, ảnh hưởng con người lâu dài ra sao. Cho dù người ta có trát bao nhiêu son phấn, khoác bao nhiêu quần áo đẹp, treo trong nhà bao nhiêu tấm bằng danh giá hay chứng nhận thành công trong cuộc sống, không bao giờ người ta có thể bỏ ra được cái đau đớn vụn vỡ trong lòng mình.
Trước khi phim ra, tôi đã gọi điện thoại cho ba mẹ và nói rõ những suy nghĩ và vấn đề của mình. Con yêu thương ba mẹ, nhưng con cũng muốn người khác có thể hiểu vấn đề của họ, để họ có thể bắt đầu hành trình chữa lành của họ.
Chúng tôi không có ý định lên án ai trong bộ phim này. Bạo hành là một vòng luẩn quẩn mà nạn nhân cũng là người bạo hành. Tôi tự hào mình đã cố gắng bẻ gãy cái vòng bạo hành đó trong chính thế hệ của mình.
Uyên muốn chia sẻ gì với những người cũng ở trong câu chuyện giống như chị?
Uyên: Vấn đề của tôi nếu gọi chính xác là sang chấn tâm lý thời niên thiếu. Tôi rất dễ giận dữ, những uất ức trong lòng trào ra đôi khi không kiểm soát được. Tôi không thích người khác chạm vào mình. Tôi cũng hay chửi mình ngu, xấu, vô dụng, bất tài và thường tự chỉ trích chính mình. Những biểu hiện này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi và làm tôi thấy mình không hạnh phúc.
Bác sĩ tâm lý điều trị cho tôi có phân tích rằng, khi còn nhỏ bị đánh, mình đau và khóc nhưng người lớn lại la mắng bắt mình im, “nín”, “cấm khóc”, mình sợ nên phải ngưng khóc. Và để ngưng khóc thì phải chối bỏ cảm xúc buồn, cảm xúc uất ức trong con người mình. Và rồi cảm xúc nào đến với mình cũng giống nhau, buồn vui giận dữ trở thành một, đều là cảm xúc, một khi chối bỏ cảm xúc này thì mình cũng chối bỏ hết những cảm xúc khác.
Tôi phải tập hiểu và nhận thức lại là mình đang nghĩ gì, đang có cảm xúc thế nào, phải tập thiền, tập lắng tâm hồn lại để kết nối với bản thân và với thực tại để hiểu điều gì đang thật sự diễn ra trong lòng mình. Tôi học cách làm quen lại với bản thân mình, học lại cách hiểu mình, cần làm gì để hiểu hơn về mình. Cũng trong quá trình đó, Đêm tối rực rỡ! đã trở thành hành trình chữa lành, như một phép màu trong cuộc đời tôi vậy.
Tôi muốn chia sẻ là mình không được quyền chọn ba mẹ, không được quyền chọn hoàn cảnh mình lớn lên. Nhưng mình có quyền tự quyết cho cuộc đời mình, hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sức khỏe tinh thần, thể chất và con người của mình. Mình hoàn toàn có thể quyết định sẽ trở thành con người như thế nào, và được quyền yêu thương cũng như được người khác yêu thương. Mình còn có thể mạnh mẽ đến mức không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ, chiến đấu cho người khác nữa, đặc biệt là con của mình.
Uyên đảm nhận một vai quá nặng về tâm lý kiêm vai trò sản xuất cho bộ phim khi đang mang bầu 8 tháng. Aaron, có bao giờ anh mất niềm tin rằng “cô ấy sẽ không thể vượt qua”?
Aaron: Tôi không bao giờ nghi ngờ rằng Uyên không vượt qua được. Tôi biết Uyên lì đến cỡ nào. Khi Uyên nói làm được thì tôi tin. Lúc đó chúng tôi cũng lo cho em bé trong bụng, nhưng lo hơn là sinh sớm. Bởi vì nếu sinh sớm thì đoàn phim phải hoãn lại, rồi phải xử lý ra sao. Khó quá nghĩ không ra nên tiến hành luôn. Nếu lúc đó không làm thì không biết liệu có sẽ làm được hay không. Phim này chỉ có một số vốn nhỏ, kéo dài ra sẽ ảnh hưởng tới nhiều thứ, tới tiền của nhà đầu tư, tới anh em trong đoàn; chắc gì những người giỏi nhất, những người mình thích nhất có còn hợp tác với mình nữa hay không, nếu kéo dài họ có thể sẽ vướng dự án khác.
Uyên: Tôi chơi điền kinh từ hồi còn nhỏ, lớn lên từng làm vũ công, một ngày vận động 4 - 8 tiếng là bình thường. Khi quay Đêm tối rực rỡ!, tôi đã có 1 em bé rồi, nên cũng quen và có kinh nghiệm. Cái khó nhất không phải là làm phim khi đang mang bầu 8 tháng, mà là khi mình bước ra khỏi vùng an toàn của mình, vượt qua những điều mình chưa từng làm trước đây.
Con số 25 tỉ đồng doanh thu phòng vé sau 4 tuần công chiếu có ý nghĩa gì với Aaron và Uyên?
Aaron: Con số này nghĩa là có thể lời một chút và trả lại được cho nhà đầu tư; và sau này khi bán được ở nước ngoài cả về chiếu rạp lẫn streaming thì lời hơn chút nữa. Con số này cũng cho phép tôi có thể làm phim thứ hai. Tôi mừng vì khán giả chấp nhận bộ phim này. Đó là điều tuyệt vời nhất và là mục tiêu của bất cứ nhà làm phim độc lập nào.
Uyên: Con số này rất ý nghĩa với tôi. Nó cho tôi thấy được điện ảnh VN - nhất là dòng phim độc lập - có cách để sống. Điều này cũng giúp các nhà làm phim tự tin hơn, dám làm các tác phẩm mà họ khao khát hơn với các chủ đề táo bạo và gai góc. Tôi thật sự trân quý điều này.
Cảm ơn Aaron và Uyên đã dành thời gian chia sẻ!