Xuất thân từ nông thôn Ninh Bình, tự nhận mình là người nhà nông, lập nên Farming Architects với khái niệm hành nghề như một “nhà nông” chính hiệu, An Việt Dũng đã có những chia sẻ về nghề sau 5 năm “làm nông” trên cánh đồng kiến trúc.
Tò mò về cái tên Farming Architects (kiến trúc ruộng đồng) mà bạn sáng lập, vì sao lại là ruộng?
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Ninh Bình, tự coi đó là may mắn khi được sống trong không gian, tinh thần của làng quê, của tình thương yêu gia đình, của những ngày thơ bé theo mẹ ra đồng xem cày cấy, và thấy rằng ruộng đồng thật đẹp. Nhà nông thật đại tài, họ tạo nên đường cày thẳng tắp, luống cấy đều nhau, tôi ví họ là người nghệ sĩ. Những nét chân quê thấm vào người từ bé, khi theo nghề kiến trúc, hình ảnh ruộng đồng, nhà cổ, hàng hiên, mái rạ... tôi đưa hết vào kiến trúc.
Nhiều xu hướng thiết kế nhắm đến bề thế, sang trọng, quyến rũ… ngại nhà quê vì sợ kém sang theo nhu cầu thị trường, “ruộng đồng” có sợ lạc thời?
Tôi sống, quan sát, trải nghiệm trong khung cảnh làng quê, rất nhiều việc không biết làm, không hiểu, nhưng thấy được vẻ đẹp của nó. Yếu tố “ruộng đồng” với tôi chỉ là khái niệm, cốt lõi tôi mong muốn đạt đến là thiết kế của mình ví như những chủng loại cây được gieo vào ruộng đồng bao la là môi trường kiến trúc.
Được biết, bạn giành được học bổng ở Ý, thực tập nhiều nước khu vực châu Âu, tiếp cận kiến trúc hiện đại, chất “nhà nông” trong bạn có chuyển biến so với trước?
Tôi tốt nghiệp kiến trúc và quy hoạch của ĐH Xây dựng Hà Nội, nhưng khi giành được học bổng tại Ý, lại là ngành rất nhà nông là kỹ sư đất và môi trường. Dù khác kiến thức nền, nhưng khi xin học bổng, tôi trình bày các công trình kiến trúc sẽ bền vững và gắn bó với con người hơn nhờ yếu tố môi trường, vậy là được nhận.
Khi học ở Ý, tôi có điều kiện thực tập, gặp gỡ tiếp xúc nhiều công trình kiến trúc vĩ đại, và thấy kiến trúc sư ở đó họ được hỗ trợ bởi kỹ thuật vô cùng hiện đại, có thể làm thơ bằng kết cấu được. Việt Nam không thể theo vì nền tảng công nghiệp phụ trợ không dễ đáp ứng. Nhưng khi đi thăm các công trình quy mô nhỏ hơn, gần gũi, cổ kính ở các làng quê của họ, cảm xúc thăng hoa lắm vì thấy chất quê ấy mới chính là nơi làm nghề, phát triển nghề cho bản thân.
Tốt nghiệp xong, bạn tìm cơ hội việc làm tại Ý chứ?
Tôi thử sức mình, môi trường cạnh tranh quốc tế thật khốc liệt, phải nỗ lực lắm mới trụ lại được. Nhưng qua gần hai năm làm việc, tôi nhận ra mình chỉ là chi tiết máy trong một cỗ máy lớn, việc muôn thuở là triển khai bản vẽ, lặp đi lặp lại. Tôi tự nghĩ, mình phải về Việt Nam để tạo nên một cỗ máy, chứ không thể là chi tiết máy thế này mãi được. Vậy là về.
Va đập nhiều nền tảng kiến trúc, văn hóa, khi về lại Việt Nam, bạn phát hiện ra điều gì thú vị từ những cái sẵn có của kiến trúc phố thị?
Tôi về đúng thời điểm khắp Hà Nội xôn xao chuyện chặt bỏ cây xanh để làm đường trên cao; rồi khói bụi, ô nhiễm, kẹt xe... Đứng dưới đường nhìn lên, tôi thấy ban công hầu hết các nhà phố đều luôn phải đóng kín, hoặc chẳng để làm gì cả. Khi đi thuê căn hộ chung cư, có ban công khoảng 5 m2, cũng bỏ trống, cửa phải đóng kín bởi sợ khói bụi. Tôi nghĩ mình cần làm gì đó ở không gian này, phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, thay đổi chính mình trước.
Tôi vận dụng kiến thức về thủy canh, nuôi trồng thủy sản (aquaponics) học được trong thời gian thực tập ở Israel, tạo thành một màng lọc đa dạng sinh học, có cây xanh, có bể nước, như cái khẩu trang bảo vệ cho ban công nhà phố. Thiết kế ban công sinh thái ra đời, với quan niệm phải chăng nên bắt đầu từ yếu tố nhỏ là cái ban công xanh, rồi sẽ có tuyến phố xanh, thành phố xanh, đất nước xanh...
Khai thác yếu tố sống xanh, kiến trúc xanh…, có vẻ bạn đã bắt đúng xu hướng của đại đa số cư dân đô thị?
Ở bề nổi, điều đó đúng. Khi tôi hoàn thiện ban công sinh thái, nhiều hộ dân quanh đó cũng tò mò, tham quan... Tôi nhận ra hầu hết người sống ở Hà Nội đều gắn với một miền quê nào đấy, nên có nhu cầu sống gần thiên nhiên, muốn chăm sóc cây cối nhưng chưa căn cơ về bố cục, quy hoạch, thiết kế để việc làm ấy đi vào ngôn ngữ cuộc sống. Lẽ thường thì nhà nào cũng có ban công, căn hộ chung cư nào cũng có, vậy là tôi thiết kế miễn phí các ban công cho hàng xóm, cho người quanh khu vực tôi sống, lan tỏa câu chuyện về sống sinh thái, sống xanh theo cách giản đơn, ích lợi và dễ áp dụng nhất trong môi trường thành thị.
Tư duy chủ đầu tư, tính ứng dụng, giá trị, thẩm mỹ, công năng... trong các thiết kế của bạn, cái nào là quan trọng hơn cả?
Trở lại với khái niệm ruộng đồng (Farming), ngôn ngữ thiết kế hoặc những sáng tạo nhất thời của tôi bây giờ được đón nhận, có yếu tố hướng con người ra với thiên nhiên, hoặc kết nối con người với thiên nhiên, cũng như những hạt mầm thôi. Tôi tạo ra hạt mầm, chủ đầu tư là người nhận, gieo trồng, chăm sóc và hưởng lợi từ nó.
Tôi quan niệm làm kiến trúc phải đúng trước, trong đúng nhất định có đẹp. Không có kiến trúc hay, mà cần có chủ đầu tư thông thái. Mỗi công trình tôi dựng lên chỉ là khuông nhạc để chủ nhà gửi gắm lên đó những nốt nhạc cuộc đời, của riêng họ chứ không là ai khác. Thế nên kiến trúc của tôi gắn với cá tính, nhu cầu, thẩm mỹ, phong cách, sự trải nghiệm của chủ nhân. Tôi chỉ là người kết nối, biến mong muốn của chủ đầu tư thành hiện thực.
Thực hành kiến trúc, hẳn bạn đã từng gặp những chủ đầu tư trái tính, cách xử lý của bạn thế nào?
Tôi quan niệm: Kiến trúc phải đáp ứng chất đời. Thị trường không có lỗi gì cả, kiến trúc sư không thể bắt chủ đầu tư giỏi như giới chuyên môn, cách tôi làm là giãi bày, cho họ thấy không gian thực sự thích, và biết chỗ nào họ thích, từ đó nhào nặn thiết kế thành thứ ngôn ngữ mới, hợp với gia chủ. Đấy là cách tôi tiếp cận và giải quyết vấn đề, tôi không áp đặt cái tôi, hay định ra giá trị đong đo bằng vật chất kiểu như công trình phải nhiều tiền mới thực hiện. Tôi làm nghề, không chạy theo số lượng, không chạy theo thương mại, tôi chỉ mong công trình mình làm ra, chủ nhà luôn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc và mãn nguyện khi sống trong đó.
Những thiết kế của bạn như “Ban công sinh thái”, “Thư viện VAC phố thị”... được giới làm nghề và truyền thông quốc tế dành nhiều lời khen, bạn có thể chia sẻ những đúc kết tạo nên các không gian thú vị ấy?
Tôi sử dụng thủ pháp kiến trúc tối giản về hình thức (dùng hệ modul), tối thiểu về chất liệu (nguyên vật liệu bản địa, giá thành hợp lý), nhưng tối đa về công năng, giản dị, linh hoạt, đầy đủ (tạo ra hệ sinh thái nhỏ có động vật, thực vật, kết nối con người).
Khi tạo nên những công trình này, tôi muốn truyền vào đô thị không chỉ riêng Hà Nội, rằng nhiều khi sự phát triển đô thị nhanh quá khiến người ta quên đi gốc gác của mình. Tôi là người nhà quê, thấy ở nông thôn cảm thức Việt, chính là cốt cách, lối sống cân bằng. Nguồn cảm hứng đấy giúp tôi tạo nên những giao diện nhỏ là các công trình, thông qua kiến trúc để có thể kết nối và nhân rộng.
2020 có thể gọi là một năm thành công khi là kiến trúc sư hiếm hoi của thế giới được mời tham gia Yokohama Triennale (YT), Nhật Bản, bạn có thể chia sẻ về dự án này?
Khi Đài CNN ghi hình các công trình tôi đã thực hiện trong phóng sự giới thiệu các biểu tượng của Hà Nội, phía Nhật Bản đã tìm đến văn phòng làm việc của tôi ở Việt Nam và mời tham dự triển lãm. Tôi ngạc nhiên lắm, bởi Nhật Bản là nơi có nhiều kiến trúc sư giỏi mà tôi ngưỡng mộ, tôi cũng từng có ý định du học Nhật Bản. Tôi hỏi ban tổ chức YT vì sao tìm đến tôi? Họ bảo đã xem các công trình tôi thực hiện, và nhận thấy đó là hệ sinh thái tuần hoàn, là không khí, là bầu trời, tạo nên năng lượng tích cực, phù hợp chủ đề của triển lãm nghệ thuật Yokohama Triennale 2020. Yêu cầu của họ chỉ muốn tôi bê nguyên mô hình Ban công sinh thái và Thư viện VAC phố thị đến triển lãm, nhưng tôi tạo nên một cách thể hiện khác, không lặp lại. Tôi gọi công trình đó là Đồng Nhân, biểu trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với đất trời, vũ trụ, thông qua không gian kiến trúc.
Bạn đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế đáng tự hào sau chưa đầy 5 năm hành nghề, nếu tự vấn, bạn nói gì về mình?
Tôi còn nhớ nhân vật hàng đầu của làng kiến trúc thế giới là Renzo Piano từng nói kiến trúc sư nên sống 140 tuổi, vì 70 năm đầu dành cho việc học, thời gian còn lại để sáng tạo, thiết kế và trải nghiệm công trình của mình. Tôi cho rằng chân dung một kiến trúc sư chỉ lộ diện rõ khi đến cuối hành trình thông qua các công trình đóng góp khác nhau, không chỉ lấy thành tựu trong giai đoạn nhất định được. Tôi đón nhận giải thưởng chỉ là chớm đầu sự nghiệp, tôi chưa là gì cả, và càng chưa được phép hài lòng với chính mình.