PV Thanh Niên có cuộc trò chuyện với vị chuyên gia về giáo dục giới tính và tình dục này.
Bản thân trải qua 15 ngày giãn cách xã hội kể từ ngày 31.5 theo Chỉ thị 16 tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), vì sao bác sĩ vẫn luôn tâm niệm “chống dịch vẫn cười xuyên lục địa” thông qua những bài viết, livestream trên Facebook?
Một nụ cười có thể thay đổi cách nhìn của người khác, một cái bắt tay có thể giảng hòa, một cái ôm có thể thay lời cảm thông, một lời nói có thể cứu vãn cả một cuộc tình. Vậy mà vì dịch Covid-19, những cách tiếp xúc gần gũi hiệu quả này lại phải nhấn nút “tạm dừng”. Thôi thì cứ an ủi rằng: Phải đeo khẩu trang ngay cả khi không ra nắng, không bị hít khói bụi, không có mùi khó ngửi,... ít ra cũng có ích trong việc bớt nói nhiều và là dịp luyện cách cười bằng mắt. Ta vẫn có thể chia sẻ với nhau những cái cười qua thế giới ảo mà, và nhất là nụ cười mỉm khoan hòa của một đời sống nội tâm an lành trước mọi hoàn cảnh.
Bác sĩ đã tranh thủ làm gì trong khoảng thời gian “cấm túc” đó?
Tôi hoàn chỉnh bản thảo cho ba cuốn sách sắp in với NXB Phụ Nữ và Saigon Books, đó là: Chỉ đường cho hươu; Bếp còn ấm - vợ chồng còn thương; Cùng con bước qua tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, tôi còn tư vấn online cho các bạn, tham gia những cuộc trao đổi chuyên môn qua ứng dụng Zoom.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải giao lưu trực tuyến trong thời dịch Covid-19
Khi giáo dục về giới tính - tình dục, bác sĩ thường lưu ý bạn trẻ hiểu và làm chủ cảm xúc cá nhân để không vượt rào, phá lệ trong những mối quan hệ. Theo bác sĩ, ranh giới trong các mối quan hệ có tầm quan trọng như thế nào?
Đúng vậy, luôn có những ranh giới trong các mối quan hệ giữa người này với người kia, dù có thân thiết gắn bó đến mức nào.
Chẳng hạn, giới hạn sự tiếp xúc về thân thể là đặt ra quy ước cho những động chạm nào là được phép và không được phép, với ai, ở đâu. Nếu vi phạm, tùy mức độ mà bị coi là làm phiền, thiếu lịch sự, thậm chí quấy rối hoặc bạo lực.
Giới hạn về tâm lý - tình cảm là những điều làm mình/người khác thoải mái hoặc khó chịu khi giao tiếp với nhau. Càng thân càng nên bày tỏ cảm xúc của mình về những cái “ngưỡng” trong ứng xử để hai bên hiểu và tôn trọng ranh giới của nhau, kể cả những cảnh báo về giới hạn cuối cùng.
Đối với giới hạn về tiền bạc, của cải đồ dùng thì có người hào phóng, rộng rãi tiêu xài; ngược lại có người khắt khe, chi li về tiền bạc. Có người rất nguyên tắc về sự ngăn nắp, chỉn chu; có người dễ dãi, “buông quăng bỏ vãi” đồ dùng, tài sản cá nhân. Những khoảng lặng, khoảng trời riêng mong manh của mỗi người cũng cần được tôn trọng...
Nhà tâm lý học người Mỹ Brené Brown đã chia sẻ: “Tôi muốn được yêu thương và hào phóng, nhưng rất thẳng thắn với những gì là được và những gì không được”.
Theo tôi, những người tốt bụng nhất là những người biết thiết lập giới hạn lành mạnh cho chính mình. “Không” là một từ ngắn, đơn giản nhưng rất cơ bản để vạch ra ranh giới: Từ chối bất cứ điều gì mà ta không có khả năng xử lý.
Dành nhiều tâm huyết cho vấn đề giáo dục giới tính và tình dục, bác sĩ trăn trở gì trong việc giáo dục giới tính hiện nay?
Trong nhiều năm làm việc ở lĩnh vực giáo dục giới tính và tình dục, tôi đã gặp hai hiện tượng phổ biến.
Thứ nhất, đó là tình trạng mù giới. Nhiều thanh thiếu niên ngày nay không bị mù chữ, mù tin học hay mù ngoại ngữ mà bị mù giới. Họ dò dẫm giữa hai bờ vực, một bên là thiếu hiểu biết những kiến thức cơ bản về giới, giới tính, tình dục; bên kia là hoa mắt vì biết quá nhiều thứ trên xa lộ thông tin nhưng lại thiếu chỉ dẫn chuyên môn.
Thứ hai là tình trạng “thất học trong hôn nhân”. Ở bất cứ thời nào, trước khi làm nghề gì cũng phải học, có nghề học khá công phu và thi cử rất trần ai, đỗ đạt rồi mới được hành nghề. Ấy vậy mà có một việc rất quan trọng trong đời người là lấy vợ thì lại trông vào quy luật “trăng đến rằm trăng tròn”. Nhiều bậc cha mẹ giữ con mình tránh xa những chuyện trai gái “thiếu đứng đắn”, chứ đừng nói đến việc “vẽ đường cho hươu chạy”. Càng con nhà lành, “thanh niên nghiêm túc” lại càng không dám tìm hiểu chuyện giới tính, chuyện phòng the..., trừ lớp giáo lý hôn nhân bên Công giáo mà các đôi bạn trẻ bắt buộc phải kinh qua trước khi bước vào đời sống lứa đôi và lớp dự bị hôn nhân, tiền hôn nhân do một số hội đoàn tổ chức.
Đó chính là lý do có những “thắc mắc biết hỏi ai” khi người ta chập chững bước trên con đường khám phá bản thân, trên con đường tình và ngay cả khi người ta đã đầu hai thứ tóc. Cũng là lý do tôi viết báo để đến gần hơn với bạn đọc, góp một phần trong việc giúp giáo dục giới tính và tình dục là bớt một vùng mờ trong quan niệm truyền thống của người Việt.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải trong buổi giáo dục giới tính cho trẻ em tại TP.HCM
Khi ra mắt quyển sách Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to, từ tình yêu đến tình dục, bác sĩ được một số độc giả đặt cho biệt danh “người giải oan cho tình dục”. Theo bác sĩ, có những quan niệm “thâm căn cố đế” nào về tình dục cần được giải oan?
Vâng, đó là những định kiến liên quan các nhóm đối tượng: phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật.
Một cuộc điều tra về sex tại VN trước đây đã cho kết quả gây sốc: Phần lớn phụ nữ Việt coi mục đích cao nhất của quan hệ tình dục là để sinh con. Ngay cả với chồng, phụ nữ thèm gối chăn cũng sợ bị đánh giá là dâm dục, ham hố, “tốt mái hại trống”. Bảo thủ và thụ động, người phụ nữ khoán trắng “chuyện ấy” cho chồng, không dám bày đặt kiểu cọ hay có sáng kiến gì đạt... hiệu quả ứng dụng cao.
Một cuộc điều tra về sex tại VN trước đây đã cho kết quả gây sốc: Phần lớn phụ nữ Việt coi mục đích cao nhất của quan hệ tình dục là để sinh con. Ngay cả với chồng, phụ nữ thèm gối chăn cũng sợ bị đánh giá là dâm dục, ham hố, “tốt mái hại trống”. Bảo thủ và thụ động, người phụ nữ khoán trắng “chuyện ấy” cho chồng, không dám bày đặt kiểu cọ hay có sáng kiến gì đạt... hiệu quả ứng dụng cao.
Các em khuyết tật và mồ côi cần được trang bị kiến thức về giới tính (biết mình là ai, mình làm được gì, cần làm gì khi đến tuổi dậy thì...), hiểu biết về giới, phát triển và xây dựng những kỹ năng sống. Quan trọng hơn, làm sao giúp các em có thể nhận diện, phòng tránh sự lạm dụng và quấy rối tình dục.
Là đồng tác giả cuốn sách Để khỏe trong mùa thi, bác sĩ có thể cho lời khuyên giúp các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có được tâm lý vững vàng?
Lo lắng trước kỳ thi là một hiện tượng tâm lý bình thường và phổ biến ở hầu hết sĩ tử, nhưng nếu để dồn nén làm mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng bài thi thì đó lại là dấu hiệu đang bị áp lực thi cử. Nắm chắc kiến thức là cách “tháo van áp lực” này khi đi thi.
Có hai cách nhớ kiến thức là nhớ lâu và nhớ ngay. Nhớ lâu là việc tích lũy kiến thức suốt năm học. Nhớ ngay là những gì phục vụ cho mùa thi. Để cho trí nhớ ngắn hạn hoạt động tốt, cần chọn nơi yên tĩnh để ôn bài, chia bài học thành từng phần nhỏ. Trong khi học không làm việc khác, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy thư giãn bằng vài động tác thể dục.
Games và Facebook là kẻ thù số 1 của trí nhớ ngắn hạn, tuyệt đối không đụng vào những thứ này khi ôn thi. Đảm bảo chăm lo giấc ngủ thật tốt, bởi khoa học đã chứng minh rằng người ngủ đủ giấc “nhớ dai” hơn người bị thiếu ngủ. Khi làm bài, cần đọc lướt một lần đề thi, xác định câu dễ, câu khó. Làm câu dễ trước, làm phần nào chắc phần đó ngay (nếu làm câu khó trước và bị “bí” thì sẽ mất tinh thần, ảnh hưởng đến các bài tiếp theo)...
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải chia sẻ với trẻ em
Bác sĩ từng lưu ý các thí sinh về “hội chứng cháy sạch sau kỳ thi”. Nhưng không chỉ kỳ thi, chúng ta thỉnh thoảng bị hội chứng cháy sạch năng lượng sống trong một số giai đoạn cuộc đời. Những lúc đó cần phải làm gì, thưa bác sĩ?
Đúng vậy, có đôi khi ta bị cạn kiệt năng lực sống, sức khỏe và tâm hồn bởi nhiều lý do: công việc, trách nhiệm, quan hệ cá nhân. Những triệu chứng dễ nhận biết về người bị hội chứng “cháy sạch” (burn-out syndrome) là kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, bỗng dưng mất hết hứng thú học tập, làm việc, cảm giác trống rỗng, không có khả năng đón nhận cảm xúc mới, không giãi bày được tâm trạng của mình. Với nhịp sống căng thẳng ngày nay, bệnh này càng lúc càng trở nên phổ biến với nhiều đối tượng, không chỉ là học sinh, sinh viên, trí thức.
Để phòng tránh, chúng ta cần tìm ra nguyên do từ đâu. Ta không ngại nhận sự giúp đỡ, theo nguyên lý: Mình nhận hôm nay, trả người mai sau. Cần học cách biết nói “không”, học cách đặt ra thỏa thuận, ranh giới trong quan hệ, ngay cả với người thân yêu.
Trong việc học cũng như trong việc làm, sự chuẩn bị tốt sẽ giúp ta tránh ôm đồm, tránh chạy nước rút. Biết quản lý thời gian để có dự trữ mà giải quyết vấn đề. Ta cần trung thực với bản thân, với khả năng (không đánh giá mình quá cao mà cũng không tự ti), biết điểm yếu và mạnh của mình.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải chia sẻ tại lớp tiền hôn nhân
Chân dung tự vẽ và châm ngôn sống của bác sĩ?
Tôi là một phụ nữ, một người mẹ, một bác sĩ, một người hoạt động cộng đồng đang sống theo nếp của các tu sĩ Công giáo. Câu châm ngôn mà tôi thích: “Nếu luôn mang theo tuổi thơ bên mình, ta sẽ chẳng bao giờ già đi”.