>> NHƯ LỊCH - LÝ AN

Khi Hoàng Thư (ngụ Q.11, TP.HCM) chuẩn bị lên lớp 10, ba mẹ bận bịu kinh doanh nên gửi em vào trường nội trú. “Tại sao bạn bè được tự do, còn mình luôn bị kèm cặp như…ở tù?”, việc này khiến cô bé hụt hẫng và bắt đầu xao nhãng việc học, lúc nào cũng muốn nổi loạn. Một lần ra ngoài dự sinh nhật, Hoàng Thư thấy nhóm bạn bày “hàng đá” ra. Mọi người rủ rê, Thư tò mò: “Ờ, thì chơi!”.

Hơn tám năm trôi qua, Thư không nhớ mình đã đi cai nghiện bao nhiêu lần. Suốt 11 tháng nay, gia đình gửi Thư vào Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM).

Học viên sinh hoạt tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa. ẢNH: Như Lịch

Bạn cai nghiện thâm niên và thân thiết với Hoàng Thư là Trần Dung (24 tuổi). Hồi ở Hải Phòng, hai anh của Dung đều nghiện heroin khi 12,13 tuổi. Về sau, anh cả mất vì bị Si đa (AIDS). “Chứng kiến anh ấy chết, gia đình em tan nát nên từ nhỏ em rất ghét và sợ heroin”, Dung thoáng rùng mình nhớ lại.

Muốn tránh vết xe đổ bi thảm mà hai con trai vướng vào, khi học lớp 8, Dung được mẹ đưa vào sống tại Q.3, TP.HCM. Thời gian này, mẹ miệt mài với những chuyến buôn gỗ đường dài nên thường giao Dung cho người giúp việc. Cô kể: “Người làm đâu dám la mắng, nên em thoải mái đi chơi. Trong suy nghĩ, em chỉ đề phòng heroin. Mấy thứ như ‘kẹo’ (thuốc lắc) và ‘hàng đá’, em xài vô tư và đinh ninh không bao giờ nghiện vì nếu thiếu chúng, em cũng không lên cơn vật vã như mấy người anh từng bị. Ai ngờ, đời em dính luôn với chúng cả chục năm nay, không sao thoát được”.

Buổi ăn trưa của học viên trong một cơ sở cai nghiện ma túy tại TP.HCM. ẢNH: Như Lịch

Chơi đá để… cai nghiện heroin

Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP.HCM là một trong những đơn vị cai nghiện tự nguyện đầu tiên và quy mô lớn trên cả nước. Sau 19 năm thành lập (từ năm 1999), trung tâm đã cai nghiện gần 20.000 lượt học viên. Số học viên hiện tại khoảng 250 người, trong đó gần 60% cai nghiện ma túy đá.

Giám đốc Trung tâm, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy cho biết người trẻ có xu hướng thích chơi ma túy đá hơn heroin, vì muốn thể hiện “đẳng cấp”, dễ mua, dễ sử dụng và ít bị chú ý, hội chứng cai cũng nhẹ hơn hội chứng cai của heroin.

Ông so sánh, người nghiện heroin nếu thiếu heroin từ 6-8 giờ là bị hội chứng cai vật vã, quằn quại, đau nhức và cảm giác có “dòi bò” trong xương, đổ mồ hôi, tiêu chảy, ói mửa…, gia đình dễ phát hiện sớm. Trong khi với ma túy đá, hội chứng cai rất mơ hồ, đa số có triệu chứng buồn bã, chán nản, không ăn, nói nhiều…

Chính vẻ bình yên giả tạo trên khiến nhiều người mất cảnh giác, thậm chí nghĩ rằng chơi “hàng đá” để… cai nghiện heroin.Từ đó phát hiện quá trễ khi người nghiện bộc lộ các triệu chứng tâm thần: bị kích động, hoang tưởng, ảo thanh ảo giác, ưa gây sự, đập phá, gây tội ác, thậm chí giết người kể cả người thân mà không biết.

Trong khi đó, đoạn tuyệt heroin được 15 năm, ông Phan Văn Hùng (43 tuổi, quê Sóc Trăng) tưởng đã an phận với mái ấm gia đình và công việc khá ổn định. Đùng cái, cuối năm 2017 ông dính vào ma túy đá. “Nào giờ không biết ‘đá’, thấy ‘đá’ lạ quá nên hít thử!”, ông gãi đầu, giải thích.

Bảy tháng sau, ông Hùng mới được gia đình phát hiện và đưa vào trại cai nghiện. Tuy nhiên, ông khẳng định lần này mình bị bắt “oan” vì không nghiện. Ông lập luận lúc trước, mỗi ngày ông phải sử dụng một liều heroin còn khi chuyển sangma túy đá, có khi 3-4 ngày, ông mới dùng một lần mà không bị sao cả (?!). Ông phân bua: “Chẳng qua do mấy đêm liền tui không ngủ, ăn uống rất ít, lại có tiền sử hút heroin nên vợ tui đã bắt tui vô đây!”.

Ngồi trong phở Đán trên đường Hai Bà Trưng, chính Hải bảo phở này ngon nhất Nam Định, đến đây phải ăn, chỉ có điều trước khi ăn phở, Hải được các chiến hữu bản địa đãi một màn đập đá quên trời đất khiến Hải bị “sập”. Ngồi ngoáy bát phở nát, khoét cái lỗ giữa khu bánh thành vũng, múc từng thìa nước, vừa húp vừa nhăn mặt không khác gì đang uống thuốc, Hải bảo thật: “Chơi sung quá, cả ngày qua đã ăn gì đâu nhưng miệng đek (không) muốn ăn. Nhai phở như nhai rơm, cắn miếng thịt không khác tấm giẻ rách, cố lắm mà không ăn được ông ạ, thông cảm tôi nhé!”.

Dính với hàng đá bởi có chút dây dưa nghề nghiệp, Hải là dân bán xe phân khối lớn, bạn hàng khắp xứ. Cứ mỗi chuyến giao dịch thành công, lại có thêm bạn mới, và những lần đó đây các tỉnh, những chuyến chơi đêm của Hải gắn với đập đá, đến nay cũng hơn 5 năm. Hải kể: “Ban đầu đi chơi, anh em rủ vào bar, kêu gì uống đó, đâu biết anh em pha sẵn hàng vào rượu. Chơi vài lần cũng chẳng sao, không thấy cảm giác nghiện. Nghề mình lại cần giao tiếp nên khó từ chối vì phải giữ quan hệ tốt”. Chuyến ra Nam Định lần này Hải bàn giao hai con mãnh thú Z1000 đời 2018, ngoài chuyện kiếm lời, doanh số bán đạt chỉ tiêu, Hải dành một phần cùng anh em đập đá để gọi là giữ mối.

Quan niệm đẳng cấp, sành điệu, phải biết đập đá dần ăn rễ vào giới làm ăn có tiền của. Nhớ đợt gỗ trắc làm mưa gió trên thị trường, những tay thợ chạy từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Móng Cái dồn vào các tỉnh kiếm nguồn hàng gom cho đầu nậu ở Hà Nội để xuất sang Trung Quốc. Sau mỗi chuyến hàng thành công, bạc lời tiền tỉ, bữa tiệc chiêu đãi bao giờ cũng mở đầu bằng một nhà hàng sang trọng, bú cỏ đưa hương cùng rượu ngoại cao cấp, tiếp đến chuyển địa bàn vào karaoke cắn kẹo, vào bar uống ke, cuối cùng mới là nhà nghỉ để đập đá. Cả một quy trình thác loạn với bộ tứ: cỏ - kẹo – ke – đá, khiến cơn phê lên xuống theo cao trào, liên tu bất tận. Tuấn Anh – một tay lái gỗ ở Hà Nội kể thật: “Đập đá vì nể nhau thôi, cùng hội cùng thuyền, anh em chơi gì mình theo đó chứ hay gì đâu, mệt bỏ mẹ. Mấy ông ăn hàng có lời, chia chác lại cho anh em chơi bời, giữ quan hệ, vì mối làm ăn chứ mỗi lần chơi xong người dại đi thấy rõ, đầu óc lơ ngơ, hay quên lắm”.

Ca sĩ cũng dính “đá”

Không chỉ dân làm ăn, giới ca sĩ khi đi diễn ở các tụ điểm tỉnh, nhất là khu vực phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng thường bị mời phang hàng đá. Ca sĩ T.H kể: “Về tỉnh diễn thì vui, nhưng ngại nhất là các ly rượu mời, vì không ít thì nhiều đều có pha hàng, không ke thì đá. Thường khi hát xong, anh em mời đến bàn hoặc thậm chí cầm thẳng ly lên sân khấu, từ chối thật không tiện. Nhiều khi người mời là khách VIP, là mối quan hệ với chủ quán bar, lúc mình hát thì anh em xào nấu ở dưới, bỏ cái gì vào ly rượu đâu biết được. Uống thì cứ uống thôi, nhiều chuyến phê thuốc ngơ người mất vài ngày”.

Số khá giả đập đá để thể hiện đẳng cấp, nhưng không ít người dựa vào hàng đá để giải toả căng thẳng. Hoà tiếp thị rượu hãng P .(phụ trách khu vực kinh doanh Q.1, Q.3-TP.HCM) bảo: “Khi nào việc căng quá thì em chơi. Thứ này nó làm mình sung lắm, chơi xong rồi cày ngày đêm không biết mệt luôn”. Nhưng rồi sau đó? Hoà chậm lại: “Tất nhiên cũng bã, nhưng công việc xử lý ổn nên vẫn cứ theo thôi, biết sao được”. (còn tiếp)

Đồ họa: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
07.11.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top