Do quan niệm sai lầm cậy sức khỏe, cậy tuổi trẻ, nhiều bạn trẻ chưa nhận thức được việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là cần thiết cho chính mình, cộng đồng và những người xung quanh.
>> THU HẰNG
Việc nâng cao nhận thức cho học sinh - sinh viên (HS-SV) là một trong những giải pháp phát triển 100% đối tượng vào cuối năm 2019.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nếu như năm 2016 có 15,9 triệu HS-SV tham gia BHYT( chiếm 92,5%), thì đến năm 2017 có trên 16 triệu (chiếm 93%). Đến tháng 4.2019 trên 17 triệu (chiếm hơn 94%). Hiện còn khoảng 6% nhóm chưa tham gia BHYT, tương đương với hơn 1 triệu người chưa tham gia. “HS-SV là là nhóm thuộc diện được hỗ trợ đóng BHYT, song nhiều bạn trẻ có tâm lý cậy sức khỏe, cậy tuổi trẻ, không thực hiện nguyên tắc bảo hiểm khi trẻ, bảo hiểm khi khỏe để hưởng thụ khi về già, ốm đau bệnh tật. Đây là điều chúng tôi suy nghĩ, trăn trở tìm giải pháp bởi HS-SV là nhóm cần đẩy nhanh phát triển nhanh 100% số lượng”. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc bày tỏ.
Đánh giá kết quả 94% HS-SV tham gia BHYT là một tín hiệu đáng mừng, song ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận con số hơn 1 triệu HS-SV không tham gia BHYT là điều rất phải suy nghĩ. “HS-SV là lực lượng nòng cốt và thế hệ trẻ chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, trong tác phong, suy nghĩ lại chưa tự giác tham gia chính sách BHYT. Chúng ta đóng rất thấp nhưng hưởng lại rất cao, nhiều HS-SV khám chữa bệnh được Nhà nước, BHYT chi trả tiền tỉ. Tham gia BHYT không chỉ đem lại lợi ích cá nhân mà là thể hiện trách nhiệm của người trẻ xã hội với cộng đồng”, ông Lợi chia sẻ.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, một trong những nguyên nhân dẫn đến BHYT chưa bao phủ hết đối tượng HS-SV là do công tác tuyền truyền, phổ biến chính sách trong các cơ sở giáo dục và phụ huynh, học sinh còn nhiền hạn chế. Thậm chí, nhiều người còn hiểu nhầm, hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại. Để khắc phục tình trạng này ông Lợi, nhấn mạnh công tác giáo dục tuyên truyền cho HS-SV về mục đích ý nghĩa, khi tham gia BHYT là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, cách thức tổ chức cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và ngành giáo dục trong thời gian tới để thay đổi sâu sắc hơn nhận thức của HS-SV, không để bất cứ một HS-SV nào không được tham gia chính sách BHYT.
Ông Lợi còn kiến nghị: “Chính sách BHYT học đường cần cởi mở, ngoài đóng theo trường, cần linh hoạt quy định để HS-SV có thể tham gia BHYT theo diện hộ gia đình. Các em sẽ được hưởng quyền lợi từ người thứ 3 đóng sẽ được giảm mức đóng và từ người thứ 4-5 hoàn toàn được miễn phí. Đây là chính sách tốt nhưng chúng ta chưa thực hiện được chính sách này”.
Để phát triển BHYT HS-SV một cách bền vững, bên cạnh giải pháp phối hợp truyền thông giữa ngành BHXH và ngành giáo dục, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, cho biết BHXH Việt Nam đang đề xuất xây dựng chính sách đột phá về cơ chế tài chính khi tham gia BHYT ở nhà trường và hộ gia đình… “Mức hỗ trợ HS-SV tại là 50 % kinh phí tham gia BHYT. Tuy nhiên, HS-SV ở hộ gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp, bãi ngang… cần được kết nối chặt chẽ hơn để tạo ra sự hỗ trợ tốt hơn. BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đang nghiên cứu và có thể sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật BHYT theo hướng tăng mức hỗ trợ kinh phí cho nhóm học sinh sinh viên thuộc diện yếu thế nêu trên từ 50 % lên thành 70 %”, ông Phạm Lương Sơn nói.
Ảnh: Ngọc Thắng