Quảng bá mạnh mẽ dịp cận Tết cho tiện ích nạp/rút tiền mặt tại gần 200.000 điểm giao dịch của Viettel trên toàn quốc, ViettelPay kỳ vọng gì ở một dịch vụ khó có thể đem lại lợi nhuận như vậy?

Chúng tôi mong muốn giúp khách hàng giải quyết được vấn nạn về khó rút tiền ở ATM, chuyển tiền mặt vào dịp cận Tết, đặc biệt là với công nhân ở khu công nghiệp. Hằng năm, ở nhiều khu công nghiệp, cứ vào dịp nhận lương, thưởng Tết thì công nhân phải xếp hàng dài hàng chục có khi đến cả trăm mét trước ATM để đợi rút tiền. Đây là chưa kể đến việc đến lượt có khi ATM lại gặp trục trặc.

Sau đó, khi gửi tiền về quê cho người thân thì phải đợi đến ngày gần sát Tết được nghỉ mới trực tiếp mang về được. Còn chuyển tiền qua ngân hàng mà nhà ở quê không có cây ATM gần đó thì cách duy nhất là tới phòng giao dịch ngân hàng gần nhất. Ngày Tết mà phải đi lại và làm nhiều thủ tục như vậy thì không thuận tiện.

ViettelPay có thể giải quyết các vấn đề đó cho các khách hàng là những lao động xa nhà, làm việc ở thành phố. Họ chỉ cần đăng ký ViettelPay kết nối với tài khoản ngân hàng là có thể rút tiền ở gần 200.000 điểm giao dịch của Viettel trên toàn quốc, phủ xuống tận xã nên không lo phải xếp hàng. Nếu muốn chuyển tiền về cho người thân ở quê, họ cũng chỉ cần bấm điện thoại là có người mang tiền đến nhà chứ không phải đi đâu.

Vì sao trên thị trường chỉ có Viettel đẩy mạnh dịch vụ chuyển tiền mặt tận nhà?

Cái chính là không có mạng lưới. Chuyển tiền mặt tận nhà thì quan trọng nhất là mạng lưới. Nếu như dịch vụ chỉ phủ được vài chục điểm ở các thành phố lớn thì không có ý nghĩa gì cả. Trong khi đó, chi phí để phục vụ ở vùng sâu, vùng xa với việc mở một điểm giao dịch, duy trì hình ảnh, con người cũng như hệ thống ở đó, là vô cùng tốn kém và không khả thi.

Nếu ViettelPay tự bỏ chi phí từ đầu cho một mạng lưới mới như vậy thì cũng không chịu nổi. Tuy nhiên, hơn 15 năm qua, Viettel đã xây dựng mạng lưới gần 300.000 điểm giao dịch trên toàn quốc, phủ tới tận xã để cung cấp dịch vụ di động rồi. Viettelpay chỉ là một tiện ích được cung cấp bổ sung thêm thôi nên việc chuyển tiền mặt tận nhà ở mọi nơi mới khả thi. Đây cũng là lợi thế đặc biệt chỉ có ở dịch vụ ngân hàng số ViettelPay.

Vì sao Viettel lại quyết tâm đẩy mạnh một dịch vụ vốn khó đem lại lợi nhuận như vậy?

Với dịch vụ chuyển tiền, doanh thu và dòng tiền nhìn sẽ lớn nhưng lợi nhuận thì vô cùng thấp, thậm chí gần như bằng 0. Chúng tôi quyết tâm làm vì đến bây giờ, tiền mặt ở Việt Nam vẫn là vua. Chưa có nhiều người dùng phương tiện thanh toán điện tử, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Không có chuyện qua một đêm mà tất cả mọi người sẽ dùng tài khoản ngân hàng, điện thoại để thanh toán chuyển tiền. Không diễn ra một phép màu như vậy. Khách hàng sẽ phải qua các bước, chuyển hóa dần dần.

Đầu tiên là quen với việc thay vì có người đến tận nhà thu tiền điện, tiền nước, muốn chuyển tiền cho người thân thì phải đợi khi về quê… thì giờ chỉ cần bấm điện thoại với ViettelPay là thanh toán được mọi thứ, bấm điện thoại là có người mang tiền đến tận nhà cho người thân.

Khi tạo thành một thói quen cho người dùng về một dịch vụ chuyển tiền thuận lợi, chúng tôi mới có thể phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các tiện ích tài chính điện tử khác.

ViettelPay ra đời có một nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chính Viettel lại quảng bá có thể nạp/rút tiền mặt tại gần 200.000 điểm giao dịch của mình. Giữa nhiệm vụ và hành động thực tế có gì mâu thuẫn?

Hoàn toàn không mâu thuẫn bởi như tôi nói ở trên, đó là một quá trình. Bạn ở thành phố, toàn tiếp xúc với công nghệ hiện đại, mua bán cũng có thể onlnie hết nhưng bảo là không cầm tiền mặt nữa có được không? Chắc là không.

Ví dụ, Tết này muốn về quê lì xì cho trẻ con mà lại bảo “đứa nào muốn mừng tuổi rút điện thoại ra chú mừng tuổi” thì chắc là chả đứa nào vui với mình. Hoặc biếu ông bà tiền mà nói “ông bà để con bắn sang điện thoại cho nó Ting Ting…” thì không ổn. Hoặc vợ đi chợ xanh, chợ cóc gần nhà, gặp chị bán cá đầu năm mới mà lại bảo “em bắn tiền vào tài khoản cho chị nhé” và rút điện thoại ra thì không cẩn thận lại… mất Tết.

Nói chung, nhu cầu tiền mặt ở Việt Nam còn rất lớn, chuyển từ trạng thái gần 100% còn 50% rồi 30%... là cả một quá trình chứ không phải là ngày, tuần hay tháng được. Việc phải đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu trước mắt với tiền mặt ở mọi lúc, mọi nơi, rồi giúp người dùng quen dần với các tiện ích trên di động đi kèm để giảm việc sử dụng tiền mặt là cách tiếp cận của Viettel.

Cũng giống như làm với dịch vụ thông tin di động trước đây, dịch vụ ngân hàng số ViettelPay ra đời để phục vụ mọi người: từ người dân nghèo ở vùng nông thôn, với điện thoại “cục gạch”, không cần Internet… đến những người giàu ở thành phố; từ người trẻ thích công nghệ đến người già không am hiểu công nghệ đều có thể sử dụng được.

Điều này sẽ đưa đến một kết quả quan trọng, dịch vụ thanh toán điện tử của ViettelPay thực sự thông suốt giữa thành thị và nông thôn, kết nối tất cả mọi người, chứ không chỉ loanh quanh ở khu vực đô thị hay với người am hiểu công nghệ.

Nói nôm na, nếu bạn là người hiện đại ở thành phố, thích chuyển khoản, ViettelPay giúp bạn xử lý “trong một nốt nhạc” trên di động. Nhưng nếu bạn sống ở miền núi, hải đảo, dùng điện thoại cục gạch, không có Internet thì dùng ViettelPay vẫn dễ dàng với tiền mặt.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cách tiếp cận của ViettelPay để giúp những khách hàng ở nông thôn, miền núi, hải đảo… có thể quen dần và sử dụng thường xuyên các dịch vụ 4.0 như ngân hàng số?

Một điểm đơn giản là trong cuộc sống, ai cũng có nhu cầu chuyển/nhận tiền. ViettelPay giúp thỏa mãn nhu cầu của khách hàng nhanh hơn, tiện hơn với chi phí thấp hơn ở mọi lúc mọi nơi mà không cần thêm các điều kiện gì phức tạp.

Tiếp đó, như nhu cầu gửi tiền tiết kiệm. Nếu trước đây thì mọi người phải gom tiền lại thành một món to to một tí thì mới đi gửi; giờ với ViettelPay họ có thể gửi mỗi ngày một khoản bé bé cũng được và chỉ cần bấm điện thoại. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội, khách hàng không tốn tiền đi lại và Viettel cũng không thu một đồng phí nào của khách hàng.

Trong thời gian tới, với những khoản vay rất nhỏ, kiểu vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, thanh toán tiền khi đi uống cà phê, thậm chí trà đá, mua trái phiếu, chứng chỉ quỹ… thì chỉ cần bấm điện thoại với ViettelPay là được giải quyết ở mọi lúc, mọi nơi.

Cách tiếp cận ở đây là đem đến những dịch vụ thuận tiện nhất, ở mọi lúc, mọi nơi cùng ViettelPay để khách hàng thấy được sự khác biệt khi sử dụng dịch vụ 4.0 mà không nhất thiết cứ phải là người 4.0.

Hiện nay, với rất nhiều ví điện tử và dịch vụ ngân hàng số, tần suất giao dịch không thường xuyên là một vấn đề không dễ giải quyết. Ông nghĩ gì về điều này?

Một dịch vụ chỉ thành công, chiếm được trái tim của khách hàng khi họ dùng ứng dụng khoảng 3-4 lần/tuần, đó là mức tối thiểu. Hiện nay, rất nhiều ứng dụng thanh toán điện tử có thể giúp người dùng thanh toán hàng trăm loại dịch vụ nhưng đa số chỉ dùng 1 tháng/lần kiểu trả tiền điện, nước, mua thẻ cào… Vì thế, tần suất dùng ứng dụng là một vấn đề khó mà tất cả các ứng dụng thanh toán điện tử sẽ phải giải quyết.

Ở châu Phi hay Trung Quốc, họ đã giải quyết được bài toán này. Bản chất là họ giúp người dùng có thể sử dụng được ứng dụng đó ở bất cứ nơi đâu với các nhu cầu hàng ngày: ăn sáng, ăn trưa, đi uống cà phê, làm đẹp, gửi xe… ViettelPay cũng đang làm như vậy, tìm và giải quyết các nhu cầu thanh toán thiết yếu hàng ngày của người dùng một cách thuận tiện nhất.

Theo đánh giá của ông, cạnh tranh giữa ví điện tử và dịch vụ ngân hàng số đang ở giai đoạn nào?

Nó chưa bắt đầu thì đúng hơn vì thị trường, tập khách hàng mà mọi người đang cố thu hút là tương đối nhỏ và trẻ, tập trung ở thành phố lớn. Những khách hàng đang dùng nhiều nhất vì khuyến mại. Tôi gặp nhiều khách hàng mà mở máy ra là có ít nhất 3-4 ứng dụng của các nhà cung cấp khác nhau. Hôm nay gặp khuyến mại ông này dùng, tháng sau có ông khác khuyến mại tốt hơn thì lại chuyển...

Cạnh tranh thực sự sẽ xảy ra khi những nhà cung cấp có tiềm lực tạo ra tiện ích với giá trị thực sự cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của khách hàng và trên tập khách hàng có quy mô lớn.

Trong dịp Tết nguyên đán năm nay, ViettelPay tung ra chương trình lắc điện thoại trúng thưởng kể từ 28/1 đến 9/2/2019 với mỗi ngày 1 giải đặc biệt là 1 chỉ vàng, riêng trong Đêm Giao thừa là 1 kg vàng 9999 (gần 1 tỷ đồng). ViettelPay kỳ vọng gì ở chương trình này?

Chương trình lắc ViettelPay “Tết rộn ràng - Đón lộc vàng” được thực hiện đúng thời điểm cận Tết bởi đây là cơ hội để khách hàng trải nghiệm dịch vụ của mình một cách tốt nhất. ViettelPay tự tin là mình tạo ra được các giá trị thực sự khác biệt cho khách hàng nên thực hiện chương trình này.

Ở đây, một chuyện đơn giản là lì xì cho nhau đầu năm: nếu muốn lì xì cho người thân ở quê thì không thể bảo là “này em ơi, em cài ví điện tử đi, anh lì xì cho”. ViettelPay có thể giải quyết được việc ấy, có thể lì xì “trong một nốt nhạc” cho bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu trên khắp Việt Nam.

Bài: Nguyễn Lan
Ảnh: Tuấn Anh
Thiết kế: Trần Long


Báo Thanh Niên
01.02.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.