Khi biết tin Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế được nhận giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”, ông có suy nghĩ gì?

“Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Thừa Thiên Huế” được nhận giải thưởng sáng tạo châu Á là một tin vui với tỉnh nói riêng, cũng như cái ngành CNTT của quốc gia nói chung. Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ với Viettel, trên cơ sở ý kiến đặt hàng của tỉnh, nhu cầu thực tế của địa phương, Viettel đã có những giải pháp và đưa vào thử nghiệm với bước đầu có hiệu quả. Trung tâm điều hành đô thị thông minh là trái tim của đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mô hình này được xây dựng trên cơ sở đặc điểm riêng của đô thị Thừa Thiên Huế, phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trung tâm này tạo ra môi trường thông minh để chính quyền tương tác, trao đổi và kịp thời thông tin, xử lý những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

Thừa Thiên Huế không phải là một tỉnh lớn, hay vượt trội về đầu tư trong lĩnh vực CNTT. Vậy tỉnh làm cách nào để có thể cải thiện nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành?

Trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã triển khai nhiều mô hình Trung tâm điều hành Đô thị thông minh, mô hình nhìn chung khá đa dạng.

Phải nói rằng mô hình của Viettel áp dụng cho Thừa Thiên Huế là mô hình đáp ứng được yêu cầu của một tỉnh địa phương có quy mô kinh tế không lớn, có đặc thù về lịch sử di sản văn hóa. Từ nhu cầu quản lý, chúng tôi đưa ra bài toán và Viettel có chuyên gia tốt để nghiên cứu, rồi đưa ra giải pháp công nghệ, kỹ thuật với mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh phù hợp.

Và cũng từ đây, chúng tôi cũng thấy rằng, không cần phải là một đô thị với quy mô kinh tế quá lớn, không cần phải là một dự án quá đồ sộ, chỉ với khả năng tài chính vừa phải như Thừa Thiên Huế thì vẫn có thể xây dựng một mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh hiệu quả trong vận hành cũng như phục vụ người dân.

Khi tiến hành dự án này, Thừa Thiên Huế gặp những khó khăn gì?

Dĩ nhiên, với một mô hình mới thì quá trình tìm tòi và học hỏi không dễ dàng. Nhưng quan trọng là chúng tôi đưa ra 3 bài toán: người dân cần gì, doanh nghiệp cần gì, chính quyền cần gì và yêu cầu cả 3 bài toán này phải phối hợp với nhau để có mô hình quản lý thống nhất trên Hệ thống dịch vụ công trong đô thị thông minh.

Ở đây, chúng tôi lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của đô thị thông minh, hướng tới việc nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền, nâng cao khả năng tương tác của người dân và chính quyền, đem lại tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Nếu so sánh với dự án đầu tư chính quyền điện tử của Thừa Thiên Huế, việc đầu tư cho Đô thị thông minh có gì khác?

Đô thị thông minh được phát triển trên cơ sở kế thừa mô hình của chính quyền điện tử. Hai hệ thống này gắn chặt với nhau trong quá trình vận hành cũng như triển khai. Mô hình chính quyền điện tử là một bước triển khai để người dân có những dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện tương tác nhiều hơn giữa người dân và chính quyền; Các dịch vụ công ích được lồng ghép nhiều, cũng như ứng dụng nhiều giải pháp để nâng cao tương tác, thông tin 2 chiều giữa người dân và chính quyền để hình thành nên đô thị thông minh. Đây là một quá trình chuyển tiếp logic và có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau.

Mô hình đô thị thông minh là kế thừa trên nền tảng của chính quyền điện tử nên quá trình triển khai cả 2 hệ thống này là song song. Đô thị thông minh sẽ hỗ trợ cho chính quyền điện tử và ngược lại. Tôi nghĩ đây là một quan điểm và quan điểm này cần được quán triệt trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền thông minh phục vụ cho doanh nghiệp, người dân thì đô thị thông minh cũng phục vụ cho đối tượng đấy. Rõ ràng chúng ta phải tích hợp lại tất cả các ứng dụng này để làm sao cho thống nhất. Đến một giai đoạn nào đó thì cả 2 phải hòa làm một.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh được Thừa Thiên Huế triển khai rất nhanh, chỉ trong vòng 90 ngày. Làm thế nào để Thừa Thiên Huế thực hiện được điều này?

Để có mô hình này thì chúng tôi cũng có nhiều trăn trở. Đầu tiên là xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khi họ tiếp cận các dịch vụ của Nhà nước như dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp và dịch vụ công ích.

Thực ra, để có đô thị thông mình tốt phải có mô hình quản lý điều hành hệ thống tốt, hai hệ thống này tương tác hỗ trợ cho nhau. Lợi thế mạnh của Thừa Thiên Huế trong thời gian xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh là có một mô hình quản trị tốt, chuẩn hóa các hoạt động dịch vụ. Điều này quan trọng vô cùng.

Nếu đủ lực, chúng ta có thể mua các hệ thống khác như của nước ngoài và áp dụng nhưng nó không phù hợp với mô hình quản lý của chính quyền địa phương ở đây thì sẽ không hiệu quả, không đồng bộ. Điều này sẽ dẫn đến không phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi nhận thấy rằng, mô hình quản lý của chính quyền quan trọng vô cùng và các giải pháp công nghệ thông tin chẳng qua là ứng dụng phục vụ cho quả trình quản lý thôi. Sai lầm trước kia là chúng ta cứ trọng về kỹ thuật, áp dụng một cái mà không thể nào khả thi cho chính quyền của mình được. Ông không thể mua môt mô hình của nước ngoài trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không dùng được.

Vấn đề phải là một mô hình quản lý tốt, từ nhu cầu của thực tiễn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, đưa ra bài toán đúng. Sau đó, Viettel có đội ngũ chuyên gia công nghệ tốt, giải được bài toán về nhu cầu cầu chúng tôi.

Viettel nói với chúng tôi là các anh giúp chúng tôi vì có mô hình quản lý tốt, tôi nói với Viettel là anh đã cho tôi một giải pháp công nghệ tốt, hai bên cùng giúp nhau. Thừa Thiên Huế cung cấp mô hình quản lý tốt, Viettel hỗ trợ một giải pháp kỹ thuật tốt. Chính cái này đã tạo nên giải thưởng sáng tạo châu Á.

Khi triển khai mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thì cần phối hợp rất nhiều ban ngành và đòi hỏi phải đồng thuận rất cao khi thực hiện. Làm thế nào để Thừa Thiên Huế làm tốt điều này?

Thực ra, quá trình xây dựng chính quyền điện tử thì chúng tôi đã triển khai hơn 10 năm và đã có nhiều kinh nghiệm. Và quan trọng là người đứng đầu, ở chúng tôi là trải qua các nhiệm kỳ đều phải là người gương mẫu, tiên phong.

Quan điểm của chúng tôi là người đứng đầu không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành nên tạo sự đồng thuận cao. Thứ hai nữa chúng tôi triển khai chính quyền điện tử và đô thị thông minh trải qua 3 giai đoạn: một là giai đoạn vận động, động viên và đã trải qua từ lâu; hai là giai đoạn chế tài; và giai đoạn thứ ba là trở thành nhu cầu cấp thiết của Thừa Thiên Huế rồi.

Thế là chúng tôi không còn phải bàn nhiều nữa. Nên mọi người nhìn bên ngoài thì vậy thôi chứ không phải Thừa Thiên Huế có nó trong ngày một ngày hai. Đó là cả một quá trình đúc rút kinh nghiệm triển khai trong một thời gian dài.

Huế vốn là một cố đô, khi triển khai đô thị thông minh với trái tim là Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thì có làm thay đổi nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử của thành phố hay không?

Một trong những đặc thù của đô thị thông minh là hướng tới khai thác những thế mạnh về văn hóa, lịch sử của vùng đất Huế. Chúng ta đem những ứng dụng thông minh vào quản lý là để cải thiện đời sống của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng cũng phải nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa của vùng đất Huế.

Những giá trị đó không thay đổi nhưng chất lượng phục vụ ngày càng cao hơn là điều chúng tôi hướng tới. Chúng ta sẽ vẫn thấy một hình ảnh của Huế cố kính, êm đềm, vẫn là cố đô thế nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn và thuận lợi cho người dân trong phát triển về mọi mặt như kinh tế, đời sống… và cả nhu cầu hưởng thụ.

Khi triển khai đô thị thông minh và chính quyền 4.0 thì ngoài việc tạo ra các thuận lợi trong giám sát điều hành thì áp lực lên những người điều hành sẽ lớn hơn vì nhiều thứ sẽ “lật ngửa” trên Internet. Ông nghĩ gì về điều đó?

Tôi cho rằng điều đó chỉ xảy ra khi quá trình quản lý không minh bạch. Một chính quyền tốt là chính quyền phải dự báo được tình hình để có các biện pháp giải quyết thông qua các công cụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử để từ đó nâng cao hiệu quả, hoạch định chính sách đầu tư. Khi các chính sách công khai thì người dân chia sẻ, đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân làm, dân kiểm tra thông qua chính quyền điện tử của thành phố thông minh.

Chúng ta nói nhiều về công khai nhưng chúng ta chưa áp dụng một cách đồng bộ các cơ chế để công khai thông qua chính quyền điện tử. Và tôi cho rằng hệ thống chính quyền điện tử sẽ giúp chúng ta kiểm soát được tính công khai minh bạch. Người dân có thể tương tác để giám sát, tìm kiếm thông tin liên quan đến Nhà nước, chính quyền và ngược lại.

Không có điều gì có thể hay hơn và nhanh hơn khi tất cả mọi văn bản được lưu hành trên môi trường mạng, cắt giảm thời gian, minh bạch giải quyết các thủ tục hành chính sẽ đạt được mục tiêu khi ta giải quyết trên môi trường mạng.

Ở Thừa Thiên Huế, cách thực hiện dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh có gì khác?

Thực ra, đây là một mô hình tương đối mới với chúng tôi, nên phải học hỏi và tham khảo rất nhiều nguồn ở các tỉnh, thành phố cũng như trên quốc tế. Chúng tôi phải tìm ra cách để mô hình phù hợp với khả năng kinh tế của Thừa Thiên Huế thì mới có thể triển khai và mở rộng.

Chúng tôi không ôm đồm mà xác định rõ 3 chức năng của Trung tâm điều hành Đô thị thông minh là việc tiếp nhận, phân phối và giám sát việc xử lý thông tin hiệu quả - một mô hình trung gian. Các địa phương, các sở ngành có bộ phận giám sát điều hành phục vụ cho chuyên môn của họ.

Thừa Thiên Huế thống nhất quan điểm hạ tầng dùng chung và dữ liệu tập trung, 2 quan điểm này xuyên suốt đảm bảo điều hành tốt chi phí đầu tư. Nhu cầu đến đâu thì mở rộng đến đó chứ chúng tôi không đầu tư ôm đồm.


Với tư cách là một công dân bình thường, ông thử nghiệm hệ thống đó như thế nào?

Chúng tôi thử nghiệm với hai vai trò, vừa là người đưa ra ý tưởng xây dựng hệ thống, có vai trò quản lý, vừa là một công dân. Tôi đã yêu cầu cả các công chức – những người đang xây dựng triển khai hệ thống cũng phải thử nghiệm. Khi họ thử, họ cảm thấy có khó khăn gì thì bản thân họ phải tự khắc phục và đề xuất giải pháp. Không có hệ thống nào tự nhiên hoàn chỉnh mà phải có thử nghiệm để người dân có giao diện thân thiện nhất, thao tác dễ dàng nhất.

Giải thưởng này có tạo sức ép lên việc mở rộng xây dựng chính quyền điện tử hay Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh không?

Sức ép thì có nhưng thuận lợi lớn hơn nhiều. Người dân sẽ rất có niềm tin khi ứng dụng của chúng tôi được quốc tế công nhận. Đó là một kênh tuyên truyền rất tốt cho người dân: “Các bạn tham gia đi, các bạn sẽ hưởng lợi nhờ hệ thống này!”. Chính quyền các cấp, các đơn vị quản lý sẽ có động lực hơn vì phải giữ vững danh hiệu, để tiếp tục nâng cao. Ở đây, đối tác của chúng tôi là Viettel cũng sẽ phải tập trung hơn nữa, triển khai ứng dụng tốt hơn để cùng chúng tôi giữ vững điều đó.


Chính phủ tuyên bố làm e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) thì Trung ương sẽ làm trước rồi lan tỏa điều đó đến các địa phương. Ở Thừa Thiên Huế thì thế nào?

Theo tôi, Trung ương với địa phương nên song song làm. Trung ương làm mà địa phương không làm chưa chắc đã hiệu quả. Xã, phường, huyện phải làm cùng với tỉnh. Đầu tư cần đồng bộ.

Bài viết: Minh Thu

Ảnh: Nguyễn Thắng - Lê Huy Hoàng Hải

Thiết kế: Thu Hằng


Báo Thanh Niên
23.05.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.