>> Nguyên Khanh

Tháng 3.2016, những khối đất đầu tiên được đổ xuống vị trí dự án Cảng hàng không quốc tế, lúc đó là mênh mông đồng ruộng, ao, hồ, lạch sình lầy.

“Anh ạ, đời một kiến trúc sư như em, những công trình nhà dân, khách sạn, nhà cao tầng thì nhiều lắm. Nhưng rất hiếm mới có cơ may được tiếp xúc, xây dựng một công trình sân bay. Anh cho em chuyển sang làm dự án này”, đó là lời đề nghị của Đào Thành Đạt, Phòng Phát triển dự án, Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn sau một lần tới dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Vân Đồn công tác. Lời đề nghị đó được lãnh đạo Tập đoàn Sungroup, chủ đầu tư CHKQT Vân Đồn chấp thuận. Cái duyên của anh Đạt đến với sân bay đầu tiên do một doanh nghiệp tư nhân xây dựng và vận hành là như vậy.

Đã từng làm việc tại Ban Quản lý thể thao thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, đã từng đứng lớp bộ môn kiến trúc cho một số trường đại học nhưng với anh Đào Thành Đạt, giấc mơ tuyệt vời của đời kiến trúc sư chỉ trở thành hiện thực khi được tham gia xây dựng sân bay Vân Đồn. Cơ duyên đến với anh Đạt vào cuối năm 2017, trong một lần đi công tác tới đây, khi sân bay mới xây dựng xong đường băng. Còn nhà ga hành khách, tháp không lưu, nhà điều hành cơ bản xong phần thô. “Tôi đứng trên đường băng, ngắm công trình, ngắm cảnh sắc thiên nhiên một bên là núi, một bên là biển, nó có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Dân kiến trúc vốn mê cái đẹp. Cả công trình và thiên nhiên ở Vân Đồn thì quá đẹp. Nhưng quan trọng hơn, tôi cũng muốn tìm hiểu đối với một sân bay thì dây chuyền hoạt động ra sao. Trước đây mình từng làm giảng viên cũng từng va chạm đề tài về sân bay rồi, nhưng chưa thể hiểu được hết về nó”.

Do khu vực CHKQT có tầng đất yếu rất dày nên trước khi thi công, phải bóc hết tầng đất yếu, đắp vượt qua cao độ tự nhiên để khi mưa xuống không bị ảnh hưởng đến chất lượng nền đắp. Khởi công dự án đúng vào thời điểm mùa mưa bắt đầu nên những công việc đơn giản nhất như phát quang, cắm cọc cũng hết sức vất vả.

Anh Nguyễn Hữu Hải, Phó ban Điều hành dự án CHKQT Vân Đồn, cho biết thời điểm tháng 7 - 8 thủy triều cao vượt ngưỡng mức nước bình quân, hệ thống đê quai bị ảnh hưởng, cộng với diện tích thi công quá rộng, phải bơm hết nước rồi mới thi công được nên công việc không chỉ nhọc nhằn mà còn mất nhiều thời gian hơn. “Mỗi ngày kết thúc công việc về đến nhà thì người nhuộm đỏ hết, tắm nước đỏ quạch. Đất ở đây là đất sét, trời mưa thì trong phút chốc đất hóa thành bùn dẻo rất trơn, đi lại khó khăn vô cùng...”, anh Đào Thành Đạt nhớ lại, giọng vẫn không hết hào hứng: “Nhưng với chúng tôi thì không vấn đề gì. Khi đến nhận nhiệm vụ tại Vân Đồn, hoàn toàn tôi không màng gì đến điều kiện, hoàn cảnh khó khăn vất vả như điều kiện ăn uống, sinh hoạt, thời tiết...”.

Nguyễn Thanh Tùng, kỹ sư trắc đạc, là một trong những người đầu tiên đến với dự án CHKQT Vân Đồn kể, khi anh tới đây, cả khu đất chỉ là rừng và biển. Việc đầu tiên của Tùng là đi cắm mốc quy hoạch, dùng những cây tre xịt sơn lên đầu làm dấu mốc để xác định ranh giới. Tùng không nhớ nổi những lần cắm xong lại bị dân nhổ lên ném đi, đập mốc, đập cây. “Mỏ khai thác đất số 1 cứ cắm mốc xuống là dân đập đi. Lần thứ ba, anh em cắm mốc xong ngồi canh và chờ trung tâm quỹ đất đến thực hiện nhận bàn giao ngay lập tức. Thế mới xong được”, Tùng kể. Nhưng khâu giải phóng mặt bằng mới đau đầu. Không thiếu những hôm anh em cơ giới, trắc đạc... bị dân vác dao đuổi. Thậm chí có trường hợp, biên bản bàn giao mặt bằng xong xuôi hết, anh em mang máy móc đến thi công thì bỗng từ đâu ra cô con gái chủ nhà, chỉ để sót mảnh áo che thân đang vật vã... ôm chặt máy ủi. Thế là lại phải ngưng để làm công tác “dân vận”. Anh Nguyễn Hữu Hải cho biết, về cơ bản, việc giải phóng mặt bằng ở đây thuận lợi vì được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ chưa hiểu khiến anh em cũng đau đầu. “Muốn người dân chấp thuận đền bù, di dời khỏi dự án thì người làm giải phóng mặt bằng phải gần gũi, gắn bó, tạo được niềm tin cho họ. Sự cởi mở, chân thành của anh em trong đội phát triển dự án đã tạo được niềm tin từ người dân địa phương. Các hộ gia đình đi trước khích lệ người đi sau đồng thuận di dời”, anh Hải tâm sự.

Theo thiết kế ban đầu thì sân bay Vân Đồn sẽ lắp đặt máy soi như các sân bay khác ở VN. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn yêu cầu phải áp dụng những công nghệ mới nhất là hệ thống trả khay tự động - Ilane pro (Smith - Đức). Với hệ thống soi chiếu đang được áp dụng tại các sân bay VN, khách hàng sẽ mang khay từ chỗ này sang chỗ kia. Sau đó nhân viên phải mang các khay đã sử dụng về vị trí ban đầu để phục vụ cho người khách kế tiếp. Với khay trả tự động, khi hành khách đặt hành lý vào để kiểm tra an ninh, khay sẽ tự động di chuyển đến điểm cuối cùng. Sau khi hành khách lấy hành lý ra khỏi khay, khay sẽ tự động trả về vị trí ban đầu để phục vụ các hành khách tiếp theo nên chỉ cần một người đảm nhiệm là đủ mà năng suất cao hơn cả.

Thế nhưng, bản thân NACO (Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan có 65 năm kinh nghiệm, đã tham gia trên 550 dự án sân bay ở 100 nước trên thế giới) cũng chỉ biết đến hệ thống trả khay tự động đang được áp dụng ở một số sân bay của châu Âu chứ chưa bao giờ được tiếp cận triển khai công việc như dự án này. “Nhà thầu giật mình hỏi: “VN có đủ đẳng cấp để “chơi” hệ thống này?”. Họ nghĩ rằng mình đi khảo giá thị trường và sẽ không làm. Ngay cả khi chúng tôi khẳng định sẽ đầu tư, họ vẫn chưa tin. Họ tư vấn 2 phương án. Phương án 1 là hệ thống trả khay tự động đã được lắp đặt tại dự án như hiện nay. Phương án 2 là bán tự động nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn loại trả khay tự động”, anh Ngô Quang Hải, quản lý cơ điện ở sân bay Vân Đồn, kể lại. Cũng theo anh Hải, màu sắc của hệ thống cũng là màu đầu tiên trên thế giới vì bình thường nhà sản xuất Smith sản xuất theo màu tiêu chuẩn của hãng. Nhưng tập đoàn yêu cầu vỏ che có màu vàng champagne.

Ấn tượng với việc đầu tư hệ thống trả khay tự động cao hơn 30% so với hệ thống trả khay ở các sân bay đang áp dụng tại các sân bay VN, bà Romy Berntsen, quản lý dự án NACO - đơn vị thiết kế của CHKQT Vân Đồn, nhận xét CHKQT Vân Đồn là sân bay hiện đại nhất VN. Hệ thống trả khay tự động được tích hợp với máy soi đa chiều tiên tiến nhất khu vực châu Á, không chỉ giúp cảng thắt chặt hơn mức độ an ninh mà còn giúp việc soi chiếu hành khách diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm được khoảng thời gian quý báu của hành khách.

Đặc biệt, theo bà Romy Berntsen, đường cất hạ cánh của CHKQT Vân Đồn còn được trang bị hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II, bảo đảm chỉ dẫn cho tàu bay hạ cánh an toàn ngay cả khi thời tiết bất lợi. “Cảng Vân Đồn đã sẵn sàng đón nhận các loại máy bay lớn nhất như Boeing 787, Airbus 350 trong tương lai. Tất nhiên, di sản thế giới vịnh Hạ Long là điểm đến chính của tỉnh Quảng Ninh và do vậy sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch tới đây. Tuy vậy, tỉnh Quảng Ninh có những tham vọng lớn để phát triển kinh tế và du lịch trong tương lai. Khi đó, chúng tôi tin rằng CHKQT Vân Đồn sẽ trở thành cửa ngõ của tỉnh Quảng Ninh”, bà Romy Berntsen nói. (còn nữa)

Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
25.12.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.