>> Nguyễn Phúc

Ba năm kể từ ngày khước từ tục “nối dây” của nhà chồng, chị Hồ Thị Móm (43 tuổi, trú bản Pra Tầng, xã Đakrông, H.Đakrông) đang trở thành “biểu tượng” cho việc đi đòi nữ quyền của vùng cao. Chị vẫn khỏe mạnh, công tác tốt ở Trạm y tế xã Đakrông chứ không bị thánh thần “trách phạt” như những lời đe dọa rùng rợn dạo nọ.

Ba năm sau khi “chặt đứt” tục nối dây, chị Móm vẫn sống bình yên mà chẳng có “thánh thần” nào trách phạt.

Chị Móm lấy chồng rồi gom góp xây nhà vào năm 2012. Đến tháng 3.2015, chồng mất, bỏ lại chị với 2 con nhỏ. Đúng 7 ngày sau, họ nhà chồng gọi chị tham gia một buổi lễ quái lạ: tất cả đàn ông lớn, bé trong họ đứng xếp hàng để chị Móm lựa chọn làm... người chồng tiếp theo. Nhưng chị từ chối.

Cái lắc đầu “báng bổ” thần linh của chị Móm làm nhà chồng nổi giận. Mẹ chồng gằn giọng: “Nếu không lấy ai trong dòng họ mà muốn ở lại căn nhà vừa xây, phải đền 35 triệu đồng”. Chị Móm nói sẽ vay mượn để trả, nhưng đổi lại, nhà chồng phải làm cho chị... trẻ lại như ngày xưa, khi chưa lấy chồng. Nghe xong “yêu cầu” của chị Móm, cả dòng họ mấy chục người bỗng im bặt, cuộc họp gia đình tự động giải tán.

Nhân câu chuyện của chị Móm, ông Trần Văn Chạy, Phó chủ tịch HĐND H.Đakrông, bình luận rằng tục nối dây tồn tại mãi vì đa số phụ nữ lựa chọn phương án cam chịu. “Vùng cao này cần lắm những người như chị Móm”, ông Chạy khẳng định. Thật khó tin, người phụ nữ tên Móm ấy thậm chí còn thiệt thòi hơn người đồng giới khác. Chị tật nguyền ở chân.

Ở vùng cao Quảng Trị, nữ cán bộ ở cấp xã, cấp huyện không phải là ít, nhưng nữ trưởng bản lại hiếm. Vậy nên, chị Lê Thị Quyên, người Vân Kiều, được “giữ chức” trưởng bản Mới ở xã Hướng Sơn (H.Hướng Hóa) quả là chuyện lạ.

Bà Ly Kiều Vân, người được ví là “mây trên đỉnh núi” của Đakrông, trong một lần động viên tân binh nhập ngũ.

Bản Mới của chị Quyên có 54 hộ (224 nhân khẩu), đều là đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu dựa vào rừng và sản xuất nông nghiệp thô sơ. Cái đói cái nghèo luôn quẩn quanh. Nhưng ở bản heo hút tên Mới này, vừa có tin còn mới hơn: dân bản tín nhiệm bầu chị Quyên vào chức danh trưởng bản. Lạ, vì định kiến lâu nay trưởng bản phải là đàn ông. “Người vùng cao không nói hai lời, nhưng chỉ khi nhìn thấy thì họ mới tin. Vậy nên, không những phải nói, tôi còn phải làm và làm tròn việc hơn đàn ông”, chị Quyên nói.

Khi muốn dân bản sinh đẻ có kế hoạch, bản thân chị phải “dừng” ở 2 con. Khi muốn bà con chăm lo phát triển kinh tế, chị phải cùng chồng là những người đầu tiên tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng. Khi chị nói về nâng cao học vấn, lẽ dĩ nhiên con cái chị không bao giờ được bỏ học. Và người dân bản Mới cũng bắt đầu quen dần với việc ngày ngày vị nữ trưởng bản lui tới những nóc nhà sàn, nhắc họ chuyên tâm làm ăn, hướng dẫn cách vay vốn, đốc thúc cho con đến trường... Bà Hồ Thị Xăng, một trong những hộ khá lên nhờ “bị” chị Quyên ghé thăm nhiều lần, tâm sự: “Không biết con Quyên làm trưởng bản, nhà nước cấp được mấy tiền, mà thấy nó đi suốt. Nghe nó nói mãi, cũng thấm...”.

Bà Hồ Thị Cúc, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông (mặc áo thổ cẩm), trong một lần đón lãnh đạo T.Ư vào thăm địa phương.

Nữ trưởng bản Vân Kiều Lê Thị Quyên đứng ra giải quyết hết thảy các vấn đề “nóng”, theo cách hướng đồng bào thượng tôn pháp luật và đạo đức, hơn là cứ bám mãi theo tập tục. Bằng sự nhẹ nhàng, khéo léo của một phụ nữ, chị xử lý êm ấm nhiều cuộc xung đột gia đình, nhiều vụ xích mích trong bản. Suýt đánh nhau, nhưng rồi cánh đàn ông vẫn chịu ngồi lại uống với nhau ly rượu làm hòa. Nhưng cũng có lúc nữ trưởng bản tỏ ra rất cứng rắn, nhất là khi đối diện với những hủ tục. “Ước muốn của tôi là làm cho dân bản giàu lên, dân trí cao lên. Nhưng khi những luật tục xấu trói buộc người phụ nữ ấy vẫn còn, bản Mới sẽ vẫn bị kéo lại phía sau”, chị Quyên nói.

Ở huyện vùng cao Đakrông, nếu nhắc về những người phụ nữ thành đạt và “quyền lực” nhất, hẳn người ta sẽ không bao giờ quên 2 cái tên Ly Kiều Vân và Hồ Thị Cúc. Bởi một người nguyên là Bí thư Huyện ủy Đakrông (vừa được bổ nhiệm làm Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị), một người là đương kim Phó chủ tịch UBND H.Đakrông.

Ba năm sau khi “chặt đứt” tục nối dây, chị Móm vẫn sống bình yên mà chẳng có “thánh thần” nào trách phạt.

Người viết từng được Phó chủ tịch huyện vùng cao Hồ Thị Cúc mời về nhà dùng bữa. Ở đó mới thấy người phụ nữ Pa Kô này hiểu biết, tháo vát bao nhiêu khi làm việc, thì nhanh nhẹn và khéo léo bấy nhiêu lúc vào bếp. Những món đặc sản vùng cao được bà chế biến rất nhanh.

Bà Cúc quê gốc ở xã A Ngo (H.Đakrông), sinh năm 1968, vốn trưởng thành từ phong trào phụ nữ. Có lẽ chính vì thế mà bà có nhiều tài lẻ, ngoài nấu ăn ngon còn hát hay, lại hùng biện giỏi. Cũng chính vì trưởng thành từ phong trào phụ nữ nên bà hiểu tâm tư chị em, đặc biệt là chị em người Pa Kô, Vân Kiều. Bà cho rằng, với phụ nữ vùng cao, họ chăm chỉ lắm, chỉ cần hướng dẫn bày vẽ thêm là họ sẽ làm được...

Bà Ly Kiều Vân thì có chút khác biệt, được ví là “mây trên đỉnh núi”. Bố người Vân Kiều, mẹ gốc Bắc, người phụ nữ sinh năm 1976 này từng được xem là nữ cán bộ trẻ đầy triển vọng của núi rừng Đakrông, khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa 12 và khóa 13. Trên nghị trường, bà đã có nhiều ý kiến đóng góp cho cơ quan lập pháp về các vấn đề trong đời sống xã hội vùng cao, về nữ quyền...

Chị Lê Thị Quyên bày các con học

Ông Trần Văn Chạy cho rằng bà Vân đã có công lớn trong 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Huyện ủy Đakrông, dần dần nâng cao đời sống của người dân ở huyện nằm trong “top” huyện nghèo nhất nước. Người dân vì yêu mến mà lấy tên bà đặt cho một loại rượu đặc sản được nấu bằng men lá tại xã Pa Nang.

***

Hôm nhận nhiệm vụ mới (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị), bà Vân từng nêu quyết tâm dù ở vị trí nào, nếu làm được gì cho dân thì sẽ không nề hà. Chợt nhận ra rằng, vùng cao Quảng Trị cần nhiều lắm những chị Móm, chị Quyên và bà Cúc, bà Vân...

Họ chính là những cánh chim không mỏi, bay qua các không gian chật hẹp của bản làng.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Nguyễn Phúc

Báo Thanh Niên
24.04.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.