>> QUANG VIÊN

Nghe thiên hạ đồn, hồ Dầu Tiếng là một “túi cá trời”. Ở TP.HCM, có lần ra chợ đầu mối cũng đã gặp chị “lái cá” ngồi bên đống cá nước ngọt hoành tráng cười nói rổn rảng giới thiệu đây là cá tự nhiên của hồ Dầu Tiếng. Lại biết thêm, có một số nhà hàng thường xuyên quảng cáo có bán các loại cá khủng đặc sản đánh bắt được ở hồ này. Vì thế, trước khi đến đây, trong hình dung của tôi, dân làm nghề đánh cá mà nằm ngay trên “túi cá” như vậy chắc kiếm tiền dễ như chơi. Thật sự không phải vậy. Qua những gì tôi đã tìm hiểu, lắng nghe… dọc cung đường từ Tây Ninh đến Bình Dương men theo hồ nhân tạo rộng lớn này, thì quả thật đời người làm cá ở đây không chỉ lênh đênh mà còn quá khó khăn, nhọc nhằn.

Cứ tầm 6 giờ sáng, anh Mười (42 tuổi) ở xã Tân Thành, H.Tân Châu, Tây Ninh cùng cậu con trai 18 tuổi lại chuẩn bị đồ nghề để lên chiếc vỏ lãi đi đánh cá. Cả ngày quăng lưới, nhưng hôm nay anh thất thểu về bến vì số cá đánh được đem bán có 94.000 đồng. Bước vào căn lều chưa đến 5 m2, trống trước, hở sau, anh Mười than thở: “Đi một ngày vuông như vậy kiếm được chừng đó tiền cũng là may rồi. Có bữa đi về không đủ phí tổn. Làm nghề cá khổ lắm”.

Chị Thanh Hằng nằm ở căn lều này ngóng chồng đi đánh lưới

Cùng xóm với anh Mười, chị Nguyễn Thị Đào (25 tuổi) ngồi ngóng chồng đi lưới về cho biết thêm: vợ chồng chị từng sống bằng nghề cá ở Biển Hồ, Campuchia. Nhưng vì bên đó không cho đánh bắt nữa nên cả nhà dắt díu về đây. Mấy năm nay, chồng chị cũng bám hồ Dầu Tiếng, đánh cá mưu sinh. Vậy mà, trung bình một chuyến đi đánh cá của chồng cũng chỉ kiếm chừng 70.000 - 100.000 đồng thì làm sao nuôi nổi gia đình 4 miệng ăn. Anh Tèo cũng vậy. Lênh đênh trên hồ Dầu Tiếng với nghề giăng câu ngày này qua tháng nọ, cũng phải chạy cơm từng bữa. “Mang danh “túi cá trời” mà có bao nhiêu đâu. Giăng câu suốt đêm được vài trăm ngàn là trúng độc đắc đó. Thường chỉ đủ tiền mua gạo, mua rau, còn xui thì về tay không”, anh Tèo buồn hiu nói.

Gió to, chàng ngư dân trẻ này buồn bã vì không thể ra khơi

Rời cái làng chài nghèo xơ nghèo xác ở Tân Thành, chúng tôi đi về hướng Dương Minh Châu. Dừng lại ở khu vực gần đập chính tận hưởng buổi chiều nắng trải vàng hoe, đón cơn gió mát lành lồng lộng thổi từ lòng hồ vào bờ, ngắm phong cảnh hữu tình… thật dễ chịu. Tôi bước lên đập. Phía dưới mép hồ có rất nhiều vỏ lãi nằm im lìm. Vừa thu lưới và dắt chiếc ghe vào bờ, chàng trai còn rất trẻ tên Thanh trò chuyện: “Hôm nay gió to quá, không ra khơi đánh cá được. Coi như mất bữa gạo rồi”. Tôi hỏi, vào nghề đánh cá từ bao giờ và có dễ sống không, Thanh trả lời: “Hơn 10 tuổi đã theo cha đi làm cá rồi. Mấy năm trước đi đánh cá một đêm kiếm tiền triệu. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn cá khan hiếm dần. Mỗi đêm 3 người ráng làm cật lực cũng chỉ kiếm chừng năm đến bảy trăm ngàn”.

Một mình nằm chèo queo trên chiếc võng mắc dưới sàn của túp lều không khác gì cái chòi canh ruộng, chị Thanh Hằng ở xã Suối Đá, H.Dương Minh Châu tâm sự: “Ông xã tui đi mần cá ngoài mấy đảo trong hồ. Hôm nay gió to, ổng dạt vô ở đó luôn. Khi nào gió êm ổng đánh cá để kiếm tiền nuôi vợ con. Nghề cá lênh đênh và nghèo lắm…”.

Theo tìm hiểu, có đến hơn 1.000 phương tiện với sự tham gia của trên 3.000 người trong việc khai thác “túi cá trời” này. Nhưng điều làm tôi ngỡ ngàng nhất là những phương kế đánh bắt cá của cư dân ở đây. Dù xuất thân từ một làng chài, nhưng thú thật từ trước tới giờ tôi chưa thấy ở đâu có nhiều kiểu đánh bắt cá như người dân xung quanh hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh những phương thức đánh cá truyền thống, có những phương thức rất “độc chiêu”. “Nói cho chú nghe, từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ tui chỉ biết đánh lưới, giăng câu kiểu truyền thống. Nhưng giờ họ đủ kiểu đánh bắt lạ đời ghê lắm…”, lão ngư làm nghề cá hơn 40 năm ở lòng hồ cho biết. Ông còn chỉ tay ra phía xa, nơi có những người đang đánh lưới “lạ đời”, rồi thuyết minh thêm: “Chú thấy không, mấy tay đó dùng ống dẫn khí tạo bọt sục xuống lòng hồ, cá hoảng hồn chạy tán loạn rồi mắc lưới”.

Chúng tôi đến khúc cua đoạn "sừng hươu” Suối Ngô, lại phải tròn xoe đôi mắt khi chứng kiến cảnh đánh cá bằng cách nhủi. Một chiếc bè được tạo thành từ những chiếc thùng phuy, trên đó gắn chiếc nhủi lưới cỡ mắt rất dày giăng qua 2 cây tre dài thành hình chiếc nhủi chữ V. Khi chiếc nhủi này di chuyển trong nước thì hàng vạn con cá cơm nước ngọt xấu số “bế mạc” cuộc đời.

Người ta thường bảo “lưới trời lồng lộng” nhưng ở cái hồ nhân tạo lớn nhất nước này thì chính xác là “lưới người” mới lồng lộng, khiến không có loài cá nào có thể thoát. Một ngư dân khác ở xã Tân Thành cho biết cũng vì miếng cơm mà đội quân đánh bắt cá đông đến hàng ngàn người đã nghĩ ra nhiều phương kế để bắt được cá. Họ giăng dàn câu hàng trăm lưỡi gần mép hồ, ủ lưới trong những hố bom dưới lòng hồ, làm chà dụ cá để tóm cho bằng được con cá, con tôm…

Những năm gần đây, nhiều người dân sống lâu năm với nghề chài lưới ở hồ Dầu Tiếng sợ nhất là các phương tiện đánh bắt cá bằng lưới cào. Đội quân lưới cào không nhiều nhưng thường là những tay rất có “máu mặt”. Họ liều lĩnh bất chấp những quy định của chính quyền về việc đánh bắt, tung hoành ngang dọc quét sạch “túi cá”. Bên cạnh lưới cào, có người còn dùng những “chiêu” đánh bắt cá đúng nghĩa là rất “độc”, chẳng hạn xung điện, đánh thuốc nổ, thậm chí có người từng dùng cả thuốc trừ sâu (!?). Một lão ngư đã gác chèo vì tuổi già hồi tưởng: “Ngày xưa khi hồ này mới hình thành cá tôm nhiều lắm. Cá mè, cá chép, cá trắm cỏ, cá tra… quăng mẻ lưới nào cũng gỡ mệt nghỉ. Kể cả các loại cá giá trị như cá lăng, cá rô biển, cá leo… rất to và tôm càng xanh cũng không hiếm. Nhưng giờ, nhiều người làm chảy máu con mắt cũng khó kiếm cơm”.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Quang Viên

Báo Thanh Niên
18.12.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top