Gần gũi với nương rẫy, ông Trần Văn Lợi khi tầm 35 tuổi là một trong số những người lao động tại mảnh đất nghèo Bình Phước. Làm việc quần quật từ sáng sớm khi mặt trời chưa kịp ló dạng đến khi đêm tối mịt mờ buông xuống, ông Lợi vẫn luôn canh cánh nỗi lo làm sao kiếm đủ tiền để vợ và 4 đứa con nhỏ không phải bữa đói, bữa no.

Gánh nặng tài chính khiến gia đình ông Lợi chật vật một, thì bệnh sốt rét của ông cứ tái diễn hết năm này qua năm khác làm cho ông khốn khó mười. Vì sử dụng thuốc điều trị sốt rét liên tục và không theo hướng dẫn của bác sĩ, dần dần tác dụng phụ của thuốc làm hai mắt của ông yếu và mờ dần đi. Gia đình lại đang trong giai đoạn chật vật, ông Lợi buộc lòng rời xa nương rẫy, cách ly với mầm bệnh sốt rét và đưa cả nhà lên Bình Dương mưu sinh. Đến nay, dù đã 68 tuổi, ông vẫn phải tất bật với việc buôn bán để phụ giúp các con khi có thể. Cũng chính vòng quay “cơm áo gạo tiền” quanh năm suốt tháng khiến ông Lợi không đủ thời gian và tâm trí nghĩ đến đôi mắt ngày một yếu dần đi của mình.

Ông Lợi tâm sự: “Đến bệnh viện khám phải mất một buổi, còn muốn bác sĩ giỏi thì lên tận thành phố, đi phải mất một ngày. Đi kiểu vậy không ai bán hàng cả. Với lại mắt mình mờ rồi, đi xa phải có người chở chứ tự đi là chắc chắn không được. Cứ thế nên mấy năm nay tôi không đi khám mắt lần nào”.

Khi biết tin chương trình Chăm sóc mắt cộng đồng đến Bình Dương để thăm khám mắt miễn phí, ông tranh thủ chút thời gian buổi sáng để đến khám và được hướng dẫn chăm sóc mắt đúng cách. Lúc ra về ông nói với mọi người xung quanh: “Bác sĩ dùng máy đo mắt, khám mắt cho tôi rồi nói trong mắt có cườm, phải mổ. Từ nay phải thay đổi thói quen sinh hoạt để mắt tốt được ngày nào hay ngày đó thôi”.

Cũng chọn Bình Dương làm nơi dừng chân tiếp theo trong những năm tháng cơ cực của cuộc đời, bà Nguyễn Thị Nga (53 tuổi) lại có một câu chuyện hoàn toàn khác. Quê ở Trà Vinh, bà Nga tạm gác lại nỗi buồn khi chồng và con gái bỏ nhà đi để chuyển lên Bình Dương kiếm sống cùng đứa cháu ngoại là Nam (4 tuổi). Rong ruổi trên mọi nẻo đường ở Bình Dương với những tờ vé số, hai bà cháu thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nắng nóng. Nước da đen sạm đi nhưng quan trọng là đôi mắt của bà Nga cũng vì thế yếu dần nhanh chóng.

Hiện tại hai bà cháu đang tá túc trong một phòng trọ nhỏ ở khu xóm nghèo lao động tỉnh Bình Dương. Thấy hoàn cảnh cả hai quá khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, Nam lại không được đi học nên người trong xóm trọ rủ lòng thương, người thì cho hai bà cháu bữa cơm, người thì san sẻ vài bộ áo quần cũ vẫn còn mặc được.

Mới đây, được bà con hàng xóm kể về chương trình Chăm sóc mắt cộng đồng của Công ty Rohto-Mentholatum Việt Nam, bà Nga vui mừng dẫn bé Nam đến khám mắt. Nhờ chương trình, bà Nga và Nam đã có cơ hội được khám miễn phí, tư vấn bởi các bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm. Đây là dịp hiếm hoi để hai bà cháu được hiểu rõ về tình hình sức khỏe mắt của mình, đồng thời được hướng dẫn cách điều trị và chăm sóc mắt về sau.

Ông Lợi và bà Nga là hai trong số rất nhiều trường hợp khó khăn được khám và tư vấn trong hành trình Chăm sóc mắt cộng đồng của Công ty Rohto-Mentholatum Việt Nam. Sau 13 năm được tổ chức, chương trình đã đo thị lực, khám, tư vấn và phát thuốc cho hơn 325.000 người trên cả nước; hỗ trợ 600 ca mổ đục thủy tinh thể cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đây cũng là món quà vô cùng ý nghĩa mà Công ty Rohto-Mentholatum Việt Nam muốn mang lại cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Vì đôi mắt vô giá luôn cần được chăm sóc và bảo vệ, chương trình Chăm sóc mắt cộng đồng là dịp để nhìn lại thói quen bảo vệ mắt hằng ngày để có sự điều chỉnh và cải thiện cần thiết, không chỉ cho chính mình mà còn cho những người thân xung quanh

Thông tin chi tiết xem tại:
https://www.facebook.com/V.RohtoVietNam/

Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
26.11.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top