14 tuổi khởi nghiệp. 43 tuổi trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam (Tính theo lượng cổ phiếu trên sàn được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, không kể sở hữu gián tiếp qua công ty khác, đến hết phiên giao dịch 29/12/2017).
Song con đường kinh doanh của ông Trịnh Văn Quyết cũng gặp không ít chông gai và đôi khi cả những “gạch đá”…
Năm 2017, 43 tuổi giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản vốn hoá là hơn 58.000 tỉ đồng. Khi nhận tin này, ông có cảm xúc gì không?
Thú thực là tôi không có cảm xúc gì. Tôi không quan tâm lắm đến vị trí đơn thuần của cá nhân, mà quan tâm hơn giá trị từ hiệu quả công việc. Tôi thích nhà đầu tư, khách hàng của mình nói hôm nay ông Quyết bán được 1, 2 hay 10 căn hộ, biệt thự. Đó mới thực sự là điều tôi thích.
FLC gắn với tên tuổi Trịnh Văn Quyết, sân golf, resort cao cấp trải dọc ven biển. Dự án nhỏ nhất cũng vài nghìn tỉ đồng. Cũng có những ý kiến từ dư luận nghi ngờ chắc là ông phải là “con ông cháu cha”, có “chống lưng” mới làm nổi?
Bố mẹ tôi chỉ là công chức bình thường, về hưu sớm. Còn vợ tôi xuất xứ tỉnh lẻ, gia đình cũng cơ bản. Vợ tôi gần đây mới được bổ nhiệm làm trưởng phòng giao dịch ở một ngân hàng. Hai em gái tôi cũng chỉ là nhân viên bình thường tại Tập đoàn FLC. Ai đồn thổi tôi là con “ông này bà kia” hoặc được “chống lưng”, thì tôi cũng đành chỉ biết cười thôi.
Vậy ông và doanh nghiệp lấy nguồn vốn ở đâu phát triển các dự án?
Tôi khởi nghiệp chỉ có chất xám và hai bàn tay trắng. Nguồn vốn thì phải làm lụng vất vả mới có, chứ không tự nhiên từ trên trời rơi xuống.
Lúc làm luật sư, mở văn phòng luật SMiC, tôi chuyên đi tư vấn cho các doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài nước. Nhiều người nhờ mình làm thủ tục cho dự án, nên mình thấy mình cũng hoàn toàn có thể làm được, nhưng không có tiền để giải phóng mặt bằng làm hạ tầng, mình chỉ có chất xám thôi.
Từ đó tôi nung nấu, tích cóp vốn liếng dần đần. Khởi đầu 10 năm trước, xây toà nhà FLC Landmark Tower tại Hà Nội, tự mình làm hết từ A-Z, từ thủ tục đầu tư đến xây dựng.
Giai đoạn đầu, bạn bè thân nhất nhìn mình tiền ít, kinh nghiệm thì không, thậm chí không ai tin mình làm được nhà chung cư. Trên thị trường bất động sản lúc đó lại toàn anh hùng hảo hán như Vinaconex, HUD, Ciputra, Nhà Từ Liêm…, mình chỉ như hạt bụi.
Sau toà Landmark Tower, tư duy và bước mở rộng bất động sản của ông như thế nào?
Xong toà nhà đầu tiên, bán được nhiều hàng, tiền về, vốn dày thêm. Năm 2014, tôi đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa vì đây là điểm du lịch nhiều tiềm năng để đầu tư và gần với Hà Nội. Tỉnh còn nghèo nhưng dân số đông gần 4 triệu, cũng đã có nhiều người giàu.
Đến thời điểm này cho thấy, lúc đó, tôi đã tư duy đúng. Tiếp mạch thành công của FLC Sầm Sơn, chúng tôi đầu tư quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý (FLC Quy Nhơn), rồi Hạ Long, Quảng Bình…
FLC sở hữu nhiều resort ven biển cao cấp, vị trí đẹp. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu nhà đầu tư không “chạy” thì rất khó để có được dự án?
Tôi xin khẳng định, từ trước đến nay FLC chưa có dự án nào thành công nhờ vị trí tốt ở Hà Nội, hay các tỉnh cũng vậy. Tất cả phải đầu tư công sức xây dựng gian khổ mới có thể biến nó thành đắc địa. FLC không biến vàng thành trang sức, mà biến sỏi đá thành vàng. Đó là cách nói mỹ miều, nhưng thực tế đúng như vậy.
Bạn đi tất cả dự án của FLC không có dự án nào nằm ở vị trí đẹp tuyệt vời. Gần đây nhất là dự án ở Hạ Long, 4 nhà đầu tư vào nhìn vị trí đều lắc đầu đi ra, đến lượt FLC, Ban Thường vụ tỉnh về Hà Nội mời, chúng tôi đã quyết định vào dự án.
Vì sao 4 nhà đầu tư kia bỏ đi mà ông lại muốn nhảy vào?
Quần thể nghỉ dưỡng ở Hạ Long đó vốn nguyên là cái đồi trọc, không có đường đi, hạ tầng, chúng tôi phải đầu tư từ đầu. Rồi mỏ than thổ phỉ, trải qua bao tầng địa chất, xuống dưới lại có đá, dưới đá lại có than. Tôi xây khách sạn ở đó khoan mấy tầng địa chất mới đưa được giải pháp thi công, không phải dễ.
FLC khác biệt, chuyên nghiệp. Vậy tại sao ở một số dự án năm qua vẫn bị thanh tra xây dựng cho là có “sai phạm”?
Tôi cho rằng, không nên nói là “sai phạm”. Nên chăng dùng từ “lỗi” thì đúng với bản chất vấn đề hơn. Lỗi ở đây là vừa thi công vừa phải hoàn thiện các quy trình thủ tục, với sự chấp thuận của chính quyền địa phương, để dự án đi vào hoạt động nhanh nhất có thể.
Ở một góc nhìn khác tích cực hơn, chính là chúng tôi có đủ tiềm lực để đầu tư, triển khai dự án hiệu quả, chứ không nhận dự án xong rồi để không đấy năm này qua tháng khác. Hoàn thiện dự án sớm, đưa dự án vào hoạt động sớm, chính là ích nước, lợi nhà, tạo thêm công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước.
Trên sàn chứng khoán, cũng có luồng dư luận nói là ông hay “đẩy giá”, “lướt” cổ phiếu?
Lâu nay, tôi nghe quen những ý kiến này rồi, nhưng hãy hỏi cơ quan quản lý và hỏi chính doanh nghiệp.
Ví dụ, với mã chứng khoán FLC, có một số ý kiến nói “bơm thổi”, nhưng thực tế mấy năm nay giá vẫn chỉ dao động xung quanh mức vài nghìn đồng. Giai đoạn 2013-2016, kể cả khi thị trường khởi sắc, nhiều cổ phiếu uy tín trên thị trường cũng chỉ vài nghìn đồng, huống gì FLC là cổ phiếu đại chúng với tính thanh khoản rất lớn.
Đầu năm 2017 giá FLC hơn 4.000 đồng, giai đoạn cuối năm có thời điểm tăng lên hơn 9.000 đồng. Sau khi khi chia cổ tức lại giảm về 6.000 đồng. Diễn biến giá cổ phiếu rất mang tính thị trường, do cung - cầu quyết định, hôm nay có thể lên, mai lại xuống. Thị trường là như vậy.
Việc lớn ông làm được nhiều, nhưng cũng hứng chịu tin đồn không ít? Nghe mãi thế ông có thấy “tức mình” không?
Tôi không tức làm gì. Cả bạn thân tôi cũng từng không tin mình có thể làm được nhà, huống chi người người ngoài. Tôi càng phải chứng minh những người đó đã sai. Thực tế, không ít nhà đầu tư mua - bán, hay mua để ở ngay tại toà nhà FLC Landmark Tower, dự án đầu tay của chúng tôi, đều có lợi nhuận. Chỉ trong có 2-3 tháng tôi đã chứng minh cho bạn thân thấy, sau 5-6 tháng tầng chồng lên tầng, 7 ngày 1 tầng.
Sống mà chỉ dành thời gian nghĩ đến tin đồn rồi “tức”, thì sẽ chẳng làm được việc gì. Mình phải chứng minh bằng hiệu quả công việc.
Ông có thể chia sẻ ước mơ hồi nhỏ của mình?
Tôi muốn học luật, sau khi ra trường trở thành thẩm phán, kiểm sát viên. Đến khi học đại học, chỉ muốn trở thành công chức và có một chiếc xe máy Dream, có căn hộ chung cư 25-30 m2 để ở.
Vậy tại sao giờ lại là bất động sản, khoáng sản, công nghệ… và ông còn muốn lập cả hãng bay Tre Việt (Bamboo Airways)?
Ước mơ như vậy, nhưng số phận chọn tôi làm doanh nhân. Tôi vẫn chú trọng vào mảng cốt lõi bất động sản, nhưng đã là doanh nghiệp kinh doanh thì thấy lĩnh vực nào có hiệu quả, tiềm năng và an toàn thì mình đầu tư.
Đầu tư có lợi cổ đông, cho doanh nghiệp, cho mình, có ích cho xã hội thì tại sao mình lại chê, không làm? Từ một luật sư chuyển sang kinh doanh bất động sản tôi cũng làm được, những thứ khó khăn nhất cũng đã kinh qua, thì việc này cũng vậy thôi. Mọi người nghĩ nó lớn lao, còn tôi thì đơn giản thấy có hiệu quả thì làm.
Tiến độ triển khai đến đâu và nghe nói FLC đã đàm phán với hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Airbus, Boeing?
Hiện nay các bộ, ngành cơ bản đã đồng ý. Các ý kiến đang được tập hợp để chờ trình lên Bộ GTVT, sau đó trình Chính phủ. Khi có giấy phép, chúng tôi sẽ đặt tiền, còn hiện giờ chúng tôi đã ký cam kết sẽ mua máy bay của hai hãng đó.
Ở FLC ông có phải thường xuyên can thiệp vào công việc của cấp dưới?
Tập đoàn FLC quản lý theo mô hình phân cấp, phân quyền. Mỗi một dự án của tập đoàn FLC đều có một Giám đốc Ban quản lý dự án. Vị trí này sẽ cơ cấu dưới vị trí Phó tổng giám đốc tập đoàn phụ trách trực tiếp lĩnh vực. Tương tự, mỗi khu nghỉ dưỡng cũng đều có một người đứng đầu trực thuộc một Phó tổng giám đốc của tập đoàn hoặc trực thuộc Tổng giám đốc tập đoàn.
Ở vị trí Chủ tịch tập đoàn, mang vai trò thủ lĩnh, tôi theo quan điểm sẽ truyền lửa để tạo ra sự đoàn kết, hòa hợp giữa các thành viên để tạo thành một khối cùng hoạt động, đưa tập đoàn tiến lên gặt hái thành công. Với hơn 7.000 cán bộ nhân viên, trong đó sẽ có những vị trí then chốt, mang tính quyết định, hoạt động rất trơn tru, hiệu quả.
Ở vị trí Chủ tịch tập đoàn FLC, ông có khắt khe với nhân viên của mình ?
Tôi đòi hỏi họ phải chu đáo với tất cả mọi người. Đây là kim chỉ nam được quán triệt đến tất cả người của Tập đoàn FLC. Tôi quan niệm, nếu chu đáo được với mọi người, sẽ chu đáo được với công việc. Về năng lực, tôi quan điểm, người có chuyên môn gì thì làm việc đó. Không có chuyện giữ vị trí vì là thân thích, người nhà, bạn bè. Tất cả dựa vào năng lực bản thân.
Ông định hình FLC trong tương lai như thế nào?
Có cơ nghiệp trong tay, tôi cũng mang khát vọng để lại cho đời điều gì đó. Và cũng muốn chứng minh cho mọi người thấy, chúng tôi có thể làm được những điều ít người làm được, có ích cho xã hội, đất nước.
Tôi có thể ví dụ ngay là nhiều nơi đã ghi dấu ấn FLC bằng việc thay đổi diện mạo hạ tầng du lịch, tư duy, cách thức làm du lịch của người dân địa phương, tỉnh khác cũng phải nhìn vào, và ngay cả người không ưa cũng phải thừa nhận.
Ông có tham vọng xây dựng một dự án để đời để khi nhắc đến người ta nhớ ngay đến Trịnh Văn Quyết - FLC?
Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có một chuỗi các dự án nghỉ dưỡng quy mô tầm cỡ mang thương hiệu FLC để đi đâu, người ta cũng đến với FLC. Hoặc trong khu nghỉ dưỡng của FLC sẽ có những tiện ích “độc nhất vô nhị” không đâu có. Hiện FLC đã đạt được thành công là doanh nghiệp có nhiều sân golf vào bậc nhất Việt Nam.
Đến giây phút này, ông có nghĩ mình đã thành công và là một doanh nhân thành đạt?
Tôi nghĩ thước đo của một doanh nhân, một doanh nghiệp thành công không phải bằng tiền, mà bằng những giá trị họ mang lại cho xã hội. Với cá nhân mình, tôi chưa bao giờ nghĩ mình thành công và Tập đoàn FLC còn nhiều việc phải làm phía trước. Tôi quan niệm, làm doanh nhân mà chỉ để kiếm tiền, không mang lại giá trị gì cho người khác, cho xã hội thì chắc chắn sẽ thất bại. Còn thành công phải đạt được mức độ những người ghét mình nhất cũng nói tốt về mình. Điều này không dễ, nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ.
TIÊU PHONG - TRẦN ĐAN