Thưa ông, bây giờ thiên hạ đang ầm ầm nói về 4.0, đến đón dịch chuyển đầu tư, đến cơ hội ra thế giới với các cao tốc FTA với EU, với CPTPP… thế mà nói đến Sơn Hà, một doanh nghiệp nghìn tỉ nhiều năm nay rồi mà người ta gần như chỉ nói tới bình nước trên mái nhà?
Tại cuộc họp tuần trước, tôi nói với đội ngũ chủ chốt rằng: “Sơn Hà chưa phải là doanh nghiệp vĩ đại nhưng chắc chắn không phải là doanh nghiệp tầm thường. Nhưng mà tại sao cứ nói đến Sơn Hà là nói bồn nước mà trong khi Tập đoàn đang có rất nhiều mảng mạnh khác, ví như ngành các sản phẩm gia dụng, đó cũng là một mảng chính trong hệ sinh thái kinh doanh và sản xuất của Tập đoàn. Và hiện tại, chúng ta cũng làm rất nhiều sản phẩm mới, rất nhiều sản phẩm tiên phong, có hàm lượng chất xám, đi rất bài bản. Có cả chục mặt hàng xuất đi trên 30 nước từ vào Mỹ, EU, gần đây là Đông Nam Á, Trung Á…
Hay là ta mới biết làm mà chưa biết nói. Hay cứ nói ra thì mắc gì ở cổ họng. Và liệu chúng ta có vượt qua nó hay vẫn chấp nhận nó.
Nói thật với bạn, cách đây 20 năm, chúng tôi cũng bắt đầu sản xuất thương mại thuần túy; cũng bị coi là “chân chỉ hạt bột”, có phần ngây ngô, chẳng mánh mung gì. Nhưng một phần vì những người đứng đầu muốn làm nghiêm túc, nên các sản phẩm của Sơn Hà, dù công nghệ cao hay chưa cao thì đều tốt, đều mang tính “chăm sóc cho các gia đình Việt”, là các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Đó là các sản phẩm gia dụng, là bồn nước, là thép không gỉ, là bình nước nóng Thái Dương Năng. Dần dần, chúng tôi nghĩ muốn lâu dài phải tính cái gì đó chuyên sâu, mang tính chiến lược thay vì chỉ là tính chiến thuật ngắn hạn. Bởi chỉ có chiến lược lâu dài, bài bản mới tạo ra tính bền vững, tạo ra những doanh nghiệp dẫn đầu.
Tôi thấy trước đại hội cổ đông, hay các dịp lễ của Sơn Hà, anh hay nói đến trách nhiệm xã hội, nói đến việc phải là tiên phong… nhưng có người bảo sao cứ phải nặng nề thế trong khi làm doanh nghiệp thì chỉ cần biết chớp thời cơ, thậm chí phải “hớt váng” miễn là đem lại lợi nhuận?
Đúng vậy. Trách nhiệm xã hội và tiên phong dường như là “tính cách thương hiệu” của tôi trong kinh doanh rồi. Mục đích doanh nghiệp là tạo ra tiền và cả các giá trị khác. Các doanh nghiệp ra sức đua nhau sáng tạo, làm sao để kiếm được tiền. Cách dễ để kiếm tiền nhất mà các doanh nghiệp hay làm là vận dụng cơ chế làm dự án, sản xuất những cái dễ, như thương mại buôn bán trao đổi, mua rẻ bán đắt. Nhưng mức độ cao hơn, chuyên sâu hơn thì các doanh nghiệp cần có những tính toán mang tính chiến lược. Bởi như tôi nói, chỉ có chiến lược mới tạo ra tính bền vững, tạo ra những doanh nghiệp dẫn đầu.
Một lãnh đạo cấp cao nói với tôi rằng: “Sơn làm xử lý nước thải, làm điện mặt trời áp mái” là đang lao vào lĩnh vực khó đấy, khó từ cơ chế, chính sách vì nó (điện mặt trời áp mái) còn mới. Nên Sơn Hà phải tự lực và chờ đợi thêm”. Còn với các cổ đông, cũng có người nói với tôi như bạn vừa nói. Thậm chí vào những năm đầu đại hội, khi Công ty vừa niêm yết chưa lâu, tôi cũng bối rối. Có không ít lực lượng mua cổ phiếu muốn nhanh tăng giá, nhưng họ nói những mặt hàng, những lĩnh vực ấy anh làm nhanh thì phải 2 năm mới có lãi, thậm chí lâu hơn, tôi sao đợi được.
Thế thì, một mặt mình phải đi tìm những tiếng nói đồng thuận, những người chung ý tưởng với mình. Nhưng một mặt, mình cũng phải có những sản phẩm bò sữa, lấy ngắn nuôi dài.Sau hơn 20 năm phấn đấu, Sơn Hà đã có những thành tựu. Chúng tôi hiện đang ở mức cao hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam. Giờ là lúc để tiếp tục, vượt qua ngưỡng này. Có những doanh nghiệp ở ngưỡng này, họ chuyển đổi sang các lĩnh vực an toàn hơn, bán bớt danh mục để quản lý ở quy mô nhỏ cho đỡ rủi ro... Chúng tôi nếu không làm vậy thì chỉ còn cách phải vượt lên. Chứ nếu ở lưng chừng thì rất nguy hiểm. Nếu không đủ sức để cập nhật những cái mới, không đủ sức để tạo ra một quỹ đạo để mình không bị rơi thì rất nguy hiểm. Chúng tôi chọn cách phải đột phá, tiên phong để đi lên, để vượt qua giai đoạn này. Với sự thay đổi của công nghệ, thì chúng tôi cần quan tâm tính đến các sản xuất mới, mang tính xu hướng. Đó là lý do chúng tôi đi vào xử lý nước thải, điện mặt trời áp mái Freesolar. Nước thải, khí thải, năng lượng là những vấn đề sống còn. Hy vọng 5-10 năm nữa, quy mô của Sơn Hà sẽ gấp 10 lần như hiện nay.
Nếu để ý kỹ một chút, bạn sẽ thấy tất cả những sản phẩm của chúng tôi từ trước tới giờ đều gắn với “chăm sóc cho gia đình Việt”. Và kể cả khi Sơn Hà tiên phong trong nhiều lĩnh vực mới thì chúng tôi vẫn hướng đến mục tiêu đó, vẫn gắn với sự phát triển bền vững, vẫn gắn với trách nhiệm xã hội. Ví như lĩnh vực năng lượng tái tạo của chúng tôi chẳng hạn: Thái Dương Năng, FreeSolar, hệ thống cung cấp nước sạch và xử lý nước thải… đều góp phần bảo vệ môi trường, mang đến cho người dân một môi trường xanh-sạch hơn.
Đâu là “vũ khí” để ông tự tin Sơn Hà có thể bứt lên thành công bởi nếu chỉ nói khát vọng hay lựa chọn các lĩnh vực xu thế thôi thì nghe mới chỉ là khẩu hiệu?
Có nhiều doanh nghiệp họ cũng nói với tôi là bọn em cũng ao ước có phòng lab, bộ tiêu chuẩn, có nhà máy sản xuất tự động để sản xuất pin Việt Nam… nhưng vì tính chưa ra hoặc vì thiếu vốn… nên giờ phải nhập về buôn bán thương mại để kiếm lời trước mắt.
Cách làm của Sơn Hà là tôi luôn chọn chiến lược phát triển từ gốc rễ. Mỗi lĩnh vực mà tôi và Tập đoàn theo đuổi là cả một quá trình nghiên cứu, đầu tư bài bản, phát triển theo một chiến lược đã được vạch ra từ trước. Mà muốn phát triển từ gốc thì phải có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đó là lý do chúng tôi đã lập Viện nghiên cứu ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đã có pháp nhân và hiện chúng tôi đã đưa vào đây nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên biệt. Từ ban đầu Sơn Hà chỉ có 1 trung tâm thì nay đã có 3 trung tâm nghiên cứu trong các lĩnh vực: Đồ gia dụng - đồ điện; Ứng dụng ngành nước, phát triển nước thải; và trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời. Tới đây Sơn Hà cũng sắp có thêm Trung tâm nghiên cứu sản phẩm đời sống công nghệ cao.
Chúng tôi tự tin, Sơn Hà là một trong những Tập đoàn hàng đầu Việt Nam tiên phong và mạnh dạn tạo dựng phòng R&D. Tôi quan điểm rằng, nếu được đầu tư, nghiên cứu bài bản, thì với trí tuệ con người Việt Nam, chúng ta hoàn toàn đủ sức làm ra các sản phẩm mang tầm quốc tế bằng chính bàn tay khối óc của mình chứ không phải đi sao chép sản phẩm nước ngoài.
Nhưng ngay cả với điện mặt trời, tôi đồng ý là Sơn Hà gần như là “Người tiên phong”, còn với Thái Dương Năng có vẻ giờ đây Sơn Hà đang chậm lại. Vậy FreeSolar có gì nổi trội để ông tự tin sẽ vượt lên dẫn dắt khi mà 2 năm điện mặt trời đã rất nóng sốt. Thậm chí nói thẳng, giờ nhập pin về bán có lãi thu lời và nhẹ nhàng hơn nhiều?
Sơn Hà chọn điện mặt trời nhưng không chọn cách ngắn hạn là mua pin về đi lắp kiếm chút chênh lệch. Chúng tôi muốn đi cùng ngành này mấy chục năm sau nữa. Xử lý nước ngầm cũng thế. Ban đầu có thể phải học nhưng phải hướng đến nắm bắt công nghệ lõi. Cho nên chúng tôi đã quyết định đầu tư phòng nghiên cứu phát triển (R&D), phòng lab. Trung tâm nghiên cứu ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc của Sơn Hà đang tập trung nghiên cứu ra sản phẩm pin mặt trời thương hiệu Việt, tương thích với khí hậu, địa hình, điều kiện của VN.
Hiện nay điện mặt trời phát triển ầm ầm, nhất là điện mặt trời trang trại, điện mặt trời nổi… nhưng Việt Nam chúng ta chưa có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho pin mặt trời. Cho nên, chúng tôi đang muốn trở thành doanh nghiệp tiên phong tài trợ và đang xúc tiến các thủ tục cùng với cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng bộ Tiêu chuẩn pin mặt trời. Hy vọng thời gian tới sẽ có kết quả.
Đặc biệt, với điện mặt trời mái nhà, giai đoạn đầu chúng tôi nghiên cứu ra sản phẩm chất lượng tốt phổ cập nó. Một phần bán pin cho các hộ dân, cho doanh nghiệp thương mại. Đó cũng là gieo hệ sinh thái. Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, tôi mơ ước lượng pin của Sơn Hà lắp trên mái sẽ thu được một lượng điện bằng mấy nhà máy điện hạt nhân. Điều này là hoàn toàn có thể nếu ta tận dụng được, có quy trình đầu cuối xử lý sản phẩm. Sơn Hà rất muốn thành nhà bán điện, đầu tư các mái lớn, tận dụng nhà xưởng, liên kết cả hệ sinh thái để tạo nên tổng công suất lớn bán cho người tiêu dùng, bán vào lưới cho EVN. Khi đó tức là mình góp phần vào giải quyết việc thiếu điện, thực hiện chính sách xã hội hóa để EVN giảm đi gánh nặng phải xây dựng các nhà máy điện.
Từ đầu đến giờ ông nói rất nhiều về các sản phẩm cho người Việt, nhưng trở lại câu hỏi ban đầu một chút, là bây giờ người ta nói rất nhiều về dịch chuyển đầu tư, về các cao tốc thương mại ra với thế giới, chả lẽ Sơn Hà không tính tiên phong hay nắm bắt điều gì sao?
Có chứ. Chúng tôi đã và đang đón đầu sự dịch chuyển này rồi. Ngoài các ngành truyền thống và tiên phong trong những lĩnh vực mới, chúng tôi mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp. Với định hướng đầu tư phát triển các cụm/ khu công nghiệp kiểu mẫu, hài hòa giữa giá trị kinh tế và giá trị môi trường. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào hiệu lực cũng sẽ tạo thêm lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư cho thị trường bất động sản tại Việt Nam, trong đó có bất động sản công nghiệp. Đây cũng chính là tin vui cho thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới.
Nhưng các nhà đầu tư cũng không phải tự nhiên mà đến với một doanh nghiệp. Bản thân Sơn Hà phải xác định cũng có thể có cơ hội bị vụt qua nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản.Thực tế, chúng tôi đã chuẩn bị bằng cách lập một Trung tâm Hợp tác - Kinh doanh Quốc tế. Mục tiêu tất nhiên là không thể hấp thụ hết các ngành có chuyển dịch mà chỉ hấp thụ các ngành là thế mạnh của Sơn Hà. Hiện nay Sơn Hà đang xuất khẩu đi khoảng 30 nước, chủ yếu là hàng công nghiệp dân dụng thuần túy. Trước đây nhiều tập đoàn làm đồ gia dụng, công nghiệp nhẹ họ đặt nhà máy ở Trung Quốc, thì nay họ đang đi tìm kiếm doanh nghiệp VN và cũng đã có ngỏ ý với Sơn Hà. Tuần tới sẽ có một nhà thầu tầm cỡ thế giới có trụ ở Thụy Sĩ tới đây. Hiện họ đang cung cấp hàng hóa ra toàn cầu với thương hiệu của họ và dự kiến ban đầu mình sẽ gia công. Mình sẽ bắt tay cùng họ trên cơ sở mình là nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa thay thế. Tuy nhiên sau khi gia công đạt tiêu chuẩn tốt thì mình phải có sản phẩm với nhãn Sơn Hà. Đó là cách đi an toàn, đúng logic. Thế giới họ cũng đi như vậy nên không lý do gì Sơn Hà không quyết tâm.
Tuy nhiên, điều này cũng cần phải “khớp” chính sách nhà nước. Bởi nếu các ngành phụ trợ VN không phát triển đồng đều thì mình sẽ cô đơn, khi đó mình phải làm từ đầu đến cuối thì giá nó cao, vì thế cần các nhà cung cấp phụ trợ để kéo giá cả xuống.
Đó cũng là một cách để “lấy ngắn nuôi dài”. Sơn Hà từ trước nay phát triển theo nguyên tắc lấy sản phẩm hiện hữu, tạo ra lợi nhuận lấy ngân sách cho nghiên cứu sản phẩm mới. Như sản phẩm gia dụng đang phát triển ở mức cao nhất của nó rồi và đang đi ngang. Nếu kéo dài thêm thì sẽ giảm sút dần. Nên trong tương lai phải có con em của các sản phẩm hiện hữu - đang là “bò sữa” để thay thế. Và cứ thế, lớp sản phẩm ấy lại làm nhiệm vụ sản phẩm chủ lực, bình thường để nuôi những ý tưởng, những lớp sản phẩm tương lai mà có khi bây giờ ta chưa thấy.
Có vẻ “số” anh thích đi tiên phong, mà tiên phong thì cũng đồng nghĩa với chọn con đường hơi khó đi?
Cũng có thể là vậy.Như tôi đã nói trước đó, tiên phong là tính cách thương hiệu của tôi trong kinh doanh rồi. Mà muốn trở thành người tiên phong, doanh nghiệp tiên phong thì tôi phải tiên phong chứ (ông Lê Vĩnh Sơn cười vui vẻ). Và chúng tôi chọn cách đó để đi theo mà không thấy lạ hay khác thường gì. Tuy nhiên cũng tùy vào cách suy nghĩ khác nhau của mỗi doanh nghiệp. Có doanh nghiệp nói bây giờ mà nghiên cứu phát triển thì bao giờ mới ra được sản phẩm, có rủi ro không, âu cũng là cách của họ.