Ngày 11.11 vừa qua, tổ chức Varkey Foundation công bố danh sách Top 10 giáo viên xuất sắc  toàn cầu năm 2020. Trong đó, VN lần đầu tiên có một giáo viên được vinh danh là cô Hà Ánh Phượng, giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (H.Thanh Sơn, Phú Thọ). Trước đó, tháng 3 năm nay, cô Phượng cũng đã vào Top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu do tổ chức này bình chọn. Đặc biệt hơn nữa, cô Phượng là một giáo viên người dân tộc Mường, dạy học ở một trường miền núi, nơi có trên 80% học sinh cũng là người dân tộc thiểu số.

PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Hà Ánh Phượng về hành trình đến với kỳ tích tuyệt vời này. 

Sinh ra và lớn lên ở miền núi, dạy học cũng ở trường miền núi. Vậy làm sao để chị có thể trở thành một giáo viên xuất sắc toàn cầu?

Tôi sinh ra từ vùng quê nghèo tại xã Thượng Long, một trong những xã đặc biệt khó khăn của H.Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Nhà tôi đối diện một trường học, nên ngay từ bé tôi đã thích trở thành giáo viên. Năm lớp 6, tôi được vào học trường nội trú của huyện và bắt đầu được học tiếng Anh. Là học sinh dân tộc thiểu số nên tôi cũng gặp những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với ngoại ngữ. Tôi đã nỗ lực để học qua những phương tiện khác, như xem những bản tin trên truyền hình, tìm mua những tờ báo tiếng Anh cũ để học từ mới. Đặc biệt, tôi được các thầy cô dạy tiếng Anh giúp đỡ và “chắp cánh” cho mình, nên đã trở thành học sinh giỏi môn tiếng Anh, thi đỗ vào Trường ĐH Hà Nội. Năm 2013, tôi tốt nghiệp đại học và tiếp tục học, tốt nghiệp thạc sĩ loại ưu cũng tại ngôi trường này.

Khi còn là sinh viên năm thứ 2, tôi đã đi dạy ở các trung tâm ngoại ngữ và làm phiên dịch cho các đoàn quốc tế đến VN. Trong 3 năm, tôi đã phiên dịch cho các đoàn đến từ 18 quốc gia. Vì thế, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được một công ty nước ngoài mời làm giám đốc đại diện, với mức lương 30 triệu đồng/tháng, nhưng tôi vẫn quyết định trở về quê hương để làm cô giáo làng.

Khi đó, chị có trải qua khó khăn nào không?

Khi tôi quyết định về quê, bạn bè ai cũng phản đối. Bạn thân của tôi bảo tôi bị điên, vì dạy tiếng Anh thì chỉ ở thành phố mới có cơ hội phát triển. Bạn bè nói mỉa mai: “Mày tụt hậu là cái chắc”. Bố mẹ tôi thì ở quê, nên ủng hộ vì tôi quay về sẽ có biên chế, được đặc cách xét tuyển mà không phải qua thi cử.

Tuy nhiên, lần đầu tiên đi dạy, tôi rất bất ngờ, bởi học sinh ở đây không như những học sinh mà tôi đã từng dạy ở các trung tâm ngoại ngữ. Để dạy được học sinh hiểu là rất khó khăn. Hơn nữa, phần lớn các em học chỉ với mục tiêu để thi tốt nghiệp. Một số em còn không biết tra từ điển, học chỉ vì điểm thôi. Khi ấy bạn thân của tôi bảo: “Mày còn lâu mới thay đổi được!”. Tuy nhiên, tôi lại có niềm tin là học sinh dân tộc sẽ có khả năng học ngoại ngữ vì bản thân các em đã nói được 2 ngôn ngữ rồi (tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số). Vậy là tôi vẫn không bỏ cuộc.

Rồi sau đó chị đã làm gì?

Tôi đã trăn trở rất nhiều để làm sao giờ học không bị trôi qua vô nghĩa. Làm sao để học sinh thấy tiếng Anh thân thuộc như tiếng dân tộc của mình. Tôi luôn tâm niệm “Anh ngữ là sinh ngữ”, học ngoại ngữ phải có môi trường mới hiệu quả được. Khi đi dạy ở trung tâm, tôi đã thường xuyên kết nối học sinh với người nước ngoài như dẫn học sinh ra bờ hồ (hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội - PV) để nói chuyện với khách Tây..., nhưng ở miền núi này, không phải điểm du lịch nên rất khó để có người nước ngoài. Vì vậy, tôi đã lên mạng tìm kiếm và kết nối.

Năm 2018, tôi tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT, được tìm hiểu về công nghệ thông tin ứng dụng trong giáo dục, gặp gỡ những đồng nghiệp truyền cảm hứng và biết tới một diễn đàn toàn cầu của Microsoft - nơi các giáo viên khắp thế giới tham gia chia sẻ, hỗ trợ nhau. Đó là một trong những bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp dạy học của tôi. Từ đây, tôi được giao tiếp với cộng đồng giáo viên thế giới, cùng thiết kế bài học, chia sẻ chuyên môn. Tôi kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh các nước khác, gắn liền với nội dung bài học, mở ra những lớp học xuyên biên giới.

Chị có thể chia sẻ về “lớp học trên mây” của mình đã được thực hiện ra sao?

Tôi đã dùng Skype để kết nối với giáo viên và học sinh ở nước ngoài trong cộng đồng giáo dục Microsoft. Lúc đầu, việc kết nối chỉ mang tính giao lưu, nhưng sau đó tôi đã thiết kế bài giảng từ sách giáo khoa. Ví dụ, sách giáo khoa có bài đọc về Dangdut - loại nhạc dành cho giới trẻ ở Indonesia. Thông thường, học sinh sẽ đọc bài trong sách rồi tìm ra ý chính và làm bài tập là kết thúc tiết học. Thế nhưng, tôi đã liên hệ với một cô giáo người Indonesia trên diễn đàn, kết nối Skype rồi cho học sinh xem các bạn ở Indonesia hát, múa và chia sẻ về thể loại nhạc đó.

Tôi cũng thiết kế các tiết học để học sinh giới thiệu các đặc sản vùng miền hay các văn hóa dân tộc của chính quê hương mình. Trong tiết học như vậy, các em trở thành các “diễn viên” trên sân khấu để biểu diễn các điệu múa dân tộc hay làm “ẩm thực gia” để quảng bá các món ăn của VN với bạn bè quốc tế…

Học sinh của chị đã “chuyển động” như thế nào với lớp học này?

Lúc đầu, học sinh còn rất e ngại vì các em vốn nhút nhát và chưa bao giờ được tiếp xúc với người nước ngoài. Nhưng tôi đã “mồi” bằng cách cho các em tự kết nối qua thư điện tử và mạng xã hội với các bạn đã từng kết nối ở lớp học. Từ đó, các em không còn ngại giao tiếp nữa. Thậm chí, bây giờ các em còn “sành điệu” hơn cả tôi. Đặc biệt, học sinh của tôi rất thích học, tự tin, giao tiếp tốt hơn, hiểu biết hơn và say mê với mô hình lớp học xuyên biên giới. Có em tham gia nghiên cứu khoa học về mô hình này đã được giải nhì cấp tỉnh trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Em đó cũng vừa thi đỗ điểm cao vào Trường ĐH Hà Nội và ước mơ làm cô giáo như tôi. Đó là động lực mà tôi càng muốn cố gắng hơn.

Trong quá trình dạy học xuyên lục địa như vậy, chị ấn tượng nhất với buổi học nào?

Ấn tượng nhất là buổi học mà tôi thất bại. Đó cũng là buổi học trực tuyến đầu tiên tôi kết nối học sinh với một thầy giáo ở Brazil. Khi thầy xuất hiện trên màn hình, học sinh của tôi rất bối rối, có em thảng thốt: “Ôi ông Tây kìa”. Rồi khi thầy làm quen hỏi han, thì các em chỉ biết nói mỗi từ “hello” (xin chào) rồi lại cúi gằm mặt. Từ buổi học đó, tôi cũng đã rút kinh nghiệm cho mình. Tôi không chỉ kết nối với giáo viên, mà còn kết nối với học sinh, sinh viên các nước để các em cảm thấy gần gũi hơn. Từ đó, học sinh của tôi đã tự tin và có kỹ năng giao tiếp tốt hơn.

Tôi cũng ấn tượng với những buổi dạy học dự án. Để học sinh có những kiến thức liên môn, tôi đã cùng các em thực hiện dự án mang tên “Nói không với ống hút nhựa”. Buổi thuyết trình về dự án của tôi và học trò đã kết nối với học sinh đến từ hơn 7 quốc gia của 4 châu lục. Trong tiết học này, học sinh của tôi đã mang đến những sản phẩm ống hút tre do chính mình làm ra và tự tin thuyết trình dự án, với mong muốn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới bạn bè quốc tế. Giờ đây, dự án của tôi đã đến được hơn 40 quốc gia.

Được biết, chị còn hỗ trợ các học sinh khó khăn của các nước, quá trình đó được thực hiện ra sao?

Khi tìm hiểu thông tin, tôi đã biết có nhiều học sinh khó khăn. Để giúp đỡ cộng đồng, tôi cùng một nhóm giáo viên chuyên môn tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia. Sáng chủ nhật hằng tuần, tôi cùng một giáo viên Ấn Độ chia nhau ra dạy cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Đồng thời, tôi cũng dành thời gian dạy văn hóa VN cho những trẻ em gốc Việt ở California (Mỹ). Có lẽ những đóng góp này giúp tôi từ “vườn chuối” vào Top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu (cười).

Tôi vẫn hay đặt tiêu đề cho những câu chuyện của mình khi kể với giáo viên trong nhiều hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin là “Từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới”. Không ngờ, tôi không chỉ nhìn mà còn có thể với tới.

Chị đã suy nghĩ gì khi mình trở thành giáo viên xuất sắc toàn cầu?

Từ khi được vinh danh là 1 trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu, tôi lại càng cố gắng hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Tôi đã trực tiếp đi chia sẻ về mô hình lớp học xuyên biên giới với giáo viên ở các tỉnh thành trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tôi làm hơn 100 video dạy tiếng Anh miễn phí phát trên kênh YouTube. Tôi cũng tiếp tục cùng học sinh thực hiện dự án quốc tế “Phòng chống bắt nạt trẻ em trên không gian mạng”, để trang bị cho học sinh toàn cầu các kỹ năng tự bảo vệ mình.

Tôi quan niệm “khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi”, nên luôn nỗ lực hết mình dạy học bằng các phương pháp sáng tạo. Điều tôi mong muốn là “chiếm lĩnh” trái tim của học trò, để truyền cảm hứng và giúp các em trở thành những công dân toàn cầu. Tôi đã bật khóc khi “lội ngược dòng” để trở thành 1 trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Điều này không chỉ có ý nghĩa với bản thân tôi mà còn có ý nghĩa với rất nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là những người thầy ở vùng khó khăn. Giờ đây, từ vườn chuối, chúng tôi đã có thể chạm tay ra bên ngoài thế giới.


Báo Thanh Niên
22.11.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top