Đều đặn tuần này sang tháng khác, 5 nữ giáo viên trẻ lại đeo ba lô lội qua 9 con suối, cắm bản đưa cái chữ đến với học trò Vân Kiều ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình). Các em ở trong bản ra học bên ngoài cũng phải băng từng ấy quãng rừng vời vợi.

>> TRƯƠNG QUANG NAM

Sau mấy tiếng đồng hồ vượt qua nhiều chặng đường, trong đó có đường 10 xuyên đông tây Trường Sơn đèo dốc khúc khuỷu, tôi có mặt tại đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đoạn trước trụ sở UBND xã Lâm Thủy để hội quân vào bản.

Từng lặn lội nhiều nơi, nhưng khi thấy nhóm “người dẫn đường” của thầy giáo Ngô Mậu Tình (Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy) không có xe pháo gì, tôi ngớ người. “Đi bộ dễ hơn”, anh Tình bảo. Rồi anh đưa ra 2 lựa chọn: lội suối mất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ nhưng phải qua 9 con suối, còn đi đường vòng khô ráo mất khoảng 2 tiếng rưỡi vì khoảng cách xa, nhiều đèo dốc. Tôi quả quyết: Đi đường suối.

Những ngày đó trời không mưa, nước suối chảy hiền hòa hơn nhưng nhiều đoạn ngập sâu gần hết chân. Ớn nhất là khi qua những đoạn suối chảy xiết, nước cuồn cuộn, chúng tôi phải dò dẫm từng bước. Đá cuội lởm chởm dưới đáy rất trơn, chỉ sơ sẩy là té ngã… Nín thở mà bước, nhưng vừa thở phào vì vượt một đoạn suối an toàn, đã lại thấy suối mới cách đó một quãng ngắn. Các con suối lượn quanh, có lẽ “dùng dằng” như không muốn thoát nhanh về xuôi, không muốn rời núi rừng Bạch Đàn.

Dân ở bản Bạch Đàn cõng người đau ốm qua suối đến cơ sở chữa bệnh

Được nửa chặng đường, anh Tình đã thở hổn hển. Vì anh phải mang theo ba lô to tướng chất đồ dùng bên trong. Thầy giáo Tình mới từ trường huyện tình nguyện lên Lâm Thủy nhận nhiệm vụ chừng hơn tháng. Anh đã đi khảo sát tình hình thực tế phụ huynh, học sinh và công tác giảng dạy ở các bản Eo Bù - Chút Mút, Tân Ly. Bây giờ là điểm đến Bạch Đàn.

Xế trưa, từng mái nhà sàn lúp xúp dần hiện ra phía trước. Bản vắng thưa người, có lẽ bà con đang đi rẫy. Nhà văn hóa bản khang trang nhất vùng, cũng chính là nơi các em lớp 1 và 2 học tạm vì trường xuống cấp không thể sử dụng. Bên trong, tiếng cô giáo giảng bài, tiếng ê a của học trò đang vọng ra…

Cô giáo Vân dạy tập đọc cho các em lớp 2…

Thoáng chút bối rối nơi cô giáo trẻ khi xuất hiện các vị khách không báo trước. Đám học trò nhỏ cũng trố mắt nhìn. Thầy Tình trấn an: “Không sao đâu, cô giáo và các em cứ dạy học bình thường nhé! Cô cõng chữ vào đây được, cớ sao chúng tôi lại không”.

Cô giáo đang giảng bài hôm ấy tên Hoàng Thị Thúy Vân, nhà ở tận xã Gia Ninh, dưới H.Quảng Ninh. Ba năm trước, Vân rời ghế giảng đường lên luôn Lâm Thủy công tác. Vân từng dạy ở bản Xà Khía, bản Tân Ly. Khi con còn nhỏ, Vân đưa cháu lên Lâm Thủy ở cùng, nay phải vào tận Bạch Đàn nên đành gửi con lại cho ông bà, cuối tuần mẹ con mới gặp nhau. Cắm bản Bạch Đàn, Vân xin ở nhờ nhà chị Hồ Thị Chóa. “Em chủ yếu ở lớp cả ngày, đến tối mới về ngủ. Đồ ăn thì khi em mua, khi người nhà mua. Bà con cũng tốt với mình!”, Vân nói. Nhưng có những đêm nằm nghe gió lùa tứ phía, một cái trở mình thôi cũng khiến ngôi nhà sàn kêu cót két, lúc ấy Vân chỉ muốn trời sáng thật nhanh để tới lớp.

… và dạy toán cho các em lớp 1

Lớp cô giáo Vân đang dạy là lớp ghép. Học sinh lớp 1 và lớp 2 chung một gian, ngồi quay lưng với nhau; 2 tấm bảng dựng hai bên. Khi 4 học sinh lớp 1 đang học toán thì 7 học sinh lớp 2 lại tập đọc. Cô Vân cứ thoăn thoắt qua lại giữa các “lớp”. Một tín hiệu vui khi ô sĩ số trên 2 bảng phấn đều ghi “vắng 0”. Số 0 kể cũng lạ nếu nhớ rằng, đây đang là vùng núi cao, học trò có cả nghìn lý do để không đến lớp như đau ốm, mưa lũ, đường xa… Trong 52 hộ dân ở Bạch Đàn, có đến 38 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, vỏn vẹn 2 hộ thoát nghèo và họ là… cán bộ cấp xã có lương. Những ngôi nhà sàn rách nát đã minh họa cho số liệu lạnh lùng đó.

Sau hồi trống tan giờ, các cháu tự động sắp xếp bàn ghế ghép lại về một phía rồi mở tủ lấy gối ngủ ra, quét sạch nền. Hóa ra là mô hình bán trú “kiểu mới”, buổi trưa các cháu về nhà ăn cơm rồi trở lại lớp ngủ trưa, chiều dậy học tiếp. Giường chính là những mặt bàn ghế ghép lại. “Các con về ăn và nhớ đến đúng giờ nhé!”, cô giáo Vân dặn học trò. Ánh mắt cô dõi theo từng bước chân của con trẻ, khi cháu cuối cùng khuất ở góc đường mới an tâm.

Không chỉ có cô giáo Vân đang cắm bản Bạch Đàn. Có thêm 4 nữ giáo viên khác, họ đến từ những miền quê khác nhau, vào đây để cùng nuôi dạy 25 cháu hệ mầm non từ 2 - 5 tuổi.

Giờ cơm trưa, cháu nào cũng tự dùng thìa xúc ăn rất trật tự; ăn xong còn tự rửa ráy trước khi vào lớp nằm nghỉ. Một sự đổi thay rất lớn đối với trẻ nhỏ xứ heo hút này. Nhưng đổi lại, các giáo viên phải chấp nhận cảnh lăn lộn nơi rừng núi, thiếu thốn đủ bề, thiếu cả hơi ấm gia đình. Những lúc chạy xe trong đêm vắng xuyên rừng sâu, các cô thường thầm cầu mong được hai chữ “bình an”.

Chúng tôi chỉ lội suối một lần, còn các cô giáo thì thường xuyên. Họ gửi xe ở trung tâm xã, rồi dắt díu nhau băng rừng lội suối vào bản. Trên ba lô, họ cõng theo giáo án, sách vở lẫn nhu yếu phẩm. Những khi nước lớn ngập gần tới lưng quần và chảy xiết, các cô nắm chặt tay nhau, lẫm chẫm từng bước một. Vào đến bản lạnh tê tái người; ngoảnh lại sau lưng, suối vẫn đang cuồn cuộn réo…

Sau giờ học buổi sáng, học sinh cùng cô giáo kê lại bàn ghế để ngủ trưa

Mỗi khi nước dâng quá cao, các cô giáo chân yếu tay mềm đành chọn lối đi xa, lội bộ vòng qua các đèo dốc trơn trượt. Đến được lớp học thở hắt không ra hơi. Nhưng đường rừng khô ráo hơn lại dễ “vướng” lũ ống, lũ quét. Đã có bài học nhãn tiền, khiến cô nào cũng chờn chợn. Hồi tháng 6, gia đình ông Hồ Thanh Bùi ra ngoài bản rước dâu cho cháu, khi quay vào giữa trưa thì gặp mưa lớn, nước ở đâu dồn về cuốn phăng cả xe máy.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Chính (ở xã Phong Thủy) giờ đã quen với nếp lội rừng. Cứ sáng sớm đầu tuần, lúc nhiều người vẫn đang ngon giấc thì cô và các nữ đồng nghiệp phải lục đục dậy, khăn gói lên đường. Khó khăn riết rồi cũng quen. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh (ở xã Lộc Thủy) cũng ngót 4 năm cắm bản vùng Lâm Thủy. Sinh con thứ hai khi đang cắm bản Tân Ly, cô phải ẵm cháu đến ở cùng, khi chuyển vào Bạch Đàn đành phải cai sữa sớm. Nữ đồng nghiệp Lê Thị Bích Hoài cũng đang gửi 2 con nhỏ cho ông bà chăm sóc ở quê nhà Sơn Thủy… Mắt cô giáo Thanh ngần ngận nước khi nhìn xa xăm bên kia núi rừng, nghe ai đó nhắc về cảnh mẹ trẻ con thơ mỗi người mỗi nẻo.

Trên đường trở ra, thầy giáo Tình trăn trở mãi về một con đường dẫn vào bản. Ít nhất 28 học sinh từ lớp 3 trở lên của bản đang phải ra học ngoài trung tâm xã, huyện. Có đường, các em đi tìm cái chữ cũng thong dong hơn, các cô giáo lội ngược vào bản cũng đỡ vất vả…

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: T.Q.N

Báo Thanh Niên
07.01.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top