Cách đây gần một tháng, tôi có gặp gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Mơ (35 tuổi, quê ở H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) sau khi chị viết lá thư cảm ơn y, bác sĩ, điều dưỡng tại BV Nhi đồng TP.HCM vì con trai được ra khỏi phòng hồi sức tích cực (HSTC). Bé L.T.T (6 tuổi, con trai thứ hai của chị Mơ) đang điều trị ung thư thận tại đây.

Ngày gặp lại, bé T. lên được nửa ký, tự đi lại được. Thỉnh thoảng, bé đưa tay lên đầu tìm những cây tóc bạc, ôm hôn mẹ trìu mến. Ít ai biết, trước đó cậu bé này đã phải nằm ở phòng HSTC ròng rã gần 3 tháng trời.

Chị Mơ với dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt đượm buồn luôn ân cần, nhẹ nhàng với bé T. Thấy con ôm hôn, chị nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé của con. Chị vẫn cười, nói chuyện nhưng đôi mắt u buồn khi kể về nỗi đau chồng chất của gia đình. 2 con trai của chị đều mắc bệnh hiểm nghèo.

Tháng 5.2021, bé D. phát hiện bệnh muộn nên cơ hội sống không còn nhiều. Dù vậy, chị vẫn nghỉ làm, khăn gói lên BV chăm con. Anh Lê Văn Trung (37 chồng chị Mơ) ở nhà vừa sửa xe vừa chăm bé T.

Mọi hi vọng, niềm tin của gia đình dồn vào con trai thứ 2 nhưng số phận nghiệt ngã không buông tha cho gia đình chị khi bé T. phát hiện bị ung thư thận sau đó không lâu. Tháng 11.2021, bé T. có nước tiểu màu hồng. Gia đình đưa lên Cần Thơ và được bác sĩ chẩn đoán có khối u ác tính.

Bà Võ Thị Đang (52 tuổi, quê ở Long An) có cháu ngoại nằm chung với bé T. ở khoa HSTC. Gặp mẹ con chị Mơ, bà gửi ít bánh kẹo động viên bé. Nhìn bé T. ngoan ngoãn đi theo mẹ, bà Đang liên tục nói: “Gắng lên con trai nha!”. “Lâu lâu tôi bế cháu lên tái khám, thấy bé T. là thương. Cháu tôi với T. nằm chung giờ nó về được 3 tháng rồi mà bé T. vẫn còn năm đây. Bé T. là niềm hi vọng cuối cùng của Mơ. Ai gặp, ai tiếp xúc câu chuyện mới biết chứ nghe qua chắc người ta nghĩ bịa ra chứ làm gì có ai khổ như Mơ nữa. Có những lúc tôi thấy Mơ người chỉ có xác không có hồn nhưng vì bé T., Mơ vẫn gắng gượng vượt qua, tội nghiệp lắm”, bà Đang chia sẻ.

Khi bé T. vượt qua ranh giới sinh tử, chị Mơ mừng không nói nên lời. Đón con ra khỏi phòng HSTC chị xem đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Chị vui đến mức nếu có trăm tỉ, ngàn tỉ hay trúng số cũng không đánh đổi được. Dù biết quãng đường đồng hành cùng con sẽ còn đó nhiều khó khăn nhưng chị luôn hi vọng để vươn lên, không bao giờ buông xuôi. Chị biết rằng, điều gì đến cũng phải đến nhưng nhắc về con chị không khỏi nghẹn ngào.

“Con là tất cả, là lẽ sống của đời tôi. Giờ khi bận chăm bé T., tôi sẽ tạm quên đi nhưng lúc yên tĩnh tôi lại nhớ về con trai đầu. Đó là nỗi đau không thể nào chịu được, nhìn chiếc giường, phòng cấp cứu ngày trước D. nằm, tôi lại nhớ con vô cùng”, chị bộc bạch.

Chị Mơ chia sẻ, con trai đầu là động lực để chị cố gắng chăm sóc bé T. Dù bé D. không còn nhưng ký ức, hình ảnh của con vẫn còn nguyên vẹn. Đó cũng là sự nhắc nhở chị cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, dồn tình thương còn lại cho bé T. Cũng nhờ có bé D. chị có thêm kinh nghiệm khi nhìn vào tình trạng sức khỏe của con.

“Những lúc bé D. muốn được đi học, muốn được đi chơi tôi rất muốn thực hiện nhưng đã quá muộn. Khi con nói “mẹ ơi con nhớ các bạn quá”, tôi động viên cố gắng hết bệnh rồi sẽ được đi học dù biết chuyện đó là điều không thể với một bệnh nhi ung thư giai đoạn cuối. Nhờ có con trai đầu tôi mới biết đưa bé thứ hai đến BV khi thấy cơ thể con có những biểu hiện bất thường và đau đớn với kết quả siêu âm có khối u ác tính”, chị vừa nói vừa lấy tay lau những giọt nước mắt.

Trước đây, chị chỉ biết bệnh ung thư máu chỉ có trên phim, trên báo đài nhưng không ngờ căn bệnh đó lại đến với con trai mình. Chị luôn nhớ về con, nhớ khuôn mặt đẹp trai, ngoan ngoãn. Vừa nói, chị vừa nhìn sang con trai thứ hai xót xa: “Giờ bé T. cũng chịu đau đớn như anh nó. Bé T. không biết bao nhiêu mũi tiêm từ tay đến chân. Nuôi con, thấy nó đứt tay chút đã xót rồi. Giờ con bị như vậy tôi chỉ biết nhìn thôi, không gánh được nỗi đau cho nó, bất lực lắm…”

Nhiều khi chị Mơ cũng thắc mắc bạn bè cùng trang lứa ai cũng có nghề nghiệp ổn định, con cái mạnh khỏe nhưng bản thân lại rơi vào hoàn cảnh bế tắc như vậy. Nhìn con nằm trên giường bệnh thay vì được đi học, đi chơi chị chỉ biết cắn răng chiến đấu cùng con và hi vọng phép màu sẽ xảy ra với gia đình.“Tôi tủi thân lắm nhưng nghĩ ông trời đã an bài cho mỗi người một số đành phải chấp nhận. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn quyết định đồng hành cùng con, tôi không gánh được bệnh cho con nhưng sẽ bên cạnh không rời bỏ một giây, một phút nào”, chị nói và nở nụ cười tươi khi bé T. bất chợt quay sang hôn má.

Nghĩ về bé D., nước mắt chị Mơ không ngừng rơi. Trò chuyện với chị, tôi nhận ra cuộc sống của con người không đơn giản và không phải ai cũng may mắn trải qua được quy luật “sinh lão bệnh tử”. Người phụ nữ này đã từng chứng kiến đứa con mà mình yêu thương ra đi nhưng bất lực không làm được gì. Tôi im lặng lắng nghe, nắm lấy đôi bàn tay chị mong được chia sẻ nỗi đau này.

“Tôi nghĩ rằng, số của con tôi tới đó không ở với vợ chồng tôi nữa nên sẽ không níu kéo. D. mất đột ngột lắm, hai mẹ con không nói được gì với nhau. Nếu có điều ước tôi chỉ muốn được ở với nó thêm một ngày để tôi được chăm sóc, hai mẹ con nói chuyện nhiều hơn, lắng nghe ước nguyện của con vì đến giờ tôi vẫn chưa biết mong ước của con là gì. Không có từ nào diễn tả được nỗi đau này”, chị xót xa.

Chị vẫn nhớ như in câu nói cuối cùng bé D. nói “mẹ ơi, con đau quá, mẹ kêu bác sĩ tiêm morphin cho con đi”. Sau đó, bé mất. Chị vẫn tiếc nuối vì nuôi con nhiều năm trời, có với con biết bao kỷ niệm nhưng khi con đi chị không nói được lời nào với con.

Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng vợ chồng chị vẫn không chấp nhận được con đã ra đi. Lúc bé D. mất, vì dịch Covid-19 một mình chị ở bên con, chồng đứng dưới sảnh khóc - những giọt nước mắt nghẹn ngào, mặn chát.

“Khoảnh khắc đó tôi rất bình tĩnh, không gục ngã vì lúc đó con đang cần tôi đưa về nhà. Một mình, không có ai bên cạnh, nếu gục ngã sẽ không có ai bên cạnh con. Tôi cũng thương cha mẹ nhiều lắm, họ cũng thương tôi vô bờ bến. Tôi đã mắc nợ cha mẹ quá nhiều vì họ đã phải lo cho tôi rồi còn lo cho cháu. Hai bé là cháu đầu nên ông bà thương lắm”, chị bộc bạch.

Với anh Trung, chị Mơ là người vợ mạnh mẽ, cứng rắn. Anh và chị đồng hành cùng nhau và không nguôi hi vọng con sẽ mãi ở bên cạnh mình. Thương vợ, anh luôn động viên vợ bình tĩnh, giữ gìn sức khỏe để lo cho con.

“Cô ấy là người mẹ, người vợ rất tốt. Tôi làm chồng, làm cha cố gắng làm chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Có thời điểm vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ khi con nằm trong phòng HSTC chỉ biết nhìn nhau cầu nguyện con có thể vượt qua, vợ chồng cứ cố gắng hết sức có thể”, anh nói.

Khoảng thời gian chăm bé D. chồng chị thường động viên qua điện thoại vì phải làm kiếm tiền và ở nhà với bé T. Sau này, vì ám ảnh không được gặp lần cuối với con trai đầu, anh Trung tử bỏ công việc sửa xe, lên BV chăm bé T. cùng vợ.

Nhìn lại quãng đường đi tìm sự sống cho con chị chỉ biết thở dài vì đầy gian nan, mất mát nhưng hi vọng chưa bao giờ dập tắt trong lòng chị.

Chị chỉ mong bản thân và con được mạnh khỏe. Dù số phận đẩy đưa chị đến hoàn cảnh éo le nhất chị tự dặn mình không được suy sụp, không bi quan để có thêm sức mạnh đối mặt với nghịch cảnh.

“Tôi được chăm sóc con, chỉ một ngày thôi cũng vui rồi. Tôi mừng vì ông trời không lấy hết 2 đứa con của tôi. Bé T. vẫn ở đây, đó là niềm vui lớn mà tôi có được. Quà cáp, trang sức, bông hoa phụ nữ ai cũng thích nhưng tôi chỉ cần mẹ con khỏe mạnh để cùng nhau chống chọi trong hành trình đầy chông gai này”, chị bày tỏ.

Tháng 7.2022, bé T. sốt cao, nhiễm trùng, men gan cao… bệnh trở nặng. Bé được đưa từ khoa huyết học lâm sàng xuống khoa HSTC. Vợ chồng chị ở ngoài mất ăn mất ngủ, cầu nguyện con được bình an. Chị tự nhủ bản thân sẽ biến tất cả những mất mát, đau thương thành niềm tin và mong con sẽ quay về với vòng tay yêu thương của mình.

Sau thời gian dài hôn mê, bé T. đã đáp ứng thuốc và được ra khỏi phòng HSTC để chị có cơ hội tiếp tục chăm sóc. Giờ đây, thỉnh thoảng đưa con đi qua khoa HSTC, gặp một vài phụ huynh khóc hết nước mắt vì lo lắng, chị kể câu chuyện của mình để tiếp thêm tinh thần cho họ.

Chị tự nhủ nếu bi quan, cuộc sống sẽ càng thêm bế tắc, không giải quyết được gì. Trong hành trình gian nan này, cha mẹ cũng là người giúp chị vững vàng, mạnh mẽ. Chị cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến đấng sinh thành. Họ cũng quá vất vả vì con, vì cháu.

“Nhìn lại cuộc đời, tôi nhận ra sức khỏe là quan trọng nhất, bao nhiêu vinh hoa, phú quý cũng không thể nào đánh đổi được. Tôi cũng muốn nhắn nhủ với mọi người, với phụ huynh nếu có con nên sống chậm lại để quan tâm, chăm sóc cho gia đình. Tôi lướt trên Facebook thấy có những cuộc nhậu nhẹt, tiệc tùng tôi lại nhớ về những tháng ngày làm công nhân và thấy tiếc. Khi đó, đến khi lãnh lương tôi cùng mấy người trong xưởng đi ăn uống. Giờ tôi tự trách sao lúc đó không về nhà lại để con đợi lâu như vậy”, chị xót xa.

Chị Trần Thị Huyền (29 tuổi, quê ở Long An) cho biết: “Con tôi bị tay chân miệng nhưng trở nặng phải vào phòng HSTC cùng bé T. nhưng may mắn giờ con khỏe rồi. Dù vậy, đến giờ tôi với chị Mơ vẫn liên lạc với nhau. Chị quá nghị lực, kiên cường và mạnh mẽ. Tôi thường động viên chị giữ gìn sức khỏe để chiến đấu vì con, vì gia đình”.

Bác sĩ Đặng Xuân Khôi (Khoa Huyết học lâm sàng, BV Nhi đồng TP.HCM) cho biết, sau khi cắt thận bên phải bé T. được tầm soát cơ thể, dùng hóa trị để ngăn chặn tế bào ung thư. Đợt này, bé vào nhập viện hơn một tuần, dù vẫn còn nhiễm trùng nhưng tình hình đã ổn nên có thể xuất viện trong thời gian tới. Bé vẫn phải đi tái khám, theo dõi thường xuyên.


Báo Thanh Niên
27.10.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top