Lửa thử vàng gian nan thử sức, Tổng giám đốc FV khẳng định những cống hiến và tận tâm của đội ngũ y bác sĩ trong hai năm đầy sóng gió trước đại dịch Covid-19, cùng bản lĩnh, kinh nghiệm đã trải qua và sự đồng lòng vượt thử thách chính là tiền đề giúp FV vững vàng và lớn mạnh hơn bao giờ hết. 

Hình ảnh bệnh nhân ngồi, nằm la liệt khắp hành lang, các băng ca kéo dài ra tận bãi đỗ xe dưới những mái che cơi nới, tiếng còi xe cấp cứu xé tai nối dài không ngớt cùng với những tiếng khóc đau thương, mất mát, những khoảnh khắc hy sinh quên mình…, những quyết định không quyết định được “sẽ nhận hay không nhận bệnh nhân nào” vẫn như vừa mới ngày hôm qua, sẽ còn mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi thành viên đội ngũ FV.

Chưa bao giờ FV chứng kiến cảnh tượng bệnh nhân ùn ùn kéo đến đông nghịt ở Khoa Cấp cứu, chưa kể đến số lượng bệnh nhân đã phải nằm điều trị trên băng ca từ hành lang ra đến bãi giữ xe dưới những mái lều tạm bợ. Bệnh viện cứ mở thêm phòng nào để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 là kín phòng đó, điện thoại liên tục reo: “bác sĩ ơi cứu mẹ tôi đi, cứu con tôi đi”.

“Tôi đã phải đưa ra những quyết định rất đau lòng, rất nhiều lần tôi nhìn thấy cảnh bệnh nhân đã tử vong trên xe cấp cứu khi bác sĩ ra đến nơi vì không còn phòng để tiếp nhận bệnh nhân. Những hình ảnh này sẽ còn mãi ám ảnh tôi. Tôi bất lực trong vai trò là một bác sĩ”.
BS. Trình Văn Hải Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV

“Rất nhiều tình huống chúng tôi không biết đưa bệnh nhân nào vào phòng ICU trước để cứu sống họ… Nguồn lực có hạn, chúng tôi phải lựa chọn đầy khó khăn. Đó sẽ là nỗi ám ảnh không bao giờ quên”.
BS. Nguyễn Thị Lam Giang Trưởng khoa Gây mê Hồi sức

Bệnh nhân được theo dõi tại khu cách ly thuộc khoa Hồi sức cấp cứu và Chăm sóc tích cực FV

Bác sĩ Vũ Trường Sơn - Trưởng khoa Phòng chống lây nhiễm là người đóng vai trò mọi ngõ ngách, mọi nơi, mọi lúc để giải quyết và đưa ra các vấn đề liên quan đến kiểm soát lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng, vào bệnh viện và ngược lại. Bác sĩ Sơn gần như không ngủ, mọi người có thể gặp người bác sĩ trẻ này lúc này ở Khu điều trị Covid-19, lúc sau đã thấy ở Khoa Cấp cứu, chốc lát đã cùng với đồng đội đi tiêm vắc-xin ngoài cộng đồng.

Đội ngũ đã làm việc và quên đi nỗi sợ bản thân và gia đình mình có thể sẽ bị lây nhiễm. Trong những ngày tháng khó quên ấy, nguồn động viên tinh thần to lớn cho đội ngũ tuyến đầu của FV chính là nụ cười khi xuất viện của những bệnh nhân mắc Covid, sau một hành trình kiên cường vượt qua cửa tử với tinh thần “không được phép bỏ cuộc”… Những tấm gương ấy không chỉ là lời động viên dành cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang ngày đêm làm việc tại Khoa Điều trị Covid-19, đó còn là cảm hứng chiến đấu được lan tỏa đến cho rất nhiều bệnh nhân SARS-CoV-2 vẫn đang trên giường bệnh thời điểm bấy giờ.

Bệnh nhân trên 90 tuổi xuất viện sau khi chiến thắng Covid-19
Khu vực lều tạm tại khu cấp cứu FV

Điều trị bệnh nhân Covid-19 đồng nghĩa với việc trang bị đủ phòng điều trị áp lực âm, lắp đặt hệ thống ô xy hóa lỏng, mua máy móc và bình ô xy đủ để điều trị cho một số lượng bệnh nhân tương đối, lối đi riêng và tách biệt để tránh tối đa lây nhiễm cho bệnh nhân thông thường, đồng nghĩa với đào tạo nhanh chóng đội ngũ nhân viên chưa bao giờ điều trị cho bệnh nhân lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao với tốc độ chóng mặt như bệnh nhân Covid-19, và trang bị đủ đồ bảo hộ phòng chống lây nhiễm trong điều trị (PPE). 

Muốn tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 thì phải có đội ngũ. Trưởng khoa Tim mạch - ThS-BS Hồ Minh Tuấn đã dũng cảm đảm nhận thêm nhiệm vụ Trưởng khoa Điều trị Covid-19. Dưới sự điều hành và chỉ đạo của Ban lãnh đạo, bác sĩ Tuấn đã nhanh chóng có một đội ngũ nhân lực được điều chuyển từ các bộ phận khác, đồng thời động viên, kêu gọi đông đảo các bác sĩ ở các khoa không mũi nhọn tự nguyện tham gia vào công tác điều trị tại Khoa Covid-19 của FV - nơi mỗi ngày là một cuộc chiến cân não với chuyện sinh tử khốc liệt và gần như phải ăn - ngủ - làm việc tại chỗ.

Khu điều trị nội trú Nội Khoa trở thành nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ban đầu khoa có 4 phòng, sau tăng lên 9 phòng với 22 giường bệnh. Vào đầu tháng 7.2021, khi dịch bắt đầu bùng phát cao điểm, Khoa điều trị Covid-19 được mở rộng trên toàn bộ khu nội trú tại lầu 4 với 63 giường cho người không cần máy thở và 15 giường hỗ trợ HFNC (High Flow Nasal Cannula - Liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi).

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

Do tình hình khó khăn trong việc di chuyển, đội ngũ nhân viên y tế FV đã phải tận dụng xe cấp cứu để trở về sau một ngày tiêm chủng ở cộng đồng

Vào những ngày cuối tháng 7.2022, khi đã được tiêm hai mũi vắc-xin do Chính phủ Pháp tổ chức, Pier Laurenza, nhiếp ảnh gia người Pháp, là bệnh nhân của FV, đánh giá sự chuyên nghiệp trong việc FV tổ chức tiêm vắc-xin cho cộng đồng Pháp, anh đã đề nghị FV cho mình được vào ở trong FV, được âm thầm đi theo đội ngũ để có thể ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của đội ngũ FV. Khi được hỏi “anh không sợ bị lây nhiễm sao?”, anh trả lời “tôi đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, đội ngũ tuyến đầu tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân không sợ sao tôi phải sợ”.

Báo Thanh Niên
19.09.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.