Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 1.2020, đeo hay không đeo khẩu trang trở thành một cuộc “luận chiến” tốn không ít công sức và bút mực trên mạng xã hội. Ngay tại thời điểm đó, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều quốc gia phương Tây cho rằng, việc đeo khẩu trang y tế không có tác dụng phòng, chống dịch với những người khỏe mạnh. Nó chỉ cần thiết với những người mắc bệnh và người tiếp xúc với bệnh nhân.

Đại dịch Covid-19 có lẽ đã đưa ra những kinh nghiệm khác với những bằng chứng lâm sàng giới y học đã có. Ngày càng nhiều các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc đeo khẩu trang, đặc biệt là nơi công cộng có tác dụng phòng, chống Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Và dù là loại khẩu trang nào, đeo vẫn tốt hơn là không đeo. Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nhân loại, khẩu trang trở thành món quà trong quan hệ đối ngoại quốc tế.

Ở Việt Nam, dịch Covid-19 đã thay đổi gần như triệt để thói quen không đeo khẩu trang nơi công cộng của người Việt. Cơn sốt giá khẩu trang ngay trong đợt dịch đầu tiên hồi đầu năm là một minh chứng rất rõ. Khi dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam với các ca bệnh lây nhiễm cộng đồng tại Đà Nẵng trong những ngày qua, giá khẩu trang lại tăng. Tuy nhiên, người ta không còn thấy cảnh người dân đổ xô đi mua khẩu trang nữa. Thay vào đó, khẩu trang bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở những nơi công cộng một cách tự giác mà chưa cần đến bất cứ mệnh lệnh hành chính nào.

Trong khi người dân và cả các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về tác dụng của khẩu trang thì hầu hết đều thống nhất rằng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, các loại dung dịch sát khuẩn là biện pháp quan trọng hơn và cả hiệu quả hơn để phòng chống dịch. Và khi dịch Covid-19 quay trở lại, các lọ dung dịch rửa tay lại xuất hiện ở thang máy, cửa ra vào các rạp chiếu phim, siêu thị và các cơ quan, tổ chức. Rửa tay cũng đang trở thành một thói quen nhờ Covid-19.

Hơn cả một biện pháp chống dịch “thời chiến”, sự xuất hiện của dịch Covid-19 còn khiến việc đeo khẩu trang và rửa tay trở dần thành một thói quen vệ sinh của người dân, dù vẫn còn cần một thời gian nữa.

Khi dịch Covid-19 từ Trung Quốc lan ra toàn cầu, nó đã để lại nhiều hệ lụy tệ hại. Đám mây đen đại dịch đã phủ bóng toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mức tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là 1,81%. Đây được đánh giá là mức cao vì nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có mức tăng trưởng âm. Song ở mặt khác, đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới tới nay.

Hãy xem thêm một con số. Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng trong quý 2 năm 2020, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,3 triệu người, tăng 192.800 người so với quý 1 năm 2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Khi đưa ra gói hỗ trợ người dân 62.000 tỉ mà Chính phủ dự tính có tới 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Con số đó là hơn 20% dân số của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Một con số không hề nhỏ.

Nhưng đó chỉ mới là con những số thống kê hoàn toàn vô hồn. Cuộc sống của người dân, thực tế, đang trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp đóng cửa, công nhân sẽ mất việc làm, đồng nghĩa không còn thu nhập để nuôi sống gia đình, con cái. Ở những nơi không đóng cửa, người ta cắt giảm lương và thu nhập của người lao động. 

Tiết kiệm trở thành một thói quen mới xuất hiện trong thói quen tiêu dùng của người dân. Khi thu nhập giảm, người dân bắt đầu siết chặt chi tiêu, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Du lịch, chăm sóc sắc đẹp, vui chơi giải trí... đều giảm. Điều đó không chỉ diễn ở Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn, sự lây lan của virus gây bệnh Covid-19 đã thúc đẩy những hoạt động “không chạm” trong cuộc sống thường ngày. Mua sắm online tăng một cách bùng nổ vì người tiêu dùng lần đầu tiên thấy hết sự tiện lợi của phương thức mua bán này. Kết quả khảo sát của một tổ chức độc lập tại Việt Nam cho thấy, 82% người tiêu dùng được khảo sát có mua online thời gian cách ly xã hội; trong đó 98% cho biết, sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai.

Không chỉ mua sắm, lần đầu tiên công nghệ thông tin được ứng dụng một cách triệt để vào các hoạt động của đời sống nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tránh sự lây lan của virus. Học sinh học trực tuyến, người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến, các cuộc họp cũng được tổ chức trực tuyến ngay cả kỳ họp của Quốc hội – nơi được gọi là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.

Đáng nói là, nếu như trước đây mặc cho những hô hào về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xã hội, số hóa dường như vẫn là một cuộc trường chinh đầy chông gai thì nay hoàn cảnh bất thường do dịch Covid-19 tạo ra đã trở thành một động lực đẩy cỗ máy đi nhanh hơn. Quan trọng hơn, người ta đều thấy “trực tuyến” không chỉ là học tập mà cả các cuộc hội họp cũng không làm giảm đi bao nhiêu chất lượng của các hoạt động này. Bộ Giáo dục – Đào tạo trong hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về việc dạy học trực tuyến mới đây đã khẳng định: dạy học trực tuyến là phương thức không thể thiếu và sẽ tiếp tục dạy, học trực tuyến trong những năm tới. Còn Quốc hội cũng đã quyết định tiếp tục duy trì hình thức họp trực tuyến trong kỳ họp tháng 10 năm nay vì tính hiệu quả và tiết kiệm của nó.

Công nghệ thông tin đã chứng minh tính ưu việt của nó từ lâu. Và có lẽ dịch Covid-19 chỉ giúp Việt Nam có thêm một chứng cứ thực tiễn để đẩy nhanh việc ứng dụng này mà thôi.

Dịch Covid-19 cũng đã thay đổi cách người Việt Nam ứng xử với tin tức, đặc biệt là tin giả (fake news).

Khi dịch bệnh mới xuất hiện, nó là một nỗi sợ hãi thực sự. Người dân không hề biết mình đang đối mặt với điều gì. Và đó là cơ hội để tin giả xuất hiện. Tâm lý sợ hãi của người dân chính là mảnh đất màu mỡ cho những thông tin về những ca bệnh, những người tiếp xúc, những khu vực bị phong tỏa, thậm chí cả những ca tử vong... lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, không cần kiểm chứng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch bệnh dường như cũng tạo ra cơ hội giúp các kênh thông tin chính thống lấy lại được niềm tin của độc giả. Các tòa báo đã có một cuộc chạy đua trong việc đưa những thông tin này tới người đọc một cách sớm nhất, đầy đủ, chính xác nhất. Các bản tin có lúc có tới cả triệu lượt xem. Một con số rất hiếm gặp trong “trạng thái bình thường”.

Có bạn đọc của Thanh Niên chia sẻ, giờ đây, gần như đã trở thành thói quen, đều đặn 2 lần mỗi ngày, vào 6 giờ sáng và 6 giờ chiều, người dân lại chờ đợi thông tin về các ca bệnh mới, tình hình điều trị từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Những thông tin gây hoang mang dư luận thường là thông tin sai và việc chia sẻ thông tin thất thiệt chẳng mang lại lợi ích gì cho ai, dù dụng ý hoàn toàn trong sáng. Và vì vậy, thay vì “tay nhanh hơn não”, người ta đã phải dừng vài giây suy nghĩ trước khi bấm nút chia sẻ các thông tin về dịch bệnh. Tay đã phải chịu thua não.

Tương tự, các tòa báo cũng nhận ra rằng, bên cạnh tin tức nhanh và cập nhật, những thông tin xác tín, có hệ thống mới chính là điều độc giả cần ở các tòa báo – điều mà họ không tìm thấy trên các trang mạng xã hội.

Thông tin mà cậu nhóc mẫu giáo con tôi nói với bố mình cũng là thông tin số ca bệnh được Bộ Y tế công bố vào buổi sáng sớm ngày hôm đó.

Ngày 25.7, sau 99 ngày trong “trạng thái bình thường mới”, cả nước không ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng, các hoạt động sản xuất, đời sống đang dần trở lại với những thói quen mới thì dịch Covid-19 tái xuất hiện. Lần này là ở Đà Nẵng.

Từ ngày 25.7 tới nay, chỉ mới 10 ngày trôi qua, từ Đà Nẵng dịch bệnh đã lan ra 11 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 200 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng liên quan tới Đà Nẵng, gấp đôi số ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 6 tháng trước. Các chuyên gia khẳng định, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tại Việt Nam có tốc độ lây lan nhanh hơn, đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và có thể tiếp tục lan rộng ra một số địa phương khác. Tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung là thực sự đáng quan ngại. Bộ Y tế đã phải thành lập cả một Bộ Chỉ huy tiền phương đóng tại Đà Nẵng, do một thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.

Cùng với Đà Nẵng, nhiều địa phương đã phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội ở nhiều quy mô khác nhau khi phát hiện các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ liên quan tới Đà Nẵng. Trạng thái bình thường mới vừa được thiết lập có thể sẽ bị đảo lộn, ở một vài địa phương, khu vực. 

Nhưng đó là những bất bình thường đã cũ. 

Người ta nói rằng, người Việt Nam thường chủ quan và hay quên. Song những kinh nghiệm trong chống dịch Covid-19 từ làn sóng thứ nhất đang được tận dụng tối đa. Cả Chính phủ lẫn người dân đều đang bình tĩnh hơn trước làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng, rồi Quảng Nam và các địa phương tăng liên tục trong thời gian ngắn, song lệnh giãn cách xã hội được thực hiện một cách rất cân nhắc, cẩn trọng. Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các địa phương phải tính toán chặt chẽ trước khi thực hiện giãn cách xã hội. 

Người dân cũng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh bình tĩnh hơn. Không còn cảnh đổ xô đi tích trữ lương thực, thực phẩm, hay giấy vệ sinh như những lần trước. Khẩu trang có tăng giá, song đó chỉ là phản ứng tất yếu của thị trường. Không còn cảnh tranh cướp hay xếp hàng dài vì khẩu trang. Người dân cũng tự giác mang khẩu trang để phòng dịch cho chính mình và cho người khác. Khẩu trang xuất hiện nhiều hơn ở những nơi công cộng, trong thang máy, xe buýt, công viên hay những nơi tập trung đông người. 

Tin giả trên các trạng mạng xã hội cũng ít đất diễn hơn, thậm chí còn không theo kịp tốc độ cập nhật của các kênh thông tin chính thức từ Bộ Y tế. 

Bài viết: Lê Hiệp
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
13.08.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top