Năm 2012, tôi là thành viên đoàn tư vấn về dự án phát triển bền vững cho ĐBSCL. Trở lại Việt Nam năm 2014, tôi tìm cơ hội việc làm ở lĩnh vực phát triển chuỗi nông sản bền vững. Đến 2015, tôi tham gia một dự án cộng đồng ở Bắc Trung bộ về vấn đề quản trị đất đai và tài nguyên môi trường. Dự án đánh giá việc giao đất giao rừng, sau đó tư vấn cho Quốc hội về luật bảo vệ phát triển rừng. Đấy là công việc thú vị vì tôi có điều kiện tiếp cận với bà con dân tộc thời gian dài, ở với bà con để khảo sát yếu tố tín ngưỡng, văn hóa, tập quán sinh hoạt có ảnh hưởng gì đến quản lý đất đai và rừng.
Dự án hoàn thiện năm 2017. Qua đó tôi phát hiện nhiều dự án Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, xong dự án là xóa sổ hoặc bị bỏ mặc. Tôi nghĩ cần phải thử sức ở lĩnh vực kinh tế, thiết lập doanh nghiệp tư nhân, thế mới đem lại ích lợi thực sự cho đồng bào bản địa bởi cách vận hành và tiếp cận vấn đề sẽ khác với cách làm dự án.
Điều dễ nhận thấy ở Việt Nam là mức độ thay đổi vùng nông thôn diễn ra quá nhanh. Có những ngôi làng chỉ một năm sau tôi quay lại đã thay đổi đến mức khó nhận ra. Riêng với nông sản Việt, nguồn gien bản địa mai một với tốc độ nhanh chóng, trong khi nhiều người chỉ nghĩ đến việc xuất nguyên liệu thô, tự hào về số lượng nhưng không mang lại giá trị thương hiệu quốc gia. Đó là một thiệt thòi vì ở đây sở hữu rất nhiều đặc sản giá trị, tôi thấy việc bảo tồn được nguồn gien nguyên bản sẽ là khởi đầu để xây dựng và phát triển những sản phẩm đặc biệt mang thương hiệu Việt Nam.
Giống gốc của nông sản mai một, chính là mất đi kho giá trị tài sản quốc gia. Toàn bộ mọi thứ lai sẽ khiến cái đặc trưng - bản địa không còn chỗ phát huy, và nông dân cứ mãi chạy theo nguồn giống nhập từ nước khác, chắc chắn mình sẽ thua, đó là lý do tôi bảo vệ giống bản địa. Lấy ví dụ cụ thể, khi tiếp cận đời sống đồng bào dân tộc thiểu số như Nùng, H’Mông, tôi thấy món mèn mén của họ chế biến từ ngô trắng, và qua khảo sát, tất cả họ đều công nhận mèn mén từ ngô trắng của họ ngon hơn ngô lai hiện nay. Nhưng bây giờ không dễ tìm được ngô trắng nấu, tôi nhận rõ sự tiếc nuối của họ, nhưng để khắc phục thì không dễ, vì ngô thụ phấn tự do, giống lai vào chiếm lẫn hết giống bản địa.
Tôi tìm từ hai nguồn, một là ở các viện nghiên cứu cây trồng, có những dự án nghiên cứu giống, nhưng khi tôi tìm đến, có khi việc sưu tầm giống cho dự án rồi để đó cả chục năm không ai đụng vào, thậm chí sau dự án giống bị vứt bỏ hết nên kết quả chẳng thu được gì khả quan. Tôi dành thời gian, kinh phí đi tìm trong dân, dù chưa thể trả lời liệu sau này thị trường hay cộng đồng nơi mình làm có chịu tiếp nhận hay không. Nhưng tốc độ mai một giống gốc đang diễn ra rất nhanh so với tốc độ tìm hiểu và khôi phục, nên tôi chỉ có thể cố gắng làm sớm nhất có thể. Tôi gõ cửa từng nhà nông ở vùng Tủa Chùa, Điện Biên, tìm trong kho của họ, xin họ từng bắp ngô, mang về cấy lại để nghiên cứu giống và phổ biến lại cho đồng bào. Hiện tôi đã khôi phục được 4 giống ngô có thể sản xuất theo mô hình lớn.
Tính dân gian của họ rất mạnh, đặc biệt là vấn đề truyền miệng, nhưng chỉ một đứt gãy là mất. Lịch sử chiến tranh lâu dài cũng là hạn chế để tạo nên tư duy bảo tồn giống. Bên cạnh đó, điểm yếu của tính dân gian là chỉ truyền bí quyết và dạy nghề cho người trong nhà hoặc học trò thân tín, nên rất nhiều cái mất là mất hẳn, không tìm lại được.
Một người kinh doanh không thể làm nông dân, nhưng nông dân có thể làm kinh doanh. Người kinh doanh muốn thu lợi nhanh, kiếm tiền nhanh, nông dân lại có quan niệm chậm rãi, không phải do chậm chạp, lười biếng, mà do đặc thù. Chẳng hạn ở Mỹ, nếu vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp tiếp nông dân, nhưng đến vào ngày đẹp vụ mùa, nông dân sẵn sàng bỏ cuộc gặp bộ trưởng để ra đồng, kể cả tổng thống họ cũng không màng, vì cây cối của họ quan trọng hơn. Nông dân Việt Nam cũng vậy, bà con chọn ngày đi rừng vì họ biết thời tiết ngày đó sẽ có một số loại hoa quả, thảo dược thu hoạch được, chỉ khoảnh khắc thời gian ấy trong năm mới có, nên có cho tiền bảo họ ở nhà họ cũng từ chối.
Những năm gần đây tôi dành nhiều thời gian cho vùng Tây Bắc, con người ở đây sống vô tư và tình cảm lắm dù thấy rõ sự biến đổi xung quanh diễn ra khá nhiều. Người dân vẫn đặt tình cảm trên hết, có tình cảm rồi mới làm những việc khác, điều này trái ngược với nhịp sống thành thị. Tôi gắn bó với đồng bào, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng không xa lạ, có lẽ một phần diện mạo của tôi không giống người Kinh, tiếng Việt của tôi cũng vừa phải như đồng bào, nên khi gặp nhau, chúng tôi có điểm chung, và chẳng có gì khó khăn hay rào cản nào cả.
Ban đầu khi làm việc các dự án ở Việt Nam, tôi không nghĩ mình sẽ mở mô hình kinh doanh. Nhưng càng gắn bó, tôi quyết định phải thực hiện, mục đích tạo ra chiến lược để khoảng cách giữa nông dân - đặc biệt đồng bào miền núi - trở nên gần hơn với thành thị, như thế sẽ tốt hơn cho nông dân, nông thôn, nếu không khoảng cách này sẽ ngày càng dài và cuối cùng tạo ra xung đột.
Đó là tạo ra giá trị ở đầu cuối sản phẩm, giáo dục người tiêu dùng trả mức giá xứng đáng. Một sản phẩm tôi làm ra, có hai yếu tố đối trọng là giá trị thực của sản phẩm và giá người tiêu dùng được thuyết phục trả. Cái tôi kiếm lợi nhuận chỉ là giá trị tiền bạc, chưa có giá trị vô hình. Khai thác nguyên liệu, nếu không khôi phục nguồn cung mà khai thác tận thu, mọi thứ sẽ giảm đi hoặc thay đổi, hoặc phải khai thác ít lại, nhưng tăng giá. Tôi chọn cả hai giải pháp khai thác bền vững và tăng giá. Đội kinh doanh của tôi phải chiến đấu với thị trường, thuyết phục thị trường chấp nhận vì những sản phẩm đặc sản là quý hiếm.
Tôi từng xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản, khi bán ở thị trường Mỹ đắt gấp 8 lần so với sản phẩm cùng loại ở thị trường, và người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua vì biết đằng sau đó là câu chuyện của giống, của sản xuất, vùng nguyên liệu, chỉ dẫn địa lý, yếu tố văn hóa, con người... Và họ sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu. Ở Việt Nam, giá trị vô hình rất nhiều, nhưng đang bị bỏ quên một cách hoang phí. Vài năm gần đây, tôi nhận thấy tín hiệu tốt từ thị trường những người tiêu dùng thông minh, họ chú trọng nhiều đến giá trị vô hình này. Giá trị vô hình là vốn quý không chỉ mang lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng, mà còn đưa sản phẩm lên tầm quốc gia, quốc tế.\
Thích nghi về văn hóa, đời sống không khó, nhưng tôi gặp khó về cấu trúc luật, cơ sở hạ tầng đầu tư. Ở lĩnh vực sản xuất, gắn với nông sản, chi phí vận hành ở Việt Nam không rẻ hơn so với nước ngoài, trừ giá thuê nhân công. Lấy ví dụ tôi làm ra sản phẩm rượu Gin chiết xuất từ các thảo mộc tự nhiên bản địa ở Lào Cai, Điện Biên, các máy móc đều phải nhập với giá cao, mức thuế cao. Một cái khó nữa ở đây là kê khai thuế. Nhiều cấu trúc, quy định trên giấy hợp lý, nhưng áp vào đời sống, lại ở miền cao thì không hợp với bà con, như hóa đơn điện tử chẳng hạn. Đó là bất lợi khi xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng đặc sản.
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư sinh vật học, nên có kiến thức về chưng cất rượu. Thời gian tôi nếm mật nằm gai với đồng bào, khi theo họ đi chưng cất rượu ngô, tôi nhận ra giá trị tạo ra quá thấp. Chỉ 7.000 đồng/kg ngô, rượu bán ra được 30.000 đồng/lít. Tôi nghĩ để tạo ra giá trị nông sản thô từ ngũ cốc, rượu sẽ là bài toán của nền tảng nông nghiệp.
Các nước châu Âu, châu Phi, nông dân gặp khó khăn làm sao để bảo quản ngũ cốc, và chiết xuất rượu là cách hợp lý. Ở Việt Nam lại không có thương hiệu quốc gia về rượu uy tín. Tôi lấy rượu làm sản phẩm nền tảng, tập trung khâu nghiên cứu, chế biến, nghiên cứu và học hỏi văn hóa truyền thống Việt, áp dụng xây dựng thương hiệu Sông Cái, tái đầu tư cho cộng đồng, từ mô hình này sẽ ứng dụng vào nhiều dòng nông sản khác, mục đích muốn thay đổi suy nghĩ của người Việt và người nước ngoài về chất lượng những thứ chế biến từ nông sản Việt Nam.
Tôi đang quan tâm vào lĩnh vực lên men trong các nông sản như ngô, trà... Tôi nhận ra cách lên men ở Việt Nam trong thực phẩm rất khác các nước, tôi nghiên cứu các quy trình và kiến thức bản địa, phổ biến thành phương pháp, cảm quan, kết hợp cùng công nghệ và nghiên cứu khoa học. Các nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... công nghệ, kinh tế, kỹ thuật rất phát triển nhưng họ vẫn giữ lại văn hóa truyền thống trong kỹ thuật lên men rượu, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia như Sake, Sochu, Mao Đài... Ở Mỹ, một chai Mao Đài có giá 600 - 700 USD, bởi họ đầu tư nhiều vào thương hiệu, trong khi về nền tảng họ chẳng khác rượu quê ở Việt Nam là mấy. Trà Phổ Nhĩ cũng vậy, cách làm của họ là đẩy mạnh thương hiệu, không lùi giá.
Một trong những điểm yếu của người Việt là tinh thần cộng đồng không thực sự mạnh mẽ. Để xây dựng thương hiệu quốc gia, cần sự chung tay chứ cá nhân hay nhóm nhỏ thì không thể. Tôi từng thử nghiệm trong lĩnh vực của mình, nếu tập hợp doanh nghiệp là người nước ngoài, việc kết hợp rất dễ, nhưng với người Việt thì họ lại cho rằng làm thế sẽ bị cạnh tranh. Mô hình doanh nghiệp của tôi không nhỏ nhưng cũng chưa lớn đủ để lan tỏa và chấp nhận chịu rủi ro, tạo giá trị tối đa cho nông dân, để họ không bán đất, không mang giống lai về, chúng tôi biết quý giá công sức nông dân bỏ ra. Nguồn tài nguyên Việt Nam rất phong phú, chất lượng cao, nhưng chưa được chính thị trường trong nước đón nhận, trong khi nông dân dễ dàng bán tài nguyên cho bất kỳ ai miễn có mức giá tốt, nếu không kiểm soát việc này sẽ mất dần những vốn gien quý mà không dễ phục hồi lại được.