>> NGỌC AN (THỰC HIỆN)
Mấy năm trước, gặp đạo diễn Đào Trọng Khánh, lúc nào cũng được nghe ông kể chuyện say sưa, giọng sang sảng. Giờ bước chân ông đã chậm hơn, những ký ức cũng không trở về một cách liền mạch, mà có lúc đứt quãng. “Sang tuổi 80, tôi thấy yếu đi nhiều. Muốn viết thêm nhưng lại không có sức”, đạo diễn Đào Trọng Khánh nói, tay ông cầm cuốn truyện ký Đất và người còn thơm mùi giấy mực đưa cho tôi.
Từ năm ngoái đến năm nay, ông viết tập truyện ký Đất và người để kể những câu chuyện trong quãng đời 50 năm đi quay phim, làm phim, những vùng đất ông đi qua, những con người ông đã gặp. Đó là vị lãnh tụ, những nhà lãnh đạo đất nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cho đến những người bạn, đồng nghiệp của ông như Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Thanh Tùng… “Họ sống thế nào, tôi cố gắng viết như thế, cũng giống như tôi làm tư liệu thôi”, đạo diễn Đào Trọng Khánh nói.
Trong sách của ông, có những câu chuyện về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Ông viết ra để “bù” lại những điều chưa đưa hết vào những bộ phim mình đã thực hiện?
Đó chỉ là một lý do thôi. Tôi chủ yếu được giao làm tư liệu phim về lãnh tụ, những nhà lãnh đạo đất nước, nên tôi được gần họ, từ Bác Hồ, những người bạn của Bác, đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Tôi quay phim về ông Giáp cũng phải đến gần 40 năm từ khi ông còn trẻ đến khi ông mất, quay phim về ông Đồng từ khi ông làm Thủ tướng cho đến khi ông qua đời. Tôi gặp Bác Hồ và quay phim Người nhiều nhất vào những năm 1968 - 1969. Khoảng thời gian đó, Bác cũng đã yếu đi. Tôi muốn viết ra những câu chuyện được nghe, được biết, được chứng kiến về họ. Đó là những người lãnh đạo mà theo tôi là hiếm có, có công lớn với dân, với nước, những con người tốt và bình dị. Phải nói kỷ luật Đảng rất nghiêm đó cũng là một may mắn, nhưng theo tôi còn do bản lĩnh của họ nữa.
Điều mà ông cảm nhận được sau những cuộc gặp gỡ, trò chuyện và quay phim những vị lãnh đạo của đất nước?
Tôi muốn gọi họ là những nhà lãnh đạo “đi chân đất”. Trong đó, có lẽ Bác Hồ là người đi bộ nhiều nhất, từ thời kỳ làm cách mạng, đến kháng chiến. Chỉ khi hòa bình lập lại, Bác mới đi ô tô. Điều đó khác hẳn so với nhiều lãnh tụ, nhà cách mạng trên thế giới.
Không phải nhà lãnh đạo nào cũng sẵn sàng đồng ý cho làm phim về mình. Như ông Đồng, khi nghỉ rồi ông mới đồng ý để cho tôi làm phim. Ông cũng có những ý riêng do hoàn cảnh gia đình, vợ ông là bà Phạm Thị Cúc nhiều năm mắc bệnh tâm thần. Khi tôi làm, ông dặn làm đơn giản thôi, không người ta bảo thích nói về mình. Phim hoàn thành xong mãi sau này mới chiếu. Sau khi phim ra mắt khoảng 2 năm thì ông mất.
Ở gần những nhà lãnh đạo thời kỳ ấy, tôi thấy họ bình dân lắm! Ngay như ông Lê Đức Thọ, tôi làm phim thấy ông giống như người ở nông thôn vậy, mặc cả áo vá ở khuỷu tay. Khi đến biệt thự ông ở, tôi tìm mà chả thấy ông đâu. Đi vào hành lang sâu phía trong, tôi gọi: “Bác Thọ ơi!”, mãi mới nghe tiếng ông: “Tôi ở đây cơ mà!”. Nhìn ra, tôi thấy ông đang ngồi trong căn phòng bé tí.
Mỗi người mỗi tính. Ông Giáp là người cẩn thận nhưng cũng rất vui tính. Tôi gọi ông là Đại tướng, nhưng ông gạt đi và bảo: “Cậu cứ gọi tớ là anh Văn”. Có lần, nhìn thấy cái mũ phớt của tôi, ông cầm lấy đội lên đầu mình rồi cười nói: “Hồi làm cách mạng, mình cũng có chiếc mũ giống Khánh”.
Ông cũng viết về những người bạn của mình như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Phục… Nghĩ đến họ, ông nhớ đến điều gì nhất, có phải khoảng thời gian nghèo khổ, không có gì trong tay?
Hồi ấy không ai nghĩ đến có cái gì trong tay đâu. Người nào cũng nghĩ đơn giản, sống lành mạnh, tức là có gì ăn nấy, có gì mặc nấy. Chúng tôi cũng như nhiều con người trong thời kỳ ấy.
Tôi thấy về sau này, trong số những con người thời ấy sau lên làm cán bộ, có chức quyền, có một số “hỏng”, còn một số vẫn giữ những phẩm chất rất tốt. Phải nói chiến tranh giúp khẳng định con người rất mạnh mẽ. Những người thực sự sống trong chiến tranh, sống trong khoảng thời gian đó bằng sự thành thật của mình tôi cho là những người tốt.
Chơi với Lưu Quang Vũ nên ông cũng ảnh hưởng tâm hồn thơ ca của bạn mình? Và những bộ phim của ông vì thế cũng thường mang nhiều chất thơ?
Nói thế cũng không phải! Tôi làm thơ từ những ngày đi bộ đội. Tôi chỉ làm thơ chơi thôi, nhưng vui vì được bạn bè khen là lạ. Làm thơ có cái lợi là mang đến sự độc đáo trong cách nghĩ, cách nhìn của mình. Người làm tư liệu phim chuyên nghiệp như tôi, bắt đầu từ việc làm thơ có cũng giúp cho phim của mình màu sắc riêng. Phần lớn tên phim tôi tự nghĩ ra cũng khác với bình thường.
Đến giờ, ông thấy tiếc nhất chưa làm phim về ai?
Tiếc nhiều người chứ! Có nhiều người tôi đã có thể làm được, bởi mình sẵn máy quay bên người. Nhưng mỗi tuổi mỗi khác. Hồi đó, tôi chưa có ý thức tốt, vẫn còn ham chơi.
Một lần, có người viết báo hỏi tôi, lúc đó tôi hãy còn làm việc ở hãng phim, rằng: “Ông tiếc điều gì nhất?”. Tôi nói: “Tiếc nhất trên đời này là bỏ lỡ mất người”. Có nhiều người cần phải làm phim, hay viết về họ mà tôi đã không làm, trong đó có những người bạn của mình. Tôi đã không giữ được tư liệu về họ bởi lúc nghĩ ra được thì họ không còn nữa. Cho đến lúc muốn viết ra thì sức của mình không còn đủ nữa.
Ông có gặp sức ép nào khi làm phim?
Không! Tôi không có sức ép nào cả. Nhưng thực ra trong đầu mình luôn như có ai ngồi sẵn trong đấy rồi!
Ông thường đặt ra điều gì quan trọng nhất cho những thước phim của mình?
Đó là phải nói sự thật. Trong một số hoàn cảnh có phần khắc nghiệt, chúng ta có thể không thể nói hết được toàn bộ, nhưng vẫn phải khéo léo để nói ra một phần sự thật. Dù thế nào cũng phải đúng sự thật.
Có điều, về sau này, có những sự thật tôi phải tự vấn: đây có phải sự thật hay không. Nhưng có thể có những chuyện đã thay đổi, biến chuyển để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, làm cách mạng cũng là một công việc cần phải biến chuyển theo thời thế, biến diễn theo sự kiện. Nên khó ai có thể nói rằng mình làm đúng hoàn toàn được đâu.
Ông là người viết lời bình bộ phim Hà Nội trong mắt ai (đạo diễn Trần Văn Thủy). Nhiều người cứ nghĩ ông là người Hà Nội nên mới hiểu nơi đó đến vậy?
Sau khi Hải Phòng giải phóng, tôi làm công nhân ở cảng Hải Phòng. Tôi theo học điện ảnh ở Hà Nội, rồi đi B vào chiến trường. Tiếp đó, tôi làm phim tư liệu. Những người làm tư liệu thời ấy đầu tiên có 3 người là anh Ngọc Quỳnh, anh Lê Mạnh Thích và tôi.
50 năm tôi ở Hà Nội, gắn bó thân thuộc với mảnh đất ấy, nhưng về hưu tôi lại muốn về nhà (TP.Hải Phòng). Khoảng thời gian tôi ở Hà Nội, vợ tôi vẫn ở dưới Hải Phòng. Hai vợ chồng, mỗi người ở một nơi, chuyện đó ở thời tôi có lẽ cũng là bình thường.
Với ông, công việc làm phim đã mang lại cho ông những gì?
Làm phim là duyên may với tôi. Nếu tôi không làm tư liệu chuyên nghiệp thì không gặp được lãnh tụ, những người lãnh đạo đất nước, cùng nhiều những con người như thế. Tôi được đi nhiều, được biết nhiều. Đó là những thứ tôi được lớn nhất!
Xin cảm ơn ông!