Bão ngầm vừa công chiếu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người xem. Làm phim về thế giới ngầm, tội phạm ma túy cũng như một “thế giới ngầm” khác trong lực lượng CSND, những “sân sau” liên quan đến nhóm lợi ích… thường sẽ đụng phải những “vùng cấm” khi lên sóng. Là người cầm trịch Bão ngầm, anh sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Nhân vật thiếu tướng Hoạch có một quan điểm cương quyết: “Không có vùng cấm” trong xử lý án, đó là trong phim. Còn làm phim, chúng tôi vẫn có “vùng cấm” nhất định, mỗi nhà làm phim về đề tài lịch sử, văn hóa và lực lượng công an đều phải tự nhận thức được giới hạn trong sáng tác của mình. Khai thác liều lượng thế nào để không vi phạm pháp luật, nghiệp vụ ngành hay đi ngược với thuần phong mỹ tục.
Sự tha hóa của một số “con sâu làm rầu nồi canh” trong lực lượng cảnh sát hoặc cán bộ trong bộ máy lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, địa phương nào đó… cũng đã được phim ảnh khai thác nhiều, nhằm tạo sự đa dạng trong các tuyến nhân vật, tạo xung đột và sự hấp dẫn của tác phẩm đối với người xem. Tất cả đều là chất xúc tác, cộng hưởng, tôn vinh cho các tuyến nhân vật chính diện, biểu tượng của chân, thiện, mỹ. Trong phim Bão ngầm chúng tôi cũng khai thác không vượt ngoài quy phạm đó.
Tiểu thuyết Bão ngầm của TS Đào Trung Hiếu, như tác giả đã từng chia sẻ, sẽ phản ánh đúng hiện thực và tôn trọng sự thật. Vậy khi lên phim, với vai trò là đạo diễn thì sự thật đó được giữ lại bao nhiêu phần trăm?
Đúng là tiểu thuyết của anh Hiếu khá sinh động, chân thực và táo bạo. Khó có thể nói là bao nhiêu phần trăm, vì đã cắt bớt và cả viết thêm khá nhiều. Tôi tôn trọng những ưu điểm đã làm nên thành công của tiều thuyết. Tuy nhiên, khi chuyển thành kịch bản rồi lên phim, chúng tôi đã cùng bàn tính và tiết chế lại để phù hợp với định hướng phát sóng bộ phim trên đài truyền hình quốc gia và đến với khán giả toàn quốc.
Cách đây không lâu, có phát biểu rằng: “Sau khi chiếu Người phán xử, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều” (thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội). Bão ngầm cũng là một bộ phim đang đi theo đề tài như vậy. Là đạo diễn phim, anh thấy nhận xét này thế nào?
Tôi không dám lạm bàn về nhận xét ở tầm vĩ mô này, nó thuộc tầm các nhà quản lý xã hội, giáo dục, văn hóa, an ninh… Ở góc độ làm phim, tôi hiểu rằng phim truyện là hư cấu, khác với thể loại phim tài liệu và phóng sự. Với bất kể đề tài nào thì trong phim cũng cần sự xung đột, đối kháng hấp dẫn, nhằm giữ khán giả ngồi trước màn hình. Để rồi hết phim, cái đúng, cái thiện sẽ chiến thắng cái sai, cái ác một cách thuyết phục. Từ đó khán giả tự quy chiếu, đúc kết cho mình một trải nghiệm về cuộc sống qua phim. Nếu làm phiến diện hoặc giáo điều quá, khán giả sẽ nhàm chán, chuyển kênh giải trí ngay.
Phim Bão ngầm có khai thác sâu vào các băng nhóm tội phạm không? Tôi khẳng định là không. Kịch bản có khai thác về mảng tội phạm ma túy, nhưng đó là mảng nền cho các tuyến chính của lực lượng cảnh sát nhân dân. Câu chuyện phim là hành trình phá án của trinh sát ma túy, phải thâm nhập vào hang ổ của bọn tội phạm để điều tra, bóc gỡ từng mắt xích cho đến khi lộ diện chân tướng của tên trùm cuối cùng. Thế giới tội phạm chỉ mở ra theo tiến trình phá án của trinh sát và hoàn toàn phục vụ cho việc tôn vinh khí chất, bản lĩnh, sự trung kiên và cả những thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của người cảnh sát nhân dân đang làm nhiệm vụ.
Phim ảnh có tác động tiêu cực đến giới trẻ, thậm chí cổ súy cho các băng nhóm tội phạm? Tôi nghĩ là có. Nhưng với cá nhân tôi, đó là những bộ phim đang tự phát tràn ngập trên một số tài khoản YouTube, mạng internet. Không ngoại trừ cả các thể loại phim hành động, kinh dị, tâm lý tội phạm của nước ngoài sản xuất. Một loạt phim đã phổ biến khá nổi tiếng như seri Người trong giang hồ, Xác sống… Yếu tố bạo lực và đời sống tiêu cực được khai thác khá trần trụi và khốc liệt. Đó là những phim luôn gắn mác dành cho người lớn, cần có biện pháp kiểm soát đối với thanh thiếu niên.
Anh thấy giới trẻ VN hiện nay có dễ bị tiêm nhiễm khi xem những cảnh bắn nhau, nã đạn pháo, giết người trên phim không?
Ngày xưa ở quê, xem phim bộ kiếm hiệp hay những phim về thế giới tội phạm, tôi cũng ít nhiều tiêm nhiễm vào những trò chơi với chúng bạn. Vì vậy tôi nghĩ, sự tác động của phim ảnh đối với người xem là hoàn toàn tự nhiên. Tùy ở người mê phim nhiều hay ít, ý thức tiếp nhận như thế nào. Chúng ta không thể cấm sự tò mò và nhu cầu khám phá của con trẻ, quan trọng là biện pháp kiểm soát thế nào thôi. Chúng ta cũng không thể ngăn cản sự xâm nhập của phim ảnh bên ngoài, đặc biệt là trong thế giới phẳng này, internet đến với mọi nhà và mọi thứ “thượng vàng hạ cám” đều có trên đó. Quan trọng là phương pháp quản lý.
Tập đầu tiên của Bão ngầm có phần gây sốc khi có cảnh giết người từ thủ phạm là một tên ngáo đá giết 3 người thân. Sự thật thì thường trần trụi nhưng lên màn ảnh đó có thể là một trong những “vùng cấm” cần được xử lý khéo léo hơn để tránh sự phản cảm. Anh có thấy cảnh này hơi “quá tay”?
Vì đây là bộ phim về đề tài tội phạm ma túy. Tôi chủ đích nhấn mạnh tác hại của ma túy đá gây ảo giác và hậu quả nguy hiểm của nó, vốn đã xảy ra nhiều vụ án thương tâm trong thực tế. Nên cũng bàn kỹ với bạn chuyên gia kỹ xảo, làm sao để càng gây ám ảnh thì càng có tính cảnh báo cao. Xem lại, tôi thấy cũng có chút kinh dị so với trẻ em hoặc với những khán giả không mặn mà với phim kinh dị. Nếu là “quá liều” tôi cần rút kinh nghiệm về việc này.
Trong một số cảnh của những tập đầu tiên như cảnh Hùng “nhọ” đánh với đám xã hội đen hay cảnh anh ta cùng đại ca của mình đến đấu với một võ sư… có lồng những đoạn nhạc rap rất “độc, lạ”. Với một bộ phim thuộc thể loại hình sự, chính luận thì có vẻ “không giống ai”. Hỏi vui là có phải vì anh là một đạo diễn trẻ nên theo trend rap Việt?
Dòng nhạc rap du nhập VN đã lâu, nhưng chỉ thực sự bước ra ánh sáng trong khoảng thời gian hai năm gần đây. Ngày trước tôi cũng không mấy quan tâm bởi cái chất đặc trưng đường phố của dòng nhạc này, nó bộc lộ cái tôi cá nhân quá mạnh, trần trụi, thậm chí có phần dung tục.
Nhưng có thời gian đi đâu tôi cũng nghe nhạc rap, từ quán cà phê, nơi công cộng và cả truyền hình. Tôi có cơ hội tiếp xúc với một số nhạc sĩ, ca sĩ dòng nhạc này, tôi đã phải có những cảm nhận khác. Có nhiều bạn tài năng, dễ mến, sáng tác những ca khúc với ca từ tích cực, giai điệu mạnh mẽ. Vậy thì tại sao mình không thể đưa vào một số cảnh phù hợp trong phim. Tôi bàn với giám đốc âm nhạc là anh Bùi Huy Tuấn, anh ấy rất ủng hộ và ca khúc Ngông cuồng ra đời. Ca từ được trau chuốt kỹ, chia làm hai mảng, ca ngợi hình ảnh trung kiên, thầm lặng của nhân vật cảnh sát chìm và phê phán lối sống tiêu cực của thế giới tội phạm.
Nghe nói hành trình của Bão ngầm được quay trong gần 3 năm, một hành trình cũng “bão ngầm” không kém nhỉ?
Tôi đã từng nói: Có rất nhiều cơn bão trong phim Bão ngầm. Nó không chỉ trong nội dung phim, mà cả ngoài thực tế đoàn phim. Tôi đã liên tiếp đối diện hết “cơn bão” này đến “cơn bão” khác. Từ dịch bệnh, kế hoạch quay, nhân sự, phát sinh kinh phí và rất nhiều vấn đề phát sinh khác ở trường quay. Đặc biệt là thời gian tôi phải dành cho bộ phim quá dài, đến giờ cũng là ngót 3 năm. Và biết đâu, những “cơn bão ngầm” vẫn đang tiếp tục (cười).
Một câu hỏi hơi cá nhân, nghe nói đạo diễn vì quá mê nghề nên từng bán đất đai của bố mẹ để làm phim… Và “đứa con” Bão ngầm đã khiến anh cảm thấy được bù đắp lại chút nào chưa?
Đó là câu chuyện của thời tuổi trẻ “điếc không sợ súng”. Lúc đó làm phim ngắn tốt nghiệp. Gia cảnh khó khăn, tôi đã thuyết phục chị gái và anh rể cầm cố sổ đỏ nhà đất, cho tôi mượn 30 triệu tiền mặt để làm phim đầu tay. Tôi hứa là sẽ làm phim tốt và tôi đã “bù đắp” lời hứa của mình bằng kết quả giải thưởng Cánh diều bạc cho bộ phim ngắn Bờ bên kia ngay trong năm đó.
Từ phim đầu tay này cho đến Bão ngầm hôm nay, tôi đã trải qua nhiều “bờ bên kia” tiếp theo với những bộ phim khác nhau. Thành công cũng có và có thể nói là thất bại cũng nhiều. Nhưng tất cả đều bù đắp cho lựa chọn của tôi, góp phần tạo nên tôi ngày hôm nay.
Anh là một đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 8X, nhưng nhìn lại những bộ phim mà anh từng thực hiện như Đường Hồ Chí Minh trên biển, Về đất Thăng Long, Long Thành cầm giả ca (phó đạo diễn)… thì hầu như toàn là phim chính luận, lịch sử. Vì sao anh lại chọn một hướng đi kén khán giả và làm khó mình như vậy?
Đến nay nhìn lại hơn 10 năm theo nghề, đa số phim tôi làm đều là những đề tài “kén” thế này. Không biết là tôi chọn hay những đề tài này chọn tôi, có lẽ do môi trường ở Hãng phim Giải Phóng đã “kết duyên”. Tôi may mắn được tiếp cận với các dự án và đặc biệt là được học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các tiền bối nổi tiếng ở hãng phim như thầy Lê Dũng, thầy Phạm Thùy Nhân, thầy Vinh Sơn và đặc biệt là thầy NSND Đào Bá Sơn.
Những bộ phim hướng đến thị hiếu khán giả, kỷ lục phòng vé, tính giải trí được đề cao theo xu hướng hiện nay, anh có quan tâm không?
Tôi quan tâm rất nhiều là khác. Hơn bao giờ hết, tôi đang muốn làm mới, muốn dung hòa mình với những điều mới mẻ, muốn được cuốn vào sự phát triển bùng nổ của phim ảnh chiếu rạp trong thời gian gần đây. Tất nhiên, theo định hướng phù hợp với khả năng và thế mạnh của mình. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt với mình.
Tuổi đời trẻ nhưng tuổi nghề của anh cũng ngót ngét hơn 1 thập kỷ, xin hỏi đó là một hành trình thế nào: Khó khăn, nước mắt, thất bại và thành công?
Một hành trình của con thiêu thân. Lúc trẻ, tôi đã từng nổi loạn, thoát ly khỏi gia đình chỉ vì ước mơ cháy bỏng của mình. Lúc trưởng thành, tôi dành nhiều thời gian cho việc học. Ra trường, tôi lao theo lựa chọn của mình, với suy nghĩ hơi cá nhân và có phần dễ dãi: mọi thứ không quan trọng, quan trọng được sống với nghề.
Đến năm 35 tuổi mới lập gia đình, sinh con cái. Lúc này mới bắt đầu thực sự nghĩ tới trách nhiệm của mình, ngoài bản thân ra là những gì nữa. Tôi thực tế hơn và bắt đầu… nghĩ tới việc phải thay đổi.
Nếu sắp tới thực hiện một bộ phim điện ảnh thì Đinh Thái Thụy sẽ ưu tiên chọn thể loại phim gì?
Tôi đang triển khai một dự án điện ảnh với đề tài tình cảm và hành động. Nếu không có gì thay đổi thì dự án đó sẽ được bấm máy trong năm nay. Tôi hy vọng mọi sự hanh thông!
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!