Sau vai trò Tổng đạo diễn của nhiều sự kiện quốc gia, quốc tế như Hoa hậu Việt Nam (HHVN), Liên hoan phim (LHP) Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Haniff... cùng loạt game show nổi tiếng, tên tuổi Hoàng Nhật Nam đến nay đã trở nên quen thuộc trong làng giải trí. Anh được nhiều người ưu ái gọi là "phù thủy sân khấu" nhưng Hoàng Nhật Nam chỉ nhận về mình danh xưng "đạo diễn" đúng với cái nghề đã chọn anh cách đây gần 10 năm. Chúng tôi gặp nhau vào một buổi chiều trời Sài Gòn mưa tầm tã để nghe anh trải lòng về cái duyên đưa anh đến với nghề.

Có những “duyên nợ” trong đời không thể biết trước Tốt nghiệp thạc sĩ văn học nhưng lại theo nghề đạo diễn. Trước đây anh từng tâm sự với tôi rằng nghề này đã chọn anh?

Trước đây, tôi ước mơ làm nhà báo hoặc kiến trúc sư nhưng sau khi tốt nghiệp thạc sĩ văn học Việt Nam, tôi học tiếp ngành đạo diễn điện ảnh. Nghệ thuật với tôi có sức hấp dẫn khó cưỡng và không có giới hạn. Tôi khát khao được biến những ý tưởng, hiện thực hóa suy nghĩ thành tác phẩm trình diễn sống động với hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Từ những chương trình ca nhạc có truyền hình trực tiếp, những cuộc thi sắc đẹp ở khu vực phía Nam, tôi đã bén duyên dần với sân khấu trình diễn từ những năm 2009. Rất may mắn là tôi "nhập cuộc" khá suôn sẻ. Tổ nghiệp hình như có sự ưu đãi nào đó cho tôi.

Mỗi khi có chương trình, nhìn anh gầy rạc đi vì hao hơi tổn sức. Tại sao anh phải vừa viết lách vừa dàn dựng, phải chăng khi “ôm” hết việc thì anh mới an tâm?

Tôi có thể làm mọi thứ, từ lên ý tưởng, chấp bút viết kịch bản văn học, lời bình đến dàn dựng sân khấu.Vì tôi nắm rõ từng khâu, tỉ mỉ trong từng chi tiết, nhờ vậy tôi mới kiểm soát chương trình, nội dung chặt chẽ và luôn trong tâm thế chủ động. Tuy nhiên, khi công việc ngày càng bận rộn, nhiều dự án đến cùng lúc, tự mình không thể ôm đồm nhiều được, tôi định hướng cho ê kíp thực hiện và hướng dẫn. 

Xem các chương trình anh đạo diễn luôn thấy màu sắc riêng biệt về sự lãng mạn, bay bổng. Đó có phải là “gu riêng” của Hoàng Nhật Nam khi anh là dân chuyên văn?

Có lẽ vì yêu thi-ca-nhạc-họa, yêu những chất liệu văn hóa dân gian và cả nghệ thuật đương đại mà trong từng chương trình tôi dàn dựng đều có hình bóng văn hóa dân tộc và luôn có sự giao hòa giữa truyền thống và hiện đại. Dù là chương trình thiên về một lĩnh vực “khô khan” nào đó theo như mọi người thường nghĩ, tôi vẫn có cách xử lý đưa thi-ca-nhạc-họa vào để làm “mềm” đi, nhờ đó thông điệp được truyền tải đến khán giả cũng tự nhiên và gần gũi hơn. Tôi luôn nỗ lực dung hòa 2 yếu tố: tính nghệ thuật và tính giải trí. “Cuộc sống áo cơm ghì sát đất” vốn đã đầy những lo toan, căng thẳng. Do đó, rất cần sự lãng mạn, bay bổng nghệ thuật để giải khuây tâm trí khán giả.

Anh từng ghi dấu ấn với HHVN, LHP Việt Nam và quốc tế, loạt game show ăn khách nhưng dường như đó chưa phải là tất cả lĩnh vực anh đang góp mặt. Phải chăng còn thêm những lĩnh vực khác mà mọi người chưa biết đến?

Ngoài các cuộc thi nhan sắc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật cấp quốc gia như liên hoan, lễ hội, game show thì tôi còn đảm nhận vai trò giám đốc mỹ thuật của tạp chí, đạo diễn của chuỗi chương trình truyền hình, phim ngắn, sitcom hài, phim điện ảnh… Mỗi lĩnh vực nghệ thuật đều là thử thách và là cơ hội để mình được dấn thân, cống hiến và trải nghiệm. Tôi muốn có nhiều trải nghiệm và đó là cơ sở để dần định hình cho mình hướng đi rõ ràng nhất. 

Cái tên Hoàng Nhật Nam còn gắn với chương trình biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ đã tạo được tiếng vang nhất định, thu hút sự chú ý của truyền thông và khán giả. Vì sao anh dấn thân vào loại hình khá mới mẻ và cả khó khăn này?

Bản thân tôi khi có điều kiện xem các show nghệ thuật ở nước ngoài, lúc ấy tôi đã rất mê mẩn và luôn tâm tư làm sao, đến khi nào mình cũng thực hiện bằng được một show diễn để quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch cho Việt Nam. Đất nước mình hơn 4.000 năm văn hiến, địa linh nhân kiệt… những chất liệu và yếu tố văn hóa mình nào có thua ai. Cái thiếu là vốn đầu tư và huy động chất xám con người. Khi nhà đầu tư ngỏ lời, như cơ duyên đã đến, sau khi trao đổi kỹ lưỡng và loại bỏ hết gút mắc, tôi cùng ê kíp dốc sức nghiên cứu, tham vấn những chuyên gia lịch sử văn hóa, ăn dầm nằm dề nhiều tháng ở miền Bắc để thai nghén và cho ra đời đứa con tinh thần mang tên Tinh hoa Bắc bộ. Và đây chỉ là khởi đầu, thời gian sắp tới tôi đang ấp ủ nhiều dự định thêm cho mảng này. 

Là một đạo diễn đa năng, có phông nền kiến thức vững, đó hoàn toàn là do thiên bẩm, nỗ lực cá nhân hay do anh được thừa hưởng từ “chiếc nôi nghệ thuật” gia đình?

Gia đình tôi không ai làm trong lĩnh vực nghệ thuật cả. Ba tôi là nhà báo và mẹ là giáo viên nhưng cả hai đều có tính cách rất nghệ sĩ. Mẹ hát hay, ngâm thơ, thêu thùa may vá, viết văn, vẽ đẹp. Ba thì viết lách, đàn hát với guitar, khiêu vũ điêu luyện… Tình yêu nghệ thuật có trong con người tôi một cách tự nhiên như hơi thở. Tôi thích viết lách, thích vẽ tranh và cũng cảm thụ âm nhạc khá tốt. Tính cách con người tôi chắc được thừa hưởng nhiều từ mẹ, có gì đó nhẹ nhàng, thích những điều dung dị, sâu sắc và nhân văn.

Cuối năm 2017, anh đã được Ban tổ chức LHP các nước Đông Nam Á và Trung Quốc 2017 (ACFF 2017) mời tham gia vào hội đồng Giám khảo tuyển chọn phim, bên cạnh các tên tuổi lớn của làng điện ảnh Đông Nam Á và Trung Quốc. Anh có thể chia sẻ thêm về lần đầu tiên làm giám khảo quốc tế?

Tôi từng đạo diễn LHP Việt Nam và quốc tế tổ chức tại Việt Nam, cũng từng tham gia sản xuất và đảm nhận vai trò đạo diễn của 2 dự án phim điện ảnh, nên LHP các nước Đông Nam Á và Trung Quốc 2017 cũng là dịp tiếp cận với phong cách làm việc, cách thức tổ chức của các nước bạn. Qua đây, tôi còn có dịp trau dồi kinh nghiệm cho bản thân, gặp gỡ với nhiều tên tuổi lớn của làng điện ảnh ASEAN và Trung Quốc. Có khi đó là tiền đề cho những dự án hợp tác điện ảnh mang tính khu vực và quốc tế trong tương lai gần. Tại khuôn khổ LHP này, tôi đã cùng hội đồng giám khảo lựa chọn ra những bộ phim và vai diễn xuất sắc, lễ trao giải rất thành công và ấn tượng.

HHVN 2018 đã trở lại và đây cũng là mùa thứ ba liên tiếp anh giữ vai trò Tổng đạo diễn. Điều gì khiến BTC tin tưởng giao phó trọng trách này cho anh trong nhiều năm liền?

Tôi nghĩ thành công của mỗi chương trình là ở tiếng vang, là chất lượng của nội dung và hình ảnh đẹp còn đọng lại, tạo nên uy tín rộng khắp. Với một đạo diễn thì sự tin tưởng ở đối tác, khách hàng phải cần có thời gian và sự khẳng định từ những kết quả công việc cụ thể. Bản thân tôi tâm niệm thà mình không làm, còn đã làm thì sống chết gì cũng phải làm hết sức, làm tốt nhất có thể. Đó không chỉ là vì trách nhiệm mà còn vì danh dự và uy tín làm nghề. Tôi nghĩ, danh dự và uy tín có khi còn đáng giá hơn cả mạng sống.

Anh có bị áp lực khi phải vượt qua cái bóng của chính mình bởi HHVN 2016 đã thành công?

Tôi vui vì HHVN 2016 nhận được nhiều phản hồi tốt. Thực ra, tôi luôn tự đặt áp lực cho mình. Tôi ít khi so sánh mình với người khác, tôi chỉ tự so sánh với chính tôi. Tôi buộc mình vào thế khó, những yêu cầu gắt gao hơn cả đối tác, khách hàng đặt ra để tạo nên những ý tưởng đột phá. “Trong cái khó ló cái khôn” mà, nếu dễ dàng và dễ dãi quá thì ý tưởng thường hời hợt và thiếu chiều sâu.

Có vẻ như không gì có thể làm khó anh?

Vẫn luôn tồn tại những khó khăn và áp lực đó chứ! Áp lực trong nghề đạo diễn luôn khiến thần kinh căng như dây đàn, đặc biệt là với chương trình truyền hình trực tiếp, từng giây đều buộc người đạo diễn phải tập trung cao độ. Đạo diễn cũng ví như một nghề “làm dâu trăm họ”, nhiều người khen nhưng cũng lắm kẻ chê. 

Tôi tâm niệm mình làm chương trình không phải cho một người hay một nhóm người mà là phục vụ đại đa số khán giả. Thế nên, phải luôn khéo léo dung hòa nhiều yếu tố khác nhau: yêu cầu của ban tổ chức, khách hàng, thị hiếu khán giả và cá tính cá nhân của đạo diễn. Những điều đó tạm gọi là khó khăn mang tính đặc thù của nghề. Nếu không “chân cứng đá mềm” chắc chắn khó trụ lại. 

Làm Tổng đạo diễn của nhiều chương trình nghệ thuật, cuộc thi nhan sắc, tìm kiếm tài năng ca hát... tiếp xúc thường xuyên với nhiều người đẹp, nghệ sĩ, anh làm thế nào để cảm xúc của mình không bị… lạc nhịp, xao động?

Nghệ thuật là vô biên nhưng cảm xúc phải có điểm dừng. Với tình yêu nghệ thuật, tôi “say” không biết bao nhiêu trận nhưng cảm xúc trái tim thì không nên để bị… lạc nhịp. Tôi biết cuộc đời này mình sẽ khó nói trước điều gì vì từ “lạc” đến “trôi” luôn có khoảng cách rất gần. Nhưng cứ mỗi ngày chúng ta luôn biết cố gắng, biết đâu là điểm dừng, nên và không nên… thì mọi thứ sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ thế.

Vậy bà xã anh có phải là người hay ghen hay khó chịu khi anh “bị” các người đẹp vây quanh? 

(Cười) Rất may là vợ chồng tôi làm cùng ngành, cùng công ty, luôn có nhau trong công việc lẫn cuộc sống đời thường nên tôi làm gì có "những phút ngoài chồng ngoài vợ" để bà xã phải ghen. Có khi chính tôi phải ghen ngược lại vì cô ấy xinh đẹp, tài giỏi và rất cuốn hút. Tôi phải theo “giữ” mới đúng hơn.

Bà xã anh từng kể chồng mình vừa là người của nghệ thuật vừa là mẫu đàn ông gia đình. Nghe câu này “người đàn ông trong anh” thấy thế nào?

Đó là hạnh phúc của tôi (cười). Nghệ thuật là hơi thở còn gia đình là trái tim, là chỗ dựa tinh thần sau một ngày làm việc với nhiều áp lực. Tôi thích tập thể dục với các thành viên trong gia đình vào thời gian rảnh rỗi. Tôi thích cùng nhau ngắm hồ cá, cho cá ăn, sửa soạn sân vườn, trồng hoa cây cảnh, thích mua các món đồ thiết kế nội thất nghệ thuật… Gia đình giúp tôi cảm giác bình yên khi trở về, đó là nơi chốn để tái tạo những năng lượng và nguồn ý tưởng mới. Vậy nên tôi đã đang và sẽ cố gắng để làm tốt hơn mỗi ngày.

Báo Thanh Niên
09.05.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.